Hành trình châu về hợp phố của 2 bản sắc phong Vua ban tại Thanh Hóa

Thứ Hai, 26/05/2014, 18:45

Lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài đến 5 ngày, trong khi bao người dành thời gian ấy để nghỉ ngơi, sum vầy với gia đình hoặc đi xả stress tại đâu đó thì ông Lê Hữu Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Thành Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) khăn gói vào Sài Gòn tiếp nhận 2 bản sắc phong của Vua Duy Tân và Khải Định ban cho di tích Nghè Tây ở địa phương mình - nơi thờ hai anh em công thần triều Lê với người anh được phong danh hiệu đại vương, em là công chúa.

Ông Toàn cho biết hai bản sắc phong này nằm trong tổng số 14 đạo sắc thời Lê-Nguyễn bị mất trộm vào đầu năm 2013, được châu về hợp phố nhờ tấm lòng, nghĩa cử của nhiều người, đặc biệt là từ sự phát hiện tình cờ và lòng nhiệt thành của một cô giáo dạy văn là cháu đời thứ 18 của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ.

1. Cách thành phố Thanh Hóa hơn 40km, tọa lạc trên vị trí cao nhất, đẹp nhất với lưng tựa núi Tiên, theo ông Lê Hữu Toàn, Nghè Tây thuộc phạm vi làng Sơn Đông, nằm ở phía tây làng. Gọi là Nghè Tây để phân biệt với Nghè Đông, nơi thờ vị phúc thần của làng. Ông Toàn cho biết Thành Lộc là xã đồng chiêm, tuy có núi nhưng địa hình bằng phẳng. Đây là vùng đất cổ sớm ghi nhận bước chân tiền nhân đến khai hoang, lập nghiệp.

"Theo Thần tích Nghè Tây do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 đã có nhắc đến làng Sơn Đông cùng một số làng khác như làng Nghê, Kẻ Sơn… Theo đó, từ thế kỷ thứ XI đã có những cộng đồng người đến định cư lập làng và khá phát triển" - ông Bí thư Đảng ủy xã, trò chuyện.  

Lý lịch Di tích lịch sử Nghè Tây do Ban Quản lý di tích và danh thắng  thuộc Sở VH-TT& DL Thanh Hóa ấn hành cho biết rất rõ cội nguồn của sự ra đời Di tích Nghè Tây. Sau nhiều trận giao tranh ác liệt, năm 1068 giặc tiến vào Nghệ An - Thanh Hóa, sau đó mở một gọng kìm đánh về vùng đất Sơn Đông.

Trước tình hình đó, vua Lý lệnh cho tướng Nguyễn Tuấn tổ chức khao binh chỉnh tướng để chiến đấu: "Khắp nơi rèn đúc vũ khí, các lò rèn ở trang Kẻ Sơn đỏ lửa ngày đêm không ngớt. Mọi người nhất là trai tráng, dân binh ra sức luyện tập võ nghệ để đánh giặc giữ làng".

Thần tích Nghè Tây ghi trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi của nhà Lý có công lao của hai vị thành hoàng làng Dực Đông. Chuyện rằng thời bấy giờ, có cặp vợ chồng tên Văn-Hinh sau nhiều năm giúp người và chuyên tâm cầu tự ở chùa Linh Quang đã hạ sinh được một con gái "mặt thanh tú thân dung yểu điệu đặt tên Thiên Hương và con trai tướng mạo đường đường gọi là Chàng Biếm".

Khi lớn lên Thiên Hương chăm chỉ dệt tơ nuôi tằm, thi nấu nướng không ai bì kịp. Còn Chàng Biếm chăm tập võ nghệ, giỏi cung đao, thao trường, thiên hạ người người đều kính trọng.

"Khi giặc xâm lược bờ cõi, nhà vua thân chinh đi dẹp giặc. Khi vua đi qua làng, thần linh báo mộng ở vùng đất này sẽ có người tài giúp nước, vua bèn tuyển Chàng Biếm vào đội quân thiết kị tiên phong, chàng cưỡi ngựa trắng cùng nhà vua đánh giặc xông pha không biết mệt mỏi, lập được nhiều công lớn… Bà Thiên Hương được cắt cử làm hậu cần phụ trách nấu cơm phục vụ quân sĩ, đảm bảo lương thực và thực phẩm trong các chiến dịch cho quân đội triều đình".

Bí thư Đảng ủy xã Thành Lộc tiếp nhận các bản sắc (đứng cạnh là cô giáo Hồ Thị Hải Hà và Thượng tá Mai Xuân Đại).

Theo Thần tích Nghè Tây, thời bấy giờ, nhờ vua tôi đồng lòng, cùng với sự giúp sức của nhiều tướng tài, đặc biệt là Nguyên soái Lý Thường Kiệt và 2 anh em Chàng Biếm nên vua Lý đại thắng, sau đó phong tặng Chàng Biếm danh hiệu Đại Vương và bà Thiên Hương là Phù Dung Công chúa, được hưởng phúc lộc của triều đình: "Sau khi hai vị  mất, sắc vua truyền cho làng Dực Đông dựng đền thờ phong hai vị làm thành hoàng, hằng năm cấp 30 quan tiền để 4 mùa xuân hạ thu đông tế lễ".

2. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hữu Toàn khẳng định, không ai biết anh em Chàng Biếm sinh năm nào, mất năm nào, chỉ biết rằng sau biết bao thăng trầm của lịch sử, Nghè Tây nơi thờ anh em Chàng Biến còn lưu giữ được một ngai thờ đời Lê - Nguyễn, bản Ngọc phả "Thần tích Nghè Tây", một ngai thờ thời Lê, bàn thờ, câu đối, mũ thờ không rõ niên đại và đặc biệt là 14 đạo sắc còn nguyên sắc vàng son rực rỡ phong hai vị là Thượng Đẳng thần: "Tiếc rằng năm 2013, kẻ gian đã đột nhập lấy đi hộp chứa 14 đạo sắc phong cùng 2 đôi đũa bằng ngà voi nhưng sau đó chúng trả lại đũa ngà, còn các bản sắc phong từ đó không tìm thấy dấu vết" - ông Toàn cho biết.

Mất báu vật trăm năm, chính quyền và nhân dân xã Thành Lộc cũng đồng thời mất đi niềm hy vọng một ngày nào đó các bản sắc sẽ được "đoàn tụ" với nơi mà nó vốn dĩ thuộc về. Bi kịch của Di tích Nghè Tây tưởng sẽ chìm theo thời gian thì vào tháng 10/2013, lãnh đạo xã Thành Lộc nhận được cuộc gọi của cô giáo Hồ Thị Hải Hà, giáo viên dạy Văn Trường THCS Tuy Lập, từng có thâm niên dạy học 18 năm tại địa phương: "Năm 2011, khi Nghè Tây được phong di tích cấp tỉnh, tôi được giao nhiệm vụ viết bài diễn văn cho xã nên rất rõ lý lịch của 2 anh em vị thành hoàng làng Sơn Đông bây giờ, làng Dực Đông ngày trước. Thời điểm Nghè Tây bị trộm lấy các bản sắc, biết được hung tin, tôi cũng như nhiều người khác đau lòng lắm. Cứ tưởng từ đây sẽ vĩnh viễn không bao giờ được thấy các bản sắc, ai ngờ từ sự tình cờ, thông qua facebook, tôi phát hiện mẩu tin nhắn hỏi với nội dung đại để rằng "có ai biết địa danh xã Sơn Đông huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nay ở đâu không?".

Khi tôi trả lời rằng Sơn Đông bây giờ là một thôn của xã Thành Lộc thì câu chuyện về những bản sắc phong bị thất lạc… hé lộ" - cô Hà tự bạch mình là cháu đời thứ 18 của Hoàng đế Quang Trung, nhớ lại.

Nhà sưu tập Trần Hiển Anh với 1 trong 2 bản sắc phong lúc mới sưu tầm được.

Người đăng mẩu tin tìm địa danh của xã Sơn Đông ngày trước là anh Trần Hiển Anh (SN 1987), ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM, một nhà sưu tập cổ vật chuyên về dòng gốm mỹ thuật Biên Hòa.

"Quá trình sưu tầm gốm cổ đã dẫn dắt, đưa tôi cùng một số anh em có chung niềm đam mê tiếp cận với những người đang lưu giữ các bản sắc phong. Trò chuyện với họ, chúng tôi biết được tâm nguyện của một số người mong muốn trao lại các bản sắc phong mà mình sưu tập được cho những ngôi chùa miếu đình đền mà nó vốn dĩ thuộc về, nhưng vì không biết dịch nghĩa các bản sắc, phần vì các địa danh trong bản sắc nay đã đổi thay, rồi vì ngại những phiền hà đến từ các cơ quan chức năng… nên họ không dám biến ý định thành hiện thực. Điều ấy khiến nhóm anh em chúng tôi trăn trở".

Theo tâm tình của nhà sưu tập gốm cổ Trần Hiển Anh, như hiểu được tâm ý của anh và các đồng sự, lẽ nhân duyên đã đưa các anh tiếp cận với một số bản sắc phong, trong đó có 2 bản sắc có những chữ Hán Nôm rất giống nhau: "Lúc đầu tôi không biết 2 bản sắc ấy có nội dung gì, sau đó qua mày mò dịch nghĩa, mới rõ cả hai là bản sắc phong cho Thiên Hương Phù Dung Công chúa ở xã Đại Lộc. Tra cứu qua nhiều kênh thông tin nhưng chúng tôi vẫn không giải mã được xã Đại Lộc nay là địa phương nào của tỉnh Thanh Hóa để trả 2 bản sắc về quê nhà nên đành… cầu cứu facebook" - Anh Hiển Anh nhớ lại - "Khi nhận được phản hồi của chị Hải Hà và nhất là khi biết chị ấy là cô giáo dạy Văn, anh em chúng tôi rất vui mừng và nói rõ cho chị ấy biết mình đang giữ 2 bản sắc phong thành hoàng xã Sơn Đông. Cũng từ đây, lý lịch của 2 bản sắc phong dần được hé lộ".

3. Xếp theo bản danh mục từ 1 đến 14 thì hai bản sắc phong mà anh Trần Hiển Anh cùng các cộng sự phải mất nhiều công sức và tiền bạc để thỉnh về là bản sắc phong số 5 và  số 7. Bản số 5 được Vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban phong thăng bậc cho Thiên Hương Phù Dung Công chúa Chi Thần và bản sắc số 7 được Vua Khải Định ban vào năm 1917 (năm Khải Định thứ 2). Nội dung bản sắc được dịch nghĩa như sau: "Sắc cho xã Sơn Đông, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa từ trước thờ phụng Thiên Hương Phù Dung Công chúa Tôn Thần. Thần có công giúp nước yên dân, ngầm hiểu linh ứng. Nay chính lúc Trẫm kế thừa mệnh lớn nên nghĩ tới công lao của Thần, trứ phong cho Thần mỹ tự Trang Hy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần - chuẩn cho địa phương thờ phụng để Thần bảo vệ cho nhân dân ta - Kính vâng lấy lời".

Sáng 3/5 vừa qua, trước thời điểm tiếp nhận 2 bản sắc phong tưởng chừng vĩnh viễn ra đi không trở lại, ông Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lộc - Lê Hữu Toàn không giấu được niềm vui mừng khi 2 trong tổng số 14 báu vật của làng xã mình sắp được đoàn tụ với quê nhà: "Lúc nhận được tin báo của cô Hà, không riêng gì lãnh đạo xã mà hơn 1.500 hộ dân ở Thạnh Lộc, nhất là các cụ cao niên ai cũng vui mừng. Ban đầu chúng tôi định cử một số anh em cán bộ xã vào Nam nhưng lo anh em vì lý do gì đó miễn cưỡng, không toàn tâm toàn ý nên tôi phải đích thân vào, trước nhằm bày tỏ sự cảm kích của mình đối với những người đã dành tâm huyết, công sức tiền của sưu tập và trao trả 2 bản sắc về lại Di tích Nghè Tây mà chẳng có bất kỳ yêu cầu gì, sau để việc tiếp nhận sắc phong vua ban được trang trọng".

Ông Toàn cho biết để việc tiếp nhận được "thuận buồm xuôi gió", ông đã nhờ người bạn cùng quê đang công tác tại TP HCM là Thượng tá Mai Xuân Đại (Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự - Đại học Trần Đại Nghĩa) - một người con của xã Thạnh Lộc - liên lạc trước với nhóm bàn giao. Hôm nay, khi nhận 2 bản sắc phong trăm năm của hai vị vua triều Nguyễn nổi tiếng trong lịch sử - người chống Pháp đến cùng, người thân Pháp rất mực, đôi tay ông Hữu Toàn vì những xúc cảm thiêng liêng dâng trào run run. Lúc các bản sắc lần lượt được mở ra với hình rồng bạc và dòng chữ đen nổi bật trên nên giấy dó màu vàng cùng dấu triện màu son qua hàng trăm năm vẫn còn rõ nét, Thượng tá Mai Xuân Đại chia sẻ lần đầu tiên trong đời ông mới được thấy bản sắc vua ban dành cho vị thành hoàng ở làng quê mình.

"Tôi tin, tôi rất tin rồi sẽ có ngày, những bản sắc còn lại, nhất là bản sắc phong cho Chàng Biếm cũng sẽ được trở về đoàn tụ với Nghè Tây" - Thượng tá Mai Xuân Đại, lạc quan tỏ bày.

Chia sẻ với bạn đọc câu chuyện châu về hợp phố của 2 bản sắc phong của Di tích Nghè Tây, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp rằng theo thời gian, còn có hàng trăm, hàng ngàn di tích đình đền cổ từng được các triều vua ban sắc phong đang mong chờ phép màu như di tích Nghè Tây. Tôi tin với tâm huyết của những nhà sưu tập cổ vật đích thực như nhóm bạn hữu đồng chí hướng của anh Trần Hiển Anh cùng nhiều nhà sưu tập có lòng ẩn danh khác, rồi sẽ có ngày càng nhiều bản sắc phong bị lưu lạc sẽ được trở về đúng vị trí của mình.

Được biết đến nay, nhóm bạn hữu của nhà sưu tập Hiển Anh đã sưu tập và trao trả thành công 5 bản sắc phong (trong đó có 2 bản ở Khánh Hòa, 1 tại Bình Thuận). Hiện tại, cả nhóm cũng đang lên kế hoạch sưu tầm và trao trả một số bản sắc khác cho những nơi mà những bảo vật trăm năm này vốn dĩ thuộc về. Đây rõ là nghĩa cử cao đẹp rất cần được ngành chức năng quan tâm, nhân rộng, để khơi dậy nghĩa cử của các nhà sưu tập, đồng thời để họ mạnh dạn, tâm huyết trong việc trả sắc phong về cho các đình làng. Mong lắm thay!

N.Thành Dũng
.
.