Hồi ức của người phụ nữ nhiễm HIV

Thứ Hai, 26/03/2012, 11:25

Tên chị là Trương Thị Hồng Tâm, người ta quen miệng gọi chị là Tâm siđa. Chị cũng thừa nhận mình như vậy, đơn giản vì chị đang mang trong người căn bệnh của thế kỷ. Chị trở thành nhân viên tuyên truyền của Câu lạc bộ Phòng chống AIDS. Đồng thời, chị còn cưu mang những em nhỏ bất hạnh có cha mẹ đã qua đời vì căn bệnh này.

Ngày 15/3 vừa qua, chị đã giới thiệu cuốn sách kể lại cuộc đời mình, mang tên “Hồi ký Tâm siđa - Vượt lên cái chết”, do Công ty Văn hóa First News ấn hành.

Cuốn sách không quá dày, miêu tả trọn vẹn những biến cố lớn trong cuộc đời của chị. Văn chương chị không hay, đòi hỏi một người như chị viết văn hay là đòi hỏi quá tầm đáp ứng của chị, nhưng dưới những câu chữ vụng về là những chi tiết khiến người đọc ám ảnh.

Chị kể về sự bất hạnh của bốn chị em mình, trong đó chị là chị cả. Những đứa trẻ gần như là bị chối bỏ, bởi cha có niềm hạnh phúc mới của cha, mẹ có niềm hạnh phúc mới của mẹ.

Mười tuổi, chị đi ăn cắp cơm nguội của hàng xóm để nuôi em khỏi đói. Bị đánh, bị chửi, bị nhiếc mắng... chị câm lặng chấp nhận. Cậu em út vắng sữa mẹ từ khi ẵm ngửa, chị lớn còn non dại, cứ nằm khóc ngằn ngặt trên võng. Cái võng bết dính lại bởi chất thải của cậu em út rất buồn bã.

Vệ sinh kém lại thiếu đói, cậu út bị lở loét hết phần mông. Vết lở ăn sâu vào tận xương, người lúc nào cũng hâm hấp sốt. Để rồi, khi được cha đón về giao cho nội, cậu út đã chết trên tay chị, khi chị trốn ngủ trưa ẵm em chơi lò cò cùng bạn bè trong xóm.

Cha ham vui, quẳng chị em chị cho ông bà nội, mải mê chạy theo tình ái. Ông bà nội nghèo, nuôi chị em bữa đói bữa no, họ cấm tuyệt đối chị gặp lại mẹ ruột. Họ cho rằng, cậu em út của chị chết là do mẹ chị.

Chị trốn nhà lang thang khắp Sài Gòn tìm mẹ. Chị biết thế nào là trút sơ - ri (ăn cơm chực của thực khách ở các quán vỉa hè), biết ngủ lề đường trước khi gặp mẹ. Tìm được mẹ, mẹ đã có chồng. Chồng mẹ không chấp nhận con riêng của vợ, chị được mẹ gửi ở nhờ nhà người khác khắp nơi.

Chị bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành tinh thần... Một cô bé đang tuổi phát triển, mà tuổi thơ là những vết hằn đau đớn thì không còn hy vọng vào tương lai. Nên khi có được gia đình tốt bụng nhận về nuôi, cho ăn học đàng hoàng, nhưng, chị đã sống như trả thù đời. Chị biết vũ trường, biết quán bar, biết những gã giang hồ khét tiếng trước năm 1975 như Y “cà lết”, Sơn Đảo... Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, chị nghiện ma túy rất nặng. Nghiện nặng đến mức, bán thân để thỏa mãn cơn đói thuốc hành hạ.

Chị bị bắt đưa đi cải tạo ở các khu kinh tế mới, trại phục hồi nhân phẩm... Ở đâu, chị cũng lợi dụng sự tin tưởng của cán bộ để tổ chức trốn trại. Những đêm lạc rừng, những ngày ăn trộm bắp non để sống, những khuya xé tre gai rừng trốn sự truy tìm của các học viên khác được xếp làm tổ trật tự chuyên đi lùng bắt những học viên trốn trại như chị... trong lời kể của chị đầy u ám.

Không dừng lại ở đó, hồi ức của chị còn cho bạn đọc thấy những bi kịch của những tưởng đầu đường thương xó chợ, nào ngờ xó chợ cũng chơi nhau. Chị bị biến thành công cụ tình dục cho một nhóm người, hết lần này đến lần khác. Ngay cả khi may mắn có được chồng, thì gã mà chị gọi là chồng cũng đẩy chị đi bán bia ôm ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Đời chị đầy rẫy đêm đen, tuyệt không có một mảng sáng. Chị vướng vào căn bệnh thế kỷ, dư âm của những lần làm vợ thiên hạ để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Khi đã cùng đường, chị được các nhân viên trong Đội Tuyên truyền phòng chống AIDS giang tay giúp đỡ. Chị đã nghĩ lại và bắt đầu làm lại. Dẫu đã muộn.

Bác sĩ danh tiếng Đỗ Hồng Ngọc viết trong quyển hồi ký của chị rằng: "Tôi biết Tâm từ những lớp tập huấn về HIV/AIDS do Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe TP HCM tổ chức. Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực. Tôi đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Tâm trong Chương trình Phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong các hoạt động giáo dục đồng đẳng. Sau này tôi quý mến Tâm hơn khi biết em đang nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc cho các em bé nhiễm HIV.

Khi có những ưu tư, thất vọng, nản lòng, lại thấy Tâm… gõ cửa. Có khi Tâm hớt hải xin một cái giấy giới thiệu, một lá thư tay để kịp đưa một bé vào bệnh viện; có khi Tâm xin ít tiền để mua vé xe đò cho một bé gái vừa thoát khỏi ổ mại dâm… Những lúc như thế, bao giờ trong tôi cũng có cái cảm giác mến phục cô gái nhỏ bé mà rắn rỏi này.

Tôi mừng vì nay Tâm đã có được một tập hồi ký. Điều rất đáng quý, Tâm viết hồi ký như là một cơ hội để kiếm chút đỉnh tiền nuôi các "con" nheo nhóc của mình. Từ chuyện đời thực của mình - qua lời kể chân thành của Tâm - nhiều khi làm cho chúng ta phải lặng người, phải giật mình sửng sốt…

Như một nhắn gửi, một cảnh báo.

Đọc, thấy rưng rưng…

Tôi nghĩ như có cái gì đó - một cái "nghiệp" - đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tăm tối, nghiệt ngã.   Nhà xuất bản muốn tôi viết đôi dòng để giới thiệu tập hồi ký này, tôi thấy chỉ cần nói một câu: Cảm ơn em, Tâm siđa".

Tôi nghĩ rằng, đây là cuốn sách rất đáng đọc, như là cách để tránh những sai lầm mà Tâm siđa từng vướng phải. Hay ít ra, là để biết thêm thân phận đau đớn của một con người bạc phận

N.N.Hữu
.
.