Họa sĩ Lê Trí Dũng: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút”

Thứ Năm, 13/03/2014, 17:30

Vốn là con trai của một họa sĩ lớn, anh lẽ ra có chỗ đứng nào đó trong các cơ quan văn hóa nghệ thuật… Nhưng không hiểu sao, rời quân ngũ sau chiến tranh anh bỏ hết, cả cái suất biên chế nhà nước nhiều người mơ, để trở thành một họa sĩ tự do. Và rồi một phần tư thế kỷ qua, anh đã sống quãng đời nghiệt ngã của người lính giữa thời không trận mạc. Một sự thật phũ phàng là, với thế hệ chúng tôi, chiến tranh chấm dứt từ lâu rồi, nhưng nhiều người vẫn chưa ra khỏi chiến tranh.

Cái câu nói của anh vẫn ám ảnh tôi rằng: Đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, mình được sống trở về đã là một sự vô lý. Và điều vô lý ấy thật… có lý khi ông trời bỏ sót một Lê Trí Dũng, để bây giờ anh thành một danh họa trong mắt bạn bè… Được sống trở về, may mắn và hạnh phúc không làm anh quên được quá khứ trận mạc và họa sĩ của chúng ta vật vã, khổ sở và kiêu hãnh khi nói về một thế hệ như thế…

Tôi có thể khẳng định rằng, người vẽ nhiều về trận mạc, về chiến tranh vệ quốc và cũng là người vẽ những bức tranh dữ dội nhất về điều đó, là Lê Trí Dũng.

"Phi (vẽ) trận mạc bất thành Lê Trí Dũng". Tôi không tin một nhà phê bình mỹ thuật khi nói về Dũng như vậy. Tôi nói thêm, nếu không trận mạc vẫn có một Lê Trí Dũng khác, tài hoa và tài năng. Chỉ tiếc trong những bộ sưu tập tranh trên thế gian thiếu những bức tranh ám ảnh về chiến tranh mà thực ra nó như một cách thể hiện khát vọng hòa bình…

Ngỡ ám ảnh chiến tranh làm nên một họa sĩ trận mạc Lê Trí Dũng, nhưng tôi đã nhầm: Anh vẽ đủ thứ cũng đẹp, cũng dữ dội như thế. Dũng có 12 con giáp đẹp. Anh có sen, hoa sen qua ngọn bút Lê Trí Dũng cũng rất lạ và khi đến xem xưởng vẽ, tôi phát hiện còn cả một kho... tranh ngựa.       

Bí ẩn Lê Trí Dũng nằm hết ở đàn ngựa...

Và hôm nay, một ngày sắp bước sang năm Ngọ, trong ngôi nhà nhỏ của Lê Trí Dũng tại khu Khương Thượng, tôi phát hiện ra một điều kinh khủng: Gã họa sĩ trận mạc giấu hàng trăm chú ngựa dưới... sàn nhà. Bằng chứng là khi nghe tôi bàn đến đề tài về ngựa, mắt anh sáng lên: "Dũng đâu chỉ có vẽ trận mạc. Dũng đâu chỉ có 12 con giáp! Riêng ngựa có cả trăm con...".

Nói rồi anh giở cái kho ngựa cất giấu ra. Chao ôi! Cơ man là ngựa. Hôm trước, nhân đến thăm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, tình cờ tôi phát hiện anh có bức tranh ngựa, ký tên Lê Trí Dũng, treo trên tường. Bức vẽ khá lớn và hình ảnh con hùng mã ấy thật ấn tượng. Cũng chỉ nghĩ, ngựa là một đề tài thích thì vẽ vậy thôi. Nào ngờ..... Trong cái hộp giấy kia khi Lê Trí Dũng giở ra, chỉ toàn tranh ngựa. Con nào cũng tung vó, giương bờm bay qua bầu trời, bay qua trảng cỏ... Tôi không hiểu sao ngựa của Từ Bi Hồng - danh họa Trung Hoa đẹp và kiêu hùng thế, mà sao ngắm ngựa Lê Trí Dũng cảm giác kinh khủng hơn nhiều. Không có con nào phi nước đại nữa, mà là bay qua mặt trăng, mặt trời... Ngựa anh mạnh mẽ và phá cách hơn.

Hỏi sao vẽ ngựa mà chỉ toàn đặc tả ngựa bay và toàn hùng mã? Anh lý giải: Ngựa Lê Trí Dũng không chỉ là ngựa. Nó là "thần mã", là hùng mã, thể hiện khát vọng chiến thắng và giấc mơ chinh phục. Chinh phục tốc độ, chinh phục thế giới... 

 “- Vì sao anh chọn ngựa làm đề tài lớn của mình?

 - Đó là một cách giải tỏa nỗi lòng người nghệ sĩ. Con ngựa gần gũi, thân thiện với đời sống con người. Nó là giống vật chung thủy, tận tụy và trung thành. Ngựa đẹp ở hình thể. Không có loài nào có cấu tạo hình thể với bố cục... lý tưởng như ngựa. Từ bộ vó, bộ mao bờm, đến thân chắc, dáng khỏe... Nói chung, ngựa thể hiện cho sức mạnh và tốc độ...”.

Một người bạn tôi bảo: Hẳn khi tìm một phong cách vẽ ngựa như thế, Lê Trí Dũng muốn gửi  đến nhân gian một thông điệp gì đấy. Ngắm ngựa Dũng thấy sự dũng mãnh, thấy có gì bất an và những điều đó chỉ có thể bắt từ tâm thế người vẽ. Sự nghiệt ngã của số phận, của cuộc đời và sự đau đớn của chiến tranh đẩy người nghệ sĩ đến sự bứt phá trong tác phẩm chăng? Nếu không ra chiến trận, không đọc sách cổ Trung Hoa, chắc gì Dũng có những chú hùng mã như vậy?   

Lê Trí Dũng kể: “Nhờ có đàn ngựa, tôi đã vượt qua những đận khó khăn”. Bức vẽ ngựa đầu tiên, Dũng vẽ Từ Hải ôm nàng Kiều, sau lưng là chú ngựa, được một người ngoại quốc mua vì theo vị khách, ông mua nó vì con ngựa chứ không phải vì có đôi trai gái... Từ ấy Dũng lập "trang trại" nuôi ngựa bán. Mấy chục năm nay anh vẽ đủ thứ, nhưng ngựa gần như là một ám ảnh ưu tiên.--PageBreak--

Ngắm tranh ngựa Lê Trí Dũng, lần đầu tiên tôi thốt lên: Ôi! Lại có một Lê Trí Dũng vẽ ngựa bên cạnh danh họa Trung Hoa Từ Bi Hồng. Nhưng ngựa Dũng khác ngựa của Từ. Ngựa của Lê Trí Dũng toàn hùng mã, phóng khoáng, phá cách và lạ lùng hơn. Chả thế mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã có hẳn một bài thơ hay tặng họa sĩ khi xem tranh ngựa của anh, bài thơ "Tranh ngựa":

Ngựa tỏa mười phương,
                    
tranh vẫn đây
Tranh lên tiếng gọi, ngựa về ngay
Bờm đẫm sương mai, tai đẫm gió
Những đại dương mờ,
                               
những bến mây.

Viết về tranh ngựa, nhưng thơ Vũ Quần Phương lại quay về với đời bằng những câu thơ thấm đẫm thế thái nhân tình:

Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút
Thân chưa khô mực, đã đường xa
Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ
Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta
Lòng ta thành bụi, 
                        
 thành trăng sáng
Núi lạ, đồng xa, ta với ngươi
Bụi theo nâng vó bay ngàn dặm
Trăng rọi đường phi đến tận trời.
Thân thương lắm đời ngựa, 
                                        đời người.

Lê Trí Dũng bảo: “Tôi mê vẽ ngựa từ bé. Con ngựa đầu tiên là con Xích Thố của Quan Vân Trường trong truyện Tam quốc chí”. Những câu chuyện kể của họa sĩ này về ngựa cũng ly kỳ không kém. Anh kể về con ngựa của chiến sĩ Hồng quân Trung Quốc Mã Tuấn Vũ tên là Thảo Thượng Phi (Bay trên cỏ) khi giáp chiến với quân địch. “Khi tên lính Nhật ngồi trên tháp pháo xe tăng chĩa khẩu súng máy vào Tuấn Vũ bóp cò, súng chưa kịp nhả đạn thì... đầu y đã lìa khỏi cổ". Dũng kể về ngựa hệt như anh là một nhà…"mã học".

Anh bảo: “Với tôi, vẽ ngựa không còn là ngựa nữa. Càng ngày, những bức tranh  ngựa nằm và phi nước kiệu ít đi. Nó quằn quại, tung vó gào thét…”. Càng ngày, tam tứ mã, thất mã ít đi, thay vào đó là độc mã phóng vun vút, phi như bay trên cả mặt trời, mặt trăng, đẫm mình trong mưa, cỏ hoang đồng nội… bờm văng tung tóe, màu và mực đổ ào ào, bắn vung vít. Những con ngựa dữ dội mắt trợn ngược, mồm há to, răng lởm chởm. Mà đúng vậy. Ngựa của Dũng nhiều con chân chỉ bé như chân… gà. Thế mà hợp lý, mà thích mắt mới lạ chứ! Nhiều con đầu, cổ vặn ngược, chân cẳng cắm lung tung… Lại phải thêm chi tiết lau sậy, khói mây để khỏa lấp những phi lý…

“- Trong đời vẽ ngựa, anh thích nhất con ngựa nào?

- Đấy là con đơn sắc đen trắng bờm xù rùng rợn, quay lưng lại, trông ngạo nghễ, nhưng đó là sự cô đơn, là một gửi gắm của người nghệ sĩ…”.

Dũng tâm sự: “Đàn ngựa của tôi đông cả mấy ngàn con với đủ chủng loại từ Á sang Âu dẫu có lúc chúng từng nâng đỡ tôi vượt qua thác ghềnh thời bao cấp, thậm chí sát cánh cùng tôi thoát khỏi những cú "xiên táo" của đồng loại chốn quan trường thì rồi chúng cũng sẽ bỏ tôi mà đi… Cuối cùng, còn lại với tôi chỉ có một con ngựa đơn sắc,  bờm xù ngoảnh lưng lại…

Tử vi của anh hình như có sao Thái Âm và Thiên Mã. Và có lẽ vì vậy nhiều bức ngựa đằng sau có hình mặt trăng? Và anh mải miết đi trong thành phố với cái túi dết quàng vai, bên trong có vài bức tranh ngựa, mà bức nào, theo tôi, cũng đẹp và sống động, cũng hùng mã. Sau ba tập tản văn Những hòn cuội… Viết về chiến tranh, về đời sống hôm nay với những suy tư dằn vặt... tôi thấy anh lạ hơn. Anh hay nói đến cái chết, đến quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Và hình như bí ẩn hơn.

Bí ẩn là vì không như người ta đem tranh ra treo và bán, đằng này Lê Trí Dũng vẽ xong cất kỹ. Ai có nhu cầu tìm đến thì cho xem, ưng bụng, muốn mua thì bán, bán với giá cho người Việt, nghĩa là không để giá trên tranh, không hét trên... trời, mấy ngàn đôla mỗi bức như thiên hạ từng làm...

Hà Nội cuối năm Tỵ 2013

Tân Linh (ANTG Xuân Giáp Ngọ)
.
.