Hàn Quốc và chính sách hướng nam

Thứ Hai, 02/12/2019, 18:17
Ngày 25-11, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Hàn Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, Hội nghị cấp cao đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN đã được tổ chức tại trung tâm triển lãm và hội nghị Busan.

Hội nghị đưa ra tuyên bố chung một ngày sau đó, nhấn mạnh hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân, cùng thúc đẩy sự phát triển hòa bình của Bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần thứ 3 Hàn Quốc tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt với các nước ASEAN, cũng là hội nghị quốc tế có quy mô lớn nhất do Hàn Quốc tổ chức kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên cầm quyền đến nay. Theo hãng thông tấn Yonhap, ngoài chính sách hướng Nam mới mang tính cột mốc của Hàn Quốc, hội nghị lần này là một cột mốc khác trong quan hệ đối tác Hàn Quốc - ASEAN.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên và va chạm thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, hội nghị lần này sẽ truyền động lực mới cho chính sách hướng Nam của chính quyền ông Moon Jae-in. Việc hội nghị lần này được tổ chức tại Busan - quê hương ông Moon Jae-in cũng cho thấy sự coi trọng của ông trong việc thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Hàn Quốc – ASEAN.

Trong 30 năm qua, quan hệ Hàn Quốc - ASEAN đã được nâng cấp ổn định - năm 1989 thiết lập quan hệ đối tác, năm 2004 nâng cấp thành quan hệ đối tác hợp tác toàn diện và năm 2010 nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược. Theo Nhà Xanh, quan hệ giữa Hàn Quốc với ASEAN và Ấn Độ cần đạt đến mức giống với “bộ tứ” (gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản) và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt.

Không khó để nhận thấy trong gần hai năm qua, hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN đã được tăng tốc. Các hoạt động ngoại giao cao cấp diễn ra sôi nổi. Ông Moon Jae-in trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đến thăm 10 nước ASEAN trong nhiệm kỳ của mình. Hợp tác kinh tế liên tục mở rộng: kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 159 tỷ USD, tăng rõ rệt so với 2,6 tỷ USD năm 1980. Đầu tư hai chiều cũng đạt 10 tỷ USD.

Hợp tác của xứ sở kim chi với từng nước ASEAN ngày càng chặt chẽ. Hàn Quốc đạt được sự nhất trí về hiệp định thương mại tự do với Indonesia, Malaysia và Philippines trước cuối năm 2019. Tờ Morning Herald nhận định Hàn Quốc đang đẩy nhanh tiến trình đi xuống vùng biển ở phía Nam. Còn tờ New Straits Times thì cho rằng chính sách ngoại giao của Hàn Quốc đang thay đổi.

Trước hết, đó là Hàn Quốc hy vọng mở rộng hơn nữa sang thị trường Đông Nam Á. ASEAN có 650 triệu dân, GDP vào khoảng 3.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 5% đến 6%. Điều quan trọng hơn là các nước ASEAN có độ tuổi trung bình là hơn 30, có năng lực sản xuất và tiêu dùng mạnh mẽ. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc sau Trung Quốc. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN.

Trong bối cảnh va chạm thương mại Mỹ - Trung mang đến những bất lợi cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc, tranh chấp thương mại Nhật - Hàn đe dọa nỗ lực thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ASEAN có thể giúp Hàn Quốc làm giảm sự phụ thuộc nghiêm trọng vào thương mại với Mỹ và Trung Quốc, truyền động lực mới cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó là hy vọng đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao của xứ sở kim chi. Tổng thống Moon Jae-in đã kế thừa một phần ý tưởng của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng, hy vọng bên cạnh duy trì chính sách ngoại giao với “bộ tứ”, nâng cao vị thế của Đông Nam Á trong bản đồ ngoại giao của Hàn Quốc, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Ngoài ra, đó còn là cơ hội để Hàn Quốc tranh thủ sự ủng hộ trong vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phía ASEAN, các chuyên gia cho rằng mong muốn hợp tác song phương của ASEAN không cấp bách như Hàn Quốc nhưng sự hỗ trợ về vốn và công nghệ của Hàn Quốc có lợi cho sự phát triển lâu dài của ASEAN. ASEAN theo đuổi “ngoại giao cân bằng nước lớn” nên cũng muốn triển khai hợp tác với Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực. Kể từ khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, ý tưởng này lại càng được phát triển. Trong đó, hợp tác kinh tế là chủ đề quan trọng nhất của hội nghị cấp cao.

Giao lưu nhân dân có thể nói là một điểm nhấn và điểm then chốt, văn hóa đại chúng Hàn Quốc có sức ảnh hưởng nhất định ở các nước Đông Nam Á. Các sản phẩm làm đẹp và K-pop của Hàn Quốc rất được giới trẻ ở khu vực ASEAN yêu thích. Việc có được nhóm người tiêu dùng tiềm năng lớn đã đặt nền tảng cho các sản phẩm của Hàn Quốc tiến vào thị trường ASEAN.

Có thể nói, tiềm năng tăng trưởng của khu vực ASEAN đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Không chỉ Hàn Quốc mà các nước láng giềng châu Á đều đã tiến vào thị trường này. Nhật Bản tích cực thúc đẩy thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư với ASEAN, trong khi Trung Quốc đã mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Và nếu so sánh với các nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, lợi thế so sánh của Hàn Quốc là không rõ ràng. Hàn Quốc không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá và không tốt bằng Nhật Bản về cộng nghệ.

Có thể nói, Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác với ASEAN qua các kẽ hở giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, theo một số phân tích, Hàn Quốc cần phải linh hoạt hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư và sản xuất tại khu vực ASEAN. Ngoài ra, việc tận dụng nhấn mạnh vào giao lưu nhân dân, trao đổi nhân lực và kết nối về con người với ASEAN có thể được coi là lợi thế rất lớn của Hàn Quốc so với các nền kinh tế - công nghệ rất mạnh khác.

Ngoài ra, theo quan điểm của Hàn Quốc, động cơ tăng cường quan hệ với ASEAN của xứ sở kim chi rất đơn thuần, không có ý định tranh giành quyền chủ đạo ở khu vực, do đó có thể dễ dàng được các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.