Họ đã “săn đầu người” như thế nào?

Thứ Năm, 11/09/2014, 22:45

Có thể nói, trong thời buổi hội nhập, khi các công ty, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều thì ngoài những yêu cầu tư vấn về nhân lực, về văn hóa và các điều luật ở nước sở tại, họ rất cần những người quản lý cấp cao hội đủ khả năng và tố chất lãnh đạo để có thể lèo lái cả một tập đoàn trong môi trường mới đầy cạnh tranh và thử thách.

Làm sao để tìm được người thích hợp cho những vị trí cao cấp như CFO (giám đốc tài chính), CEO (giám đốc điều hành), CIO (giám đốc công nghệ thông tin) thì chính các ông trùm phải ra tay, nghĩa là cấp cao của nhà tuyển dụng phải vào cuộc, kết hợp với headhunter thật chặt chẽ. Bởi vì người nước ngoài từ tập đoàn về quản lý sẽ có những ưu điểm bên cạnh những khuyết điểm. Họ có thể nắm rõ chiến lược của tập đoàn, phong cách làm việc chuyên nghiệp và đưa ra những kế sách hay. Tuy nhiên, họ sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường sống mới, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, sự thiếu hụt nhân lực và những trải nghiệm ở thị trường nội địa...

Giải pháp thứ hai là tìm một người hội tụ đủ các yếu tố trên và đủ “tầm” để có thể tin tưởng giao số mệnh của cả một tập đoàn. Vậy tìm người đó ở đâu và tìm bằng cách nào? Lúc này, những headhunter sẽ ra tay để “chiêu hiền đãi sĩ”, “đãi cát tìm vàng” và song hành với nó là hàng trăm công ty “săn đầu người” xuất hiện và phát triển tại Việt Nam.

Khi "thợ săn" gặp khó

Ngô Thanh Hiếu là giám đốc trẻ của một công ty "săn đầu người". Anh vốn là một "hunter" (người đi săn) thuộc một công ty của Nhật. Điều vui nhất là sau một thời gian làm việc, có nhiều kinh nghiệm và thành tích thì ít lâu sau, chính Hiếu lại trở thành "đối tượng" bị "săn" trở lại của  một công ty cạnh tranh. Ở thời điểm hiện tại, anh mở công ty riêng và "độc lập tác chiến", "một mình một ngựa" trên thị trường "săn đầu người".

Hiếu chia sẻ rằng, nghề "săn đầu người cấp cao" thực sự là một nghề đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị. Đấy là một nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng về giao tiếp, khéo léo, thiết lập được mối quan hệ và tìm được một mạng lưới nhân sự cấp cao ở hầu hết các công ty lớn.

Tuy nhiên, trong thời điểm nhiều cạnh tranh khốc liệt và kinh tế khó khăn như hiện nay, anh đôi khi cũng gặp phải những tình huống trớ trêu: Bởi vì ở vai trò là người trung gian, nhận mức phí khá lớn từ công ty tuyển người thì có lúc bị chính nhân sự của công ty ấy và ứng viên "phản" lại bằng việc thông đồng với nhau để thỏa thuận công việc mà không đếm xỉa gì đến headhunter.

Hoặc có những lúc, Hiếu đã tìm được ứng viên cho một vị trí cao cho một công ty, nhưng khi gọi điện  thoại  thì ứng viên ấy đã bị một công ty "săn đầu người" khác "săn" mất rồi.

Anh Ngô Thanh Hiếu.

Chị Đoàn Ly, headhunter của một công ty “săn đầu người” hàng đầu của Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng đã chia sẻ những khó khăn hiện tại của nghề này: Thứ nhất, hiện tại có rất nhiều công ty săn đầu người ở Việt Nam, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, công ty vốn đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có dịch vụ headhunting. Thứ hai là sự cạnh tranh với các nguồn tuyển dụng khác như các dịch vụ tuyển dụng online và sự phát triển mạnh mẽ của kênh Linkedin ở Việt Nam trong 2-3 năm qua. Thứ ba, khi nền kinh tế đang đi xuống, kinh phí tuyển dụng của nhiều công ty lớn nhỏ đều rất hạn hẹp và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ headhunting cho dù nhu cầu về headhunting là rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và mong muốn sẽ chinh phục được những thử thách về lòng người thì chị vẫn tiếp tục theo đuổi công việc của mình.

Không chỉ là nghề buôn nước bọt… ra tiền

Chị Nguyễn Thị Vân Anh là CEO một công ty của Nhật tại Việt Nam có trên 10 năm kinh nghiệm trong nghề tuyển dụng nhân sự cấp cao chia sẻ: Chúng tôi được đào tạo bài bản từ một tập đoàn chuyên về nhân sự nên hiểu được rằng, nghề này không phải là nghề "buôn nước bọt ra tiền" như nhiều người vẫn nghĩ mà là một nghề đòi hỏi khá nhiều kỹ năng. Một headhunter giỏi cần có đến 60% kỹ năng sales (kinh doanh) và 40% kỹ năng về nhân sự, bước chân vào nghề này với "background" xuất thân từ sales sẽ là một lợi thế.

Ngoài ra, một headhunter thành công là người có phong thái cởi mở, tự tin trong giao tiếp, biết xây dựng và phát triển các mối quan hệ, là người kết nối trong cộng đồng. Họ đòi hỏi phải luôn thắp sáng suy nghĩ lạc quan, khéo léo nắm bắt tâm lý và tinh tế trong cách xử lý tình huống. Ngoài ra, họ cần phải khách quan trong việc đánh giá ứng viên dựa trên năng lực, tố chất qua hành vi... chứ không dựa trên cảm nhận cảm tính.

Chị Vân Anh cũng đã gặp rất nhiều trường hợp "oái oăm" trong nghề. Có những ứng viên mà vừa gặp chị đã phải… chạy ra ngoài chỉ vì anh ta bị… nặng mùi. Bản thân người đi săn không có thiện cảm với ứng viên thì làm sao khách hàng có thể chấp nhận được. Hay có những thời điểm mất rất nhiều công sức, thậm chí cả nửa năm trời đi tìm vị trí giám đốc kinh doanh cho một công ty nước ngoài đại diện tại Việt Nam, mặc dù các bước đã xong xuôi, qua cả 2 tháng "bảo hành" nhân sự, chỉ còn thanh lý hợp đồng nữa là xong thì ứng viên từ chối vì gia đình có sự thay đổi, vợ không đồng ý vì đi làm xa quá. Vậy là cuộc "đi săn" bị thất bại.

Lần khác tìm một nữ CFO thì giữa chừng chị… mang bầu và công việc lại bị trì hoãn. Công việc liên quan đến con người, mà con người thì nhiều thay đổi nên có những lúc nghĩ rằng việc đã êm xuôi đến 99% vẫn có những sự cố hy hữu.

Chị Vân Anh.

Thuý Quỳnh, một "thợ săn" cũng đã chia sẻ: hành trình của công cuộc "săn đầu người" không dưới 13 bước. Mỗi bước đi của ứng cử viên và của khách hàng đều có sự theo dõi, chia sẻ đặc biệt của các "thợ săn". Những câu chuyện buồn vui của từng ứng cử viên, các "thợ săn" đều phải lắng nghe và chia sẻ vừa như một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào từ tài chính, bất động sản… cuối cùng là như một chuyên gia tư vấn tâm lý.

Trong khả năng của mình, chị luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho ứng viên, bởi vì có nhiều bạn bằng cấp cực cao, học nước ngoài hết mấy tỉ đồng về làm trong ngành tài chính nhưng lương lại rất bèo bọt. Một số tập đoàn thì lương trả cao nhưng thưởng phạt cũng rất phân minh, không đeo cà vạt cũng phạt một số tiền khá lớn, đi làm không đúng giờ sẽ bị trừ lương và nếu lặp lại nhiều lần sẽ bị đuổi việc…

Những yêu cầu đòi hỏi của khách hàng cũng là một điều cần thiết mà mỗi ứng viên chẳng hạn đang quen làm việc cho những công ty trong nước muốn chuyển sang môi trường chuyên nghiệp sẽ phải thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình. Và rõ ràng là "tiền nào của nấy"…

Anh Ngô Thanh Hiếu cũng đã chia sẻ: Anh mở công ty riêng trong lĩnh vực "săn đầu người" vì tự tin vào khả năng của mình. Anh bỏ sức ra để đi tìm ứng viên, tìm khách hàng và tận dụng những mối quan hệ có từ trước để có thể có những hợp đồng "tốt". Anh chỉ đi tìm những vị trí cao và đặc biệt cho các công ty nước ngoài (không bao giờ làm cho các tập đoàn trong nước) chỉ đơn giản vì mức phí khách hàng trả cho anh sẽ là 3 tháng lương của ứng viên. Và mỗi năm chỉ cần "săn" được vài người là anh có thể đủ tiền nuôi sống vợ con.

Theo chị Vân Anh, hiện nay tại Việt Nam có khoảng vài trăm công ty "săn đầu người", chính vì vậy, đây đang là một nghề có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt. Có nhiều ý kiến cho rằng, những headhunter thường bị những công ty có nhân sự cao cấp "sợ và ghét".

Lý do là họ "lôi kéo" nhân sự giỏi của họ qua đầu quân cho công ty đối thủ cạnh tranh, nhưng có lẽ đó cũng là một cách để mỗi công ty, tổ chức sẽ phải xây dựng những chiến lược về nhân sự và chính sách giữ chân nhân sự giỏi hiệu quả, còn không, nhân sự ra đi để tìm kiếm chân trời mơ ước của mình là một điều tất yếu…

Thiên Kim
.
.