Hậu trường bộ ảnh “Nón úp ngực”

Thứ Tư, 30/10/2013, 13:30

Ngày 19/10, tại Nhà thể chất của Đại học Thủy Lợi, Hà Nội diễn ra chương trình Ngày hội Nơ hồng - sự kiện hưởng ứng tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú cho phụ nữ và cộng đồng. Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên bởi Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - do Thạc sĩ báo chí và truyền thông Nguyễn Thị Khánh Thương một phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn 4 sáng lập.

Trong sự kiện này đã triển lãm bộ ảnh bán nude "nón úp ngực" của những nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Hoàng Cúc, NSƯT Chiều Xuân, Hoa hậu thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan, Hoa hậu biển 2010 Nguyễn Thị Loan, ca sĩ Thái Thùy Linh và nghệ sĩ piano Trang Trịnh với các thông điệp nâng cao nhận thức đến toàn thể phụ nữ và cộng đồng về phòng chống ung thư vú. Bộ ảnh này xuất hiện đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông và khán giả. Chúng tôi đã gặp người trong cuộc để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của hoạt động này.

1. Những ngày này, điện thoại của NSƯT Chiều Xuân lúc nào cũng "nóng rẫy" những thông tin liên quan đến bộ ảnh "bán nude úp ngực" nằm trong dự án quảng bá giúp phụ nữ phòng chống ung thư do Khánh Thương, 31 tuổi, vừa lập gia đình nhưng đã không may mắc phải căn bệnh ung thư vú giai đoạn 4, khởi xướng. Thậm chí nhiều tờ báo mạng còn giật những cái tít "câu view" khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người thân của chị… giật mình. Bởi hình ảnh của nghệ sĩ Chiều Xuân được coi là một người phụ nữ khá thuần Việt, dịu dàng, truyền thống trong các thước phim như "Mẹ chồng tôi", "Người yêu đi lấy chồng"…

Luôn nép ở phía sau sự thành đạt của người chồng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân để chăm lo cho hai cô con gái xinh đẹp ăn học. Nhiều độc giả khó tính còn cho rằng, Chiều Xuân đang cố "làm mới mình", "gây sốc", "níu giữ lại thời thanh xuân"… Và rõ ràng, không phải ai ở tuổi của chị, ở vị trí của chị, cũng có thể dũng cảm và tự tin để thể hiện mình đối với công chúng thông qua những bức ảnh bán nuy đầy gợi cảm ấy.

Hỏi chuyện Chiều Xuân, chị chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng rất ngại ngần khi nghĩ đến việc sẽ chụp ảnh bán nude, dù biết rằng, nó chỉ là một trong những cách trực diện nhất để giúp chương trình quảng bá được thông điệp giúp phụ nữ phòng chống ung thư vú, một trong những bệnh mà chị em rất hay gặp phải và tỉ lệ ngày càng tăng, không những thế tuổi đời của những người mắc phải căn bệnh ung thư vú ngày càng trẻ. Bởi vậy, khi Khánh Thương gọi điện thoại mời tôi tham gia chụp ảnh, tôi nhận lời ngay. Người ủng hộ tôi hết mình trong việc này chính là con gái tôi, cháu Hồng My. Cháu bảo, đó là việc làm rất ý nghĩa, con tự hào vì mẹ làm được điều đó.

Anh Quân thì không có ý kiến gì. Tôi nghĩ rằng bộ ngực của phụ nữ là nơi đẹp đẽ nhất, đáng tự hào nhất vì nó không chỉ hiện thân cho cái đẹp mà còn là nguồn sữa nuôi con, những thế hệ tương lai. Thật không may cho những ai mắc phải căn bệnh khủng khiếp này, bản thân tôi cũng nghĩ rằng, mình khó lòng mà chịu đựng nổi hình ảnh đau buồn ấy. Bởi thế, không biết bao nhiêu lần, ngồi trước Khánh Thương, lắng nghe câu chuyện của em và những cảnh đời tương tự, tôi đã phải kìm nén rất nhiều để ngăn dòng nước mắt của mình.

Thương là điển hình của một người phụ nữ đầy nghị lực, đang bệnh tật khủng khiếp, đau đớn và mệt mỏi như vậy mà em ấy vẫn còn nghĩ đến việc cần phải bảo vệ tính mạng những người phụ nữ khác, bảo vệ mọi người nhiều nhất có thể để tránh cho mọi người đừng mắc bệnh như bạn ấy. Tôi cảm phục nghị lực phi thường của những người như Thương. Vậy, tại sao bạn ấy thì nghĩ và làm được điều tốt cho mọi người, lẽ nào tôi không tham gia để góp một phần rất nhỏ của mình cảnh báo cho chị em phụ nữ, đặc biệt là các bạn trẻ, rằng phải biết yêu bản thân mình, biết để ý đến cơ thể mình, biết cách phòng ngừa từ khi còn chưa muộn để tránh những rủi ro mà căn bệnh ung thư vú có thể âm thầm hủy hoại mình bất cứ lúc nào”.

Ca sĩ Thái Thùy Linh, người có bộ ảnh khá "táo bạo" trong dự án lần này thì tự tin chia sẻ: "Tôi có bộ ngực không đẹp như mong muốn, nhưng không vì thế mà tôi thiếu tự tin. Bởi vì, khẩu hiệu của tôi một bộ ngực khỏe là một bộ ngực đẹp. Ban đầu, khi chị em chúng tôi ngồi bàn bạc cùng nhau cách thức thể hiện làm sao vừa trực diện, vừa có tác động mạnh mà không lố, không khiến truyền thông được một phen bình phẩm vì nghĩ rằng, chị em chúng tôi tự "khoe thân" như cách mà báo chí vẫn hay nói đến.

Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là làm sao khi nhìn vào bộ ảnh sẽ đánh thức được trong tiềm thức của chị em phụ nữ những ý nghĩ phải biết cách yêu bộ ngực của mình, yêu nó không phải là đi thẩm mỹ viện, cho nó một hình dáng đẹp như mong muốn, mà phải yêu bằng cách bảo vệ cho nó khỏi những hiểm họa rình rập, bằng cách luôn kiểm tra sức khỏe của nó. Ngày nay, vì rất nhiều định kiến của người Á Đông rất ngại ngần trong những tật bệnh liện quan đến bộ ngực, đặc biệt là ở những vùng xa trung tâm, đô thị lớn.

Theo tôi được biết, tỉ lệ ung thư vú của người Việt cao và thường là khó chữa trị vì khi phát hiện thì mọi việc đã quá muộn. Đã đến lúc chúng ta phải phá bỏ những rào cản ấy để chị em tự bảo vệ mình cũng như kịp thời đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh để ngăn ngừa tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú".

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh, một cô gái trẻ khi được hỏi về cảm giác của mình với bộ ảnh "Nón úp ngực" đã chia sẻ: Bản thân cô rất ghét phải soi gương, sợ gương, nhưng từ khi tham gia chiến dịch phòng chống ung thư vú, biết được các cách thức mà một người tự kiểm tra được xem mình có mắc phải những dấu hiệu bất thường nào không chẳng hạn như cởi trần, đứng hoặc ngồi trước gương để quan sát những thay đổi của ngực mình… để có thể chắc chắn các dấu hiệu thay đổi ban đầu cũng là điều rất quan trọng. Chồng tôi, một ca sĩ opera người Hàn Quốc, anh ấy cũng đã đồng hành cùng tôi thông qua chiến dịch này. Sau khi hiểu hơn về căn bệnh ung thư vú của phụ nữ, anh ấy đã gọi điện thoại về cho em gái anh ấy để khuyên cô bé nên tìm hiểu về căn bệnh này và phòng ngừa".

Hoa hậu thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan, mặc dù không "bán nude" như cách của NSƯT Chiều Xuân và ca sĩ Thái Thùy Linh nhưng cô khẳng định mình rất vui khi được mời tham gia vào bộ ảnh vô cùng ý nghĩa  này, nhất là khi lời mời từ một người phụ nữ vô cùng kiên cường như Khánh Thương đã cho cô rất nhiều cảm hứng: "Từ lâu tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết về ung thư ngực cho cộng đồng, đặc biệt là những chị em phụ nữ, khi trong những quốc gia tôi từng đến có rất nhiều tổ chức và chương trình dành riêng cho căn bệnh này. Và giờ đây thì Việt Nam cũng bắt đầu có những cộng đồng như vậy, nhắc nhở mọi người quan tâm tới sức khỏe bản thân và những người xung quanh mình, cũng như tạo điều kiện cho những người mắc phải căn bệnh này có thể chia sẻ, nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ cộng đồng.

Mọi người trong chúng ta đều có thể mắc phải căn bệnh này, nếu phát hiện sớm có thể chữa trị được nên rất cần thiết phải kiểm tra thường xuyên. Theo quan điểm của tôi thì bản thân chủ đề về bộ ngực người phụ nữ khi nói ra trên báo chí cũng có thể khiến người đọc giật mình, chứ đừng nói chi một trong những thông điệp của chiến dịch này là "hãy bảo vệ bộ ngực thực".--PageBreak--

2. Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân, sinh năm 1980, Giám đốc Công ty Shoot Media, người đã chụp bộ ảnh "Nón úp ngực" chia sẻ: "Trước khi chụp bộ ảnh này, tôi chưa bao giờ chụp ảnh nude mà chủ yếu là chụp ảnh thời trang. Cái khó của bộ ảnh bán nude này là ý tưởng. Trong khi thời gian chụp khá gấp gáp. Tôi lại rất cẩn thận trong truyền thông vì tôi rất hiểu nếu "lệch chuẩn" sẽ dễ thành phản cảm. Cũng bởi thế, ban đầu, Chiều Xuân không muốn chụp ảnh bán nude. Tôi cũng không cố thuyết phục mà chỉ nói ý nghĩa của bộ ảnh này.

Nghệ sĩ Chiều Xuân rất cẩn thận vì chị ấy cũng có tuổi rồi. Mặc dù thế, chị ấy là người diễn đầy cảm xúc, cảm xúc của chị đã nói lên thông điệp. Còn với tôi, tôi chỉ là người bắt được cảm xúc của chị ấy mà thôi. Khi chụp xong bộ ảnh tôi còn đùa với mọi người, Thái Thùy Linh là người tôi thấy khó nhất vì cái nón của cô ấy bé quá. Chính vì vậy lúc chụp tôi cũng mất tập trung! Khó thứ nhì là nghệ sĩ piano Trang Trịnh. Vì khi chụp chồng cô ấy cứ kè kè ở bên hậu trường. Những trường hợp này, tôi chỉ mất 30 phút là đã chụp xong. Nói vậy, dù lúc chụp tôi chỉ tập trung đến thông điệp và sự gắn kết qua các tấm hình. Nhưng sau khi chụp xong có một nhân vật nói với tôi là khi cho bạn trai xem ảnh, anh ta đã hỏi "Tân là thằng nào?!''.

Thực tế, thì bộ ảnh tôi chụp không phải bộ ảnh để chị em lưu lại mà có một thông điệp rõ ràng. Tôi có biết về căn bệnh này. Trong 2 năm qua rất nhiều những người thân của tôi mắc phải những căn bệnh ung thư khác nhau. Có những người phát hiện sớm, có những người phát hiện trong giai đoạn sắp di căn, có những người trong giai đoạn di căn. Bản thân vợ tôi cũng mắc phải một căn bệnh ung thư. Vì thế điều quan trọng mà tôi nghiệm thấy là mọi người phải đi khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, chữa trị đúng người bệnh vẫn đi làm bình thường, sinh hoạt bình thường. Thậm chí không có biểu hiện ra bên ngoài rằng người ấy đang bị ung thư. Còn với bất kỳ ai nếu muốn chụp bộ ảnh để lưu lại mỗi thời cũng tùy vào từng quan điểm của mỗi người chứ tôi không có lời khuyên nào cả. Nó phụ thuộc vào từng tính cách và họ phải thật cẩn trọng".

Từ trái qua phải: NSƯT Chiều Xuân, Nghệ sĩ piano Trang Trịnh, Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan.

Qua các nghiên cứu y tế cho thấy, hiện trên thế giới, cứ một phút lại có một phụ nữ bị tử vong do ung thư vú. Có đến 70% số ca ung thư vú xuất hiện ở những phụ nữ thành đạt, hay phụ nữ gặp stress trong cuộc sống. Tại Việt Nam, đây là căn bệnh khá thường gặp, chiếm 21% trong những ca tử vong của các loại ung thư. Đặc biệt, Hà Nội được xem là thành phố có nhiều ca ung thư vú nhất cả nước.

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều thói quen không tốt khiến phụ nữ dễ mắc bệnh ung thư vú, như sử dụng nhiều chất kích thích như cà phê, rượu, bia; lạm dụng thuốc tránh thai; sống trong môi trường có khói thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật; bị stress trong cuộc sống; phẫu thuật thẩm mỹ về ngực.

Đáng lưu ý, ung thư vú có thể di căn lên não, xương, gan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết căn bệnh này càng sớm mới có biện pháp chữa trị kịp thời. Phụ nữ nên đi khám bệnh thường xuyên, khoảng 6 tháng/lần nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu của ung thư vú.

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam căn bệnh này đứng đầu trong những loại ung thư phụ nữ thường mắc phải (chiếm 35% trong các loại ung thư ở nữ). "Ung thư vú lúc ban đầu rất âm thầm, "hiểm ác" (cục u nhỏ, không đau, vú bình thường), vì vậy khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị tốt giúp trên 90% bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh, kéo dài cuộc sống”.

Dù có những ý kiến khen chê, song thực sự, bộ ảnh "Nón úp ngực" trong "Ngày hội Nơ hồng" đã mang đến một cách trực diện cho phụ nữ Việt Nam những cách nhìn mới về vấn đề phòng ngừa bệnh ung thư vú. Nó cũng là một cách giúp những người đã và đang mắc bệnh vượt qua nỗi sợ hãi như Khánh Thương Sobey nói: "Nỗi sợ hãi không chỉ đến với những người đã và đang đối mặt với căn bệnh mà còn với cả những phụ nữ, cộng đồng khỏe mạnh ngoài kia. Rất nhiều phụ nữ sờ nắn thấy một khối/cục nhỏ bất thường ở tuyến vú nhưng sợ hãi không dám đến bệnh viện. Họ cứ nghĩ ung thư là chết chắc, nên sợ. Họ cứ nghĩ bệnh viện quá tải và không tin vào chuyên môn của y bác sĩ, nên sợ. Điều kiện kinh tế eo hẹp, nên sợ.

Thiếu hiểu biết, cũng cảm thấy sợ. Những định kiến cũng làm họ sợ. Đó là một vài nỗi sợ có thật mà nhiều người trong chúng ta chưa vượt qua được. Nhưng tất cả vẫn chưa phải là quá muộn, bởi hãy mở lòng, chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến giành lại sự sống vốn rất cao đẹp và ý nghĩa này"

Thiên Kim
.
.