Hollywood và giới khoa học quan hệ cộng sinh

Thứ Tư, 24/10/2012, 06:20

Để tạo điều kiện cho sự trao đổi thông tin qua lại giữa cộng đồng khoa học và Hollywood, vào năm 2008 Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) quyết định thành lập Tổ chức trao đổi thông tin Khoa học và Giải trí (S&EE) đặt trụ sở tại Los Angeles, với nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ khăng khít giữa giới đạo diễn điện ảnh và các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực sinh học, hóa học và các bộ môn khác.

Trong năm đầu tiên hoạt động của S&EE, các tổ chức khoa học đóng vai trò cố vấn (tự nguyện) cho 70 dự án phim và đến tháng 9/2011 con số tăng lên đến 350 dự án. Những bộ phim khoa học nổi tiếng của Hollywood như "Fringe", "The Big Bang Theory", "Green Lanterm" và "Battleship" đều có sự tham gia của các nhà khoa học của S&EE. Tuy nhiên, sự cộng sinh giữa khoa học và điện ảnh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió! 

Malcolm MacIver, Phó giáo sư khoa công nghệ sinh học Đại học Northwestern, cho biết: "Sự tôn trọng giữa hai bên không phải lúc nào cũng có và giới khoa học thường bị các đạo diễn lấn lướt". Nói cụ thể là khi một nhà khoa học bảo "không được, anh không thể làm như thế!" tức thì đạo diễn không thèm nghe theo. Ngày nay, công chúng tiếp nhận thông tin rất nhiều từ Internet cho nên họ dễ dàng nhận ra những chi tiết trong phim mâu thuẫn với khoa học. Do đó, giới đạo diễn điện ảnh luôn phải hướng đến những phát hiện mới nhất của khoa học hiện đại. Jeffrey Silver, nhà sản xuất bộ phim "300" (năm 2006) và "Sự tái sinh của Kẻ hủy diệt" (năm 2009), cũng thừa nhận rằng "các nhà khoa học có trí tưởng tượng mạnh hơn cả chúng ta".

Sean Carroll, đạo diễn phim "Thor".

Nếu như các nhà khoa học sẵn sàng đóng vai trò cố vấn cho Hollywood, điều đó cho thấy họ không chỉ quan tâm đến bộ môn của họ mà còn mong muốn các định luật khoa học được thực hiện đúng trên màn ảnh - theo giải thích của Sheril Kirshenbaum, nhà nghiên cứu ở Trung tâm về chính sách môi trường và năng lượng quốc tế (CIEEP) trực thuộc Đại học Texas.  Đó là lý do khiến đạo diễn James Cameron tạo ra nhân vật Grace, nhà ngoại sinh vật học, trong phim "Avatar" theo chuẩn của khoa học.

Thật ra, các đạo diễn Hollywood thường hay bỏ ngoài tai những lời khuyên của nhà khoa học. Như trường hợp về một bộ phim thảm họa tự nhiên, đạo diễn Roland Emmerich muốn tạo ra một trận lụt tấn công cả hành tinh bất chấp việc nhà khoa học cố vấn cho rằng điều đó không thể xảy ra trong thực tế. Ngay đến nhà sản xuất phim Jeffery Silver, người thường tìm sự cố vấn từ các chuyên gia khoa học, cũng khẳng định: "Khi mà chi tiết trong phim không vi phạm luật cơ bản của vật lý thì người ta có thể được phép tưởng tượng xa hơn"!

Mặc dù vậy, nhà hành tinh học Kevin Hand ở Trung tâm thám hiểm Thái dương hệ (JPL) của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phải thừa nhận rằng giữa điện ảnh và khoa học luôn có khoảng cách, bởi vì "thực tế là nên chấp nhận rằng mục đích trước tiên là kể một câu chuyện". Còn Marty Perreault, Giám đốc S&EE, nhận định: "Chúng ta không là cảnh sát khoa học"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.