Hollywood và công nghệ hình ảnh: Chơi dao có ngày đứt tay

Thứ Tư, 26/02/2020, 12:16
Giới làm phim ở Hollywood đang phát cuồng với những phát minh vượt trội của công nghệ điện ảnh tân tiến nhất như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ trẻ hóa diễn viên... Song, không ít người hoài nghi về tính thuyết phục và hiệu quả của nó.

Trí tuệ nhân tạo lên ngôi

Theo The Hollywood Reporter, trong 6 hãng phim lớn nhất ở Hollywood, Warner Bros. mới đây đã đăng ký sử dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - A.I) trong việc sản xuất phim. Hệ thống này có khả năng phân tích và đưa ra gợi ý đâu sẽ là phim cần được sản xuất, thuộc bản quyền của Cinelytic - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ.

Ông Tobias Queisser, nhà sáng lập Cinelytic cho biết: “Hệ thống có thể tính toán và cho ra kết quả đánh giá trong vài giây - công việc mà con người có khi phải mất đến nhiều ngày mới có thể hoàn thành được. Nó thực sự sẽ rất hữu ích trong việc đánh giá tổng thể giá trị của một bộ phim hoặc ước lượng mức lương của từng diễn viên một cách chính xác nhất”.

Công nghệ trẻ hóa thay đổi ngoại hình của Robert De Niro phù hợp với từng giai đoạn trong phim “The Irishman”.

Cũng vì dựa trên A.I nên hệ thống sẽ không thể chắc chắn 100% cho sự thành công của một bộ phim. Thay vào đó, nó sẽ thay thế các nhà sản xuất hoàn thành các nhiệm vụ phân tích phức như tính toán thông số tiếp thị, phân phối hay thậm chí là gợi ý lịch phát hành. Công cụ này được cho là sẽ đặc biệt hữu ích tại các liên hoan phim, nơi mà các hãng phim thường phải trả hàng triệu USD để đổi lấy vài giờ trình chiếu và đánh giá từ các chuyên gia phân tích. Điển hình như hãng phim New Line với mức chi 15 triệu USD cho phim “Blinded by the Light” tại Liên hoan phim Sundance 2019.

The Hollywood Reporter cũng cho biết, mặc dù áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng Warner Bros. không có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Ngược lại, họ muốn giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên và hy vọng có thể giao hết quá trình tính toán phức tạp cho máy móc xử lý. Chính vì vậy, các nhà sáng tạo ở Hollywood cũng không cần lo sợ mất đi “đất diễn”.

“Nhiều người tỏ ra e ngại trước tốc độ phát triển của AI nhưng thực chất là công nghệ này còn lâu mới có thể thay thế con người trong những công việc đòi hỏi tính sáng tạo. Lợi thế của nó nằm ở tốc độ xử lý phép tính, khả năng phân tích dữ liệu phức tạp. Còn khi nói đến sáng tạo thì ngoài kinh nghiệm ra, chúng ta còn cần một trái tim yêu nghệ thuật, dám liều mình làm những điều điên rồ nhất - thứ mà máy móc có lẽ sẽ không bao giờ có được”, Queisser khẳng định.

Warner Bros. cũng không phải là studio đầu tiên áp dụng A.I của Cinelytic vào quá trình sản xuất phim. STX Entertainment đã từng sử dụng công nghệ này trước khi ra mắt “Playmobil” và “Uglydolls”, 2 trong số những bom tấn hoạt hình khá ăn khách trong năm 2019.

Năm 2017, Hãng Disney cũng phát triển công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo để đánh giá phản ứng khán giả trong khi xem phim dựa trên biểu hiện khuôn mặt của họ. Theo đó, trong rạp chiếu phim có bố trí các camera thông minh, kết nối với mạng nội bộ. Các camera đó quét những cảm xúc của khán giả tại một số cảnh trong phim. Trí tuệ nhân tạo được lập trình để nhận ra những cảm xúc trong từng nét mặt. Sau khi nhận được thông tin từ các camera, thuật toán so sánh nó với cơ sở của các cảm xúc mà những người sáng tạo bộ phim mong muốn.

Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh The Power Of Inclusion 2019, nữ diễn viên từng giành giải Oscar - Geena Davis tuyên bố sẽ hợp tác với “nhà Chuột” để sử dụng công cụ học máy (Machine learning), được biết với tên GD-IQ: Spellcheck for Bias, phân tích số lượng nhân vật nam và nữ trong kịch bản. Đây là ý tưởng với hy vọng chống lại “sự thiên vị vô thức” ở Hollywood. Tận dụng công nghệ học máy được cấp bằng sáng chế từ Trường Đại học Kỹ thuật Nam California Viterbi, công cụ này đánh giá bao nhiêu nhân vật là một phần của cộng đồng LGBTQI, người da màu và người khuyết tật.

Nếu ý tưởng này được thông qua, công nghệ sẽ được dùng để đánh giá số lượng lời thoại mà các nhóm khác nhau có, cùng với mức độ phức tạp trong vốn từ vựng được sử dụng và địa vị xã hội của các nhân vật trong phim của Disney.

Bằng hợp đồng mới với Cinelytic của Warner Bros., đây được cho là chiêu bài để hãng phim này khởi sắc hơn trong thập kỷ mới. Họ đang nắm trong tay DCEU - một trong những vũ trụ siêu anh hùng lớn nhất thế giới hiện nay nhưng lại chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của mình. Trước đó, Warner Bros. liên tục phải đối mặt với sự phẫn nộ từ phía khán giả sau những thất bại của “Batman v. Superman: Dawn of Justice” và đặc biệt là “Justice League”.

Tất nhiên, A.I không thể chắc chắn về độ thành công của bộ phim, phần nhiều vẫn sẽ phụ thuộc vào khả năng diễn xuất của dàn diễn viên và cốt truyện hấp dẫn. Nhưng, nếu biết cách dùng A.I, đó cũng sẽ là lợi thế cho các nhà sản xuất.

Hãng Warner Bros. sẽ sử dụng AI để phân tích, đưa ra quyết định sản xuất phim phù hợp với thị hiếu khán giả.

Sự xuất hiện của diễn viên “ảo”

Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hàng loạt công nghệ điện ảnh mới được khai sinh ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Ở thập kỷ trước, khán giả đã phải trầm trồ khi chứng kiến Patrick Stewart và Ian McKellen xuất hiện với khuôn mặt “lão hóa ngược” trong “X-Men: The Last stand” (2006) hay một Brad Pitt trẻ hơn hàng chục tuổi trong “The curious case of Benjamin Button” (2008) nhờ công nghệ CGI (Computer Generated Imagery - mô phỏng hình ảnh bằng máy tính).

Tuy nhiên, những tác phẩm này không để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Sau đó, công nghệ này được biết đến nhiều hơn trong “Marvel: Ant-Man” (2015), “Guardians of the Galaxy” Vol. 2 (2017)...

Đến năm 2019, công nghệ trẻ hóa diễn viên mới thực sự bùng nổ khi chứng kiến loạt nhân vật xuất hiện trên phim với dung mạo trẻ hơn vài chục tuổi. Đầu năm 2019, trong “Captain Marvel”, Samuel L. Jackson cũng gây ấn tượng khi xuất hiện trên màn ảnh với dáng vẻ trung niên, dù ngoài đời ông đã 70 tuổi. Kế đến, “Avengers: Endgame” cũng tiếp tục dùng công nghệ để trẻ hóa nhiều diễn viên như Robert Downey Jr., Scarlett Johansson...

Dịp cuối năm, hai bộ phim “Gemini Man” và “The Irishman” cũng có nhân vật được tạo dựng hoàn toàn bằng công nghệ VFX (Visual Effects: hiệu ứng hình ảnh). Trong đó, Will Smith (50 tuổi) sẽ được làm trẻ lại ở tuổi 20 ở phim “Gemini Man” của Paramount Pictures, Will Smith (50 tuổi) sẽ được làm trẻ lại ở tuổi 20. Robert De Niro (75 tuổi) và Al Pacino (79 tuổi) sẽ “du hành” qua những mốc thời gian khác nhau, kéo dài hàng thập kỷ trong “The Irishman”.

Các kỹ thuật với nhiệm vụ “khử lão hóa bằng kỹ thuật số” trong “The Irishman” đều do Industrial Light & Magic - công ty xử lý kỹ xảo điện ảnh trực thuộc Lucasfilm, đảm nhận. Ban đầu, ngay khi bắt đầu dự án, một diễn viên (nếu vai diễn cần, đặc biệt cho các pha hành động nguy hiểm) sẽ trải qua việc quét khuôn mặt và cơ thể để phục vụ cho VFX.

Không chỉ “hồi xuân” diễn viên hay “chính xác và rẻ hơn phẫu thuật thẩm mỹ” - như cách nói của tác giả Carolyn Giardina trong bài viết trên Hollywood Report, các nhà làm phim còn tạo ra bước đột phá về công nghệ bằng cách đưa một diễn viên đã khuất trở lại trong một tác phẩm mới. Điển hình như trường hợp nam diễn viên quá cố Paul Walker (phim “The Fate of the Furious”, 2015) và sắp tới là James Dean (phim “Finding Jack” sẽ trình làng cuối năm 2020).

Trong phim, phần hình của Paul Walker là do chuyên gia tẩy diện mạo, hình thể của các diễn viên đóng thế để khớp với hình ảnh thật của Paul Walker, còn giọng nói thì sử dụng giọng thật của Paul Walker lẫn em trai Paul Walker - một trong những người đóng thế Paul Walker. Còn với James Dean, Magic City Films tái tạo ông từ những bức ảnh, băng ghi hình cũ kết hợp cùng công nghệ máy tính chiếu lên diễn viên đóng thế, phần tiếng nói do diễn viên lồng tiếng đảm nhiệm.

A.I dường như đang ở đà đi lên thế thượng phong trong nền công nghiệp điện ảnh của Hollywood và sản sinh ra thế hệ các diễn viên “ảo”. “Đây là một xu hướng của điện ảnh”, Hal Hickel - giám sát viên hoạt hình của Industrial Light & Magic, đoạt giải Oscar về kỹ xảo với phim “Pirates of the Caribbean: Dead Mans Chest” thừa nhận.

“Có thể là do công nghệ đã được ứng dụng thành công và các nhà làm phim nhận ra rằng đó là một trong những sự lựa chọn của họ khi kể chuyện”, Hickel nói. Ông cũng tin rằng kỹ thuật “khử lão hóa” và những diễn viên kỹ thuật số sẽ bắt đầu xuất hiện trong nhiều phim hơn, không chỉ trong những phim có ngân sách lớn như của Marvel.

Will Smith dùng thiết bị công nghệ bắt chuyển động hỗ trợ cho hậu kỳ xử lý trẻ hóa nhân vật trong phim “Gemini Man”.

Tốn kém và gây tranh cãi

Không thể phủ nhận sự vượt trội của công nghệ trẻ hóa diễn viên nhưng không ít người chưa thực sự hài lòng, thậm chí hoài nghi về tương lai của nó, như một con dao hai lưỡi. Đạo diễn Martin Scorsese thừa nhận bản thân ông sau khi áp dụng công nghệ trẻ hóa diễn viên đã cảm thấy không hài lòng như mong đợi.

“Có phải công nghệ này làm thay đổi luôn cả đôi mắt diễn viên? Nếu vấn đề là như vậy thì điều tôi mong muốn được nhìn thấy trong đôi mắt diễn viên là gì? Sự kịch tính? Sự đe dọa? Sự nghiêm nghị? Làm thế nào để chúng ta lấy lại được những cảm xúc đó trong đôi mắt? Tôi không biết!”, ông nói.

Đạo diễn Martin Scorsese đã nhận ra rằng dù những diễn viên của ông đã được thay đổi diện mạo nhưng cái chính là nó không thể làm cho bộ phim của ông xuất sắc hơn nếu cái thần của diễn viên, thông điệp của bộ phim mà ông muốn truyền tải không được thể hiện một cách xuất sắc. Dù “The Irishman” được nhìn nhận là bộ phim xuất sắc nhất nhì năm 2019 nhưng đạo diễn Martin tin rằng phim của ông sẽ còn xuất sắc hơn nếu sự trẻ hóa của các diễn viên trong phim không có phần gượng gạo.

Đồng quan điểm với ông là nhà phê bình Manohla Dargis của New York Times và Andrew Gruttadaro của The Ringer. Gruttadaro bình luận: “Với tư cách là một khán giả, xem Russell hoặc Robert Downey Jr trong “Captain America: Civil War”, bạn sẽ có cảm giác rờn rợn bởi không phải đang xem một con người mà là một thực thể bắt chước một con người”.

Trong khi đó, tờ The Guardian (Anh) nhận định công nghệ trẻ hóa này là một sự hiểu biết hời hợt về tâm lý học vì vậy không thể kỳ vọng những điều ấn tượng lớn lao.

Đó còn chưa kể “món quà công nghệ” này còn ngốn không ít tiền bạc, thời gian của cả ê-kíp làm phim. “The Irishman” mất tới 4 năm mới hoàn thiện khâu hậu kỳ “trẻ hóa” Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci, khiến kinh phí phim nhảy vọt lên đến 160 triệu USD. Còn với “Gemini Man”, hơn 500 họa sĩ của Công ty Weta Digital đã mất 2 năm để tạo ra nhân vật Junior hoàn toàn bằng máy tính như trên màn ảnh. Sự công phu này cộng với kỹ thuật quay phim phức tạp - sử dụng máy quay có độ phân giải 4K kết hợp công nghệ 3D với tỷ lệ 120 khung hình/giây - khiến “Gemini Man” tiêu tốn đến 138 triệu USD.

Darren Hendler, người đứng đầu nhóm kỹ thuật số của VFX house, ước tính việc tạo ra phiên bản người ảo cơ bản có thể tốn từ 500.000 đến 1 triệu USD. Bên cạnh đó, ông gợi ý rằng các nhà sản xuất có thể thương lượng để trả từ 30.000 đến 100.000 USD cho mỗi cảnh quay, tùy thuộc vào yêu cầu riêng của màn trình diễn trong cảnh quay đó.

Công nghệ trẻ hóa diễn viên, tái hiện nhân vật đã mất, cũng đặt ra vấn đề lớn hơn liên quan đến quyền con người. Luật giải trí đã bắt đầu thay đổi để tính tới với điều này. Các tiểu bang như California đã đưa ra luật cho phép cá nhân có quyền yêu cầu hình ảnh của mình được sử dụng và không được sử dụng vào những việc gì trong tối đa 70 năm từ khi họ qua đời. Trong tương lai, nhiều khả năng người ta sẽ phải đối mặt với câu hỏi ai là người sở hữu và có quyền truy cập vào phiên bản kỹ thuật số của họ.

Đặc biệt, khi công nghệ tiến bộ theo cấp số nhân, đạo đức con người có xu hướng tụt lại phía sau. Những kẻ giả mạo có thể lợi dụng công nghệ này để khai thác hình ảnh các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để phục vụ lợi ích cá nhân bất hợp pháp.

Thảo Dung
.
.