Kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2009):

Hai bức chân dung Bác Hồ đầu tiên được vẽ cách đây 85 năm

Thứ Tư, 20/05/2009, 19:45
Cho tới nay, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia đã viết, vẽ và tạc tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hai bức chân dung đầu tiên của Người lại do một họa sĩ nước ngoài vẽ cách đây gần... 85 năm!

Cuối năm 1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Pháp sang Moskva (Liên Xô) để hoạt động cách mạng trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Người đã ở đây khá lâu để học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm con đường cứu dân cứu nước. Hoạt động của Người rất đa dạng và khẩn trương.

Ngoài giờ học tập ở Trường Cộng sản Phương Đông, Người còn tranh thủ tìm hiểu cuộc sống và lao động của nhân dân Xôviết, tham gia các hoạt động về văn hóa - giáo dục, văn học - nghệ thuật. Và Bác đã tham dự cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình của Đức tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Moskva mùa Thu - 1924.

126 họa sĩ và điêu khắc gia tiến bộ của Đức đã trưng bày hơn 500 tác phẩm nghệ thuật của họ tại triển lãm này, được người xem đánh giá cao. Bác đã xem kỹ và đánh giá đúng mức những tác phẩm đó. Kỹ sư kiêm họa sĩ Đức người gốc Thụy Điển Eric Johanson cũng đã sang đây cùng những tác phẩm của mình.

Thấy nhà cách mạng phương Đông chăm chú xem các tác phẩm của mình, Johanson liền đến làm quen và thăm dò trao đổi ý kiến. Qua cuộc trò chuyện cởi mở về nội dung và nghệ thuật hội họa, Nguyễn Ái Quốc và Eric Johanson có những quan điểm hòa hợp. Rồi chẳng bao lâu họ đã thành đôi bạn tâm đắc về văn hóa nghệ thuật cũng như những quan điểm về chính trị xã hội.

Thế là, họ đã tranh thủ giờ rỗi cùng nhau đi dạo phố, tìm hiểu đời sống người dân Xôviết trong những năm đầu dưới chế độ mới. Đây cũng là dịp tốt để Nguyễn Ái Quốc hiểu biết thêm không những người Đức mà còn một dân tộc ở Bắc Âu nữa là Thụy Điển. Một ý nghĩ nảy ra trong đầu nhà cách mạng trẻ: tranh thủ học thêm một ngoại ngữ nữa - tiếng Thụy Điển.

Chân dung Nguyễn Ái Quốc đăng ở Báo Phụ nữ Xô Viết số 10 năm 1979. Nguyễn Ái Quốc ghi tên mình bằng chữ Việt và chữ Hán ở phía dưới, chữ ký của chính họa sĩ thì ở sát ve áo của Người.

Trong hoàn cảnh đó không tìm đâu ra được sách giáo khoa về ngôn ngữ nước này, Nguyễn Ái Quốc đã học ở người bạn tâm đồng ý hợp của mình. Và kết quả thật bất ngờ: chỉ sau một thời gian ngắn, khi họa sĩ Johanson còn làm việc ở Moskva, Người đã trò chuyện với vị này bằng tiếng mẹ đẻ của ông.

Johanson đã không tiếc lời khen ngợi và khâm phục nhà cách mạng trẻ phương Đông là người thông minh, nhạy bén và uyên thâm nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, ngôn ngữ và cả hội họa của nhiều dân tộc. Ông đã linh cảm được về vị lãnh tụ tương lai của một dân tộc đang bị áp bức ở phương Đông mà lúc ấy chưa ai biết tới.

Trước khi rời đất nước Xôviết về nước, Eric Johanson đã đề nghị người bạn quốc tế đồng cảm cho vẽ bức chân dung làm kỷ niệm. Trước yêu cầu chân thành đó, Nguyễn Ái Quốc đã đồng ý.

Đó là hai bức chân dung đầu tiên về vị lãnh tụ tương lai của một dân tộc bị áp bức ở phương Đông mà lúc đó chưa ai biết và nghĩ tới. Bằng chữ Việt và chữ Hán, Người đã tự tay ghi vào góc dưới bức chân dung: “Nguyễn Ái Quốc – 19/9/1924”

Hình ảnh và phong thái của Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc trong Johanson.

44 năm sau - năm 1968, khi Nguyễn Ái Quốc đã là vị Chủ tịch nước, là Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam, khi Việt Nam đã trở thành biểu tượng của ý chí độc lập tự do đối với các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh, người bạn năm xưa ấy của Bác Hồ đã ghi lại trong hồi ký của mình: “Cử chỉ văn hóa và thái độ thân mật chân tình của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín lớn. Người có thể trở thành lãnh tụ nhưng không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của mình...”.

Sau khi Johanson qua đời, tới cuối năm 1981, vợ ông kiểm kê lại tất cả những tác phẩm của chồng, đã phát hiện ra 1 trong 2 bức chân dung đó. Bà đã tới Đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Điển để tặng lại kỷ vật quý báu này cho nhân dân ta.

Về cuộc đời họa sĩ Eric Johanson xin tóm lược mấy nét chính sau: Ông sinh năm 1895, làm nghề kỹ sư xây dựng và họa sĩ. Ông cùng vợ sang Đức làm ăn rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đức, một trong những người sáng lập ra “Nhóm Đổ” - Hội các họa sĩ tiến bộ của Đức hoạt động vì người nghèo.

Là người khiêm tốn, ít nói, hay bẽn lẽn nhưng có cái nhìn nhận xét sâu sắc, nhạy bén, ông nhiệt tình tham gia cách mạng trong phong trào công nhân Đức. Những tác phẩm hội họa của ông thể hiện “nghệ thuật vị nhân sinh”, luôn đấu tranh bênh vực người lao động nghèo khổ. Sau cuộc triển lãm và làm việc ở Moskva, ông trở về Đức và tiếp tục hoạt động chống cuộc chiến tranh thế giới mới mà bọn phát xít Đức đang tích cực chuẩn bị.

Đến khi Hitler công khai phát động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thẳng tay đàn áp những người Cộng sản và phong trào cách mạng, ông cùng vợ con tìm cách bí mật hồi hương. Từ năm 1938, ông đã thoát khỏi nanh vuốt bọn Đức Quốc xã khi đã an toàn trở về Thụy Điển.

Tại quê hương mình ông lại bị chính quyền tình nghi nên không thể liên hệ được với phong trào cách mạng bên ngoài, nhất là với Đảng Cộng sản Đức. Thế là ông cùng gia đình phải “ẩn dật” và kiếm sống bằng nghề vẽ của mình. Nhưng nhiều bức tranh tiến bộ mang đậm tính cách mạng ông không công bố. Một trong số đó là 2 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ của chúng ta.

Một bức (vẽ nghiêng) ông đã gửi cho báo Phụ nữ Xôviết và báo này đã đăng trên số 10 năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn bức chính (vẽ trực diện), về sau (1981) vợ con ông mới phát hiện ra. Người bạn quốc tế thân thiết của Bác Hồ đã qua đời tháng 4/1979 tại ngoại ô thủ đô Stockholm

Triệu Hải
.
.