Hồi nhớ tháng Mười

Thứ Ba, 05/11/2019, 10:13
Nước Nga đến với tôi thật sớm và thân thương. Năm tôi mới mươi tuổi. Nước Nga - nói cho thật đúng, Liên Xô (1917-1991) - đến với tôi không tình cờ mà như một định mệnh. Định mệnh của một cậu bé nông thôn ở một ngôi làng bình thường với chùa cổ, tre xanh, cò trắng trên đồng, như hàng trăm làng khác.

Khi tôi 6 tuổi, cha tôi, một cán bộ xã, qua đời. Trước lúc đi xa, cha gieo vào lòng tôi niềm say mê đọc sách. Mẹ thì truyền cho tôi tính thích hát. Trước đó, đêm nào cũng vậy, sau một ngày làm lụng vất vả, bè bạn của cha lại tụ tập ở nhà tôi. Các cụ nhâm nhi những chén trà nóng và đọc thơ, bình văn sôi nổi. Phạm Công Cúc Hoa, Hoàng Trừu, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều... các cụ say sưa giao hòa với nhau trong ánh đèn dầu bập bùng và khói trà chờn vờn uốn lượn.

Tôi ngồi hóng chuyện và ngủ đi lúc nào chẳng hay. Ấn tượng đó theo đuổi tôi suốt đời. Cha mất, anh tôi thinh thoảng kể chuyện hay đọc sách cho tôi nghe, nhất là những đêm đông, hai anh em cùng nằm trong ổ rơm ấm rực...

Nicolai Rutsov.

Rồi anh phải đi học, đi công tác xa nhà. Tôi ngày cuốc bộ vài cây số đến trường, Học một buổi, buổi không đến lớp thì ra đồng làm cỏ, tát nước hoặc cắt rạ cho mẹ. Đôi khi mẹ hay người thân của cha mẹ cho ít tiền, tôi thường dành mua sách cả. Đầu tiên là bộ “Lịch sử văn học Nga - Xôviết”, 2 tập, của giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Tiếp đến là “Sông Đông êm đềm”, 8 tập, của Mikhail Cholokhov (1905-1984), Nguyễn Thụy Ứng dịch.

Đến với tôi, sau Truyện ngắn Pu-sơ-kin và Đu-brốp-xki và “Người con gái viên đại úy” của cùng tác giả Aleksandr Pushkin (1799-1837), là “Một anh hùng thời đại” của Mikhail Lermontov (1814-1841). Phép màu số phận, đất nước xa xôi kia gửi tiếp cho tôi những món quà quý báu, “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky (1904-1936), Truyện ngắn và kịch “Chim hải âu”, “Cậu Va-ni-a”, “Vườn anh đào” của Anton Tchékhov (1860-1904)..., đặc biệt là “Chiến tranh và hòa bình”, “An-na Ka-tê-ra-ni-na”, “Phục sinh” của Lev Tolstoy kỳ vĩ (1828-1910)... Chưa kể “Ta-rát Bun-ba” của Nicolas Gogol (1809-1852), “Cha và con” của Ivan Tourguéniev (1818-1883) hoặc “Bông hồng vàng” của Konstantin Paoustovski (1892-1968)...

Đã hẳn, tôi đọc nhiều sách của Việt Nam và nhiều nước khác nữa. Nhưng bấy giờ sách Liên Xô nhiều nhất và hấp dẫn tôi hơn cả. Cũng vậy, âm nhạc, múa và  phim ảnh Liên Xô luôn là số một. “Bài ca thanh niên sôi nổi”, “Ka-chiu-sa”, “Cây bạch dương”, “Chiều Mạc Tư Khoa”... được hát khắp nơi và tôi cũng thuộc, cũng hát cùng các anh chị hay bạn bè. Chúng tha thiết và hút hồn chẳng kém gì những khúc dân ca quan họ hay những điệu chèo cổ.

Tôi thật sự hạnh phúc mỗi lần ra sân bãi xem phim Liên Xô. Bãi trống, sân đình, sân trường... thời ấy thân thương lắm. Năm bữa nửa tháng, chúng lại sáng đèn, chủ yếu là đèn điện, thi thoảng đèn măng-sông lớn, bà con xóm làng, cả các làng lân cận, lũ lượt kéo đến, thưởng thức tuồng, chèo. Và nhất là phim, mới lạ, cuốn hút, không cưỡng được. “Bài ca người lính”, “Người thứ bốn mốt”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Tiểu thư Mê-ri”, “Con đường đau khổ”, “Phục sinh”, “Số phận con người”, “Đất vỡ hoang”..., tôi cứ mê đi khi xem những bộ phim ấy.

Tượng Alexandre Pouchkine.

Tôi vẫn chỉ loanh quanh ăn học ở làng, ở huyện, ở tỉnh quê nhưng như được mời đi du lịch khắp nơi trên đất nước Xôviết mà tôi càng ngày càng thấy tươi đẹp, thân thương, gần gũi như trường mình, đồng ruộng và làng xóm mình. Những tác phẩm văn nghệ đó mở ra cho đứa nhỏ thôn quê nghèo một thế giới quen thuộc mà mới mẻ, thức tỉnh nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Những cảm xúc và suy nghĩ đó là những hạt giống tâm hồn, được nuôi dưỡng từ thực tế xa xôi kia. Những hạt giống đó sẽ nảy sinh và phát triển thành những phẩm chất không thể thiếu trong tâm hồn. Đến lượt chúng, những phẩm chất này được thực tế quê nhà vun xới liên tục...

Những phẩm chất ấy giúp tôi dần dần hiểu thấu xã hội và cuộc đời. Hóa ra, ở đâu cũng vậy, đa phần người thường đều tốt bụng, chịu thương chịu khó. Họ làm nên tất cả, mang lại tất cả. Văn hóa chính là họ. Văn nghệ khởi nguồn từ họ và quay lại ca ngợi họ, đấu tranh đòi cho họ quyền được sống và được tôn trọng, đúng như tấm lòng và công lao của họ.

Có những bộ phim khiến bao người rơi lệ. Chẳng hạn như “Khi đàn sếu bay qua”, 1957. Bộ phim giành Cành cọ vàng năm 1958 tại Liên hoan phim Cannes. Đây là Cành cọ vàng gần như duy nhất của điện ảnh Liên Xô cũ. Nó là một trong 3 phim Cành cọ vàng được xem nhiều nhất. Riêng ở Pháp là gần 6 triệu lượt khán giả.

Những năm xa xôi ấy, tôi đã thích nhiều vài hát Nga - Liên Xô. Có những câu ca cứ trở đi trở lại mãi trong lòng. Một phần có lẽ vì người hát là một cựu chiến binh chống Pháp. Anh vừa đàn ghi-ta, vừa hát thật ấm tình: “Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn/ Đã dấn bước cùng nhau bao dặm đường xa/ Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình/ Xin bạn đừng ngại ngần về xóm thôn tôi/ Miền đồng quê phì nhiêu, nông trường lời hát hòa êm đềm/ Có nhiều cô đẹp như khúc ca ban chiều”.

Dạo ấy, tôi thường đọc lại, từng đoạn, từng chương, từng phần, bộ “Văn học Nga Xôviết” của Hoàng Xuân Nhị. Bộ sách là cẩm nang cho tôi khám phá nền văn học hàng đầu của nhân loại. Nền văn học mà đạo đức và đạo lý hừng hực như lò than khổng lồ, thiêu đốt và sưởi ấm, truyền sức mạnh Phù Đổng. Tôi đặc biệt xúc động trước cuộc đời bi thảm và tác phẩm cao sang hiếm thấy của Alexandre Pouchkine.

Tôi vẫn nhớ (nhưng quên tên tác giả): “Hỏi ai là nhà văn Nga lớn nhất, người ta sẽ phân vân giữa Tôn-stôi và Đốt-stôi-i-ép-ski. Nhưng hỏi ai là biểu tượng của tâm hồn Nga, mọi người nhất trí tức thì: Pu-sơ-kin”. Một thời gian dài, tôi cho ông là thi sĩ hay nhất của nhân loại. Chưa ai bày tỏ tự nhiên đến thế, như tâm sự thông thường, đúng luật tâm hồn và đúng luật nghệ thuật, chấn động tuyệt đỉnh, những tâm trạng điển hình và không có tuổi.

Đến nay, tôi vẫn nhớ của ông, từ sách của Hoàng Xuân Nhị, ví như áng thơ sau: “Cuộc vui đã tắt của những năm điên cuồng/ Như một dư âm khó chịu đè nặng tôi/ Vì như rượu hồ đào, nỗi buồn quá khứ/ Càng lâu năm càng trỗi sức sống/ Đường tôi đi ảm đạm, biển toan nổi sóng/ Báo cho tôi những sầu và khổ/ Nhưng hỡi các bạn, tôi chẳng muốn chết đâu/ Tôi muốn sống để suy nghĩ để thương đau/ Vì tôi biết thế nào cũng có khoái lạc/ Giữa đau buồn, lo âu cảnh sống rộn ràng/ Rồi tôi lại đắm say giai điệu/ Lại rơi lệ trong cơn tùy hứng/ Và có thể vào buổi suy tàn/ Tình yêu sẽ sáng rực nụ cười vĩnh biệt”.

Maxime Gorki (1868-1936) là đại biểu của các văn nghệ sĩ xuất thân dân thường nghèo khổ. Tôi sửng sốt trước một chi tiết trong “Những trường đại học của tôi” của ông: đang đọc một truyện ngắn của văn hào Pháp Gustave Flaubert (1821-1880), ông soi trang sách lên, để xem trong ấy có phép màu nào khiến ông xúc động run lên đến vậy.

Mikhail Sholokhov.

“Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky, tiêu biểu cho các tầng lớp thanh niên trưởng thành sau Cách mạng Tháng Mười, là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người Việt. Đã và đang đi vào sổ tay của nhiều, rất nhiều bạn trẻ câu châm ngôn đẹp bậc nhất này: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức lực của ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp tốt đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng nhân loại”.

Vươn tới tâm niệm sống như thế là đã tìm thấy bí quyết của hạnh phúc, như Lev Tolstoy mong mỏi: Sự thanh thản của tâm hồn. Với các văn nghệ sĩ, thanh thản đó được thể hiện chí lý qua câu nói bât hủ của Mikhail Sholokhov, biểu tượng mới của văn nghệ sĩ nhân dân lao động: “Người ta cứ bảo tôi viết theo chỉ thị của Đảng. Sự thật, tôi chỉ viết theo chỉ thị của trái tim mình. Có điều, trái tim tôi thuộc về Đảng thân yêu mà tôi nguyện suốt đời phụng sự”.

Ngừng học vì chiến tranh, ông tham gia nội chiến, khi mới 15 tuổi. Sau chiến tranh, ở tuổi 17, ông lên thủ đô Moscow, lăn lộn với nhiều nghề, phu khuân vác bến tàu xe, thợ xây dựng, kế toán. Vừa kiếm sống vừa viết văn.

Năm 19 tuổi, ông về làng quê, lấy vợ và hiến mình cho văn học. Năm 20 tuổi, xuất bản tác phẩm đầu tay. Năm 23 tuổi, công bố tập I bộ “Sông Đông êm đềm”. Ngay sau đó là tập II. “Một con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông”, ấy là lời đánh giá kiêu hãnh, thốt lên giữa cơn bão dư luận trái chiều, của văn hào Alexis Tolstoy (1883-1945), tác giả bộ tiểu thuyết lớn “Con đường đau khổ”.

Xin mở một ngoặc đơn thú vị, việc trình làng của bộ tiểu tuyết 3 tập này còn bền bỉ hơn “Sông Đông êm đềm”, từ 1922 tới 1941. Tôi cũng bị nó và bộ phim cùng tên hút hồn. Trong tôi thường vang lên những câu những đoạn của nó, đại để: “Năm tháng sẽ qua đi. Các cuộc chiến tranh sẽ kết thúc. Các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét. Những còn lại mãi với anh mối tình dịu dàng và tha thiết của em”...

Cơn bão khiến cho sự xuất hiện của tập III “Sông Đông êm đềm” gặp trục trặc. Mãi năm 1933, nhờ can thiệp trực tiếp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, nó mới được ra mắt. 7 năm sau là tập cuối cùng. Tới nay, riêng ở Nga, bộ sách tiêu thụ được trên 5 triệu bản. Nó được dịch ra 50 ngôn ngữ. 2 lần được dựng thành phim. Nó góp phần đắc lực để Sholokhov được trao Nobel Văn học 1965, một cách chững chạc, đúng với ý tưởng của Alfred Nobel, người sáng lập giải. Tôi hồi hộp đọc nó trong khoảng 2 năm, theo sự ra đời của từng tập bản dịch. Đến nay, nhiều đoạn nhiều câu trong đó vẫn ám ảnh tôi, như những câu thơ xuất thần.

Nhà văn Lev Tolstoy và Maxime Gorki.

Từ năm 1929, bộ tiểu thuyết bị nghi vấn về bản quyền. Không ít người, trong đó có các nhà phê bình, như Roy Medvedev, hay các nhà văn như Alexandre Soljenitsyne (1918-2008), Nobel Văn học 1970, không sao tin nổi rằng một chàng trai nông thôn ít học, quá trẻ, chưa mấy trải đời, có thể xây dựng được một kiệt tác đầy chất thơ và thâm trầm tới vậy. Họ cho rằng đó là tác phẩm của Fiodor Krioulov, nhà văn Cô-dắc chết vì bệnh thương hàn năm 1920.

Mối nghi hoặc bất công đó tới năm 1991 mới được giải tỏa. Năm ấy, nhà báo Lev Kozloduy tìm được bản thảo viết tay cùng nhiều tài liệu làm việc liên quan. Các thẩm định khoa học chứng minh rằng đó là của Sholokhov. Bản thảo và các văn bản ấy hóa ra ở nhà Vassili Kovachev, bạn của Sholokhov, mất tích năm 1941, ở mặt trận phía Tây...

Uy tín và sự ngưỡng mộ Sholokhov cả trong lẫn ngoài nước tăng lên gấp bội. Cảm nhận lịch sử và đời sống của ông tỏ ra sâu sắc và chính xác đến bất ngờ. Qua ông, chúng ta càng thấy rõ: “Nền văn hóa nào cũng nằm trong trái tim và khối óc của Nhân Dân” (Gandi). “Sông Đông êm đềm” được sánh với “Chiến tranh và hòa bình”. Không có cuộc nội chiến - hồng quân và bạch quân, cách mạng và phản cách mạng - thì chắc chắn không có bộ tiểu thuyết gây kinh ngạc đến vậy.

Lần đầu tiên, Nhân Dân được xưng tụng chuẩn xác, với bản chất thuần khiết, lương thiện, bao dung, bất chấp không ít tì vết. Bi kịch của Grigori, nhân vật “công chúng” kỳ vĩ, cho thấy thân phận Nhân Dân vẫn là cốt lõi của tiến trình lịch sử. Thực tế gần một thế kỷ qua minh chứng sự thật này.

Một trong những nét hấp dẫn của “Sông Đông êm đềm” là việc miêu tả thiên nhiên mĩ lệ vô cùng chân thật. Trong đó, có mùa đông Nga, bạn đường của nhiều cây bút Nga lừng lẫy. “Xuyên những làn sương gợn sóng/ Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua/ Buồn rải ánh vàng lai láng/ Lên cánh đồng buồn giăng xa/ Không một mái lều ánh lửa/ Tuyết trắng và rừng bao la/ Chỉ những cột dài cây số/ Bên đường sừng sững chào ta...”. Kế tục xứng đáng “Con đường mùa đông” này của Pouchkine, “Sao đồng quê” của Nicolai Rubtsov (1936-1971) - “đồ đệ” số một của Sergei Esenin (1895-1925), “linh hồn của cánh đồng Nga” - là biểu tượng của tâm hồn Nhân Dân Nga, biểu tượng của mọi biểu tượng - khiến ta xao xuyến mãi trong kiêu hãnh và vững lòng.

Đàm Nhi Linh
.
.