Hoang phế

Chủ Nhật, 10/06/2012, 22:50

Đắn đo mãi, cuối cùng, tôi chọn cái tít cho bài viết này như thế, để nói về một địa danh ngay giữa đô thành hoa lệ mà đã trở thành hoang phế từ mấy năm nay. Phải đắn đo bởi, nếu không chính xác thì sẽ rất phiền hà. Có mà tìm đường "cưỡi trâu về núi". Về sườn đông Ba Vì làm tiều phu đốn củi.

Đó là một địa danh nổi tiếng thuộc quận Đống Đa. Điểm duy nhất của quận được thành phố  chọn làm nơi bắn pháo hoa trong dịp tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.

Nơi hoang phế ấy chính là bán đảo hồ Hoàng Cầu. Một hồ nước rộng mênh mông dễ đến gần chục hécta. Phần bán đảo chiếm chừng 1/10 diện tích mặt nước. Thành phố vừa bỏ ra hàng chục tỉ đồng để cải tạo hồ.

Chừng dăm năm trước, bán đảo đẹp lắm, sầm uất lắm. Nơi vui chơi, giải trí của hàng vạn người dân, đủ thành phần: nam - phụ - lão - ấu, thuộc 3 phường: Ô Chợ Dừa, Quang Trung và Thịnh Liệt. Ở đó, có nhà học khiêu vũ (có tên là quán đảo) với sức chứa cả trăm người. Nơi đó còn phục vụ cả những hoạt động như: hội thảo văn học, hội lớp; gặp mặt đồng hương, đồng ngũ; tổ chức sinh nhật, giao lưu văn nghệ…

Bên ngoài khuôn viên quán đảo là hàng loạt khu vui chơi giải trí, thể dục, thể thao. Có tới 3 khu vực dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng gồm: Một bể bơi, 2 sân tàu điện và xe quay. Tàu điện với nhiều toa nhỏ chạy trên đường ray nhỏ chở các hành khách tí  hon chạy vòng vèo uốn lượn trên sân. Một môn vui chơi mà trẻ nhỏ vô cùng yêu thích. Người lớn thì đã có 4 sân cầu lông, 2 sân tập thể dục nhịp điệu và nhảy aerobic, rồi tới khu vực chơi cờ tướng, khu trang trí cây cảnh… Quán đảo phục vụ giải khát rất chu đáo, giá cả phải chăng. Có thể nói, đó là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, thể thao vang bóng một thời.

Cách đây chừng 5 năm, tôi may mắn được nhà thơ Đặng Vương Hưng mời tới dự buổi sinh hoạt văn hóa do anh chủ trì để giới thiệu một số sách mới xuất bản và giới thiệu trang web thơ lục bát của anh. Nhờ buổi đó tôi mới có dịp hội ngộ một số bạn văn chương mà nhiều năm xa cách.

Mãi tới đầu năm 2011, tôi mới có dịp trở lại quán đảo. Ôi! Một sự biến đổi đến lạ lùng. Không thể tin vào mắt mình bởi nghịch cảnh hồ Hoàng Cầu đã được cải tạo thật hoành tráng, trong khi bán đảo lại hoang phế đến thảm hại. Chỉ duy nhất cái bể bơi nhi đồng là còn hoạt động và một cái sân cầu lông tạm bợ vì nó nằm ở chính giữa lối đi vào quán đảo. Một sân chơi với gần 20 người chờ đợi. Cái sân xe điện bây giờ thành nơi sửa chữa đồ sắt, mùi sơn nồng nặc cả vùng bán đảo. Cái sân khiêu vũ bây giờ thành nơi cho thuê để người ta trồng cây cảnh. Họ tưới tắm gì mà cái mùi nồng nặc đến buồn nôn. Mấy bà mấy chị nhiều hôm phải chạy như ma đuổi.

Biết tôi là nhà văn, nhà báo, mấy ông bạn vong niên trong đội cầu lông than phiền: "Cả vùng còn mỗi chỗ này cho chúng tôi khuây khỏa mỗi sớm, mỗi chiều mà người ta "tra tấn" như vậy…". Người khác xen vô: "Tá túc được ngày nào hay ngày đó. Mai kia họ xây khách sạn hoặc nhà cho thuê đám cưới lên rồi là hết kêu" - "Có chuyện đó không? Sao trong khu vực công viên hồ mà lại xây dựng như vậy?" - "Thì từ năm ngoái họ đã về đo đạc rồi. Nếu không sao lại để hoang phế thế này".

Chả hiểu thực hư ra sao. Chỉ biết sự hoang phế là thực như vậy.

Còn nhớ chuyện ở công viên Thống Nhất cách đây nhiều năm. Người ta "xẻ thịt" công viên cho một công ty nước ngoài thuê để xây khách sạn. Khi xây móng đã lên khỏi mặt đất, dư luận quần chúng và báo chí phản ứng rầm rầm, công trình mới dừng lại và rời đi nơi khác. Công trình chuyển đi nhưng cái móng của khách sạn thì nằm lại. Cố nhiên phía Việt Nam phải đền cho họ cái móng tới cả chục tỉ đồng. Thật xót xa!

Sự việc tồn tại nhiều năm nay ở bán đảo hồ Hoàng Cầu, một địa chỉ rất cần được lãnh đạo các cấp ở Thủ đô quan tâm để thể hiện tấm lòng và trách nhiệm đối với nguyện vọng chính đáng của tuyệt đại đa số quần chúng.

Đôi dòng tâm huyết của một nhà văn, nhà báo thể hiện tinh thần nói thẳng, nói thật . Xin được quý vị xem xét

Thái Dương
.
.