Hoa Kỳ bị truất quyền biểu quyết tại Unesco

Thứ Hai, 18/11/2013, 18:30

Vào đúng thời điểm 11 giờ (GMT) ngày 8/11 vừa qua, bà Irina Bokova đương kim Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã loan báo quyết định truất quyền biểu quyết của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một trong những thành viên chủ chốt của UNESCO vì trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Theo quy định trong Hiến chương thành lập UNESCO, bất cứ quốc gia nào chậm đóng góp khoản lệ phí hội viên để duy trì sự hoạt động của tổ chức trong 2 năm liên tiếp, sẽ tự động bị tước quyền tham gia biểu quyết ở tất cả các phiên họp thường lệ. Trong khi phía Mỹ đã đơn phương từ chối nghĩa vụ tài chính của mình ngay từ đầu năm 2012, như là một hình thức ủng hộ đồng minh Israel phản đối việc UNESCO kết nạp Nhà nước Palestine làm thành viên thứ 195 vào cuối tháng 10/2011.

Ngay từ khi tham gia thành lập UNESCO vào giữa tháng 11/1945 cùng với 20 quốc gia khác đại diện cho cả 5 châu lục, Washington đã tự nguyện cam kết đóng góp khoản tài chính lớn nhất chiếm tới 22% ngân sách thường niên của tổ chức quốc tế này.

"Hành động của Mỹ đã khiến ngân sách UNESCO giảm từ 650 triệu USD xuống còn 570 triệu USD nên việc chi tiêu rất chật vật, không thể hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra; cũng như phải cắt giảm khoảng 1/6 đội ngũ nhân viên trong biên chế thường trực ở hơn 50 văn phòng đại diện trên khắp thế giới, do thiếu kinh phí chi trả lương...", như nguyên văn lời bộc bạch của Tổng Giám đốc I.Bokova trong buổi họp báo cùng ông David Killion, Đại diện thường trực của Mỹ tại UNESCO ở Washington cuối tháng 10 vừa qua, kèm lời cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ bị truất quyền biểu quyết trong thời điểm cận kề.

Tổng Giám đốc UNESCO I.Bokova (trái) cùng Đại sứ D. Killion tại Trung tâm Báo chí quốc tế ở Washington vào cuối tháng 10/2013, cảnh báo việc phía Mỹ sẽ mất quyền biểu quyết.

Nhân sự kiện này, bà Susan Rice, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết trên trang Twitter của mình: "Đây là chuyện chưa từng xảy ra kể từ khi tồn tại các tổ chức quốc tế hàng đầu. Việc Hoa Kỳ để mất tiếng nói quan trọng trên diễn đàn UNESCO là một sự ô nhục. Tôi đề nghị Quốc hội Mỹ nên xem xét lại điều luật cấm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức công nhận quyền được thành lập nhà nước riêng của người Palestine, bởi nó không thực sự trừng phạt người Palestine mà lại đặt Hoa Kỳ vào vị thế bất lợi.

Đồng thời để tránh tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự sau này, ví như Palestine được Tổ chức Y tế Thế giới kết nạp làm thành viên mới chẳng hạn. Mặt khác, đạo luật ấy xem ra đã lỗi thời, vô hình trung tạo thành lực cản đối với vai trò của Washington trong việc kiến tạo hòa bình cho vùng Trung Đông".

Về phần mình, Tổng giám đốc UNESCO Bokova bày tỏ sự hối tiếc cho hành động đơn phương từ phía Mỹ. "Đây không chỉ là vấn đề kinh phí thuần túy, mà còn thể hiện việc Washington đã đánh mất "sức mạnh mềm" cần có, để từ đó giúp đặt nền tảng cho sự bang giao hòa bình và phát triển bền vững giữa các dân tộc theo tiêu chí của UNESCO".

Được biết, tính tới thời điểm hiện tại có tổng cộng 11 quốc gia thành viên UNESCO đã bị tước quyền biểu quyết do ngừng việc đóng hội phí thường niên. Ngoài Mỹ và Israel cùng phản đối việc kết nạp Palestine ra, 9 nước khác do những nguyên nhân khó khăn kinh tế như bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, hay xung đột vũ trang

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.