Học sinh cần được dạy đầy đủ về kỹ năng sống và ý thức đạo đức

Thứ Hai, 17/03/2008, 08:30
Gần đây, ngành giáo dục TP HCM đã kiến nghị Bộ GD và ĐT tổ chức biên soạn lại sách đạo đức cho các cấp học từ tiểu học đến THPT. Phóng viên ANTG đã gặp và được Giám đốc Sở GD và ĐT TP HCM trao đổi về kiến nghị trên và vấn đề học sinh chưa được dạy kỹ năng sống.

- Được biết ngành giáo dục và đào tạo vừa biên soạn lại sách Đạo đức và Giáo dục công dân bộ  mới trong nhà trường và bố trí giáo viên chuyên trách bộ môn này. Việc kiến nghị biên soạn lại bộ mới, xuất phát từ những thực tế nào, thưa ông?

+ Nói chung, bộ sách mới có nhiều tiến bộ so với các bộ cũ trước đây nhưng nó chuyển tải một khối lượng kiến thức quá nặng, trong khi đó lại chưa toát lên được những giá trị đạo đức cơ bản hiện nay cho học sinh.

Tôi lấy ví dụ, nếu như hồi xưa, giá trị đạo đức là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín thì giá trị đạo đức hiện nay là gì? Bên cạnh tình thương, lòng nhân ái, nghĩa vụ, trách nhiệm, còn có những giá trị nào khác nữa để dạy học sinh nói riêng và "dạy" mọi người nói chung sống tốt hơn và làm cho xã hội văn minh hơn?

Những giá trị đạo đức truyền thống nào nên gìn giữ như bảo vật cần phải hệ thống lại, phải xoáy sâu vào hơn là liệt kê ra nhiều thứ nặng nề mà lại không tạo được ấn tượng. Bên cạnh đó, cuốn sách làm sao phải tạo được hứng khởi cho học sinh, đưa các em vào tranh luận, phân tích những gì gần gũi với cuộc sống của các em.

- Nhìn chung, một môn học rất cần thiết nhưng từ trước tới nay, nói đến môn Đạo đức hay Giáo dục công dân, tâm lý học sinh đa số là học... cho có. Làm sao để học sinh hứng khởi học tập, thưa ông?

+ Tôi nghĩ rằng, ngay trong cuốn sách mới, không chỉ hướng cho học sinh học cái gì mà phải hướng cho giáo viên dạy cái gì nữa, và dạy như thế nào. Đừng để các em coi môn học như một gánh nặng. Học đạo đức mà các em xem là gánh nặng thì quả là kém hiệu quả.

Và cũng không hẳn là do thói quen để mà đặt vấn đề dễ thay đổi hay khó thay đổi thói quen học tập, cái chính vẫn là sách viết cái gì, có hợp với các em không, có hợp với thực tế không và giáo viên có dẫn dắt được các em vào buổi học một cách hứng khởi không?

Sách dạy “làm người”, phải là một quá trình liên tục có hệ thống, đi từ tiểu học, THCS, THPT, theo chiều diễn tiến khoa học về nội dung chứ không phải chỉ là những con chữ lạnh lùng.

- Ông có thể nói cụ thể hơn, điều cần thiết cho các em mà bộ sách mới còn thiếu?

+ Đó chính là kỹ năng sống. Sách nặng nề về kiến thức “hàn lâm”, trong khi những điều cần thiết cho các em về ứng xử trong cuộc sống lại chưa có. Ví dụ, đối với các tầng lớp xã hội, các em phải giao tiếp như thế nào, chưa có bài nào dạy về kỹ năng giao tiếp cả. Rồi kỹ năng xử lý những hoàn cảnh cụ thể hay gặp ở các gia đình... Hay những kỹ năng tưởng đơn giản như cách ăn mặc cũng cần phải đề cập.

Nhìn chung, kỹ năng sống là điều cần thiết phải dạy, để chỉ rõ những giá trị đạo đức cho các  em và giúp các em hiểu biết về sự công bằng trong cuộc sống.

- Dạy đạo đức để học sinh tiếp thu là điều cần thiết nhưng cần thiết hơn là các em vận dụng những điều học được vào cuộc sống, trước hết là lễ phép với cha mẹ, thầy cô... Ông đánh giá thế nào về đạo đức học đường hiện nay?

+ Chỉ trong phạm vi nhà trường, tôi thấy rằng học sinh cơ bản là ngoan, dù các em chưa thật gắn lý thuyết trong sách đạo đức với thực hành.

Còn những vấn đề khác, ví dụ như chửi bậy, chửi thề, đánh nhau có phần gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn, là vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề trường học. Những hiện tượng trên diễn ra do nhiều nguyên nhân, trước hết là do giáo dục ở gia đình.

Có những gia đình bố mẹ ít học, nhưng thừa hưởng những giá trị đạo đức truyền thống, biết yêu thương và chăm lo con cái, thì con họ ít hư hỏng. Nhưng cũng có những gia đình bố mẹ học hàm học vị cao, sống không hòa thuận, ích kỷ, không chú ý giáo dục con cái, thì các em hư hỏng cũng đâu có gì khó hiểu.

Ở trường, thầy cô luôn dạy học trò không được đánh nhau, nói tục, chửi bậy? Nhưng hiện tại, hiện tượng đó đang gia tăng, các gia đình nên xem lại cách giáo dục đạo đức của mình với con em họ. Tôi nghĩ rằng, nếu bậc phụ huynh nào học cao, hiểu rộng mà sống không làm gương cho con cái, thì con cái cũng hư hỏng.

- Là một người thầy, theo ông, những giá trị đạo đức nào hiện nay quan trọng với học sinh?

+ Tôi thích nhất ba giá trị. Thứ nhất, là lòng nhân ái, phải dạy cho những đứa trẻ ngay từ nhỏ biết yêu thương, biết sống vì người khác và đừng làm gì ác với đồng loại. Thứ hai, là giúp các em nhận thức được trách nhiệm: với chính mình, với người thân, với công việc và với cộng đồng. Thứ ba, là sự công bằng, môn Đạo đức còn phải dạy cho các em giải quyết những tình huống phức tạp và cái giá phải trả sau những hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ. Nhưng để làm được điều đó, phải giúp các em hiểu biết pháp luật.

- Vậy còn những giá trị đạo đức truyền thống, ngành giáo dục thành phố có kiến nghị giữ lại những gì trong môn học đạo đức?

+ Chúng tôi cũng bàn nhiều. Một thực tế đau lòng hiện nay là cuộc sống mở, có người ấu trĩ quay lại phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, cho rằng là xưa, là cũ, là lỗi thời. Nhưng theo tôi những giá trị về đạo đức Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín không bao giờ cũ bởi nó là nền tảng, tinh thần là văn hóa, cần được gìn giữ trong cuộc sống. Rất nhiều người có văn hóa, sống ở các nước văn minh rất ngưỡng mộ những giá trị đạo đức truyền thống của Việt Nam, nên việc hướng học sinh mình cùng gìn giữ, là trách nhiệm cần thiết của những người làm giáo dục.

Tôi nhớ câu chuyện về Bác Hồ, khi có người hỏi Bác những “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín” có cũ hay không? Bác trả lời rằng, mình ăn cơm thì có cũ không? Vấn đề ở chỗ là mình áp dụng trong cuộc sống này như thế nào để vừa giữ, vừa tôn thêm giá trị của những giá trị ấy.

Thực ra, những giá trị đó thiêng liêng và rất xác thực với đời sống hiện nay. Trong xã hội thông tin này, việc đi chào về hỏi là cần thiết, vì gia đình và tập thể sẽ biết anh đi đâu, làm gì. Bởi nó thể hiện cái nghĩa tình với nhau, trân trọng lẫn nhau góp phần làm cho cuộc sống không tẻ nhạt.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật Linh (thực hiện)
.
.