Scandal tranh giả lớn nhất đang xôn xao nước Đức:

Hành trình những kiệt tác giả mạo

Thứ Sáu, 01/07/2011, 20:40

Cảnh sát Đức đang ráo riết điều tra một vụ áp phe tranh giả trong những năm qua liên quan đến một số chuyên gia mỹ thuật và các nhà đấu giá hàng đầu thế giới. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như “Landschaft mit Pferden” của Campendonk hoặc “Landscape with Horses” của Steve  hay những kiệt tác như “La Forêt (2)” của Max Ernst… đã bị làm giả và lưu hành rải rác khắp thị trường tranh châu Âu.

Vụ việc xảy ra từ ngày 5/10/2010, khi Cảnh sát  Đức phát hiện một đường dây buôn bán tranh giả vô cùng quy mô. Tháng 8/2010, họa sĩ người Đức Wolfgang Beltracchi đã bị cảnh sát giam giữ. Nhân vật này cầm đầu một nhóm buôn bán tranh giả của những họa sĩ danh tiếng người Đức theo chủ nghĩa hiện sinh. Bên cạnh đó, nhóm người này cũng cho lưu hành những phiên bản giả mạo tác phẩm của Max Ernst (1891-1976), người theo chủ nghĩa siêu thực lừng danh thế giới. Những bức tranh này bằng cách nào đó, đã tìm được những con đường riêng đến với các bảo tàng, phòng tranh ở Paris, New York và  qua mặt cả những tên tuổi sưu tầm tranh nổi tiếng nhất trên thị trường quốc tế.

Beltracchi và 3 cộng sự khác bị buộc tội có liên quan đến vụ buôn bán 14 bức tranh nổi tiếng làm giả. Chính phủ Đức ước tính khoản tiền cho việc mua đi bán lại những kiệt tác trên sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho cộng đồng mỹ thuật, vào khoảng 34,1 triệu euro.

Những nạn nhân của vụ áp phe hàng giả

Một trong những nạn nhân nổi tiếng bị "dính" tranh giả trong scandal này là nam diễn viên gạo cội Hollywood Steve Martin - người nổi tiếng trong  các phim: "Điệp vụ Báo Hồng", "Đời là rắc rối", "Nhà có một tá con"... Steve đã mua nhầm một bức tranh giả vào năm 2004 với giá 850.000USD và 15 tháng sau, ông bán bức tranh đó. Steve nói với  tờ New York Times rằng, ông không hề biết mình sở hữu tranh giả cho đến khi nó được bán. Những kẻ lừa đảo rất tinh vi. Tất cả nhãn hiệu và giấy tờ chứng thực đều là giả.

Song, người mua phải tranh giả nổi tiếng nhất và phải trả một giá cao nhất là Daniel Filipacchi, một chủ bút nổi tiếng ở New York đồng thời là nhà sưu tập tranh siêu thực hàng đầu thế giới. Theo các nhà điều tra, Filipacchi đã phải trả 7 triệu USD để mua bức "La Forêt(2)" giả mạo của Max Ernst. Đây có thể là bức tranh giả mạo đắt nhất mà nhóm của Beltracchi đã từng đưa vào lưu hành.

Xuất thân từ một người gõ máy chữ bình thường, từ sau Chiến tranh thế giới thứ II Filipacchi gây dựng tên tuổi của mình bắt đầu bằng vị trí nhiếp ảnh gia cho tạp chí Paris Match. Ông cũng được công nhận như một chuyên gia về nhạc jazz và ông làm chủ một tạp chí âm nhạc. Sau đó Filipacchi mua tiếp tờ Paris Match. Tiếp tục là mua tạp chí Elle, rồi xuất bản phiên bản của tờ Playboy và Penthouse tại Pháp. Sau khi đưa công ty của mình trở thành một trong những công ty xuất bản lớn nhất thế giới, Filipacchi từ những năm 50 bắt đầu sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.

Lâm vào rắc rối

Chuyên gia lừng danh về lịch sử nghệ thuật Đức có tên Werner Spies chính là người chứng thực thẩm định cho bức tranh "La Forêt(2)" giả mạo tác phẩm của họa sĩ siêu thực Max Ernst được bán với giá 7 triệu USD cho  Daniel Filipacchi. Tuần qua, Werner Spies đã được triệu tập đến thẩm vấn tại Văn phòng Liên bang về điều tra tội phạm (LKA) tại Berlin suốt 6 giờ đồng hồ.   Spies cho biết, lần đầu tiên ông ta gặp họa sĩ siêu thực là vào năm 1966 và đến bây giờ ông vẫn giữ liên lạc thân thiết với vợ góa của Ernst - nữ họa sĩ Dorothea Tanning hiện đã 100 tuổi.

Spies từng được giới mỹ thuật Đức phong là một trong những vị đại sứ xuất sắc, đại diện cho nền văn hóa Đức". Spies đã từng được trao một số các học vị tiến sĩ danh dự và làm việc như người quản lý của Trung tâm Pompidou tại Paris. Những bài viết của ông đã được xuất bản trong 10 tuyển tập. Với sự uyên bác như vậy, liệu Spies có tình cờ nhầm lẫn trong quá trình thẩm định bức họa “La Forêt (2)” hay không?

Daniel Filipacchi (ảnh trái) - nạn nhân của scandal tranh giả phải trả tới 7 triệu USD cho bức "La Forêt (2)" giả mạo và nạn nhân nổi tiếng nam diễn viên gạo cội Hollywood Steve Marti.

Theo như tường trình của Spies với LKA thì một người đàn ông tên là Otto Schulte-Kellinghaus đã giới thiệu tác phẩm này cho ông ta. Otto Schulte-Kellinghaus đưa thông tin có vẻ rất thuyết phục, rằng bản gốc của bức tranh khổ lớn khởi nguồn từ các phòng tranh của huyền thoại người Đức gốc Do Thái buôn bán mỹ thuật Alfred Flechtheim.

Theo lời Spies tại Phòng thẩm vấn thì khi đó  ông ta "không có chút nghi ngờ" nào về tính xác thực của bức tranh. Spies đã đưa ra sự đánh giá tốt đẹp và đóng cho bức tranh một dấu phê chuẩn, xác nhận trên thị trường mỹ thuật. Tiếp theo đó, Spies giới thiệu cho Marc Blondeau nguyên là Giám đốc của Hãng đấu giá Sotheby tại Pháp hiện là một người mua bán tranh. Theo những điều tra mới nhất của LKA Berlin thì bức "La Forêt (2)" đã được bán với giá 1,8 triệu euro vào năm 2004 cho Công ty thương mại Salomon.

Hơn một năm sau, bức tranh có mặt ở Phòng tranh Cazeau-Béraudière tại Paris. Phòng tranh này ngay lập tức cho Bảo tàng Max Ernst tại Brühl, Đức, nơi mà nghệ sĩ thiên tài được sinh ra, mượn bức tranh để trưng bày. Tại đây, bức tranh về rừng đã được treo lên từ tháng 3 đến 8/2006 và được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng của bảo tàng.

Spies có vai trò lớn đối với cuộc giới thiệu tranh đó. Giá trị của bức tranh từ đó tăng lên. Tháng 9/2006, phòng tranh Cazeau-Béraudière đã đưa bức tranh ra bán trong một cuộc trưng bày mỹ thuật tại Paris với giá 6 triệu euro nhưng cuối cùng nó về tay Daniel Filipacchi với giá 7 triệu euro.

Tháng 8/2010, khi những nhà điều tra của LKA Berlin tìm đến Otto Schulte-Kellinghaus, người đã giới thiệu cho Spies về sự hiện diện của "La Forêt (2)", họ đã tìm thấy một báo cáo khoa học về bức tranh này vào năm 2003. Theo báo cáo này thì "La Forêt (2)" không thể đã được vẽ vào năm 1927 bởi nó có chứa một số chất nhuộm mà tại thời điểm đó chưa được sử dụng. Vậy, câu hỏi đang được tiếp tục làm rõ là chuyên gia lịch sử nghệ thuật danh tiếng Werner Spies, người có trách nhiệm thẩm định "La Forêt (2)" liệu có biết sự thật này?

Câu trả lời quyết định Spies sẽ chỉ là người làm chứng hay bị xếp vào đối tượng điều tra trong vụ án

Nguyên Linh (tổng hợp)
.
.