Hàng giả Trung Quốc gây thiệt hại cho các hãng đồng hồ Thụy Sĩ

Thứ Sáu, 24/08/2012, 12:35

Những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ giả thường được bày bán với sản phẩm thật chính hãng, dĩ nhiên với giá chẳng rẻ chút nào. Hàng giả tác động tiêu cực đến các nhà chế tạo Thụy Sĩ, cụ thể là làm giảm doanh thu và từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, hàng giả của Trung Quốc không chỉ phá hoại nền kinh tế mà còn gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho người tiêu dùng vì sản phẩm kém chất lượng.

Tương tự như trạm điện thoại công cộng màu đỏ là biểu tượng độc nhất của nước Anh và đấu bò tượng trưng cho Tây Ban Nha, nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sĩ là hình tượng của Thụy Sĩ. Từ khi chiếc đồng hồ Thụy Sĩ xuất hiện lần đầu tiên ở Geneva vào thế kỷ XVI khi mà những cuộc cải cách đất nước cấm đeo đồ trang sức buộc các nhà chế tác mặt hàng này phải chuyển sang sản xuất những chiếc đồng hồ nổi tiếng khắp thế giới nhờ chất lượng cao và mẫu mã đẹp.

Theo nghiên cứu của Cơ quan thông tấn Thụy Sĩ SBC, sản phẩm đồng hồ của Thụy Sĩ thường bị Trung Quốc sao chép làm giả rồi tung ra thị trường thế giới. Đồng hồ giả của Trung Quốc gặp lỗi trong cơ cấu đếm thời gian và không có mặt kính chống chói như sản phẩm thật. Ví dụ mẫu đồng hồ Montblanc có thể chống thấm nước ở độ sâu đến 30 mét nhưng đồng hồ giả không có tính năng độc đáo này.

Do có bề ngoài tinh tế và giá cả ngang bằng với đồng hồ thật cho nên nhiều người mua hàng giả từ Trung Quốc vẫn cứ ngỡ mình sở hữu được chiếc đồng hồ Thụy Sĩ thật. May mắn là các nhà chế tạo thường hết sức cẩn thận trong khâu bao bì đóng gói, cho nên bao bì xấu và mắc lỗi là dấu hiệu để nhận biết hàng giả kém chất lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây Liên hiệp Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ (FSWI) cho biết đồng hồ giả từ Trung Quốc khó phát hiện hơn trước đây rất nhiều. Michel Arnoux, lãnh đạo Đội Chống hàng giả của FSWI, nhận xét giới làm hàng giả Trung Quốc hiện nay là bậc thầy thế giới trong sao chép hàng hóa sản phẩm nổi tiếng.

Theo Nick Hayek, lãnh đạo Swatch Group, nền công nghiệp sản xuất đồng hồ mất hàng tỉ USD mỗi năm do thị trường hàng giả Trung Quốc và điều đáng quan ngại nhất là hàng giả ngày càng tinh tế hơn. Trong khi đó, những nỗ lực kiềm chế và ngăn chặn hàng giả cũng làm chậm đi tiến trình nghiên cứu sáng tạo và thiết kế mới của công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.

Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một số lượng lớn đồng hồ giả ở Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, ngày 16/12/2011.

Theo SBC, không chỉ đồng hồ Thụy Sĩ bị làm giả ở Trung Quốc với khả năng tinh diệu, mà còn lan sang nhiều thương hiệu khác ví dụ như đàn guitar Gibson nổi tiếng của Mỹ, đồng hồ Rolex, túi xách Gucci - những sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới nhờ chất lượng. Chris Whitehead, cựu chuyên gia kiểm tra chất lượng sản phẩm cho Colgate Palmolive vào thập niên 70 thế kỷ trước, cho rằng những đối tượng nhập khẩu hàng giả từ Trung Quốc phải được pháp luật xử lý và chính quyền Trung Quốc cần có biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với những kẻ làm hàng giả ngay từ trong nước này.

Theo tin từ tạp chí Business Week, số lượng các công ty tìm kiếm sự bảo vệ của luật pháp đối với bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền đã tăng 40% trong năm 2011 ở Trung Quốc. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng than phiền sự tấn công ồ ạt của hàng giả và nạn đánh cắp bản quyền đã gây tổn thất hàng tỉ USD cho họ mỗi năm, đồng thời dẫn đến tình trạng mất việc làm và thất thu thuế thu nhập. Để biện hộ, chính quyền Trung Quốc tuyên bố các chiến dịch chống hàng giả và đánh cắp bản quyền đã có được hiệu quả đáng kể trong năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo hàng năm về bảo vệ tài sản trí tuệ của Tòa án Tối cao Trung Quốc cho thấy rất ít vụ việc liên quan đến loại tội phạm làm giả hàng hóa nước ngoài được đem ra xét xử.

Terd Dean, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, cho rằng để chống lại sự lan tràn của hàng giả ở mọi ngóc ngách của thế giới, chính quyền Trung Quốc cần có những luật nghiêm khắc hơn cũng như giới hữu trách phải tăng cường những chiến dịch truy quét những cơ sở làm hàng giả

An An (tổng hợp)
.
.