Hậu phương của nhạc sĩ mặc áo lính Huy Du

Thứ Tư, 20/12/2017, 15:45
Người ta vẫn nói rằng, đằng sau thành công của một người đàn ông, thường có bóng dáng của một người phụ nữ, điều đó đúng nhưng chưa đủ đối với PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, người vợ của nhạc sĩ Huy Du.


Cả một đời gắn bó, bà đã mang đến cho ông sức mạnh của gia đình, niềm vui nghệ sĩ và cả những chia sẻ ngọt bùi của tình yêu thương, chăm sóc cả trong đời sống lẫn công việc. Bà không chỉ là vợ, mà còn là một người đồng nghiệp mà ông trân quý. Tất cả những điều đó đã góp phần mang đến tên tuổi cho nhạc sĩ Huy Du, một người lính, một người nhạc sĩ với những ca khúc sống mãi với thời gian như "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Chiều quê hương", "Bài ca đường 9", "Nổi lửa lên em", "Tình em", "Việt nam ơi! Mùa Xuân đến rồi"...

Năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã ở tuổi 82. Nơi bà ở là một căn nhà trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyên Hồng đầy ắp kỷ niệm cả cuộc đời bà và người chồng yêu thương gắn bó. Rất nhiều kỷ vật của cố nhạc sĩ Huy Du được bà bày biện, trang trí và để nguyên vẹn như thời ông còn sống.

Những bức tranh vẽ, những bản nhạc quen thuộc và cả những bức ảnh của ông bà với con cháu. Có những bức ảnh đen trắng từ thời kỳ ông bà mới hai mươi đầy sự trẻ trung. Bà chỉ vào những bức ảnh và bảo, ấy vậy mà đã đi qua cả đời người. Rồi bà bắt đầu kể lại quãng thời gian quen biết nhạc sĩ Huy Du với ánh mắt đầy tự hào.

Lớn lên cùng những năm tháng hào hùng

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung là con út trong một gia đình có 9 người con. Các anh trai của bà đều được học đàn từ bé và chơi được guitar, banjo, flute... Họ tham gia đoàn kịch Sao Vàng do nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Nguyễn Đức Toàn phụ trách. Các anh trai bà vốn học ở trường Đỗ Hữu Vị, nơi bố đẻ của nhạc sĩ Huy Du dạy học.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung hồi trẻ.

Nhạc sĩ Huy Du là bạn của các anh trai bà và được các anh nhờ dạy piano cho cô em gái, dù thời điểm ấy cô em Nguyễn Thị Nhung đã chơi đàn mandolin khá thành thạo. Mối tình ấy như được ông trời xe duyên. Họ đã trải qua rất nhiều thời gian bên nhau, yêu thương rồi gắn bó với nhau mặc dù trong suốt thời gian ấy, hai ông bà đã phải chứng kiến rất nhiều chuyện, rất nhiều sự xa cách về thời gian, không gian.

Bởi vì, cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung và các anh của bà thay đổi khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bố bà mất sớm và một tay mẹ bà phải lo toan mọi việc. Cả gia đình bà tản cư lên Bắc Kạn rồi khi giặc Pháp ập đến, mẹ bà lại dắt các con về Ninh Bình, ở nhà người cô ruột. Một thời gian sau lại lên Tuyên Quang.

Cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung chuyển sang một hướng khác khi bà được cơ quan là Cục Tiếp tế vận tải (Bộ Tài chính) cử đi học tại Trường Sư phạm Trung ương - Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc (năm 1951). Tại nơi đây, bà đã được học chuyên sâu về sư phạm và âm nhạc. Bà cũng là thành viên của đội văn nghệ học sinh sư phạm Khu học xá Trung ương.

Năm 1954, học xong, bà trở về Hà Nội tham gia Liên hoan Văn công toàn quốc tại Hà Nội và được mời về dạy âm nhạc tại trường Trưng Vương. Bà đã bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của mình như "Ngày vui sướng của em", "Con đương tươi đẹp", "Thay trời làm mưa"... Đến năm 1959, bà quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi thi đỗ vào khoa trung cấp bộ môn Violin tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Tốt nghiệp, bà được giữ lại giảng dạy rồi tiếp tục đi tu nghiệp tại nước ngoài, sau đó bà được đề bạt làm Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội.

Là vợ, là mẹ, là hậu phương vững chắc

Kể lại những ngày tháng học tập không mệt mỏi ấy, bà bảo rằng, công lao lớn thuộc về người chồng, nhạc sĩ Huy Du. Năm 1958 ông bà cưới nhau, rồi bà đi học mãi đến năm 1963 mới sinh con gái đầu lòng. Rồi sau đó ông lại đi chiến trường, hơn 10 năm sau mới trở về và sinh thêm con trai thứ hai.

Nhạc sĩ Huy Du và vợ - PGS. TS Nguyễn Thị Nhung.

 Nhưng ông bà rất vì nhau để vừa lo cho gia đình, vừa phấn đấu trong sự nghiệp. Khi ông ở chiến trường thì bà chăm bẵm, nuôi con cái để ông yên tâm công tác, và ngược lại, khi bà dành thời gian cho việc học tập và phấn đấu, thì người chồng yêu thương đã dành trọn thời gian ở bên con cái để bà yên tâm với công việc của người làm khoa học và giảng dạy.

Cho đến nay, bà đã có hàng chục giáo trình và sách cùng rất nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho âm nhạc chuyên nghiệp như "Chiều quê hương", "Romane cho đàn violon và piano", bản ballat "Huyền thoại mẹ" viết cho violon, piano và fagotte. Tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung ở mọi thể loại đều có sự dịu dàng, cần cù, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ bởi thế mà những tác phẩm của bà để lại dấu ấn trong lòng người nghe. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 2001).

Ở tuổi 82, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung thường hồi tưởng về câu chuyện từ những ngày bắt đầu đến với âm nhạc. Bà bảo, âm nhạc đã mang lại cho bà nhiều niềm hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất là được gặp nhạc sĩ Huy Du. Khi ông là một người lính, người nhạc sĩ nổi tiếng thì bà là hậu phương vững chắc cho ông. Hiếm có một gia đình nào mà cả hai người nghệ sĩ trong gia đình lại có thể có sự cân bình tuyệt vời như hai ông bà. Họ vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, vừa là những người nghệ sĩ cùng nhau vun đắp cho tổ ấm của mình.

Nhạc sĩ Huy Du và cháu nội.

Trong cuộc sống, nhạc sĩ Huy Du là người hiền lành, chân thật và dành mọi tình cảm cho gia đình, cho vợ con. Ông vừa là điểm tựa vừa là người bạn tri âm tri kỷ của bà. Tác phẩm của họ, thường người bạn đời là thính giả đầu tiên được thưởng thức. Ông bà góp ý cho nhau nhưng lại tôn trọng cá tính riêng trong nghệ thuật, tôn trọng cái tôi của nhau. Có lẽ bởi thế nên tác phẩm của họ đều có vị trí riêng trong công chúng.

Nhớ lại những kỷ niệm với người chồng yêu thương, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: "Anh ấy thường kiệm lời và hiền lành lắm. Chúng tôi yêu nhau và hiểu nhau nên trong gia đình ít khi to tiếng. Cả việc dạy dỗ con cái cũng thế, anh để cho tôi toàn quyền chu tất mọi chuyện. Anh chỉ bảo và định hướng các con làm những việc mình đam mê chứ không bao giờ ép buộc. Nên các con sau này đều đi theo âm nhạc chắc là do gen di truyền của bố mẹ. Chúng tôi lấy nhau nhưng cũng xa nhau nhiều vì anh đi chiến trường biền biệt, khi anh về thì tôi lại đi học nước ngoài và làm khoa học. Nhớ có lần tôi đi sơ tán ở Bắc Giang thì nhận được bài hát phổ thơ của nhà thơ Chính Hữu, trong thư anh bảo, bài hát thay nỗi lòng anh, bài "Ngọn gió": "Em có bao giờ nửa đêm thức dậy/ Nghe ngọn gió bên này thổi sang bên ấy/ Đây là hồn anh đang thở đêm đêm/ Đi giữa đất trời đang hát ru em...".

Truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Trong căn phòng có chiếc đàn piano cũ nhưng vẫn bóng loáng là kỷ vật của ông bà từ những tháng ngày gian khổ. Bà bảo, có thời điểm khó khăn quá vì mới lấy nhau, ông bà có hai cái đàn thì phải bán đi một cái để mua nồi niêu xoong chảo. Sau này, khi có con phải lo cho con đi học nước ngoài, ông thì sáng tác, bà ngoài dạy học và sáng tác thì phải làm rất nhiều công việc ngoài chuyên môn để lo cho gia đình. Nhưng ông bà chưa bao giờ kêu than mà chỉ chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh.

Ngay cả lúc khó khăn, ông vẫn sáng tác đều đặn, vẫn viết cho con, vẫn vẽ tranh để vượt qua những nỗi vất vả trong điều kiện chung của những người nghệ sĩ. Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Huy Du bị bệnh và mất sớm cũng là sự thiệt thòi vì cả một thời kỳ khó khăn ông nếm trải mà chưa được hưởng bao nhiêu những ngày tháng sung túc trọn vẹn với cuộc đời, với người vợ yêu thương của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung hiện nay.

Đã tròn 10 năm ngày nhạc sĩ Huy Du đi về cõi vĩnh hằng, những bài hát của ông vẫn đi cùng năm tháng. Bà Nhung vợ ông vẫn ngồi tỉ mẩn sắp xếp lại những tài liệu của chồng gọn gàng như một gia sản để lại cho gia đình, con cháu. Các con của ông đã thành đạt và đang tiếp nối truyền thống gia đình. Con gái lớn của ông, chị Nguyễn Thị Huyền Cầm hiện là giảng viên piano ở CHLB Đức. Con trai là anh Nguyễn Huy Phương, nghệ sĩ piano, anh đã lấy bằng tiến sĩ âm nhạc ở Học viện Âm nhạc tại Moscow.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung chia sẻ rằng, để có được sự tiếp nối liên tục, cần sự mài giũa hằng ngày. Có lẽ chính vì thế cho đến nay, ở tuổi 82 bà vẫn tiếp tục ngồi hội đồng chấm luận án, luận văn, vẫn hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm khoa học.

Trong khoa học, bà là người nghiêm túc và thậm chí là... khó tính. Vì bà cho rằng, dù người nghệ sĩ cần phiêu trên sân khấu, cần đốt cháy mình để có thể cống hiến cho khán giả những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật, nhưng để làm được những điều đó, trước hết cần có nền tảng căn bản. Phải hiểu thì mới làm được, phải học thì mới biết và đã học thì phải đến nơi đến chốn. Bà thấm nhuần triết lý: Muốn đi xa phải học nhiều, nghiên cứu nhiều.

Những năm chống Mỹ, chồng đi chiến trường, bà một mình vừa chăm con, con ngủ thì lại ngồi bên trang sách đọc tài liệu. Khi đi làm luận án tiến sĩ tại nước ngoài với đề tài "Các dạng đoạn nhạc trong dân ca người Việt" bà đã được trao số phiếu tuyệt đối và nhận bằng đỏ với lời nhận xét của vị giáo sư chủ tịch hội đồng là "Vượt xa một khuôn khổ luận án bình thường và làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong âm nhạc dân ca Việt Nam, khác xa với các bài hát dân ca châu Âu...".

Bây giờ, niềm vui của bà là các cháu. Bà dạy cô cháu nội Tuệ Linh học đàn từ khi còn bé và dường như cháu cũng có gen gia đình, rất hăng say học tập. Dù ở tuổi 82 nhưng sức khỏe và sự minh mẫn của bà thì ít ai theo kịp. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung bảo, bí quyết của bà đơn giản lắm.

Mỗi ngày bà đi bộ 30 phút, sau đó về đọc sách báo, xem tin tức thời sự và tiếp tục nghiên cứu, viết những gì bà cho là bổ ích cho âm nhạc đương đại, cho các thế hệ học sinh. Bà cho rằng, dù thời thế thay đổi, dù dòng nhạc đa dạng, dù có nhiều trào lưu, nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, nghiên cứu và học tập không ngừng sẽ cho mình đủ kiến thức để tiếp tục trên con đường mà mình đã chọn. Bà đã lựa chọn một con đường đi đúng và cảm ơn số phận đã mang đến cho bà niềm say mê âm nhạc. Có âm nhạc, bà đã có tất cả.

Có một người chồng mà dù ông đã đi xa 10 năm nay, nhưng với bà, ông luôn trong trái tim và trong khúc hát: "Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi/ Có gì đâu em ơi/ Tình yêu là sự sống/ Nên nắng hửng trong lòng...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.