Hiểm họa “chết người” từ nhiễm điện và cây xanh

Thứ Ba, 04/10/2016, 16:20
Mưa lớn, gây ngập lụt trên diện rộng liên tục trong những ngày vừa qua khiến cho người dân và chính quyền TP HCM bất an, đứng ngồi không yên. Trận mưa lịch sử gây ngập nước chiều tối 26-9 đã đồng thời gióng chuông cảnh báo nhiều nguy cơ mất an toàn và nguy hiểm đang đe dọa tính mạng và tài sản người dân không chỉ là nước ngập mà còn vấn đề cây xanh ngã đổ và nhiễm điện khi mưa bão.

Đây là hai mối hiểm họa tiềm ẩn mọi lúc mọi nơi, nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm trong lúc mưa bão nếu không có những biện pháp cảnh giác, xử lý kịp thời.

Khuyến cáo về nguy cơ nhiễm điện khi nước ngập

Sau trận mưa lịch sử ngày 26-9, TP HCM còn phải hứng thêm mưa lớn trong 3 ngày liên tiếp (ngày 27, 28, 29/9). Người di chuyển trên các phương tiện ô tô, xe gắn máy hầu như chỉ quan tâm đến việc ngập lụt đường sá, tầng hầm nhà cao tầng, chung cư, bãi giữ xe mà không ai quan tâm đến vấn đề nhiễm điện có thể gây ra hậu quả khôn lường. Từ các trụ điện, biến thế, các đầu dây dẫn, ổ cắm điện chi chít trong mọi gia đình đến khu vực công cộng đều ẩn họa nguy cơ nhiễm điện có thể gây giật điện, sét đánh chết người, cháy nhà...

Một khi nước đã tràn vào các ổ dẫn, tủ điện, biến áp thì nguy cơ nhiễm điện từ nước sẽ lập tức xảy ra. Một biến áp 110 Kv tại công viên Lê Thị Riêng, P15, Q10, bị sét đánh trong cơn mưa đã gây cháy dây nối dẫn quanh khu vực, nổ cháy lan đến các biến áp xung quanh và làm cúp điện toàn khu vực 3 quận lân cận gần 10 giờ đồng hồ xảy ra cách nay không lâu.

Trước đây, tại quận 5 đã xảy ra hiện tượng rò rỉ điện do nước ngập giật chết một cháu học sinh THCS rất thương tâm. Sự cố điện cũng là nguyên nhân gây ra nhiều nỗi lo sợ cho những người dân sống tại các khu cao ốc, nhà cao tầng khi sử dụng thang máy. Ngoài lỗi trực tiếp do sự cố điện gây ra, còn có lỗi gián tiếp do người sử dụng thang máy không hiểu biết kỹ thuật cũng xảy ra nhiều cái chết thương tâm, như trường hợp: vào ngày 23-9, ông Nguyễn Lương Trí, 63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, hành nghề chạy xe ôm đi giao hàng.

Do không thành thạo sử dụng thang máy 2 cửa trong tòa nhà Kumho (quận 1) nên ông Trí đã tự chèn cửa thang máy chui ra vì tưởng thang máy bị kẹt nên ông bị rơi tự do trong khoảng trống thang máy chở hàng hóa cao 15m tử vong tại chỗ.

Ngay sau trận mưa lịch sử gây ngập toàn TP HCM trong chiều 26-9, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) và Cảnh sát PCCC TP đã khuyến cáo mọi người dân cảnh giác với hiện tượng rò rỉ, nhiễm điện có thể dẫn đến giật gây tử vong và cháy nổ. Nguy cơ có thể dẫn đến nguy hiểm chết người từ hệ thống dây dẫn điện như "mạng nhện" đang chằng chịt khắp nơi trong thành phố hiện nay.

Theo thống kê, năm 2015 thành phố đã xảy ra 76 vụ cháy điện đường và hàng trăm vụ chập điện gây cháy dây dẫn điện được người dân tự dập tắt tại chỗ. Khoảng 85% các vụ cháy điện xảy ra trong những tháng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm cho thấy: do các mối nối đấu dây điện, nhiều loại dây điện, cáp cùng ôm cột điện rối rắm và không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân chính gây xẹt lửa, chạm chập điện, phóng điện, gây ra cháy, nổ.

Ngoài ra, việc sử dụng dây, tủ điện, biến áp, cầu dao không được bảo dưỡng định kỳ, không thay mới, chất lượng kém... khi mưa, nước có chứa axít trở thành chất dẫn điện từ các mạch hở, sự cố đã dẫn đến nhiễm điện gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản.

Bên cạnh việc triển khai các dự án ngầm hóa hệ thống cáo điện, ngành điện lực và lực lượng Cảnh sát PCCC TP luôn tăng cường các biện pháp vận động, tuyên truyền người dân, các doanh nghiệp, chủ các dự án công trình... về việc chấp hành nghiêm các quy định an toàn về điện và PCCC. Đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão là một trong những nhiệm vụ quan trọng và nội dung khuyến cáo của ngành điện lực đến mọi người dân.

Ngay trong quá trình thực hiện dự án ngầm hóa lưới điện, các đơn vị thiết kế, thi công, kỹ thuật phải tính đến điều kiện thời tiết mưa bão, ngập lụt trong thiết kế, lắp đặt thiết bị kỹ thuật mang dẫn điện không bị thấm, nhiễm và ngập nước. Tiến hành thường xuyên kiểm tra khắc phục, xử lý kịp thời các nguy cơ do cột điện nghiêng, bị ngã do thời tiết, sự cố bất khả kháng và tai nạn gây ra, đặc biệt ở các quận huyện nền địa chất yếu như Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Chánh, Quận 7, Cần Giờ, quận 9, quận 2...

Điện lực TP và Cảnh sát PCCC TP khuyến cáo khách hàng sử dụng điện và người dân cần nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn sử dụng điện. Khi có sự cố mưa bão xảy ra như trận mưa ngày 26-9, nên tránh xa và không ẩn trú dưới chân cột điện, mái hiên biến áp, biến thế điện cao trung thế, hoặc đứng gần các thiết bị dẫn điện. Khi mưa bão, nước ngập, nên ngắt cầu dao sử dụng điện trong nhà và bảng hiệu quảng cáo ngoài trời, không tự ý sửa chữa điện trong nhà hay ngoài trời, trên nóc sân thượng...

Cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh, cần có ý thức trong việc lập rào chắn, ngăn người và xe cộ lưu thông qua lại tại nơi phát hiện nhiễm điện, rò rỉ điện nguy hiểm và nhanh chóng báo cho cơ quan điện lực gần nhất theo số 1900 545454 và Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ TP tổng đài 114 để can thiệp, xử lý kịp thời.

Hiểm họa từ trên trời rơi xuống

Nguy cơ về ngập nước, kẹt xe và nhiễm điện thường xuyên là mối quan tâm, bất an nhất đối với người dân thành phố. Bên cạnh đó, người dân còn có một nỗi lo khác không kém phần nguy hiểm, đe dọa đó là cây xanh ngã đổ, tét nhánh gây ra tai nạn chết người và thiệt hại tài sản khá lớn thường xảy ra trong những lúc mưa bão.

Sự cố cây xanh ngã đổ trong ba ngày vừa qua đang là mối đe dọa đến người dân thành phố mỗi khi ra đường. Do mưa lớn, kèm theo gió mạnh nên một cây xanh trước nhà số 29 Lê Qúy Đôn, thuộc P7, Q3 bật gốc ngã ngang xuống đường. Lúc này, một thanh niên khoảng 30 tuổi đang điều khiển xe ô tô 7 chỗ mang biển số 51F-580.81 chạy ngang qua, bị cây đè lên. Rất may là tài xế không bị thương.

Cùng thời điểm trên, một cây sao đen trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, bất ngờ ngã đổ đè lên 2 xe BMW, Mazda đậu trên lề. Cũng trong chiều 27-9, một cây xanh trong công viên 23-9 (quận 1) bị mưa gió làm ngã, kéo gãy hai cột điện đè lên 4 chiếc xe ô tô đậu trên hè đường Lê Lai và 1 ô tô đang lưu thông qua đó. Cây xanh tiếp tục ngã đổ khi trời mưa có giông bão kèm theo và cây xanh tét nhánh, ngã đổ bất kỳ thời tiết nào cũng đã từng xảy ra trong thành phố.

Trước đây hơn một tháng, thời điểm xảy ra liên tiếp hai ba cơn mưa khá lớn gây ngập nhiều nơi, thống kê trong 6 ngày từ ngày 26-8 đến 1-9 trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra 60 vụ cây xanh ngã đổ và tét nhánh rơi xuống đường khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương, làm hư hỏng nặng nhiều ô tô, xe gắn máy và công trình nhà ở... Riêng trong ngày 28-8, đã có 25 cây xanh bị ngã, 32 nhánh gãy rơi xuống đường và rất nhiều nhánh khô, gãy rơi...

Cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và điều tra cho thấy: các cây cổ thụ lâu năm bật gốc ngã để lộ ra bộ rễ đã chết khô từ lâu, không còn độ bám giữ đất. Người dân rất hoang mang và nơm nớp lo sợ với những con đường có cây xanh cổ thụ rợp mát khi lưu thông qua lại. Đặc biệt, khi trời nổi gió dông, mưa lớn cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người không được ẩn nấp dưới gốc cây to và tốt nhất nên tránh thật xa những cây xanh cổ thụ.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP (thuộc Sở GTVT TP) là đơn vị quản lý, chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại. Sở GTVT TP cũng đã lập danh sách khoảng 5.000 cây xanh trong đó nhiều cây cổ thụ  có dấu hiệu bị nghiêng, có thể ngã đổ, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hạ tầng để có biện pháp, phương án xử lý, bảo vệ an toàn, đảm bảo không gây thiệt hại cho con người và tài sản.

Vào thời điểm hiện nay, thành phố đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão liên tiếp, sự cố về cây xanh ngã đổ, tét nhánh có thể gây ra tai nạn cho người dân và tài sản luôn là mối đe dọa nguy hiểm thường trực. Do các vỉa hè đang bị bê tông hóa toàn bộ, phần gốc cây xanh cũng bị bao bọc bởi lô cốt bê tông nên rễ cây không nhiều cơ hội tiếp xúc và hút nước khiến bộ rễ chết dần, khô dần đặc biệt là các loài cây rễ bàng, đâm đụng tường bê tông, cốt thép của các công trình xây dựng, nhà ở rễ cây sẽ dị tật và chết.

Khi tuổi thọ những cây cổ thụ khá cao trên dưới 100 năm tuổi họ cây dầu, sao, sọ khỉ, lim xanh, lim xẹt... đang tồn tại trên các tuyến đường trung tâm thành phố như: Tôn Đức Thắng, Võ Văn Tần, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Sương Nguyệt Anh, Bùi Thị Xuân, Phạm Ngọc Thạch, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thông, An Dương Vương... phần lõi chắc chắn sẽ có những khiếm khuyết, bọng ruột, mục ruỗng bên trong không thể nhìn thấy.

Tuy nhìn bên ngoài rất khỏe mạnh, được các đơn vị quản lý thường xuyên chăm sóc, tỉa cành, cắt nhánh nhưng có thể bị ngã đổ bất thường do tác động mưa bão. Với những loại cây cổ thụ này, hậu quả khi ngã đổ gây ra rất lớn.

 Bên cạnh đó quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ đã làm thu hẹp không gian sống của các loại cây xanh, quá trình bê tông hóa làm chết dần, chết mòn sự phát triển của cây xanh, những khu nhà cao tầng, cao ốc cũng sẽ tạo ra sức mạnh lồng quét những luồng gió khiến cho những loại cây xanh trong khu vực này sẽ bị tác động mạnh từ gió dông lốc xoáy rất dễ làm ngã đổ, tét nhánh cây xanh.

Do đó, để giảm bớt những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ cây xanh cổ thụ, các đô thị cần nghiên cứu và tính toán đến việc thay thế những loại cây xanh mới, phù hợp với không gian xanh phát triển đô thị hiện đại và trồng nhiều hơn các loại cây xanh tán rậm, rộng nhưng thấp.

Với những cây xanh hiện hữu, cần phân loại, lập danh sách nhóm, tuổi, loài, phẩm chất, sinh trưởng của từng loại cây để có biện pháp bảo vệ thích hợp, đảm bảo phát triển của cây xanh bền vững, an toàn không đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Thành phố hiện có trên 5.000 cây dầu cổ thụ (loại 3) có chiều cao từ 12 m trở lên, đây là những cây cổ thụ từng đi vào thơ ca nhạc họa, từng là cảnh quan, dấu ấn đặc biệt riêng của Sài Gòn - TP HCM hơn 300 năm thành lập.

Do đó, không thể chặt bỏ tất cả cây cổ thụ mà cần phải chọn lọc, có phương án bảo vệ, chăm sóc phù hợp trên những tuyến đường nhất định và trong các công viên hiện hữu từ Thảo Cầm Viên, dinh Thống nhất, công viên 30-4, công viên Gia Định, 23-9, Văn Lang... Để thành phố có một mảng xanh hài hòa, mỹ quan phù hợp với độ tuổi của những khu vực cổ xưa, lịch sử và xanh, đẹp, mới lạ tại những khu đô thị mới, khu dân cư mới... và cây xanh không còn là hiểm họa đe dọa tính mạng, tài sản của người dân thành phố trong tương lai.

* Ảnh: Cây cổ thụ bất ngờ bật gốc đè chết người, gây thiệt hại tài sản của người dân khi mưa bão…

Hoàng Châu
.
.