Hoàng hôn của một thương hiệu

Thứ Bảy, 26/11/2011, 08:45
Đứng đầu thế giới về điện thoại di động, công ty Nokia của Phần Lan đang chao đảo trên tượng đài bởi thành công của iPhone và sự cạnh tranh của châu Á. Công ty phải đánh liều tung ra những kiểu điện thoại liên kết với Microsoft, cộng với kế hoạch sa thải 4.000 nhân viên và thuyên chuyển 3.000 nhân viên khác trên toàn thế giới để cứu vãn thương hiệu.

Ba người thợ rèn mình trần tay vung búa như đang sững lại trong đà tiến: các pho tượng của nhà điêu khắc Felix Nylund được đặt ở ngã tư đông đúc nhất thủ đô Helsinki dường như đang chứng kiến một vũ khúc lạ lùng. Dưới chân tượng, trên đường Aleksanterinkatu, những người hiếu kỳ chen chúc nhau trước cửa hàng Apple trong khi chỉ cách đấy vài mét, cửa hiệu Nokia chỉ lèo tèo vài người khách.

Cả một biểu tượng quốc gia đã bị thách thức ngay trên sân nhà bởi iPhone của Mỹ. Trong gần 10 năm, từ 1990 đến 1998, Công ty Nokia Phần Lan vươn lên hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện thoại di động và là niềm tự hào cho cả dân tộc. Tuy nhiên, rất ít người biết đến lịch sử lâu dài của công ty đó. Nokia ra đời năm 1865 trong ngành bột giấy. Tên của hãng chính là tên của xưởng máy đầu tiên bên dòng sông Nokianvirta.

Bị chèn ép bởi Apple và Samsung về loại điện thoại cao cấp và bởi 2 hãng ZTE và Huawei của Trung Quốc về các thiết bị đầu cuối giá rẻ, thị phần của Nokia bị giảm sút gần 20% trong 4 năm qua. Nhưng bất chấp sự xuống dốc đó, Nokia vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực điện thoại di động và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia nhiều nhất.

Trong năm 2010, công ty đã bán ra 450 triệu máy. Chỉ trong thời gian bạn đọc bài báo này đã có hơn 5.000 chiếc điện thoại Nokia được bán ra trên thế giới. Nhưng phần lớn trong số đó chỉ là những sản phẩm rẻ tiền, được bán tại các nước nghèo với giá bình quân 51 euro so với 65 euro cách đây 1 năm. "Đấy không phải là một sự tụt dốc mà đúng hơn là một cách thay đổi chiến lược" - Bộ trưởng Kinh tế vụ Phần Lan nhận định.

Nokia giới thiệu 2 loại điện thoại mới dùng phần mềm Windows.

Tuy nhiên, theo lời thừa nhận của tân Chủ tịch, Tổng giám đốc Stephen Elop, công ty đang đứng trên một giàn khoan bốc cháy và không còn sự chọn lựa nào khác để sinh tồn hơn là phải nhảy xuống nước. Cú nhảy vào nơi bất định đó có tên là Microsoft. Công ty đã chơi bài liều vào ngày 26/10 tại London với sự quảng cáo cho các sản phẩm mới được trang bị  Windows Phone… một phần mềm cho đến nay chưa hề có sự đột phá.

Hai kiểu máy, trong đó có kiểu 800, sẽ được bán ra tại 6 quốc gia châu Âu với sự trợ lực bằng quảng cáo rầm rộ trước khi so tài với Apple tại Mỹ vào đầu năm 2012. Các sản phẩm đó đã được sản xuất tại xưởng máy Salo nằm ở phía tây bắc Helsinki, một địa điểm cực kỳ an toàn, một trong các thành lũy của ngành nghiên cứu Phần Lan. Đấy là nơi tạo ra mọi nguyên mẫu, nơi vẽ ra tương lai của Nokia.

Để ngăn chặn sự tụt dốc và tích tụ lỗ (436 triệu euro trong 6 tháng vừa qua), Chủ tịch Stephen Elop cho rằng, cần phải có những biện pháp khắc khổ cho dù một số trong 20.000 nhân viên trong nước không còn tin vào huyền thoại của Elop nữa.

Trong vòng một phần tư thế kỷ, người ta đã chứng kiến sự chuyển biến của một công ty chuyên sản xuất màn hình TV trong thập niên 80 bước lên đứng đầu thế giới về điện thoại di động vào cuối thập niên 90. Vào thời đó sản phẩm của Nokia luôn được mọi người ưa chuộng. Chất lượng thu sóng, tuổi thọ của pin và độ bền của máy được mọi người nhất trí khen ngợi. Nokia quyến rũ cả Hollywood. Trong phần đầu của bộ phim “24 giờ”, diễn viên Jack Bauer sử dụng máy Nokia 7110 giống như Neo trong phim Matrix. Thế thì vì sao công ty lại nhanh chóng lụi tàn thế?

Hiện nay Nokia phải trả giá cho những xác quyết của hãng. Bị mờ mắt vì thành công nên hãng đã bỏ qua nhiều bước ngoặt kỹ thuật. Khi các kiểu máy có chức năng rung đầu tiên ra đời, hãng phải mất 6 tháng mới phản ứng. Một cựu viên chức nhớ lại : "Theo họ, chức năng đó chẳng có ích gì cả". Đến khi các màn hình màu xuất hiện, Nokia chờ 1 năm rưỡi mới noi theo. Và khi Motorola tung ra kiểu nắp bật, Nokia quyết định không bắt chước để khỏi phải giải quyết vấn đề bản lề.

Nhưng bất chấp các sai lầm đó, không có sai lầm nào gây thiệt hại nghiêm trọng cả cho đến khi xuất hiện một đối thủ cạnh tranh mới vào năm 2007. Nokia đã không thấy hoặc không muốn thấy cơn sóng thần Apple đang đổ đến và vẫn tiếp tục sản xuất các điện thoại giống như nhau. Và có lý do: công ty đã tung ra những kiểu điện thoại sử dụng bút từ nhưng không được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế sự xuất hiện của iPhone không làm cho mọi người lo sợ tuy kỹ thuật có khác.

Hơn nữa, hãng tin tưởng đã được bảo vệ bởi các sản phẩm đa dạng với nhiều kiểu điện thoại dành cho các tiện ích và dịch vụ của hãng - N-Gage để chơi game, XpressMusic để nghe nhạc hay Navigator để định vị trên bản đồ. Apple chỉ có một kiểu rất đắt và dựa vào một cửa hiệu trên mạng để người dùng có thể tải mọi ứng dụng. Một cựu nhân viên của Nokia cho biết: "Công ty không muốn làm phiền người dùng bằng cách buộc họ phải thay đổi thói quen, còn Apple chẳng có gì để mất khi đưa ra một sản phẩm mới với cách sử dụng mới".

Chưa kể đến với 137.000 nhân viên trên toàn thế giới, Nokia là một con tàu khổng lồ rất khó điều khiển. Để lại vươn lên, sự liên kết với một chàng khổng lồ khác là Microsoft khiến người ta ngờ vực. Sự kết hợp của 2 công ty có thể thành công hoặc sẽ dẫn đến thảm họa. Tuy nhiên, Nokia có thể trông cậy vào một sự trợ giúp bất ngờ, đó là các công ty viễn thông. Từ lâu họ đã than phiền về uy quyền của Nokia nhưng giờ đây họ lại muốn hỗ trợ tên tuổi này để cân bằng sự ngự trị của iPhone và các dòng điện thoại sử dụng phần mềm Android. "Chúng tôi cần một diễn viên thứ 3, do vậy chúng tôi sẽ hỗ trợ Nokia cho dù điều đó sẽ mất thời gian" - họ cho biết.

Liệu Nokia có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này không hay sẽ dứt khoát chọn một lối rẽ khác? Trong gần 150 năm hiện diện công ty đã biết chuyển từ bột giấy sang cáp điện, đến máy vi tính rồi truyền hình và cuối cùng là viễn thông. Có thể công ty sẽ tìm được nguồn cảm hứng để tái phát minh một lần nữa

Minh Luân (Theo L'Express)
.
.