Hào quang chớp nhoáng của “Beatle thứ 5”

Thứ Tư, 15/03/2017, 09:10
Ít người hâm mộ nhóm nhạc Anh huyền thoại The Beatles biết rằng ban nhạc này từng có một thành viên thứ 5 dù chỉ là trong một thời gian ngắn ngủi 12 ngày.

Cơ hội có một

Một sáng mùa hè năm 1964, Jimmie Nicol bị tiếng chuông điện thoại dựng dậy khi đang ngủ trong một căn hộ thuê tồi tàn ở Barnes, tây nam London, Anh, nơi anh sống cùng vợ Patricia và con trai nhỏ Howie. Trên đường dây là George Martin, nhà sản xuất của The Beatles và là một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong làng âm nhạc lúc bấy giờ.

Martin bắt đầu cuộc nói chuyện bằng câu hỏi Nicol có làm gì trong vài ngày tới hay không. Nicol, vốn là một người kiếm sống hằng ngày bằng nghề chơi trống trong câu lạc bộ đêm, biết rõ về ngành kinh doanh âm nhạc để đủ khôn khéo trả lời rằng mình không có việc gì cả. Nghe vậy, Martin bảo Nicol tới phòng thu ở đường Abbey lúc 15 giờ hôm đó và nói thêm: “Nhóm The Bealtes muốn chạy thử một vài bài với anh... Ringo Starr ốm và chúng tôi muốn anh thế chỗ anh ta trong chuyến lưu diễn. Anh có phiền không nếu tới Australia?”.

Nicol (áo trắng) cùng 3 thành viên The Beatles.

Hôm đó là Thứ tư, ngày 3-6 và đó là khởi đầu cho quãng thời gian hai tuần kỳ lạ biến một chàng trai 21 tuổi vô danh trở thành một ngôi sao dù chỉ trong chốc lát. Trong thời gian ngắn ngủi, Nicol từ chỗ không ai hay đã trở thành trung tâm trong một nhóm người nổi tiếng nhất lịch sử hiện đại khi thế chỗ Starr trong chuyến lưu diễn thế giới đầu tiên của The Beatles.

Được đám đông khổng lồ chào đón ở Đan Mạch, Hà Lan, Hong Kong và Australia, Nicol ngập trong thế giới điên cuồng của người nổi tiếng, được vây quanh bởi người hâm mộ cuồng nhiệt, những buổi họp báo, cuộc trò chuyện trên truyền hình, những bữa tiệc xa hoa trong khách sạn.

Nicol chơi trống trong các buổi biểu diễn của The Beatles khắp 3 châu lục, trước vài trăm nghìn người hâm mộ, bỗng chốc một đêm trở thành người nổi tiếng khi các phóng viên gọi anh là “Bealte thứ 5”.

Khi cơ hội cả đời có một gõ cửa nhà Nicol tháng 6-1964, The Beatles đang đứng đầu các bảng xếp hạng ở cả Anh và Mỹ. Vào đêm trước chuyến lưu diễn thế giới đầu tiên của The Beatles, Ringo Starr bị ngất trong buổi chụp ảnh và được đưa tới viện vì viêm amiđan và viêm họng. Không thể hủy hay hoãn chuyến lưu diễn, người quản lý của The Beatles là Brian Epstein đã quyết định thuê một người thay thế tay trống Starr.

Epstein chợt nhớ tới Nicol trong một buổi ghi âm gần đây với một ngôi sao rock n roll Tommy Quickly. Sau khi được nhà sản xuất George Martin gọi điện, Nicol gói ghém hành lý trong vài giờ.

Trong cuộc phỏng vấn năm 1987 với tạp chí của người hâm mộ The Beatles, Nicol nhớ lại: “Một người phụ nữ phụ trách trang phục đã tới căn hộ của tôi, một người thợ cắt tóc đã cắt cho tôi kiểu tóc mop-top. Trong gương, tôi trông giống như một hình ảnh của một Bealte mới”.

Chiều hôm sau, Nicol bước ra ngoài chiếc máy bay ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch cùng John Lennon, Paul McCartney và George Harrison trong tiếng hò reo của 6.000 người hâm mộ. Cảnh sát đã hộ tống nhóm nhạc về khách sạn Hoàng gia trong thành phố. Hơn 2.000 người hâm mộ đã tập trung bên ngoài khách sạn.

Đêm đó, The Beatles biểu diễn tại một sân vận động thể thao cùng Nicol - người mặc bộ đồ của Ringo. McCartney nói với Star trong một bức điện: “Nhanh lên và chóng khỏe nhé. Jimmie đang mặc hết quần áo của cậu rồi”.

Nicol - người được coi là “Beatle thứ 5”.

Ngày hôm sau, ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan, 30.000 người hâm mộ xếp hàng dài trên phố để xem The Beatles. Đêm đó, sau khi biểu diễn, Nicol và Lennon đã qua đêm trong một nhà thổ. Về sau, Nicol nhớ lại: “Cái ngày trước khi tôi là một Beatles, các cô gái không quan tâm tới tôi chút nào. Ngày sau đó, với trang phục và kiểu tóc The Beatles, cưỡi chiếc Limo cùng với John và Paul, thì họ sống chết muốn chạm vào tôi. Điều đó thật kỳ lạ và thật đáng sợ”.

Về sau, Nicol cũng tiết lộ một số tính cách, thói quen của nhóm The Beatles trong thời gian ngắn ngủi làm “thành viên thứ năm”. Theo Nicol, McCartney “không phải là một anh chàng sạch sẽ mà anh ta muốn thế giới nhìn thấy. Không phải ai cũng biết anh ta thích phụ nữ tóc vàng và thường ghét đám đông”. Còn Lennon thì uống rượu quá mức. Trong khi có tiếng là một thành viên trầm lặng nhất ban nhạc, Harrison lại chìm đắm trong tình dục và tiệc tùng thâu đêm. Nicol nói: “Tôi thậm chí không thể đọ với họ về các trò tinh quái. Tôi đã nghĩ tôi có thể uống rượu và vui vẻ với phụ nữ không kém họ”.

Cuộc vui tiếp diễn ở Hong Kong và Adelaide, nơi 300.000 người chào đón ban nhạc. Tuy nhiên, khi ban nhạc đặt chân tới Melbourne, Nicol nhận ra câu chuyện cổ tích của mình đã hết: Ringo Starr đã hồi phục.

Ngày 15-6, 12 ngày sau khi được George Martin thuê, Nicol bị bỏ lại sân bay Melbourne với tờ séc 500 bảng tiền công, một chiếc đồng hồ vàng, một cái túi trên chuyến bay có nhãn hiệu Beatles chứa đồ đạc cá nhân và một chiếc vé hạng nhất quay về London.

Hào quang tắt lịm

Nicol được phóng viên chào đón ở sân bay Heathrow.  Lúc đầu, anh hi vọng có thể tận dụng sự nổi tiếng chốc lát của mình để trở thành một ngôi sao nhạc pop, nhanh chóng ký hợp đồng ghi âm, mua một chiếc Jaguar và thành lập một ban nhạc tên là The Shubdubs.

Tuy nhiên, các đĩa đơn của ban nhạc chìm nghỉm. Các buổi biểu diễn của nhóm không có khán giả. Trong vòng một năm, Nicol tuyên bố phá sản với khoản nợ 40.000 bảng trong khi tài sản chỉ vỏn vẹn 30 bảng. Anh cũng bị vợ cũ Patricia đưa ra tòa vì không trả tiền cấp dưỡng cho con. Patricia đã ly dị Nicol sau khi biết Nicol đã ngoại tình trong thời gian nổi tiếng chớp nhoáng.

Trả lời phỏng vấn tờ Mail năm 1965, Nicol nói: “Mọi người trong ngành giải trí đều nói với tôi rằng không thể bỏ lỡ cơ hội. Tôi là cái tên nóng nhất ở đó. Tuy nhiên, sau khi các tít báo chìm dần, tôi cũng bắt đầu “chết”. Không ai muốn biết về tôi nữa”.

Nicol thử một lần nữa khi gia nhập nhóm nhạc Thụy Điển The Spotnicks chuyên biểu diễn trong một khách sạn ở Mecico City. Tuy nhiên, Nicol bị đuổi khỏi nhóm một năm sau đó. Ca sĩ Peter Winsnes của nhóm nhớ lại: “Jimmie bắt đầu dùng ma túy nặng. Có tối, anh ta say thuốc tới mức ngã khỏi ghế ngồi sau trống. Người quản lý của chúng tôi đã phải gọi tay trống mới”.

Trong 10 năm tiếp theo, Nicol ở Mexico, ra đĩa Los Nicolquinn với nhạc sĩ Eddie Quinn. Đĩa nhạc này cũng thất bại. Sau đó, Nicol kết hôn rồi nhanh chóng ly hôn với diễn viên múa Julia Villasenor.

Bức ảnh cuối cùng của Nicol.

Lần cuối cùng được phỏng vấn năm 1987, Nicol kiên quyết từ chối ý định kiếm tiền lần nữa từ thành công chớp nhoáng đưa tên tuổi lên tầm toàn cầu. Anh chỉ một lần xuất hiện trước công chúng tại đại hội của The Beatles năm 1984.

Vậy là cũng nhanh như lúc vươn tới đỉnh cao danh vọng và tiền bạc, Jimmie Nicol biến mất khỏi thế giới âm nhạc. Trong khi các thành viên The Bealtes tiếp tục trở thành những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới thế kỷ 20 thì sự nghiệp của người thứ năm nhanh chóng tụt dốc.

Trong vòng một năm, hôn nhân của Nicol chấm dứt bằng một vụ ly dị. Nicol bị tuyên bố phá sản, phải ngủ trên ghế sofa nhà mẹ và xa rời đứa con duy nhất. Sau khi sống ở Mexico cuối những năm 1960 với cuộc hôn nhân thứ hai cũng đổ vỡ, Nicol bỏ ngành âm nhạc và lập công ty làm cúc áo trong một thời gian ngắn rồi trở về quê nhà cuối những năm 1970. Tại London, Nicol sống hàng chục năm sau đó trong cảnh tối tăm, làm thợ xây dựng và hàn gắn với cậu con trai Howie giờ đã 58 tuổi và là một kỹ sư thành công.

Tung tích bí ẩn

Giờ đây, họa chăng chỉ có những người hâm mộ tận tụy nhất của The Beatles mới nhớ tới cái tên Nicol. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi. Hơn nửa thế kỷ sau khi Nicol trở thành người thay thế tạm tay trống Ringo Starr, Jimmie Nicol sẽ thấy tên tuổi của mình rạng sáng một lần nữa khi xuất hiện kế hoạch sản xuất một bộ phim Hollywood nói về cuộc sống và thời của Nicol.

Dự án này là sản phẩm của Alex Orbiso và Ashley Hamilton. Dự án sẽ dựa trên một cuốn tiểu sử về Nicol mang tên “The Beatle Who Vanished” (Thành viên Bealtle biến mất). Cuốn sách kể về cuộc đời của Nicol, người đàn ông bí ẩn ở trung tâm câu chuyện kỳ lạ, sinh ra ở Wandsworth, một khu vực tầng lớp lao động ở London năm 1939.

Theo cuốn sách, năm 14 tuổi, Nicol lần đầu tiên có một bộ trống từ cửa hàng cầm đồ trong vùng. Tốt nghiệp hai năm sau đó, anh tới Soho để tìm kiếm các buổi trình diễn âm nhạc hỗ trợ cho người biểu diễn trong quán rượu và câu lạc bộ. Năm 1957, Nicol tham gia một nhóm nhạc pop khá thành công tên là The Cabin Boys. Đầu những năm 1960, anh kiếm được từ 30 đến 40 bảng mỗi tuần (gấp đôi mức lương trung bình thời đó) nhờ là một nhạc sĩ có tài.

Dù bị đồn đã chết năm 1988 nhưng một tờ báo đã tìm ra Nicol năm 1995 và năm 2005, ảnh chụp Nicol được đưa vào một cuốn sách về The Bealtes. Khi sống ở tây London, Nicol nói với phóng viên: “Tôi không muốn biết. Tôi không quan tâm tới quyển sách nào cả”.

Có lần McCarrtney từng nói rằng anh hiểu vì sao Nicol từ chối nói về thời gian làm một thành viên tạm của The Beatles: Không dễ dàng gì khi thế chân Ringo Starr, có mọi danh tiếng và một phút sau, không còn là người nổi tiếng nữa.

Trong thực tế, khi được hỏi làm thế nào để đối phó với áp lực đó, Nicol nói: “Mọi chuyện sẽ khá hơn thôi”. Câu nói này đã được The Beatles lấy cảm hứng cho ca khúc Getting Better trong album “Sgt Peppers Lonely Hearts Club band”.

Thông tin về việc cuộc đời Nicol sẽ lên phim chắc chắn sẽ khiến dư luận tiếp tục đồn đoán về số phận hiện nay của ông. Mới đây, tờ The Times đã nói chuyện với hàng xóm cũ của Nicol ở Kentish và được biết Nicol và một phụ nữ tên là Josefine (có thể là vợ) đã rời nơi này năm 2013 về Mexico, quê của Josefine. Có người lại nói Nicol ở Hà Lan.

Bức ảnh cuối cùng mà Nicol chụp là vào năm 2005 ở tây London. Lần gần đây nhất người ta nhìn thấy Nicol là bên ngoài một căn hộ thuê ở thị trấn Kentish, nơi ông sống ở đây cho tới thời điểm năm 2012.

Trong khi đó, Howie, người thân duy nhất còn sống của Nicol, cho biết không hay bố mình đang ở đâu. Ông Howie nói: “Ông ấy bảo tôi phải làm gì khi có người gõ cửa hỏi thăm: cách tốt nhất mà con có thể làm là bảo với mọi người là bố đã chết rồi họ sẽ bỏ đi”.

Nhật Minh
.
.