Hệ thống máy xạ trị tiên tiến nhất Việt Nam: Cơ hội lớn cho người bệnh ung thư

Thứ Hai, 12/05/2014, 22:45

Lần đầu tiên tại Việt Nam, hệ thống máy dùng cho việc xạ trị bệnh ung thư (với giá 56 tỉ đồng) được đánh giá hiện đại nhất hiện nay vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nhập về phục vụ cho công tác điều trị. Trước đó, bệnh viện này cũng đã gửi đi nước ngoài đào tạo đội ngũ kỹ thuật để kịp thời đáp ứng yêu cầu tiếp cận công nghệ và sử dụng hệ thống máy này, mở ra cơ hội lớn chữa bệnh cho những người bệnh ung thư.

Bệnh nhân không chỉ khỏi bệnh mà còn sống bình thường sau khi điều trị

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa Hóa xạ trị Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hệ thống máy gia tốc thế hệ mới Synergy (Elekta) xạ trị điều biến cường độ dựa trên bộ chuẩn trực đa lá (gọi tắt là kỹ thuật MLC - IMRT (Multileaf Collimator - Intensity Modulated Radiotherapy) mới được bệnh viện trang bị thuộc dạng tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới.

Hệ thống máy này lần đầu tiên được triển khai và ứng dụng thành công tại Việt Nam để xạ trị cho nhiều loại ung thư, trong đó có các loại ung thư vùng não; ung thư vùng đầu cổ như vòm hầu, thanh quản, khoang miệng, hạ hầu…; ung thư vùng ngực như ung thư phổi, vú…; ung thư đường tiêu hóa như trực tràng, thực quản…; ung thư hệ niệu như tuyến tiền liệt, bàng quang...

Hiện nay để điều trị các bệnh ung thư, có 3 biện pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó, xạ trị là phương pháp dùng hệ thống máy để phát ra chùm tia ion hóa và có năng lượng cao làm phá vỡ tế bào ung thư…

Theo yêu cầu chung của Tổ chức Y tế thế giới thì mỗi triệu dân cần có một máy xạ trị nhưng ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng hơn 30 máy. Chính điều này đã dẫn tới việc quá tải trong việc xạ trị cho bệnh nhân cần phải chữa trị, bởi trong số bệnh nhân ung thư thì có tới hơn 50% số bệnh nhân cần phải xạ trị. Vì thế, hầu như tất cả các bệnh viện, trung tâm chữa trị ung thư đều quá tải, không đủ máy để xạ trị, nhất là những máy hiện đại tiên tiến, trong khi đó nhân lực cũng chưa đáp ứng được về số lượng và kỹ thuật sử dụng trang thiết bị hiện đại…

Hệ thống máy gia tốc thế hệ mới Synergy (Elekta).

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, một số bệnh viện và trung tâm ung bướu cũng có một số máy gia tốc xạ trị, nhưng máy có MLC có thể sử dụng kỹ thuật IMRT dựa trên bộ chuẩn trực đa lá thì Bệnh viện Chợ Rẫy có đầu tiên ở Việt Nam.

Về cơ bản, hệ thống máy này khác với các máy xạ trị thế hệ trước ở chức năng định vị và chiếu chùm tia. Máy xạ trị thông thường sẽ khoanh vùng khối u bằng hình dạng cố định. Khối u dù méo, tròn đều được "chụp" vào "vòng vây" tia này khiến vùng xung quanh khối u, kể cả các mô lành cũng bị tổn thương khi chiếu tia rộng. Những bệnh nhân được xạ trị có thể được kéo dài thêm nhưng chất lượng cuộc sống thì có thể bị giảm đi do các tác dụng không mong muốn của tia xạ.

Trong khi hệ thống máy mới này với bộ chuẩn trực đa lá sẽ di chuyển hướng các chùm tia bức xạ một cách chính xác và nhiều nhất vào khối u, "bao vây" dần khối u một cách khu hẹp tới mức tối ưu, tức là vùng thừa chịu ảnh hưởng của chùm tia gần như không có. Có thể nói, kỹ thuật IMRT đã góp phần giải quyết được khó khăn cho vấn đề nan giải với tác dụng không mong muốn của tia xạ. Hơn nữa, kỹ thuật IMRT giúp cho bệnh nhân không chỉ khỏi bệnh mà còn hướng tới việc sống được bình thường sau khi điều trị.

"Máy có tác dụng khu biệt chính xác nhất vị trí tổn thương nằm ở bất kỳ vị trí nào bên trong cơ thể và tạo hình khoanh vùng để tập trung chùm tia vào đó để phá hủy những cấu trúc tế bào ung thư", Thạc sĩ - bác sĩ Lê Tuấn Anh giải thích.

Hiệu quả chữa trị rất cao

Để kịp thời có đội ngũ y bác sĩ đủ trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sử dụng hệ thống máy này, từ đầu năm 2013, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa sang Australia 5 bác sĩ để học tập, đào tạo.

"Chúng tôi tự hào vì đã sớm tính đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng được hệ thống máy này. Bởi nếu chỉ bỏ tiền ra mua hệ thống máy về mà không có đội ngũ y bác sĩ có kỹ năng sử dụng, điều hành tương ứng thì cũng không đảm bảo được hiệu quả chữa trị. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cử thêm nhân lực ra nước ngoài học tập, học hỏi kinh nghiệm. Bản thân những bác sĩ đầu tiên tiếp cận với kỹ thuật MLC-IMRT sẽ chỉ dẫn những người đi sau. Phía chuyên gia nước ngoài cũng đã đồng ý đưa chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ đào tạo. Hy vọng kỹ thuật xạ trị tân tiến này sẽ mở ra hướng điều trị mới trong chữa trị bệnh ung thư ở Việt Nam", Thạc sĩ - bác sĩ Lê Tuấn Anh vui mừng chia sẻ.

Cùng với việc đưa vào sử dụng hệ thống máy xạ trị hiện đại này, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tính đến cả việc xây dựng một mức giá chữa trị phải chăng cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Tuấn Anh cho biết: "Theo tôi biết mức giá bệnh nhân ung thư phải chi trả cho cả quá trình điều trị xạ trị ở Singapore là từ 20.000 đô Singapore trở lên. Nhưng cũng với hệ thống máy xạ trị tiên tiến như vậy thì mức giá người bệnh phải trả chỉ khoảng 30-40 triệu đồng".

Từ khi đưa vào ứng dụng đến nay, bình quân mỗi giờ đồng hồ, máy có thể tiến hành xạ trị cho 2-3 bệnh nhân (thực tế do kỹ thuật tiên tiến nên hệ thống máy này sẽ chữa trị chậm hơn so với các máy xạ trị trước đây - bình quân mỗi giờ xạ trị được khoảng 8 bệnh nhân) và kết quả ban đầu cho thấy hệ thống máy mang lại hiệu quả chữa trị bệnh rất cao

Phú Lữ
.
.