Hành lang kỹ thuật cao để phát hiện khủng bố

Thứ Hai, 22/12/2008, 15:45

Để thay thế cho hệ thống kiểm tra của Mỹ “lột trần” mọi người, thiết bị Smart Corridor tôn trọng sự kín đáo của con người đồng thời vẫn phát hiện ra đồ vật kim loại và vết tích thuốc nổ. Nó sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm 2009.

Sân bay Roissy-Charles-De-Gaulle lúc 13h 15'. Sau vài phút nữa sẽ kết thúc việc đưa hành khách lên chuyến bay AirFrance 546 đi Washington. Trong lúc các hành khách cuối cùng đang làm thủ tục kiểm tra, đột nhiên sự căng thẳng tăng cao. Nhân viên kiểm tra dán mắt vào màn hình đang ghi hình một hành khách đi qua hành lang kiểm tra. Phía bên trái hiện ra một bức ảnh sinh trắc học và lý lịch của vị hành khách nọ. Ở giữa màn hình, bóng dáng của ông ta có một điều bất thường ở phần hông, được đánh dấu bằng một ký hiệu màu đỏ. Điều này cho biết ông ta có mang một vật kim loại ở thắt lưng. Bên cạnh đó, hệ thống đo lường các chất nổ đang chỉ mức cao nhất. Cuối cùng, ở phía bên phải, hình dạng của hành khách hiện ra dưới dạng những pixel, cho thấy một khẩu súng ông ta giấu ở thắt lưng. Nhân viên kiểm tra phải thông báo gấp cho giới chức hữu trách nhưng không làm các hành khách khác hoảng loạn. May thay, đây chỉ là một cuộc tập thử.

Thật ra, chúng ta không phải đang ở tại sân bay Roissy mà trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Thales (TRT) ở Palaiseau, nơi đang thử nghiệm một hệ thống kiểm tra hành khách mới: Smart Corridor. 

Giám đốc ban nghiên cứu và kỹ thuật an ninh Jean-Luc Zolesio của trung tâm Thales giải thích: “Đây là một hệ thống thiết bị giúp người ta di chuyển thoải mái hơn tại những địa điểm nhạy cảm, chẳng hạn như các sân bay. Hệ thống Smart Corridor dựa trên các chức năng không xâm phạm và không đưa ra hình ảnh quá chính xác của đối tượng. Tất cả các bộ cảm biến và những thiết bị dò tìm đều được đặt sau vách của một hành lang dài 4m mà hành khách không thể nhìn thấy. Hệ thống kiểm tra đảm nhận các chức năng đếm người, phát hiện những vật dụng bị bỏ quên và nhận ra các hành vi khả nghi, chẳng hạn như một người đột nhiên quay ngược trở lại”.

Ngoài ra, hệ thống mẫu đang thử nghiệm tại Palaiseau cũng có một thiết bị tự động kiểm tra lý lịch sinh trắc học qua trung gian các phần mềm nhận dạng mặt và mống mắt. Cuối cùng là những bộ cảm biến cực nhạy đảm trách việc phát hiện chất nổ, dù là ở dạng bột mịn, cũng như các vật bằng kim loại giấu trong quần áo. 

Bên trong hành lang, người ta không cảm nhận được gì ngoài một luồng gió nhẹ (để thu thập các phân tử). Và một khi đã qua được cảm giác khó chịu vì bị chụp ảnh bởi nhiều máy ảnh kỹ thuật số, người ta sẽ quên đi. Thế nhưng người ta vừa bị lục soát dưới tất cả mọi ngóc ngách. Không thể che giấu được gì cả.

“Mọi người đều phát ra các bức xạ tự nhiên, từ nhiệt độ đến độ dài sóng. Hệ thống của chúng tôi sẽ ghi nhận các tần số đặc thù đó. Hệ thống này sẽ được thử nghiệm tại một sân bay vào nửa đầu năm 2009, và nó không ghi nhận đường nét của cơ thể, tôn trọng sự kín đáo cá nhân và tuyệt đối an toàn cho sức khỏe vì dựa trên những kỹ thuật thụ động và không xâm phạm” - Jean-Luc Zolesio nói thêm.

Từ sau ngày 11/9/2001, mọi quốc gia, chính phủ, cơ quan chuyên trách và những nhà nghiên cứu trên thế giới đều tìm kiếm các giải pháp hay thiết bị giúp phòng chống khủng bố. Những sân bay bị bọn khủng bố đặc biệt nhắm đến, và chúng ngày càng được các phòng thí nghiệm về những thiết bị điện tử và an ninh ưu tiên nghiên cứu

M.L. (theo Le Figaro)
.
.