Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân với “Nét thời gian”

Thứ Hai, 04/11/2019, 15:39
Ông được biết đến là người nổi danh trên nhiều lĩnh vực: Phó giáo sư, tiến sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân (NSND), họa sĩ... Ông là một người có những đóng góp quan trọng, đầu tiên cho thể loại phim hoạt hình Việt Nam.

Trong rất nhiều thành công, NSND Ngô Mạnh Lân vẫn công nhận rằng, với hội họa, ông có một tình yêu sâu đậm và mãnh liệt. Hội họa đã nâng bước ông trên mọi nẻo đường lập nghiệp và giúp trái tim ông luôn có những rung cảm trước cái đẹp, trước cuộc đời. 

Nhân dịp sinh nhật tuổi 85, NSND Ngô Mạnh Lân đã xuất bản cuốn sách "Tranh ký họa" dày hơn 300 trang và tổ chức cuộc triển lãm tranh lần thứ 4 mang tên "Nét thời gian" từ 16 giờ 30 ngày 2 đến ngày 10 tháng 11 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

"Tôi đến với hội họa là thiên định"

Tôi đến thăm NSND Ngô Mạnh Lân trong những ngày cận kề triển lãm. Gương mặt ông tươi vui, hồng hào, phấn khởi. Ông đi đi về về nhiều cây số từ nhà đến Yết Kiêu để chuẩn bị kỹ lưỡng cho triển lãm nhưng dường như, sự phấn chấn cùng niềm hạnh phúc của một người cả đời dành tình yêu cho hội họa không hề làm ông cảm thấy mệt, dù đã ở tuổi 85. 

Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân và vợ, NSND Ngọc Lan.

Khi ông về tới nhà, người "Vợ yêu", cách mà ông vẫn gọi bà hằng ngày và tự lưu tên bà trong điện thoại, NSND Ngọc Lan đã chuẩn bị chu toàn cơm nước, để ông dùng bữa. Hai ông bà, trong bữa cơm ríu rít kể chuyện, bà gắp cho ông những món ngon bà tự tay nấu. Ông hài hước đùa vui: Bà luôn là số một!

NSND Ngô Mạnh Lân tặng tôi quyển sách mới thơm mùi mực, một quyển sách hội họa là tập ký họa chân dung mà bất cứ ai làm nghề cũng cả đời ao ước sẽ được in một cuốn sách đầy đủ và đẹp như thế để lại cho đời. Ông chia sẻ: "Đây chỉ là những nhành lá thời gian mà tôi hái lượm trên bước đường "tự lập thân" (như lời cha tôi dặn trước khi nhắm mắt) để dâng tặng cha mẹ tôi - những người đã sớm đi vào cõi vĩnh hằng trước khi tôi bước chân vào mỹ thuật".

Theo dòng hồi tưởng, NSND Ngô Mạnh Lân kể lại câu chuyện của đời mình: Ông thích vẽ từ bé. Những buổi trưa ở làng quê, ông bắc chõng tre ra hiên nhà nằm ngắm những đám mây lững lờ trên trời mà tưởng tượng ra hình thù các con vật, chúng chuyển động, thay đổi hình dáng, tạo cho ông niềm hứng thú say mê.

Năm 1949, ông được đi học lớp hội họa 2 tháng của Liên khu X do họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách. Năm 1950, Trường Cao đẳng Mỹ thuật tuyển sinh, ông thi và trúng tuyển. Ông bảo, đối với ông, đây là một giấc mơ có thật. Những năm tháng học tại Trường Mỹ thuật, dù kham khổ, đói rét nhưng lúc nào ông cũng cảm thấy vui tươi, hạnh phúc... 

Ký họa Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan.

Các thầy dẫn dắt, bạn hữu quý trọng. Thầy Tô Ngọc Vân (Giám đốc lúc bấy giờ) cùng các thầy cô, là các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước, Nguyễn Tư Nghiêm... đã hướng dẫn, bảo ban cụ thể, ông cũng đã tự rèn luyện cho mình một cách vẽ, cách nhìn sự vật thể hiện trên tranh, vẽ để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Ông kể lại: "Học ở trường gồm có vẽ hình họa, vẽ ký họa, vẽ bột màu, tìm bố cục dựng tranh...

“Còn nhớ mấy tháng đầu vào học, tôi vẽ hình kém, chỉ được 5 hoặc 6 điểm mà thang điểm là 20. Có lúc nhà trường đã nhắc nhở, nếu học không đạt yêu cầu thì sẽ bị giảm chính thức (tức là cho nghỉ học). May mắn thay, một lần đi vẽ ở Nghĩa Quân (Phú Thọ), cùng đi với họa sĩ Quang Phòng, chúng tôi vẽ bà mẹ chiến sĩ - Bà Khiêm, ngồi làm mẫu. Lúc mang về chấm, tôi quá ngạc nhiên và phấn khởi vì thầy Tô Ngọc Vân cho 16.5 điểm - tức hơn mức bình thường 0.5 điểm (vì các bài khá nhất trước đó cũng chỉ được 16 điểm). 

Thầy Vân luôn nhắc nhở, phải khởi đầu bằng sự vật và không dựa vào ý của mình mà phải dựa vào sự vật mình thích. Nhờ vậy, tôi cũng đã tự rèn luyện cho mình kỹ năng chuyên môn ngày một vững vàng hơn. Đúng như định hướng của thầy Tô Ngọc Vân: "Hội họa là một công tác, người vẽ là một cán bộ" - ông chia sẻ.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn, một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn) đã nhận xét về hội họa của NSND Ngô Mạnh Lân: "Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân là một nghệ thuật trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ một cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị cùng với tạo hình một cách thông tuệ, vững vàng".

Sau thời gian học ở trường, NSND Ngô Mạnh Lân đi công tác trong quân đội, được sống trong môi trường quân đội, tập cùng các anh lính ngoài thao trường, rồi hành quân đi chiến dịch, nằm hầm, đánh đồn... trải qua những gian nan vất vả nhưng tất cả những điều ấy đã là một sự rèn luyện ý chí để ông tự vươn lên tiếp tục sáng tác những tác phẩm hay về chiến trường. 

Sau này, khi hòa bình lập lại, NSND Ngô Mạnh Lân đã trở về thành phố, tham gia tiếp quản Thủ đô... Sau đó, ông được phân công đi học về làm phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK).

Về nước, ông trở thành một trong những đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam mà nhiều thế hệ tuổi thơ mê mẩn như "Mèo con", "Trê cóc", "Con sáo biết nói", "Thạch Sanh", "Những chiếc áo ấm", "Bộ đồ nghề nổi giận", "Phép lạ hồi sinh"... 

Ông đã được nhận nhiều giải thưởng của Liên hoan phim Quốc tế của Rumani năm 1966 cho phim "Mèo con"; giải Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa dân chủ Đức (1970) cho phim "Chuyện ông Gióng"...

Ký họa Chân dung Thiếu nữ.

NSND Ngô Mạnh Lân trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Ông từng giữ cương vị Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu phim của Bộ Văn hóa. Tuy thành công trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật nhưng NSND Ngô Mạnh Lân khẳng định rằng với ông, hội họa là thiên định và trong tâm hồn mình, ông vẫn luôn đau đáu với những bức tranh, nó là hồn cốt của đời ông và là thứ cho ông nương náu trên mọi nẻo đường cuộc sống.

"Hạnh phúc gia đình là neo bến cuộc đời"

Có thể thấy trong suốt chặng đường nghệ thuật, hình ảnh xuyên suốt, gắn bó cho dù rõ ràng hay chỉ là ý tứ thoáng qua, trong các tác phẩm của NSND Ngô Mạnh Lân, chính là người phụ nữ xinh đẹp, nữ diễn viên điện ảnh NSND Ngọc Lan, người bạn đời đã bên ông trong suốt mấy chục năm qua. 

Ông bảo, bà là món quà quý giá nhất mà ông trời đã ban tặng trong cuộc đời. Bà vừa là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cũng là một người vợ, người mẹ lý tưởng của chồng con. Bà giỏi việc nước, đảm việc nhà, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con trưởng thành. 

Chân dung họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.

Ở tuổi gần tám mươi, bà vẫn hằng ngày chăm sóc ông, nấu cho ông những món ăn mà ông yêu thích. Giữa những giờ đi dạo, họ ngồi bên nhau đọc sách báo. Không chỉ là một diễn viên tài năng, bà còn là một nhà thơ có những áng thơ viết cho chồng, cho các con, viết về gia đình. Giọng bà ngâm thơ đầy rung cảm. Ông luôn may mắn là người đầu tiên trở thành độc giả của bà.

Người ta vẫn nói, hạnh phúc luôn làm nên những điều kỳ diệu. Điều đó lý giải vì sao, trong suốt cả chặng đường hội họa, những tác phẩm ký họa chân dung, cho dù chỉ vài nét phác thảo đơn sơ nhưng khán giả vẫn nhận ra đó là nữ diễn viên Ngọc Lan một thời, là nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của cô Nhàn trong phim "Lửa trung tuyến", là một Y Mai trong "Lửa rừng" với ánh mắt, điệu cười làm đốn tim của hàng triệu khán giả. Ông cười bảo, cho dù mình có là một anh nghệ sĩ được đi khắp chiều dài đất nước, đi ra nước ngoài, gặp gỡ bao nhiêu con người, bao nhiêu thứ đẹp đẽ nhưng có một điều khiến bước chân đi vững chãi, đó là hạnh phúc gia đình luôn là neo bến của cuộc đời, là chân giá trị để nâng bước các tác phẩm nghệ thuật.

Lần này là triển lãm thứ 4 của NSND Ngô Mạnh Lân nhân dịp sinh nhật tuổi 85 của ông, sau 3 cuộc triển lãm vào các năm 1971, 2006, 2014. Đây chủ yếu là những ký họa ông đã vẽ 70 năm qua từ ngày vào Trường Mỹ thuật đến nay nhưng ông chưa có dịp trình bày một cách hệ thống. 135 khung tranh của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân đầy duyên dáng, dí dỏm và chân thực. 

Nhà sàn người Mường (Hòa Bình).

Có cảm giác mỗi bức tranh hay đơn giản chỉ là vài nét ký họa của người họa sĩ đều mang hồn cốt của tác giả. Ngoài tài năng của đôi tay thì mỗi chi tiết đều thể hiện trái tim rạo rực, đắm đuối của người nghệ sĩ với cuộc đời, với thiên nhiên, con người. 

Nhiều nhà phê bình cho rằng, ở mảng ký họa, năng lực quan sát, năng lực cảm thụ thiên nhiên, sự vật, kỹ năng sử dụng nét, đường nét và kỹ năng diễn tả ánh sáng của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đôi khi đã đạt tới độ thăng hoa và trình độ chuẩn mực.

Qua "Nét thời gian", người xem như được nghe đọc những câu chuyện kể, những bài thơ trữ tình về quê hương, đất nước, con người, được thấy và trải nghiệm một cách thú vị và đầy ý nghĩa một cuộc sống, một thời đại, mà bản thân người nghệ sĩ đã từng được tắm mình trong đó, là nhân chứng, là người ghi lại nó...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.