Hà Nội: Có một nơi 32 ngàn dân "khát"

Thứ Bảy, 28/03/2009, 19:05
Mang tiếng là người dân thủ đô, lại ở một quận nội thành, vậy mà hàng chục năm nay hơn 30 ngàn người dân ở phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) không được dùng nước sạch. Chưa biết đến bao giờ sự thật phũ phàng này mới có thể chấm dứt. 

Nước bẩn cũng phải dùng

Ông Nguyễn Văn Hảo (trú tại ngõ 226 tổ 22 phường Định Công) năm nay gần 60 tuổi nhưng đã sống trên mảnh đất này đến 40 năm có lẻ. Ông Hảo nhớ lại, khoảng hơn chục năm trở về trước, phường Định Công lúc ấy là xã Định Công, thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội). Khi đó, dân cư còn thưa thớt đặc biệt là nguồn nước còn khá đảm bảo. Nhà ông chỉ có một chiếc giếng khơi mà phục vụ đủ nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt... của cả nhà.

Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, đặc biệt là khi “lên phường, lên quận” thì dân cư ngày một nhiều. Đi cùng với nó là nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Nước giếng không còn được sử dụng để ăn, uống thậm chí tắm giặt nữa. Hiện giờ nó chỉ còn tác dụng duy nhất là... dội nhà vệ sinh!

Để có nước sinh hoạt, ông Hảo đã phải thuê thợ khoan một mũi sâu tới 40m để lấy nước ngầm lên. Thế nhưng, nguồn nước này cũng chỉ khá hơn... nước giếng một chút. Nước bơm lên có màu nâu, mùi gây gây, dùng để giặt thì quần áo bị vàng khè. Cực chẳng đã, ông Hảo phải đầu tư một “hệ thống” bể lọc hoành tráng ở trên tầng thượng để bơm nước lên lọc.

Chừng như thấy tôi chưa tin lắm về “độ bẩn” của nước giếng khoan, ông Hảo liền bảo con mở máy bơm, rồi lấy một cốc nước. Tiện có chén trà đang uống dở, ông đổ nước từ giếng khoan vào. Lập tức chén trà đổi màu thành... đen sì, nhìn mà rùng mình sởn da gà. Trong khi đó, nếu đổ nước từ xtéc mua của xí nghiệp kinh doanh nước thì chén trà vẫn xanh như thường.

Rời nhà ông Hảo, chúng tôi đến nhà bác Nguyễn Ngọc Anh, Tổ trưởng tổ 25, phường Định Công. Bác cho biết, hiện tại gia đình đang dùng nước giếng khoan từ máy của Cục Quản lý trại giam (V26, Bộ Công an). “Thứ nước này rất nặng mùi, chỉ có thể sử dụng để rửa ráy qua loa, chứ không thể dùng để ăn uống được” - Bác Ngọc Anh than thở.

Tôi thắc mắc: “Cháu nghe bảo, trong nước mưa có chất axít, mà gia đình vẫn dùng ạ?”. “Chúng tôi biết chứ, nhưng không dùng thì biết lấy gì mà ăn?” - Vợ bác Ngọc Anh phụ họa.

Thí nghiệm về độ bẩn của nước giếng khoan: Chén trà chuyển màu khi đổ nước giếng khoan vào (bên phải).

Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 23 phường Định Công. Biết nhà báo đến xác minh, anh Tuấn lôi tuột chúng tôi vào nhà, bảo: “Nhờ các anh phản ánh lên thành phố, lên trung ương, chứ chúng tôi ở đây khổ lắm rồi”.

Vợ anh Tuấn cho biết, nhà chuyển từ khu Tây Hồ - vốn nước nôi rất sẵn - chuyển về đây ở để mẹ được gần cơ quan, con được gần trường học. Cũng chỉ nghĩ là phải ăn nước giếng khoan 1-2 năm là cùng. Ai ngờ hơn 10 năm rồi mà tình hình xem ra vẫn chưa sáng sủa là bao.

Anh Tuấn định tiếp tục kể khổ nữa thì trời bỗng đổ mưa. Anh vội vàng mang đủ thứ xô chậu ra hứng. Mấy đứa con đang học trong nhà cũng bỏ dở, chạy ra sân phụ giúp bố mẹ. Hứng được xô nào, gia đình anh lại chuyền tay nhau, đổ vào một cái bể ngầm. Anh xây chiếc bể đựng được 1m3 nước này để dự trữ nước mưa.

Được biết Viện Khoa học & Công nghệ vừa tiến hành xét nghiệm nước giếng khoan tại một số quận, huyện Hà Nội. Và kết quả đo được ở phường Định Công đã khẳng định nỗi lo sợ của người dân ở đây về nguồn độc tố trong nước giếng khoan không phải là không có cơ sở.

Sáng 12/3/2009, tại gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (số 4, hẻm 112/15/20, phố Định Công, quận Hoàng Mai), Tiến sĩ Trần Văn Nhị (Viện Khoa học & Công nghệ) đã trực tiếp lấy mẫu nước ở bể chứa nước ăn, sau đó nhỏ vài giọt dung dịch thử phản ứng hóa học. Chưa đầy một phút, ống nước đang trong vắt lập tức chuyển sang màu vàng vẩn đục.

Trước kết quả này, Tiến sĩ Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni (chất được phân hủy từ các loại chất thải) rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu nước bị nhiễm với tỉ lệ thấp thì vài phút sau mới xảy ra phản ứng hóa học. Test thử này gần như lập tức xảy ra phản ứng hóa học vì tỉ lệ nhiễm amoni quá cao”.

Sau đó, ông Nhị tiếp tục đến một số hộ gia đình khác ở tổ 4, 5... trên địa bàn phường Định Công, các mẫu nước khi lấy làm các test thử đều đã được lọc qua bể cát, sỏi nên trong vắt. Nhưng tất cả các mẫu nước đó đều lập tức chuyển màu vàng, lẩn vẩn đục sau khi được nhỏ vài giọt dung dịch hóa học.

Nước sạch ư? Xin chờ nhé!

Có một điều lạ là hàng chục năm nay trong khi mà hầu như các phường lân cận như Khương Đình, Đại Kim, Phương Liệt, Hoàng Liệt... đều đã có nước máy để dùng, mà Định Công lại chưa có.

Theo ông Trịnh Văn Khánh - Phó chủ tịch UBND phường Định Công, nơi được chuyển từ xã lên phường năm 2004. Cả phường có tổng cộng 32.000 dân, chia làm 93 tổ dân phố, trải rộng trên diện tích 257ha. Đó là chưa kể số sinh viên, người lao động tự do thuê trọ ở phường. Bởi thế, nhu cầu sử dụng nước sạch tại đây hết sức bức thiết.

“Định Công vốn là xã ven đô, hiện tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Có thể chia làm 4 khu gồm 3 khu dân cư truyền thống và khu đô thị mới. Tuy nhiên, trừ khu đô thị mới có trạm nước, còn tất cả những khu còn lại, nhân dân vẫn phải dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt” - ông Khánh cho biết.

UBND phường Định Công đã nhiều lần kiến nghị lên cấp quận và thành phố về chuyện nước sạch. Vào khoảng tháng 3/2003, dự án cung cấp nước sạch của Công ty TNHH Hoàng Hà trên địa bàn phường đã được thành phố phê duyệt, cho phép khởi công xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công ty này đã thực hiện quá chậm. Làm việc với phường, chủ đầu tư cam kết sẽ có nước sạch cho dân trong năm 2007. Nhưng hết năm đó, trạm nước sạch không hoàn thành.

Còn theo ông Nguyễn Dương Sinh, Bí thư chi bộ cụm 11 phường Định Công, thời điểm trước những năm 1997 phường Định Công (lúc ấy là xã) hoàn toàn dùng nước giếng khơi hoặc giếng khoan. Từ năm 1998 đến 1999,  theo chủ trương của thành phố, mấy chục xã của huyện Thanh Trì sẽ được “giải khát” bằng những trạm nước mini. Riêng xã Định Công thì không triển khai dự án đó. Lý do là chờ nước từ dự án xây dựng khu đô thị mới tại đây.

Sau đó một thời gian, Công ty Hoàng Hà trúng thầu xây dựng khu đô thị Định Công – Đại Kim với diện tích 24 ha. Công ty này cũng được chỉ định sẽ thiết kế, thi công hệ thống nước sạch cho xã Định Công.

Tuy nhiên, dự án này được triển khai quá chậm. Suốt từ năm 2002 đến 2008, Công ty Hoàng Hà mới xây được một ít cơ sở hạ tầng cho việc cấp nước. Trước tốc độ “rùa bò” người dân hết chịu nổi, nên đến đầu năm 2009 đã quyết định không chọn đối tác cung cấp nước là công ty đó nữa, mà chuyển sang Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco (thuộc Tổng công ty Xây dựng Vinaconex).

Ngày 25/2/2009, chính quyền quận Hoàng Mai và phường Định Công đã làm việc với Viwaco về công tác giải quyết cấp nước sạch cho nhân dân trong phường, có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai. Trên cơ sở kết luận của UBND quận, Công ty Viwaco đã thảo “Phiếu thăm dò” ý kiến cộng đồng gửi tới các hộ trên địa bàn phường về phương thức và trình tự tham gia của các hộ dân trên địa bàn. Trong đó có hai nội dung chính:

Một là, đóng góp chi phí xây dựng lắp đặt đấu nối nước vào nhà đoạn từ ống dịch vụ đến tường rào nhà dân (bao gồm cả cụm đồng hồ) với khoảng cách tối đa không vượt quá 5m/1 đồng hồ đấu nối, kinh phí được lập theo đơn giá xây dựng cơ bản của nhà nước tại thời điểm thực hiện. Phần kinh phí này ước khoảng 1,5 triệu đồng/1 đồng hồ đấu nối. Hai là, nhất trí cho Công ty Viwaco vay phần kinh phí thực hiện xây dựng lắp đặt mạng ống dịch vụ D50 – HDPE không tính lãi, số tiền gia đình cho công ty vay sẽ được trừ dần vào tiền nước tỉ lệ 15% số tiền cho vay/1 năm. Phần kinh phí này khoảng 2 triệu đồng/đồng hồ đấu nối.

Đa số các hộ dân trong phường nhất trí với điều khoản thứ nhất. Còn điều khoản sau thì có nhiều người tỏ ý băn khoăn.

Bà Đinh Thị Chức (trú tại 118 ngách 175/5) chỉ đồng ý mắc nước của Công ty Viwaco với chi phí là 1,5 triệu đồng, còn khoản 2 triệu thì bà bảo “không có tiền cho vay”. Một ý kiến khác cũng rất đáng lưu tâm, đó là trong phiếu thăm dò có ghi sẽ lắp ống nước phi 50 thì với hơn 3 vạn dân, liệu có cung cấp đủ nước? Bên cạnh đó, việc thu tiền phải có hóa đơn, có con dấu pháp nhân và nên họp tổ dân phố để thống nhất cách triển khai. Đồng thời phải có dự toán tổng thể và từng hộ dùng nước.

Cũng theo ông Nguyễn Dương Sinh, quan điểm của chủ đầu tư là nếu hai nội dung trên mà không được nhân dân trong phường đồng tình thì dự án cấp nước sẽ bị đình lại... vô thời hạn.

Thiết nghĩ, việc lo cho hơn 3 vạn dân trong phường là chuyện cấp bách trong thời điểm này. Có lẽ phường Định Công và Công ty Viwaco cần có thời gian ngồi lại để giải trình, bàn bạc, thống nhất các nội dung. Đồng thời, nên chăng thành phố có những giúp đỡ, tạo điều kiện nhất định để đẩy nhanh tiến độ công trình

Nguyễn Minh
.
.