Hiện tượng Bianfishco

Thứ Tư, 12/05/2010, 05:40
Festival thủy sản Việt Nam lần thứ I diễn ra sôi động mấy ngày cuối tháng 4 lịch sử tại Cần Thơ - vùng đất của "gạo trắng nước trong", vừa khép lại. Ngoài 18 sự kiện nằm trong khuôn khổ của Festival, người ta còn thật sự ấn tượng về câu chuyện diệu kỳ do con cá tra tạo nên gắn liền với bản lĩnh, trí tuệ của một nữ doanh nhân miền sông nước.

Giữa lúc suy thoái kinh tế vẫn đang còn là nỗi ám ảnh và gây kiệt quệ rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu, doanh nhân - doanh nhân này nổi lên như một hiện tượng. Đó là bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), cũng là nhà tài trợ chính cho lễ hội này.

Ngay trong sáng khai mạc Hội chợ Thủy sản Việt Nam - sự kiện mở màn cho Festival, Bianfishco vinh dự là doanh nghiệp có gian hàng đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều vị lãnh đạo quan chức cấp cao, đối tác chiến lược đến thăm.

Trước đó, mô hình làm ăn hiệu quả và bền vững, tự tin "ra biển lớn" của Bianfishco đã được Thủ tướng biết đến, khen ngợi và ông từng lưu ý với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng, làm sao ngày càng có nhiều thương hiệu Việt giống như Bianfishco.

Nhiều đoàn đại biểu cũng đã đến tham quan cơ ngơi của Bianfishco, tận mắt hơn về chuỗi an toàn trong nuôi trồng, chế biến - từ hầm nuôi tới bàn ăn; và đồng nhận xét rằng, Bianfishco là hình ảnh sinh động của doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập...

Thật ra, đối với độc giả Chuyên đề ANTG, bà Phạm Thị Diệu Hiền - "Người đàn bàn thờ cá" chẳng phải xa lạ gì. Bà là con liệt sĩ (cha bà đã hy sinh ở chiến trường miền Đông - PV). Chính cuộc sống tuổi thơ cơ cực trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt và những năm tháng khởi nghiệp đầy cam go, đã hình thành trong bà những đức tính, bản lĩnh và nghị lực không phải ai muốn cũng có được.

Cũng như nhiều độc giả, chúng tôi cũng thật sự cảm thấy quý người phụ nữ này. Đấy là con người của suy nghĩ mau và hành động nhanh, không một phút giây nào cảm thấy hài lòng với thực tại mà ngược lại, luôn khát khao được dấn thân để vươn xa hơn trong nghiệp kinh doanh của mình.

Trở lại với Festival thủy sản Việt Nam lần thứ nhất vừa bế mạc, một ngày trước khi bài báo này lên khuôn, bà Diệu Hiền vui mừng thông báo cho tôi biết về sự thành công ngoài mong đợi... Đó là ngay sau khi Festival khép lại, đã có hàng chục đối tác, chủ yếu đến từ Mỹ đăng ký có cuộc gặp gỡ, tiến tới làm ăn lâu dài với Bianfishco.

Và chính những người bạn mới này tiết lộ, lẽ ra, họ gặp "thuyền trưởng" Bianfishco tại Hội chợ Thủy sản quốc tế thường niên tại Brussels (Bỉ) được khai mạc vào ngày 28/4 vừa qua. Tuy nhiên, khi nghe bà Hiền đang "bận bịu" với một hội chợ tương tự tại Việt Nam nên họ đã tìm đến Cần Thơ - Việt Nam với hy vọng sẽ có cơ hội giao thương hợp tác tốt với người từng được báo chí gọi là "Người đàn bà thờ cá".

Trước Festival thủy sản Việt Nam lần thứ I, bà Diệu Hiền cho biết Bianfishco của bà đang có nhiều chuyện mới. Chuyện mới của bà lại cũng là chuyện mới và đáng tự hào của ngành thủy sản.

Đó là mẻ cá giống chất lượng cao đầu tiên của Viện Nghiên cứu Bianfishco Pagasius Việt Nam vừa ra đời. Nghe tin các kỹ sư cho hay thành công này, bà mừng chẳng khác cách đây hơn 20 năm, vợ chồng bà có đứa con đầu lòng. "Tháng 6 tới đây, Viện Nghiên cứu Bianfishco mới chính thức khánh thành và bắt tay vào công tác nghiên cứu sản xuất giống tốt, thức ăn, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, tìm phương cách nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cho công ty, hỗ trợ bà con nông dân miền Tây phát triển nghề nuôi cá tra bền vững... Bộ Khoa học - Công nghệ cũng dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu; đồng thời triển khai thí điểm chương trình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá tra...".

Câu chuyện mới thứ hai mà bà Hiền cho tôi hay đó là bà sắp đưa vào sử dụng kho lạnh có sức chứa 10.000 tấn cá tra phi lê. Đây được xem là một trong những kho lạnh quy mô trong ngành chế biến thủy sản Việt Nam hiện nay. Bà kể, trước đây, Bianfishco chỉ có kho lạnh chứa được 3.000 tấn. Hàng tháng, doanh nghiệp phải chịu tốn tiền tỉ để thuê thêm kho lạnh bên ngoài.

Cũng trong khoảng tháng 6 tới đây, Bianfishco sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng với công suất 20 tấn thành phẩm/ngày. "Chúng tôi đã tìm hiểu và nhận ra, người Mỹ rất thích những món thức ăn được chế biến từ cá tra ngon, bổ và rẻ có xuất xứ từ Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc giục tôi đầu tư gần 100 tỉ đồng để xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy này" - bà cho biết.

Song hành với việc khánh thành những công trình vừa kể, bà cho biết cũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 triệu USD để thay đổi bằng một dây chuyền công nghệ tiên tiến của Đức đối với nhà máy phụ phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công suất 300 tấn/ngày. Nhà máy này sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu hạ giá thành sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người lao động nói chung.

"Người đàn bà thờ cá" cho biết, những "hạng mục đột phá" vừa kể thực chất cũng nằm trong kế hoạch thực hiện 6 mục tiêu chất lượng từng làm nên tên tuổi của Bianfishco thời gian qua. Liên tiếp từ đầu năm 2010 đến nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu vùng ĐBSCL đều rơi vào tình trạng khan hiếm cá tra nguyên liệu nhưng nhà máy của Bianfishco vẫn có đủ lượng cá để chạy đều đều. Vùng nuôi cá nguyên liệu sạch của Bianfishco hiện đã vượt ngoài con số 100ha và đang tiếp tục được mở rộng không ngừng. "Không hề ỉ lại từ vùng cá nguyên liệu rộng lớn, đối với bà con nông dân, tôi luôn thực hiện chủ trương chung thủy, có trước có sau. Công nghệ của mình, vùng nguyên liệu của mình không chưa đủ đâu. Bà con nông dân giàu, công nhân mình giàu thì Bianfishco mới tồn tại và lớn mạnh" - bà bộc bạch tâm niệm.

Đầu vào là vậy, đầu ra sản phẩm, theo lời bà, Bianfishco hiện đang đứng ở top những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu vào các thị trường khó tính, trong đó có Mỹ. Năm 2010, dù hầu hết doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ phá sản do năm 2009 rơi vào cảnh tăng trưởng... âm, nhưng đối với Bianfishco, căn cứ vào điều kiện, thực tế "đề kháng" của mình, bà vẫn tự tin đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra là 100 triệu USD, trong đó, thị trường Mỹ - nơi Bianfishco đang được hưởng thuế suất bằng 0% (từ năm 2009 đến 2012) khoảng 30 triệu USD. --PageBreak--

Bà kể, dù mới có mặt ở thị trường khó tính nhất thế giới này nhưng tên tuổi của Bianfishco đã được các tập đoàn lớn tại Mỹ như Wal Mark, Cosco, Cisco, Red Champer, Aqua Star... biết đến và có những cam kết, hợp đồng với kỳ vọng được làm ăn lâu dài. Bà kể, sau Hội chợ Thủy sản quốc tế thường niên tổ chức tại Boston - Mỹ, vào giữa tháng 3 vừa qua, Bianfishco đã có thêm nhiều đối tác chiến lược mới.

Hiện tổng số đơn hàng mà các đối tác đề nghị Bianfishco đáp ứng là 25 container/tháng nhưng Bianfishco cố gắng lắm cũng chỉ có thể đáp ứng được một nửa trở lại. "Cơn bão suy thoái kinh tế vẫn còn gây hậu quả nặng nề ở một số thị trường, trong đó có Mỹ. Vì vậy, trong việc phân phối hàng, tôi luôn hết sức thận trọng, biết tìm và chọn đối tác đáng tin cậy để làm ăn" - bà chia sẻ kinh nghiệm.

Kể tiếp câu chuyện làm ăn trên đất Mỹ, "Người đàn bà thờ cá" cho biết, cũng do cơn bão tài chính vẫn chưa qua nên một số kế hoạch trước đây của bà phải tạm trì hoãn. Và thật chẳng ngờ, chính sự thận trọng của bà càng khiến cho giới làm ăn tại thành phố Beverly Hills - nơi bà đã mua được căn nhà khá đẹp và sang trọng và thành lập Bianfishco USA, quý trọng và khen ngợi bà hơn.

Người Mỹ lại một lần nữa cảm nhận được trí tuệ của con người Việt Nam. Bà kể, mới đây, đích thân Thị trưởng thành phố - bà Nancy Krasne đã trực tiếp ký và trao tặng bảng vàng cho Bianfishco - một tên tuổi hứa hẹn sẽ góp phần làm giàu đẹp thêm thành phố được xem là của những bậc vương giả, của dân chơi Roll Roy, của giới siêu sao Hollywood. Không chỉ có vậy, bà Thị trưởng Beverly Hills còn dự tính sẽ sang thăm Việt nam, về Cần Thơ, tham quan "cơ ngơi" của "Người đàn bà thờ cá" trong một ngày gần nhất. 

Trở lại với câu chuyện đối phó với "bão" suy thoái kinh tế, bà tự hào rằng Bianfishco là doanh nghiệp đã tiên lượng được tình hình và sử dụng có hiệu quả chiến lược để che chắn.

Phát huy kết quả kinh doanh của năm 2009 (lợi nhuận 50 tỉ đồng), ngoài việc chuẩn bị đưa vào khai thác các công trình tâm huyết của bà như đã kể trên, Bianfishco còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao ốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) cho mục đích văn phòng cho thuê, nhà ở, căn hộ cao cấp...

Đặc biệt, bà Diệu Hiền dự kiến vào quý III/2010, Bianfishco sẽ có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam như một lần nữa khẳng định sự thành công của mình trên thương trường. Một điều khá đặc biệt đối với Bianfischo trước giờ G đó là "sự khác lạ" - nói theo dân chơi chứng khoán chuyên nghiệp.

Cụ thể, thường doanh nghiệp niêm yết tên tuổi mình để huy động vốn. Với Bianfishco lại không nhằm mục đích này. Bởi chính hàng loạt công trình mà Bianfishco sắp đưa vào khai thác sẽ góp phần quan trọng làm tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Có người sau khi phân tích về cơ hội mà Bianfishco mở ra đã buột miệng: Chưa thành cổ đông đã thấy lời!

Một tên tuổi lớn như Bianfishco với sản phẩm chỉ "xuất ngoại" sao bà lại bỏ nhiều tiền tỉ ra để tài trợ chính cho Festival thủy sản trong nước, có phải mục tiêu đánh bóng thương hiệu mình ở nội địa? "Người đàn bà thờ cá" khẳng định với người hỏi không một chút do dự: "Hoàn toàn không phải thế".

Hình ảnh con cá tra được tôn vinh và trưng bày trước cổng chính của Hội chợ Thủy sản Việt Nam nằm trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I 2010.

Bà bộc bạch rằng: "Tôi từng tài trợ nhiều hoạt động ở nơi này, nơi nọ trong nước hoàn toàn không phải vì mục tiêu đánh bóng thương hiệu mà hoàn toàn là xuất phát từ chữ tâm, bằng tình cảm và trách nhiệm của một công dân, một doanh nhân thành đạt. Tôi là người con được sinh ra, lớn lên và thành doanh nhân cũng nhờ vùng đất gạo trắng nước trong này.

Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ, không thể đứng ngoài cuộc. Hay nói cụ thể hơn nữa, việc tôi tài trợ và tham gia Festival là hành động thể hiện tấm lòng tri ân với người nuôi cá, người tiêu dùng tới đây, đối tác, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, ngành chức năng suốt thời gian qua".

"Hội chợ quốc tế năm nay không dự thì năm khác. Còn Festival thủy sản này là lần đầu của Việt Nam mình tổ chức, là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu Thủy sản Việt Nam". Để đãi họ (và tất cả những ai đến tham quan gian hàng, trong những ngày diễn ra Festival, Bianfishco đã có nhiều sản phẩm độc đáo được chế biến từ con cá tra tươi sống. "Đãi đối tác đến từ Âu, Mỹ món ăn mà họ thích ngay trên xứ sở của mình, xứ sở may mắn được trời ban cho sản vật cá tra, mới lý thú chứ" - bà Hiền nói.

"Người đàn bà thờ cá" cũng không giấu ý định khai thác thị trường nội địa của mình bằng các sản phẩm có giá trị gia tăng trong tương lai gần.

Nói về tương lai đầy triển vọng của ngành thủy sản nói chung, tại lễ Bế mạc Festival thủy sản vào tối 27/4 vừa qua, "Người đàn bà thờ cá" đã dẫn chứng sinh động bằng hình ảnh con cá tra với chỉ khoảng 6.000ha mặt nước và mới chỉ tham gia vào thị trường xuất khẩu hơn 10 năm nhưng đã làm nên điều kỳ diệu, hiện chỉ đứng sau vị thế của con tôm, góp phần quan trọng vào việc mang ngoại tệ góp vào nền kinh tế của đất nước, khiến thế giới phải quan tâm và kinh ngạc.

Và mô hình Bianfishco chỉ sau gần 4 năm gắn với con cá tra được xem như là một hiện tượng khiến nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp khác và đông đảo người nuôi cá, công nhân... phải suy ngẫm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương "phát hiện" ra nguyên nhân thành công của Bianfishco hôm nay là do 3 chữ T hội tụ trong "thuyền trưởng" Phạm Thị Diệu Hiền. Đó là Tầm - Tâm - Tài.

Thái Bình
.
.