Hiện đại hóa đang “gặm nhấm” ký ức đô thị?

Thứ Ba, 28/08/2018, 08:40
Thành phố nào cũng mang trong mình hồn cốt của những tháng năm xưa cũ, ký ức của những thế hệ đã qua. Nhưng tốc độ đô thị hóa chóng mặt đang làm những điều ấy phôi phai, nhạt nhòa. Bảo tồn di sản trở thành vấn đề cấp bách. Không thể lấy di sản cha ông đánh đổi cho cái gọi là “sự phát triển”.

Xóa sổ cột mốc ký ức vì không phải là di tích!

Dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông TP Hồ Chí Minh) – một kiến trúc tiêu biểu được người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ, đã thoát khỏi nguy cơ bị đập bỏ. Trước đó, đề xuất đập bỏ được nêu ra theo đồ án thiết kế công trình mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố để xây dựng công trình mới. Nguyên do: Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh mục bảo tồn.

Dư luận phản đối dữ dội, đi kèm là hàng loạt kiến nghị của các chuyên gia. Sở Quy hoạch kiến trúc vừa có văn bản gửi UBND thành phố để khảo sát, đánh giá, bổ sung tòa nhà này vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Từ vụ việc này, người ta càng tá hỏa khi biết hàng loạt các công trình biểu tượng của TP Hồ Chí Minh như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố... đều chỉ mới nằm trong danh sách kiểm kê  di tích lịch sử - văn hóa. Nhiều người nặng lòng càng đứng ngồi không yên khi râm ran thông tin sẽ giải tỏa khu phố chợ Bến Thành (hơn 10.000m2) để xây lên hệ thống phức hợp trung tâm thương mại hiện đại.

Ông Trương Kiêm Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Theo quy định tại Luật Di sản, muốn lập hồ sơ công nhận di tích thì ngoài việc công trình đó phải có giá trị văn hóa – lịch sử tiêu biểu, các yếu tố gốc còn được giữ nguyên vẹn thì đơn vị chủ quản phải có đơn đề nghị.

Nhiều công trình biểu tượng Tại TP Hồ Chí Minh như Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành... chỉ mới nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa.

Khảo sát Dinh Thượng Thơ, chúng tôi nhận thấy nó chỉ còn giá trị kiến trúc bên ngoài, còn bên trong đã xuống cấp so với giá trị gốc. Do đó, chúng tôi không đưa vào danh mục kiểm kê để lập hồ sơ xét công nhận di tích”.

Một trong những điều kiện tiên quyết trong Luật Di sản quy định là phải có sự đồng thuận của chủ sở hữu.

Trung tâm đã nhiều lần vận động các chủ sở hữu những công trình này làm hồ sơ để phong thành di tích. Nhưng họ đều từ chối. Đa phần họ chỉ đồng ý vào danh mục kiểm kê (có giá trị trong vòng 5 năm) mà không muốn đưa vào di tích (bảo tồn vĩnh viễn). Bởi nếu trở thành di tích, việc sửa chữa, bảo tồn và nhiều thủ tục liên quan đến công trình đều phải thông qua ý kiến chính quyền. Tâm lý của đa số chủ sở hữu đều lo ngại sẽ bị hạn chế quyền lợi về xây dựng, sửa chữa. Họ không thể tự ý sửa chữa. Ngại phiền hà nên họ thà để vậy cho lành.

Tương tự là việc “biến mất” Thương xá Tax, công xưởng Ba Son… cách đây vài năm. Dù dư luận lúc ấy không mấy đồng tình nhưng cuối cùng, những công trình này đều bị biến mất để nhường chỗ cho những dự án  “kim cương”. Lợi nhuận đã khiến các giá trị xưa cũ phải ra đi. Dinh Thượng Thơ thoát khỏi nguy cơ bị đập bỏ nhưng nhiều công trình cổ vẫn có nguy cơ biến mất vì mục đích phát triển đô thị.

Những công trình xưa cũ, nơi lưu giữ ký ức của TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thực trạng bị đe dọa.

Bảo vệ di sản thành phố là bảo vệ những gì?

Theo TS. khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  dưới góc độ là đô thị hiện đại thì chúng ta đúng là chỉ mới có hơn 100 năm. Chính vì vậy ý thức của chúng ta đối với văn hóa đô thị, đặc biệt là các di sản vật thể ở đô thị thì dường như chưa được đầy đủ.

Di sản văn hóa thường phân theo hai lĩnh vực là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Riêng ở đô thị thì di sản văn hóa đô thị còn bao hàm một nghĩa nữa, đó là những hoạt động con người tác động vào đô thị, bên cạnh những cảnh quan tự nhiên thì có những cảnh quan nhân văn là những công trình do con người xây dựng và trong đô thị thì còn có hoạt động của con người đặc biệt là hoạt động thương mại, dịch vụ và những tác động của con người đối với môi trường của đô thị.

Khi nói về di sản mà chỉ nói đến hai khía cạnh là vật thể và phi vật thể mà chúng ta không nói đến những hoạt động của con người tác động vào trong môi trường giới hạn khá là chật hẹp và có những mối quan hệ chặt chẽ như ở đô thị thì rõ ràng là chúng ta chưa nói đến đầy đủ. Chúng ta nhìn bị thiếu những tác động của con người vào đô thị, trong đó cóá tác động tiêu cực đến cảnh quan của đô thị,  đặc biệt là di sản văn hóa ở đô thị.

Nhờ dư luận lên tiếng, Dinh Thượng Thơ thoát khỏi nguy cơ bị đập bỏ để xây dựng công trình mới.

Theo  nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hậu, đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh có 3 đặc trưng rất quan trọng. Thứ nhất, về mặt cảnh quan tự nhiên. Sài Gòn là một thành phố sông nước. Thứ hai là cảnh quan nhân văn, thành phố được quy hoạch theo kiểu phương Tây,  thành từng khu chức năng riêng và theo đó mà xây dựng các công trình phục vụ như khu công sở, khu thương mại…

Thứ ba, đây là một thành phố rất đa dạng về văn hóa, đa dạng về nguồn gốc tộc người. Khu vực nào chứa đựng được cả 3 đặc điểm thì dứt khoát phải có phương án bảo tồn. Khu vực nào có 1, hoặc 2 đặc điểm thì phải cân nhắc, không bảo tồn theo diện rộng mà bảo tồn theo từng điểm thể hiện đặc trưng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.

Thành phố hiện đang có vấn đề, không bảo tồn được sự nguyên vẹn và hòa hợp với cảnh quan tự nhiên mà người Pháp đã quy hoạch. Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của đang bị phai nhạt. 

Trong khi, đó là nỗi mất mát của người cố cựu, gắn bó bao đời với thành phố. Và thế hệ trẻ sẽ không còn những cột mốc, những chứng nhân lịch sử để hình dung lại lịch sử nơi mình sống và lớn lên. Chúng thờ ơ đi qua, mù mờ về lịch sử vì người trước đã xóa.

Theo các chuyên gia, việc xóa sổ các di tích như thế khiến ký ức thành phố trở nên phai nhòa. Còn gì khi một thành phố phát triển năng động, hiện đại nhưng đó chỉ là cái vỏ hào nhoáng bọc lấy cái xác không hồn, như người không có dĩ vãng? Một thành phố không bản sắc, không hồn cốt sẽ có gì hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế?

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng dấu vết của nền mỹ thuật đô thị Sài Gòn – Gia Định xưa đang phai mờ, mất mát khá nhiều trong đời sống đô thị hiện đại của TP Hồ Chí Minh. “Đó là điều tất yếu của sự phát triển đô thị. Tuy nhiên, với một số công trình kiến trúc tiêu biểu, có tính thẩm mỹ cao và giữ trong mình hồn cốt, lịch sử phát triển của thành phố thì việc làm này cần hết sức thận trọng.

Bài học di sản

TS. Nguyễn Thị Hậu đã dẫn ra những kinh nghiệm khảo sát được ở Pháp, tại hai thành phố là Paris và Touluse. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, người ta thấy rõ ràng có một sự đổ vỡ về tâm thức con người. Từ thời Naponeon, quy hoạch kiến trúc hai thành phố này đã phải đâu ra đó. Những khu phố cổ đó phải được giữ, không thể xóa trắng để xây mới.

Sài Gòn và Hà Nội cũng có nét tương tự. Chúng ta vẫn phân vân giữa việc giữ cái nào là trung tâm mới, cái nào là trung tâm cũ. Khu vực Nhà thờ Đức Bà tại TP Hồ Chí Minh, với Bưu điện Trung tâm kế bên là một ví dụ.  Bây giờ, đứng phía nào cũng thấy những công trình quá hiện đại che chắn tầm  nhìn về các công trình cổ. Nguyên do là vì thiếu quy hoạch.

Khi quy hoạch, người Pháp công khai, thu thập ý kiến nhiều chiều và ý kiến cộng đồng dân cư tại chỗ. Phương án đặt ra đều đặt lợi ích cộng đồng lên cao. Nhà cửa, phố xá, phía bên ngoài là không gian của cộng đồng, không thể trồng hoa, sơn sửa cửa sổ tùy tiện.

Như vậy, chúng ta cần phổ cập kiến thức di sản cho học sinh. Người dân cần có sự hiểu biết về di sản để bảo vệ di sản.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, “di sản kiến trúc, đô thị có được giữ gìn để phát huy giá trị hay không tùy thuộc vào sự sáng suốt của người quản lý. Họ có thể viện dẫn đủ thứ để biện minh cho việc phá bỏ di sản, nhưng có cả ngàn cách sáng tạo để bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc đô thị mà vẫn có thể nâng cấp cải tạo không gian làm việc của cơ quan hành chính, tiếp dân, dịch vụ hậu cần…”.

Ông cũng đưa ra hai ví dụ về việc bảo tồn thành công cái mới và cũ như: nhà ga trên đường phố Chicago, bên dưới vẫn là hệ thống dầm sắt thế kỷ 19, bên trên là các chi tiết kiến trúc hiện đại. Nó vận hành trôi chảy, hiện đại trên nền cái cũ. Hay Bảo tàng Louvre ở Paris, khi được nâng cấp mở rộng năm 1983, toàn bộ di sản kiến trúc trên mặt đất xây dựng từ thế kỷ 14 được giữ nguyên trong khi mở rộng sàn mới dưới mặt đất. Kim tự tháp kính trên sân Napoleon trở thành biểu tượng hiện đại của bảo tàng, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, hài hòa cảnh quan xung quanh.

Ở những nơi có cột mốc lịch sử, thì càng  phải biết giữ gìn. Cách hay nhất để hài hòa lợi ích giữa phát triển và bảo tồn đó là phải kết hợp hai trong một. Rất nhiều cách làm hay của bạn bè thế giới như nước Pháp, Anh, Hy Lạp… Họ có vô số công trình cổ từ thế kỷ trước.

Quan điểm nhất quán: di sản vẫn phát huy giá trị kinh tế chứ không phải cái mới mới đẻ ra tiền. Họ biết cách biến nó trở thành nơi hái ra tiền nhờ chính những giá trị tự thân vốn có. Những yếu tố hiện đại chỉ thêm thắt để phục vụ cho tiện nghi hôm nay chứ không xâm phạm giá trị di sản của cha ông.

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười thì cho rằng: “Có những công trình, tượng đài tuy chất lượng kém nhưng nó gắn bó máu thịt với người dân, là hình ảnh đại diện cho một địa điểm nhất định của thành phố như các tượng đài trước 1975 gồm Trần Nguyên Hãn, Phù Đổng Thiên Vương, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…

Xét về thẩm mỹ, chất liệu, nó đã không còn tương xứng với diện mạo thành phố và bị xuống cấp nghiêm trọng. Để giữ lại hình ảnh đã gắn liền với Sài Gòn một thời, giới chuyên môn dự định sẽ xây dựng những bức tượng mới đẹp hơn, cùng chủ đề để thay thế tượng cũ chứ không nên xóa bỏ nó. Bởi lẽ nó là đặc trưng làm nổi bật tinh thần trân trọng lịch sử, ca ngợi các vị anh hùng dân tộc.

Với TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị ở Việt Nam, thực trạng thiếu diện tích cộng với nhu cầu phát triển đô thị đang cấp bách nên việc xây dựng gây ảnh hưởng đến cảnh quan mỹ thuật xưa là điều không thể tránh khỏi.

Bài toán bảo tồn, bảo tàng trong đòi hỏi phát triển, do đó vẫn còn rất ngổn ngang với nhiều dấu hỏi đau đầu.

Mai Quỳnh Nga
.
.