Hành trình vào “thánh địa” thổ dân Úc

Thứ Ba, 07/05/2013, 23:35

Đó là một hành trình khiến bạn hoàn toàn choáng ngợp trước vẻ đẹp của đại hoang mạc, nơi những đàn vẹt hàng ngàn con gặp tiếng động bay lên che kín trời như những đám mây, nơi những đàn kangaroo hằng đêm đứng họp “chợ tình” ngay bên lề đường, sẵn sàng nhảy xổ vào đầu mũi xe mỗi khi bị lóa đèn… PV Chuyên đề ANTG đã có cơ hội được đến Uluru, “thánh địa” của thổ dân Úc, để chứng kiến đằng sau vẻ đẹp ấy là cả một chương lịch sử đẫm máu của những cuộc thảm sát thổ dân, đỏ rực như chính màu của đại hoang mạc… 

"Thế hệ bị đánh cắp" của nước Úc

Đêm Sydney. Khi những chuyến xe bus cuối cùng hốt hết đám ăn nhậu chơi đêm từ khu trung tâm, con phố George trở nên tĩnh lặng. Phía mé đường đối diện Railway Square, trong góc tối khuất phía trước một cửa hàng đã đóng cửa, một nhóm thổ dân Úc vô gia cư cũng bắt đầu giấc ngủ đêm của mình. Cuộn mình trong những chiếc túi ngủ cáu bẩn và bốc mùi được lót trên những tấm bìa các tông, họ chìm vào giấc ngủ. Một người đàn ông còn thức, ngồi trầm ngâm trong bóng tối, ngón tay lập lòe điếu thuốc. Thi thoảng, ông ta nhấc chai bia được bọc kín trong bao giấy lên nhấp một ngụm, cách những người vô gia cư đề phòng cảnh sát phạt vì uống rượu bia nơi công cộng.

Đó là hình ảnh quen thuộc người ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu tại những thành phố lớn của Úc, bất kể Sydney, hay Melbourne, Queensland, Adelaide, Perth hay Darwin. Không chỉ là sống lang thang và uống chất có cồn nơi công cộng, những thổ dân Úc còn gắn liền với những hình ảnh chẳng mấy đẹp đẽ như đánh lộn, đập kính ôtô lấy trộm đồ (nhiều khi chỉ là bao thuốc lá), vô cớ hành hung người khác…

Theo một báo cáo của Thượng viện Úc năm 2010 có tên "Thổ dân Úc, tù tội và hệ thống pháp luật hình sự", con số cho thấy tỷ lệ người thổ dân nằm tù cao gấp 14 lần so với những sắc dân khác. Cứ 100.000 người thì có 2.308 người đang bị bắt giữ, có nghĩa là cứ 43 thổ dân Úc thì có 1 người hiện đang trong tù, và 25% số tù nhân Úc hiện nay là người thổ dân.

Và hình ảnh quen thuộc của thổ dân Úc trong con mắt người nước ngoài như chúng tôi là sự cóc cáy và nghèo khó, không phải là từ màu da của họ mà là từ những bộ quần áo lâu ngày không giặt bốc mùi nồng nặc. Là mùi bia rượu lúc nào cũng ám trên người. Là sự lẳng lặng tự tách biệt khỏi đời sống bận rộn của một xã hội phát triển. Là những người phụ nữ to béo mải miết hít keo như một thứ ma túy giá rẻ. Là giọt nước mắt tủi thân trào ra của cô bạn tóc vàng Peta Doherty khi kể lại chuyện mình tự nhiên bị đánh ngay tại nhà ga trung tâm Sydney chỉ bởi một lý do là cô nói giọng Adelaide… Điều gì đã khiến họ trở thành một cộng đồng kỳ lạ, chí ít là ở các thành phố lớn như vậy?

Trải qua những cảnh sống du mục như thế này, bạn sẽ thấu hiểu hơn đời sống tinh thần của những thổ dân Úc.

Adam Akiten, một nhà thơ Úc hiện sống tại Sydney đã cho tôi một phần câu trả lời. Đi gần hết một chai vang trắng nhà Tyrell của vùng Hunter Valley, tôi đã được nghe ông kể lại cả một chương lịch sử đẫm máu của nước Úc, mà nạn nhân là những người thổ dân. Khác với hình ảnh tuyệt đẹp trong lịch sử khi thuyền trưởng James Cook đặt chân lên châu Úc, mở rộng cương thổ của Nữ hoàng Anh, để rồi tạo dựng nên một đất nước hùng mạnh như hiện nay, vị thuyền trưởng ấy, xét dưới một khía cạnh khác, cũng là "tội đồ" đối với những người thổ dân Úc. Kể từ ngày người da trắng đặt chân lên châu Úc, họ đã tiến hành hàng loạt cuộc thảm sát đối với thổ dân, những chủ nhân đích thực của châu lục này từ 45.000 năm trước.

Phản ứng trước việc bị mất đất đai, bị mất nguồn sống, bị cưỡng bức khai hóa, bị buộc phải tuân thủ những luật lệ mới được áp đặt… những người thổ dân phản kháng, và họ bị thảm sát. Những cuộc tấn công và giết chóc thổ dân Úc nối tiếp dai dẳng, suốt từ năm 1790 cho tới năm 1928, trong đó đỉnh điểm là vụ thảm sát Gippsland năm 1840 với con số thống kê vào khoảng 300-1.000 người… Đã có những thời điểm, người ta thực sự lo sợ thổ dân Úc sẽ bị biến mất khỏi mảnh đất này.

Không chỉ bị thảm sát, thổ dân Úc còn chịu đựng những chính sách can thiệp thô bạo của chính quyền Liên bang vào cuộc sống và gia đình họ. Điển hình và ám ảnh nhất là việc chính quyền Liên bang cho rằng điều kiện sống và giáo dục của những gia đình thổ dân Úc không đủ đảm bảo cho các thế hệ sau, nên đã cưỡng bức tách những đứa trẻ thổ dân và cư dân đảo Torres Strait khỏi gia đình chúng, đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng của chính quyền Liên bang và các trung tâm thiện nguyện Công giáo. Việc làm này diễn ra suốt từ năm 1909 cho tới năm 1969, thậm chí ở một số nơi diễn ra tới tận những năm 1970.

Con số thống kê của chương trình "Đưa họ về nhà" cho biết hơn 100.000 đứa trẻ thổ dân Úc đã bị tách khỏi gia đình. "Trên toàn quốc, chúng ta có thể kết luận với độ khả tín rằng đã có khoảng 1/10 cho tới 1/3 trẻ em thổ dân đã bị cưỡng bức đưa khỏi gia đình và cộng đồng của chúng trong khoảng thời gian từ năm 1910 đến 1970. Tại thời điểm đó, không có bất kỳ gia đình nào thoát thỏi ảnh hưởng của chính sách chia rẽ cưỡng bức này cả. Hầu hết các gia đình đã bị ảnh hưởng, từ một tới nhiều thế hệ, bởi chính sách chia rẽ cưỡng bức từ một tới nhiều trẻ em", báo cáo khẳng định.

Chính vì điều này, vào ngày 13/2/2008, Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã đệ trình một lời xin lỗi chính thức gửi đến "Những thế hệ bị đánh cắp" ra Quốc hội. Lời xin lỗi này được Hạ viện hoàn toàn nhất trí thông qua.

"Hãy đến Uluru, vùng đất trái tim của những người thổ dân Úc, để hiểu hơn về hoàn cảnh địa lý và cuộc sống của họ. Nếu chỉ ở những thành phố lớn, bạn sẽ không thể hiểu được đời sống tinh thần và tính cách của họ. Thiếu đi sự khoáng đạt của thiên nhiên, ở những thành phố lớn, họ chỉ là những xác chết biết di động, biết lĩnh tiền trợ cấp và vùi mình vào những chất kích thích để tìm quên", nhà thơ Adam Akiten dặn tôi.

Hành trình vào "thánh địa"

Không phải bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể đặt chân đến Uluru. Nhiệt độ có thể lên tới 50oC vào ban ngày trong mùa hè, nhiệt độ trung bình trong ngày chênh nhau tới 30oC, khiến một mùa duy nhất bạn có thể đến đây là chớm đông… nếu không muốn nếm trải cảnh cơ thể bị sốc khi lái xe đường trường. "Nếu bay đến Alice Springs và đi theo tour du lịch, bạn sẽ không thể nào hiểu được cuộc sống của thổ dân Úc. Hãy lái xe xuyên qua hoang mạc Úc".

Theo như lời tư vấn của Adam, chúng tôi đã quyết định thuê một chiếc xe tự lái để thực hiện hành trình dài hơn 15.000 km, xuyên qua các tiểu bang South Australia, Northern Territory và Western Australia.

Để đảm bảo an toàn nhưng lại phù hợp với ngân sách èo uột, một chiếc Subaru Outback với hệ dẫn động 4 bánh mới cáu cạnh của hãng cho thuê xe Europe đã được chúng tôi quyết định lựa chọn cho hành trình dài ngày. Vừa đi mượn vừa mua sắm, những hành trang tối thiểu cho chuyến đi vào đại hoang mạc cũng đã hòm hòm với lều cắm trại, bếp gas 3kg chuyên dụng, nồi niêu bát đĩa, thùng lạnh, đèn thắp sáng chạy gas, chăn mền, đồ sơ cứu, gạo, mắm, muối, thùng đựng nước dự trữ, thuốc chống muỗi và côn trùng… chúng tôi tiến vào đại hoang mạc Úc, thẳng tới "thánh địa" Uluru.

Và trên quãng đường 2.139 km từ tiểu bang Victoria xuyên qua tiểu bang South Australia đến Uluru, chúng tôi thực sự đã nếm trải một cuộc sống khác, một cuộc sống phóng khoáng nhưng nghiệt ngã, tuyệt đẹp nhưng cằn cỗi, sảng khoái nhưng vất vả… trên đại hoang mạc Úc. Bạn sẽ nếm trải cảm giác chạy xe mấy trăm cây số mới gặp được một chiếc xe đi ngược chiều. Bạn sẽ tận hưởng cảm giác buông tầm mắt của mình thỏa thích không bị che chắn bởi đại hoang mạc rộng lớn chỉ ngút ngàn những cây bụi  lúp xúp. Bạn sẽ rơi vào cảm giác vô cùng tự do và đơn độc, cắm trại và thắp lên một đống lửa trong đêm đen mịt mùng của đại hoang mạc, không biết khi nào những con chó hoang dingo tiến sát căn lều của mình tìm kiếm thức ăn.

Bạn cũng sẽ được chứng kiến đại cảnh đang lái xe bỗng nhiên thấy trời mù mịt bởi một đám mây đột ngột xuất hiện trên đầu, đám mây được kiến tạo bởi hàng ngàn con vẹt đầy màu sắc. Bạn cũng sẽ trải qua cảm giác phát điên nhưng cũng lo lắng ngợp thở khi lái xe trong đêm, và phải liên tục phanh gấp bởi hàng đàn kangaroo họp "chợ tình" hai ven đường, bị lóa mắt lao thẳng vào đầu xe. Bạn cũng sẽ tận hưởng sự "bực mình thú vị" khi phải phanh xe dúi dụi để chờ một đôi uyên ương đà điểu khổng lồ thong dong bước dạo qua xa lộ…

Chỉ có một con đường lên đỉnh núi: bám vào xích sắt và leo lên.

"Thánh địa" Uluru, vùng đất được xếp hạng di sản thế giới cho cả quần thể thiên nhiên và cả những giá trị văn hóa của mình, được bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả khách du lịch khi đặt chân vào đây đều phải mua vé và hạn chế đi lại theo khung giờ quy định, để không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của những cộng đồng thổ dân sống tại đây. Khu công viên thiên nhiên quốc gia còn có tên là Kata Tjuta này là địa bàn sinh sống truyền thống của thổ dân Yahkunytjatjara và Pitjantjatjara. Họ có ngôn ngữ riêng của mình, gọi là Anangu.

Khu công viên quốc gia này còn là một chứng tích lịch sử biểu trưng cho cuộc đấu tranh bền bỉ của những thổ dân Úc để giữ gìn mảnh đất của mình. Trải qua một thời gian dài, đến năm 1985, chính quyền Liên bang Úc đã phải trao trả mảnh đất này cho thổ dân. Ngược lại, để đảm bảo yếu tố môi trường và quản lý, thổ dân vùng này quyết định cho chính quyền thuê lại trong vòng 99 năm để khai thác du lịch và văn hóa. Nhưng việc quản lý khu công viên quốc gia này không bị giao khoán mà được điều hành bởi một hội đồng bao gồm cả thổ dân bản địa và người da trắng.

Tâm điểm của vùng đất thiêng liêng này là ngọn núi Uluru, ngọn núi thiêng của thổ dân Yahkunytjatjara và Pitjantjatjara, nơi ra đời những câu chuyện huyền thoại của thổ dân Úc về những linh vật thần thánh. Nổi bật hẳn lên khỏi đại hoang mạc, ngọn núi có thể biến đổi màu sắc tùy theo ánh nắng trong ngày cao 348m này là linh hồn của người Anangu. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn lại những người thổ dân Úc vẫn thực hiện những nghi lễ tôn giáo linh thiêng để "trò chuyện" với tiền nhân của mình.

Chính vì lưu giữ tính chất linh thiêng như vậy, cộng đồng thổ dân ở đây khuyến cáo mọi người không nên leo lên đỉnh núi thiêng. Nhưng ngược lại, dưới áp lực của chính quyền, hoạt động leo núi vẫn được duy trì. Dưới áp lực đấu tranh của những người thổ dân, chỉ một con đường leo núi tự nhiên, được gia cố thêm bằng một sợi xích sắt cheo leo là tất cả những gì được cho phép. Và khi những cuộc tế lễ linh thiêng diễn ra, không có bất kỳ khách du lịch nào được phép lên núi.

…Đứng trên đỉnh núi thiêng Uluru và phóng tầm mắt ra toàn bộ vùng đất còn sót lại của những người thổ dân, dưới ánh nắng xế chiều, toàn bộ ngọn núi thiêng ánh lên một màu đỏ như máu, máu của hàng trăm ngàn thổ dân Úc đã bỏ mình trong suốt cả chiều dài lịch sử của một nước Úc thanh bình của ngày nay. Đứng trên đây, mới thấy được cuộc đấu tranh để được sống theo văn hóa của chính mình, của những người thổ dân Úc vẫn còn hiện diện, ngay ở chính quy định được trèo lên hay không được trèo lên đỉnh núi thiêng này. Phải chăng, đằng sau sự thịnh vượng, luôn luôn phải có một câu chuyện đau thương và đẫm máu?

Việt Đông (vietdong.antg@gmail.com)
.
.