Hollywood lo ngại về nạn đánh cắp bí mật trong sản xuất phim ảnh

Thứ Sáu, 23/09/2011, 15:50

Kết thúc có hậu của những bộ phim Hollywood là cỗ máy PR khổng lồ cố sức gìn giữ sự sống cho mỗi bộ phim. Từ việc giữ bí mật kịch bản phim, theo dõi chặt chẽ những cuộc phỏng vấn của báo chí đối với diễn viên ngôi sao hay giám sát tiến trình dựng phim luôn trong một "tổ hợp kín".

Hàng triệu USD được đầu tư vào cỗ máy PR và chuỗi studio lớn của Hollywood hết sức giữ kín mọi dự án của mình. Chỉ cần một chút sai lầm cũng có thể giết chết một bộ phim và khi điều đó xảy ra có nguy cơ kéo theo sự nghiệp sụp đổ của một vài người.

Do đó nỗi lo sợ lớn nhất ở Hollywood hiện nay là sự xuất hiện của làn sóng "hacker" rình mò moi móc những bí mật có giá trị nhất của Hollywood để sau đó tiết lộ ra cho cả thế giới cùng chiêm ngưỡng!

Tom Cruise trong bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi".

Bọn người này tự xưng là Hollywood Leaks - tức những hacker giấu mặt chuyên tìm mọi mánh khóe để đánh cắp kịch bản của những bộ phim sắp ra đời, phơi bày ảnh khỏa thân của các ngôi sao điện ảnh và tung số điện thoại cá nhân cũng như mọi giao tiếp nhạy cảm qua e-mail của ngôi sao lên Internet.

Nạn nhân của Hollywood Leaks bao gồm các ngôi sao như diễn viên phim hành động Gerard Butler (người bị tung địa chỉ e-mail lên Internet) và nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Miley Cyrus (chi tiết cá nhân của người này cũng bị đánh cắp). Kịch bản bộ phim "Rock of Ages" - với sự góp mặt của ngôi sao Tom Cruise cùng với Malin Akerman và Julianne Hough - được coi là dự án mới nhất bị rò rỉ. Kể cả kịch bản của hai bộ phim sắp tới "Footloose" và "Gangster Squad" (với sự tham gia của hai tên tuổi lớn Sean Penn và Ryan Gosling) cũng chung số phận.

Hollywood Leaks xuất hiện từ thế giới ngầm chuyên đột nhập máy tính, cũng giống như sự ra đời của các nhóm hacker như Anonymous và LulzSec chọn mục tiêu tấn công là CIA và Thượng nghị viện Mỹ cho đến một số công ty như Pay Pal và Bank of America. Nhưng Hollywood Leaks thì khác. Mạng máy tính của studio nào đó lấy cắp thông tin của bộ phim trong vài tháng trước khi được phát hành có thể gây thiệt hại doanh thu phòng vé hết sức ghê gớm.

Gerard Butler (khoác áo choàng) trên phim trường phim 300.

Các studio Hollywood thường buộc nhà báo hay nhà phê bình phải ký kết "hiệp ước không tiết lộ bí mật" khi họ được phép tham dự buổi chiếu thử những bộ phim sắp phát hành. Với những phim hiệu quả đặc biệt như "Avatar" của đạo diễn James Cameron thì hệ thống an ninh bảo mật của studio càng được thắt chặt để bảo đảm không một chi tiết nào bị rò rỉ trước thời hạn. Như nhà báo Gayl Murphy ở Los Angeles cho biết, cô được nhận các DVD phim chỉ coi được trên đầu đọc đĩa do studio cung cấp và không thể coi phim trên bất kỳ thiết bị nào khác.

Giáo sư Marsha Orgeron, nhà sử học điện ảnh ở Đại học bang Bắc Carolina, giải thích: "Các studio kiểm soát mọi thứ và mọi người hết sức gắt gao cũng giống như bất cứ công ty nào theo dõi từng cá nhân. Hợp đồng quy định mọi thứ thật chặt chẽ và nếu chịu ký hợp đồng thì anh - về bản chất - là người thuộc sở hữu của họ, phải làm theo mọi điều họ bảo".

Những bộ phim kinh phí lớn là những cỗ máy in tiền khổng lồ. Một bộ phim không giống như bất kỳ sản phẩm tiêu dùng thông thường nào khác. Khi mua vé xem một bộ phim đã biết trước nội dung, đoạn kết hay đã biết qua chi tiết về nhân vật tiết lộ trên Internet tất nhiên mọi mong chờ đối với bộ phim sẽ không còn nữa. Thế giới ngầm hacker từng phá hoại các nền công nghiệp thông tin, âm nhạc và xuất bản, và bây giờ đang gõ cửa Hollywood

Thục Miên (tổng hợp)
.
.