Hậu trường V-League: Khó làm “quân tử”

Thứ Hai, 03/10/2011, 14:30

Người ta tự tấn phong cho giải bóng đá V-League của Việt Nam là chuyên nghiệp. Thế nên, đã chuyên nghiệp thì việc một cầu thủ nào đấy chiều hôm trước bảo sẽ ở lại đội bóng cũ, nhưng sáng hôm sau lại nhào sang một đội bóng mới cũng là điều bình thường.

Thuở mà các doanh nghiệp ở xứ mình làm bóng đá, câu cửa miệng luôn là “Tôi không thiếu tiền”, thì chuyện “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng… nhiều tiền hơn”, ngẫm đâu có gì là quá ngạc nhiên. Vậy thì tại sao khi ngôi sao bóng đá Công Vinh đã gần như chắc chắn ở lại Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển lại đột ngột về với CLB Hòa Phát Hà Nội (nhiều khả năng có tên gọi mới là CLB Bóng đá Hà Nội - PV) của ông bầu Nguyễn Đức Kiên tạo ra cơn địa chấn của làng bóng đá Việt (?!).

1. Trước khi Văn Quyến nhúng chàm, thì cái tên Công Vinh gần như bị danh thủ đồng hương này che mất. Nhưng đôi lúc, cái sẩy chân của người này lại là cơ hội của người kia. Văn Quyến mất danh, Công Vinh có tiếng. Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận sự tích cực luyện tập cũng như khả năng điều khiển trái bóng của Công Vinh. Cách đây 3 năm, Công Vinh rời CLB Sông Lam Nghệ An về với bầu Hiển với khoản chuyển nhượng đình đám là 7,2 tỉ đồng.

Về Hà Nội T&T khi Công Vinh đang lên như diều gặp gió thì đột ngột mắc phải chấn thương nghiêm trọng. Đã có lúc, tưởng cầu thủ này phải rời cuộc chơi sân cỏ. May mà chuyện xui rủi cũng đã qua. Công Vinh từng sang tận Bồ Đào Nha để thi đấu cho một CLB ít nổi tiếng của đất nước này do ông HLV Calisto giới thiệu. Dẫu sao thì đá ở nước ngoài đã sang, còn đá dự bị hay ngồi máy bay sang bên đấy làm quảng cáo thì lại là chuyện khác. Người hâm mộ ngất ngây theo từng bước chạy của Công Vinh từ thông tin này.

Lần nữa, Công Vinh khiến dư luận choáng váng khi vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trong trận đấu ở mùa giải V-League 2010. Ở trận đấu đó, Hà Nội T&T thua CLB chủ nhà Đồng Tháp trên sân Cao Lãnh với tỉ số 1-2.

Khi Công Vinh đang ở thời kỳ đỉnh cao (mà có lẽ, bây giờ anh vẫn giữ được phong độ ấy - PV), giới phóng viên thể thao ưu ái gọi Công Vinh là CV9. Ký hiệu này xuất phát từ giới phóng viên thể thao quốc tế khi gọi danh thủ của Bồ Đào Nha đang thi đấu cho CLB Real Marid, Cristiano Ronaldo là CR9. Chỉ khác nhau ở ký tự V và R.

Đã có thời, Công Vinh bị phản ứng khi chụp ảnh bán khỏa thân cùng bạn gái là ca sĩ Thủy Tiên. Gần như là rập khuôn mô hình của các cầu thủ nổi tiếng thế giới và bạn gái, thi thoảng dư luận cũng được dịp bàn tán về tương lai của cầu thủ này thông qua phát biểu của ca sĩ Thủy Tiên. Trước khi rời CLB Hà Nội T&T, đã có thông tin bên lề cho rằng Công Vinh sẽ vào Sài Gòn thi đấu cho CLB nào đấy, bởi ca sĩ Thủy Tiên úp mở "Chúng tôi sẽ sống chung với nhau". Ai cũng biết, Thủy Tiên không thể bứt ra khỏi Sài Gòn. Nên nếu muốn sống chung cùng người yêu, buộc Công Vinh phải rời Hà Nội T&T để đến phương Nam.

Công Vinh tính rất khéo. Anh chiếm được cảm tình của nhiều cây bút thể thao. Cách đây vài tuần, khi chơi bóng cùng mấy anh em chuyên mảng thể thao tại sân bóng đá mini Tao Đàn, thấy một góc sân xôn xao, tưởng chuyện gì, hóa ra Công Vinh đang đi lững thững cùng một phóng viên thể thao đến sân để… thăm thú anh em. Gặp ai Công Vinh cũng cười rất tươi và nói luôn miệng: "Anh X khỏe không? Anh Y khỏe không?".

Tuần trước, thông tin từ chính CLB Hà Nội T&T gần như khẳng định Công Vinh sẽ kết thúc hợp đồng với CLB này. Tuy nhiên, khi bầu Hiển ra tay, Công Vinh hứa sẽ ở lại với bản hợp đồng 3 năm.

Thế nhưng, trước ngày ký hợp đồng đúng 24 giờ, Công Vinh đã phản kèo bỏ bầu Hiển để về với bầu Kiên.

Có lẽ, biết sự phản ứng của báo giới, nên không biết vô tình hay hữu ý, một cây bút bình luận thể thao có tiếng trong làng báo, hiện đang công tác tại một tờ nhật báo đã đến tận khách sạn Park Hyatt để phỏng vấn bầu Kiên và Công Vinh.

Nếu tôi nhớ không nhầm, đây là lần hạ cố hiếm hoi của nhà báo trên để phỏng vấn một cầu thủ và ông bầu.

Liệu có sự dọn đường cho dư luận nào ở đây(?!).

Bầu Hiển nhận trái đắng khi tiền đạo Công Vinh bất ngờ phản kèo.

2. Ông Nguyễn Đức Kiên được ví là "quả bom" của V-League. Khi mà từ sức công phá do bài phát biểu của ông tại Hội nghị tổng kết Mùa giải 2011 khiến Ban tổ chức giải V-League, cho đến VFF choáng váng, dư luận hả hê và giới truyền thông lại có dịp… bàn.

Ngay chính tôi, cũng bị ông thuyết phục bởi những luận điểm mà ông đã đưa ra trong bài phát biểu ấy. Sau này, ông thừa nhận là người ta có mời ông phát biểu đâu, ông phải tự xộc lên giành micrô để nói. Phải nói thôi, bởi ông đã quá bức xúc cách làm bóng đá của những người điều hành giải V-League hiện tại.

Lời nói minh bạch và hành động cướp diễn đàn để được nói, có thể tạm gọi là "Dũng trong cái dũng".

Sau vụ đì đùng đó, Báo Pháp luật TP HCM nhanh chóng tổ chức một buổi tọa đàm giữa các doanh nghiệp làm bóng đá với nhau. Hôm ấy, có ông Kiên, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Đoàn Nguyên Đức - ông bầu của CLB Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Quốc Thắng - ông bầu của CLB vừa xuống hạng I Đồng Tâm Long An và ông Lê Tiến Anh - ông chủ của CLB Khatoco Khánh Hòa. Lần đầu tiên được chạm mặt ông Kiên với mái đầu bạc trắng và khuôn mặt bầu bầu, thú thật đã có cảm tình. Cộng với bài phát biểu gây xôn xao chỉ ra những vấn đề đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam lại càng có cảm tình với ông hơn nữa.

Trong buổi hội thảo hôm ấy, ông Đoàn Nguyên Đức nói rất hăng. Ông kịch liệt phản đối chuyện các ông bầu đua nhau nâng giá cầu thủ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại thị trường chuyển nhượng. Ông Đức đưa ra dẫn chứng về cầu thủ Tăng Tuấn của CLB Hoàng Anh Gia Lai…

Ông bầu Võ Quốc Thắng cũng đồng tình với quan điểm này. Để ý, thấy ông Kiên không đưa ra quan điểm của riêng mình cho vấn đề trên.

Ông Đức kiến nghị với ông Lê Hùng Dũng rằng VFF cần có chế tài với những CLB tự ý nâng giá cầu thủ, khiến cầu thủ ngày càng được nhiều cơ hội để “nổi loạn”. Thậm chí, có khi cầu thủ đang bị kỷ luật ở CLB này, nhưng CLB kia vẫn chấp nhận tung rất nhiều tiền ra để mua không phải là chuyện hiếm.

Ông Dũng trả lời câu hỏi của ông Đức rất hay. Ông Dũng nói, các ông bầu nên bình tĩnh để xét căn nguyên của việc tự ý nâng giá cầu thủ, khiến giá trị cầu thủ quá cao so với giá trị sử dụng thực tế. Chuyện cầu thủ này lẽ ra giá trị chuyển nhượng chỉ khoảng 3 tỉ, nhưng không hiểu sao vẫn có ông bầu khác lại dám trả 5 hoặc 8 tỉ để mang về là chuyện vẫn đang diễn ra tại V-League. Nhưng, lỗi này là tại ai(?!).

Đương nhiên không phải là lỗi do VFF rồi. Đồng ý là VFF cũng có một phần trách nhiệm nhưng cái chính vẫn là do các ông bầu lắm tiền tự đẩy giá cầu thủ thôi.

Ông Đức có vẻ không hài lòng lắm với câu trả lời của ông Dũng. Khi ấy, bầu Kiên ngồi cạnh ông Dũng, để ý thấy bầu Kiên liên tục gật đầu, nhẹ nhẹ… Không biết lúc đó, bầu Kiên đang tán thành ý kiến của ông Đức hay ông Dũng(?!).

Ông Kiên chỉ liên tục nhấn mạnh về công tác yếu kém trong Ban tổ chức V-League và cách điều hành trận đấu của các trọng tài. Thêm nữa, là việc các ông bầu liên tục quẳng hàng tỉ đồng tiền thưởng cho mỗi trận đấu… Tuyệt nhiên, ông không nói về thị trường chuyển nhượng cầu thủ.

Nói sòng phẳng thì một số ông bầu tại V-League vẫn đang mang nặng cái mặc cảm tình nghĩa. Các ông bầu vẫn hy vọng vào sự thủy chung của cầu thủ mà mình đã dày công đào tạo, tạo điều kiện để trở thành cầu thủ nổi tiếng. Thế nhưng, vừa nổi tiếng thì lập tức bị "người khác" phỗng tay trên. Ai mà không tức(!).

Các ông bầu dư sức bỏ nhiều tiền hơn để giữ cầu thủ lại cho CLB, nhưng, giới đại gia nước mình vốn dĩ xem kẻ "phản phúc" như "thù". Giận thằng "phản phúc" một, thì giận kẻ biến đàn em của mình thành "phản phúc" gấp trăm lần… Thế là có chuyện. Một khi đại gia đã giận thì cũng khác người không đại gia lắm. Tuy nhiên, đó là vấn đề mà tôi không bàn trong bài viết này.

Bầu Kiên đã khéo léo đứng ngoài cái chuyện đàn em phản phúc và… thù này để trong "phi vụ" chuyển nhượng cầu thủ Công Vinh, ông Kiên đã cho ông Hiển ăn quả đắng, mà ngay chính bầu Hiển cũng không biết phải nhả chất đắng ra bằng cách nào.

Bầu Kiên (giữa) mất nhiều hơn được trong thương vụ Công Vinh.

3. Bấy lâu nay, dư luận vẫn râm ran chuyện các ông bầu tại V-League thường không ưa nhau, ngoại trừ một nhóm ông bầu có cùng lợi ích. Thói thường đều vậy, cọp không ưa cọp, rồng không ưa rồng, chỉ có ngưu mã mới tầm nhau. Nên lắm khi, cái thú vị khi nhìn thấy thằng khó ưa đang khó chịu thích hơn là chuyện "vừa sắm thêm được một cầu thủ giỏi".

Ông bầu Đỗ Quang Hiển sau khi bị Công Vinh phản kèo đã không còn ý nhị. Ông nói thẳng, trước ngày đặt bút tái ký hợp đồng với Hà Nội T&T, Công Vinh có gọi điện thoại cho ông thông báo về việc bầu Kiên đang chèo kéo mình. Ông Hiển khuyên Công Vinh là cứ nói thẳng với bầu Kiên rằng việc Công Vinh ở lại Hà Nội T&T là điều đã được xác định.

Vậy mà, trước một ngày hợp đồng được tái ký, Công Vinh đã bỏ ông Hiển để về với bầu Kiên. Gọi điện thoại cho một đồng nghiệp vốn am tường chuyện hậu trường V-League, hỏi "Vì sao Công Vinh bỏ bầu Hiển". Đồng nghiệp trả lời "Đơn giản thôi. Tiền". "Hợp đồng phía bầu Kiên cao hơn bầu Hiển hả?", hỏi tiếp. "Ờ, cao hơn vài tỉ", đáp. "Vài tỉ là bao nhiêu?". "Áng chừng là trên 2 tỉ"…

Vậy thôi, mọi chuyện chỉ đơn giản là một chữ tiền. Thế giới cũng đầy ra đấy, chứ đâu phải chỉ bóng đá nước mình.

Có điều, nói như bầu Hiển thì "không trách Công Vinh mà chỉ trách người lớn làm hư người nhỏ". Thậm chí, bầu Hiển còn nói bâng quơ kiểu "Công Vinh nói Công Vinh đá bóng không phải vì tiền, nhưng thực tế đã khác. Cũng giống như nhiều người khác, luôn nói không bỏ tiền để lôi kéo cầu thủ, vậy mà họ lại làm ngược lại".

Không bàn đến Công Vinh, bởi Vinh có thể phản ứng "Chưa ký hợp đồng chính thức với Hà Nội T&T nên tôi có quyền ký hợp đồng với bất cứ CLB nào tôi thấy phù hợp". Nhưng, cái hợp lý hơn cả là chữ tín thì Công Vinh đã không giữ được. Trượng phu mà không có chữ tín, là người không đáng bàn đến, nên thôi.

Vậy thì, bầu Kiên được gì và mất gì trong thương vụ Công Vinh(?!).

Công Vinh là một tiền đạo giỏi, nhưng không có nghĩa là bất khả thay thế. Với khả năng tài chính thuộc hàng cự phách, cả bầu Hiển lẫn bầu Kiên đều có thể "sắm" được những cầu thủ hay tương đương hoặc hay hơn Công Vinh.

Thế nên, Công Vinh chưa hẳn là sự lựa chọn tối ưu và duy nhất của bầu Kiên. Mang Công Vinh về CLB mình, hẳn nhiên lòng tự ái của bầu Kiên đã được xoa dịu, bởi các ông bầu vẫn thường phản ứng với VFF rằng tại sao bầu Hiển có đến 2 CLB chơi ở V-League là CLB Hà Nội T&T và CLB SHB Đà Nẵng nhưng lại không bị VFF "thổi còi". Trong khi điều này trái với quy định của VFF…

VFF không phân minh, nên ông bầu tìm cách tự phản ứng. Và Công Vinh chính là cơ hội để phản ứng trở nên có trọng lượng. Thêm nữa, Công Vinh như một tín hiệu để khẳng định với bầu Hiển rằng: "Ngoài trời còn có trời, ngoài núi còn có núi… Ngoài ông còn có tôi, đừng tưởng muốn làm gì thì làm". Nói theo cách của bầu Đức thì "Hà Nội T&T sao nhiều tiền bằng tôi được".

Tuy nhiên, vẫn tiếc cho cái mất của bầu Kiên trong thương vụ Công Vinh. Bởi chuyện hậu trường V-League thì rối rắm và nhiều đồn đoán, ít người am tường. Trong lúc, trên mặt báo thì lại giấy trắng mực đen. Hành động "cướp" Công Vinh trước mũi bầu Hiển của ông Kiên hẳn là không khiến dư luận "phục tâm, phục khẩu".

Đặc biệt, ông lại chính là người châm ngòi cho cuộc "tổng tấn công" vào sự trì trệ của bộ máy điều hành bóng đá mà theo ông thì "chỉ muốn bóng đá Việt Nam phát triển". Thế nhưng, đôi khi lời nói và hành động lại chưa tương thích.

Nhớ trong bộ tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của danh tác gia Kim Dung, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần cũng với lối "nói một đằng làm một nẻo" mà chết luôn tên gọi "ngụy quân tử" với kết cục không thể tồi tệ hơn.

Thế đấy, làm quân tử cũng khó lắm thay!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.