"Hoàng Hoa sứ trình đồ" - ký ức dòng họ thành di sản văn hóa thế giới

Thứ Hai, 22/10/2018, 20:54
Tỉnh Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy thuộc xã Trường Lộc (huyện Can Lộc) vừa đón nhận bằng công nhận Di sản ký ức thế giới của UNESCO cho cuốn sách "Hoàng hoa sứ trình đồ". Đây là lần thứ 2, di sản của dòng họ Nguyễn Huy vượt qua khuôn khổ của dòng họ để hoà nhập với văn hoá nhân loại. Và, điều đặc biệt là cả hai di sản này đều được kiến tạo bởi danh nhân Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.


Tinh hoa một vùng đất

Làng Trường Lưu (xã Trường Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh) là miền đất cổ với hơn 5 thế kỷ tồn tại. Làng có nhiều nét văn hoá đặc sắc như nghề dệt vải và hát ví phường vải nhưng trở nên nổi tiếng khắp cả nước từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713- 1789) về trí  sĩ và dày công xây dựng nên 8 cảnh đẹp ở đây. Kế thừa truyền thống hiếu học của dòng họ, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng Phúc Giang thư viện và lập nên Trường Lưu học hiệu. 

Đó cũng chính là nơi khai sinh của di sản văn hoá thế giới Mộc bản trường học Phúc Giang đã được UNESCO công nhận vào năm 2016. Hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là đã vượt qua khuôn khổ của một dòng tộc và có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc.

Người khai mở cho Mộc bản trường học Phúc Giang - Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Ngoài sự nghiệp quan trường, ông còn để lại một gia tài trước tác quý giá với 40 cuốn sách về các lĩnh vực trong đời sống lịch sử, văn hoá, xã hội của đất nước. 

Trong đó, cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ ghi lại hành trình đi sứ Trung Hoa từ cửa ải đến Bắc Kinh là một cuốn sách có giá trị về mặt địa lí hành chính và thể hiện tài hội họa của tác giả. Cuốn sách là tập bản đồ tập hợp các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Theo hồ sơ đề cử danh mục di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới của Bảo tàng Hà Tĩnh thì Hoàng Hoa sứ trình đồ là tư liệu phong phú xung quanh chuyến đi của các sứ thần Việt Nam. Cuốn sách này ra đời từ thực tế nhu cầu hiểu biết của Nguyễn Huy Oánh về các chuyến đi sứ trước đó để chuẩn bị tốt cho chuyến đi sứ của ông. 

Từ các tư liệu thu thập được, Nguyễn Huy Oánh đã định bản, biên tập, hiệu đính, chú thích để cung cấp tư liệu, hướng dẫn tiện lợi cho đoàn của mình. Chính tư liệu này đã giúp Nguyễn Huy Oánh hoàn thành tốt chuyến đi sứ, nâng cao vị thế của Việt Nam. Với những giá trị độc đáo, cuốn sách này còn được sử dụng liên tục cho tới giữa thế kỷ XX.

Hoàng Hoa sứ trình đồ có kích thước 30x20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó bao gồm 7 phần, ghi chú rõ ràng về hành trình đi sứ cả thời gian, địa điểm dừng nghỉ, ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ, chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ, cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh. Đặc biệt, sách còn chọn lọc và mô tả rất rõ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.

Con cháu ôn lại ký ức của dòng họ Nguyễn Huy trong những ngày chuẩn bị đón nhận bằng công nhận của Unesco cho cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ”.

Cuốn sách thể hiện tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao và thơ ca, hội họa. Trong đó, phần thứ 2 có tên Lưỡng kinh trình lộ ca (Bài ca về lộ trình giữa hai kinh đô), tuy không phải là phần chính của sách nhưng lại đậm dấu ấn cá nhân của tác giả nhất. Phần này gồm 26 câu thơ thất ngôn chữ Hán, viết khái quát về chặng mà sứ bộ đã đi qua. Lưỡng kinh trình lộ ca thể hiện nhãn quan chính trị, tài năng thơ ca, sự tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận về thiên nhiên, con người và thời cuộc của tác giả.

Ông Võ Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Sự kiện Hoàng Hoa sứ trình đồ được công nhận là di sản ký ức thế giới đã thêm một lần nữa khẳng định sự lấp lánh của những giá trị di sản mà dòng họ Nguyễn Huy và Thám hoa Nguyễn Huy Oánh để lại. Để bảo tồn và phát huy những giá trị này, theo tôi cần xây dựng làng văn hoá du lịch Trường Lưu và tổ chức khai thác, biến di sản này thành một sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Hà Tĩnh".

Theo hồ sơ đề cử danh mục di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trước đây, Hoàng Hoa sứ trình đồ được để tự nhiên trong nhà con cháu dòng họ, hiện nay đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tu bổ và đóng lại, số hóa. Hiện tại Bảo tàng Hà Tĩnh cùng dòng họ đang nghiên cứu chọn phương pháp và vật liệu để bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ cho Hoàng Hoa sứ trình đồ đồng thời có kế hoạch cụ thể trong việc hợp tác với nhiều cơ quan tổ chức công bố giới thiệu bằng nhiều hình thức như biên dịch, in sách, triển lãm, làm phim tư liệu…

Hành trình hòa nhập với văn hóa thế giới

Là một người gắn bó và có trách nhiệm với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá của dòng họ, hậu duệ đời thứ 16 - Viện sĩ, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ là người có công rất lớn khi đưa Hoàng Hoa sứ trình đồ vượt lên khuôn khổ ký ức của một dòng họ, hoà nhập với văn hoá thế giới. Trước khi "Hoàng Hoa sứ trình đồ" được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, ông Nguyễn Huy Mỹ là người âm thầm làm nhiều việc để sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của dòng họ.

Tại nhà riêng của ông ở xã Song Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) có hẳn một gian để lưu giữ những di sản của dòng họ. Những cuốn sách tuy nằm lặng yên trong các ngăn tủ nhưng lại cho thấy quá trình tìm kiếm miệt mài, đầy trách nhiệm của ông Nguyễn Huy Mỹ. 

Ông Mỹ cho biết: "Thuở nhỏ, được theo cha đi giỗ họ, được ngồi cùng mâm với các bậc trưởng lão, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về học hành khoa cử, về con đường quan lộ của các bậc tiền bối. Những câu chuyện đầy vinh quang đó chính là căn nguyên, là động lực để tôi bắt đầu sứ mệnh của mình với dòng họ. Ngoài việc giúp bảo tồn và phát huy di sản của cha ông, tôi cũng thu nạp vào mình rất nhiều hào quang mà các thế hệ đi trước để lại. Từ đó có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn cho đất nước".

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ với cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” tại tư gia xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

Kể từ năm 1984, ông Nguyễn Huy Mỹ chính thức bắt đầu công việc  kiếm tìm và lưu giữ những di sản của dòng họ rồi tìm cách phát huy giá trị các di sản. Với tâm huyết của mình, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ cũng đã nhiều lần được con cháu dòng họ tặng lại các tư liệu quý, trong đó có cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ". 

Ông kể lại: "Chừng giữa năm 1989, một tiền bối dòng họ là ông Nguyễn Huy Bút (đã mất năm 2012) gọi tôi đến tận nhà và trao cho cuốn sách có tên là Hoàng Hoa sứ trình đồ. Cuốn sách được Nguyễn Huy Oánh biên soạn từ năm 1766-1767 nhưng bị thất lạc 120 năm. Về sau, người cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triển (1852-1909) đã cất công tìm kiếm. Sau 20 năm, Nguyễn Huy Triển mới tìm được bản gốc và tự tay sao chép lại, sau 24 ngày đêm, cuốn sách được Nguyễn Huy Triển chép xong trên chất liệu giấy dó".

Lúc bấy giờ, dù không hề biết chữ Hán nhưng nhìn bản vẽ bản đồ, ông Nguyễn Huy Mỹ đã linh cảm về những giá trị đặc biệt của cuốn sách. Ông Mỹ đã nhiều lần kết nối, trao đổi với nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và đều nhận được những ý kiến đánh giá cao về giá trị của cuốn sách. Và, kể từ năm 1993, ông Mỹ bắt đầu giới thiệu cuốn sách tại nhiều hội nghị, hội thảo chuyên môn. “Qua đánh giá của các chuyên gia, tôi bắt đầu nghĩ đến việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới nhằm tìm kiếm các cơ hội bảo tồn, quảng bá giá trị di sản mà ông cha để lại".

Tháng 6-2016, xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu giá trị tư liệu lịch sử của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu - Can Lộc liên quan về biên giới và biển đảo Việt Nam" của GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, những tư liệu quý giá trong cuốn sách cổ bắt đầu được khai thác và ý tưởng bảo vệ Hoàng Hoa sứ trình đồ trở thành di sản tư liệu ký ức thế giới cũng khởi phát từ đây. 

Cuối năm 2017, cuốn sách được đưa vào danh sách bảo vệ di sản tư liệu thế giới. Với những giá trị văn hoá, lịch sử độc đáo, với hồ sơ được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng,  với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và hoạt động hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UNESCO các nước trong MOWCAP, hồ sơ Hoàng Hoa sứ trình đồ đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn thuộc UNESCO, đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên thế giới và cả ở Việt Nam, sách ghi lại quá trình đi sứ rất nhiều nhưng chủ yếu là thơ văn chứ không có bản đồ. Cho đến nay thì Hoàng Hoa sứ trình đồ là cuốn duy nhất có bản đồ đã được phát hiện. Đó cũng chính là điểm đặc biệt để hồ sơ trình UNESCO về cuốn sách Hoàng Hoa sứ trình đồ sớm được chấp nhận. 

Tại phiên họp của Hội nghị Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) lần thứ 8 ở Hàn Quốc, hồ sơ về Hoàng Hoa sứ trình đồ được các nước đánh giá cao bởi đây là một hồ sơ quý, hiếm, nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ XVIII. Qua đó, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực.

Việc được UNESCO công nhận là di sản ký ức của thế giới là cơ hội tốt nhằm giữ gìn, bảo vệ và tạo sự tiếp cận cũng như sử dụng phổ biến di sản tư liệu quý hiếm của dòng họ. Ngoài việc được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tu bổ và đóng lại, số hóa, tới đây, dòng họ sẽ tổ chức in lại, hiệu đính một số lỗi và tìm phương pháp quảng bá rộng rãi trong đời sống. 

Ông Nguyễn Huy Mỹ cũng chia sẻ thêm: "Trong chuyến đi bảo vệ hồ sơ vừa rồi, tôi cũng đã học được cách bảo vệ, quảng bá di sản của nước bạn. Trên cơ sở sự chung tay của con cháu dòng họ ở khắp mọi miền đất nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ nỗ lực sưu tầm, bảo tồn và quảng bá thêm những di sản quý hiếm khác của dòng họ Nguyễn Huy".

Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang, việc đón nhận bằng công nhận của UNESCO cho Hoàng hoa sứ trình đồ về làng Trường Lưu đã giúp thế hệ trẻ trên quê hương dòng họ Nguyễn Huy hiểu hơn, tự hào hơn về những cống hiến của ông cha mình, đồng thời ý thức cao hơn về trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hoá. 

Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản cho thế hệ trẻ trên quê hương Can Lộc. Huyện cũng đã đề xuất với tỉnh điều chỉnh quy hoạch, xây dựng làng văn hóa Trường Lưu để việc bảo tồn và phát huy di sản được tốt hơn. Theo đó, kế hoạch của huyện là xây dựng tour du lịch kết hợp giữa các điểm du lịch trọng điểm của huyện như Khu di tích Chùa Hương, làng văn hóa Trường Lưu, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc… nhằm quảng bá hình ảnh, bản sắc, truyền thống của người Can Lộc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước".

Anh Hoài
.
.