Hướng tới vùng mậu dịch tự do lớn nhất hành tinh

Thứ Bảy, 20/11/2010, 14:05
Giới lãnh đạo các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương từng dẫn đầu trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế thế giới hôm 14/11, đồng ý sẽ cộng tác trong việc hình thành một khu vực tự do mậu dịch, theo họ sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả hành tinh.

Từ quốc gia nhỏ bé Brunei đến đại cường Trung Quốc, cả 21 quốc gia thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đồng thanh hứa sẽ tránh đưa ra thêm các rào cản thương mại và thu hồi những luật lệ đưa ra trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bản thông cáo chung Hội nghị APEC tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản, nêu rõ: "Chúng tôi tái xác nhận quyết tâm vững mạnh là sẽ đạt được sự tự do và cởi mở về thương mại và đầu tư trong khu vực. Chúng tôi phải có các biện pháp nhằm xây dựng nền tảng vững mạnh hơn, tạo phát triển có tính cách bền vững và cân bằng hơn trong tương lai".

Sự biểu dương tinh thần đoàn kết này ngược hẳn lại hình ảnh bất đồng ý kiến về tiền tệ được thấy ít ngày trước đó trong cuộc họp của nhóm G20 ở Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo đồng ý có các bước tiến rõ rệt liên quan đến việc hình thành một Khu vực tự do mậu dịch châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), và Thủ tướng Nhật Naoto Kan nói rằng mục tiêu tạm thời ấn định là vào năm 2020.

Vùng tự do mậu dịch rộng lớn này, trên lý thuyết, sẽ cắt bỏ thuế nhập khẩu trên đủ loại mặt hàng, từ phụ tùng xe cộ đến thực phẩm, sẽ bao gồm 21 nền kinh tế, bao phủ hơn một nửa mức sản xuất kinh tế thế giới và 40% thương mại toàn cầu. FTAAP được khởi xướng vào năm ngoái tại Singapore bởi nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của 21 nền kinh tế APEC. Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara cho biết, mục tiêu của FTAAP không phải chỉ để hỗ trợ cho các nền kinh tế APEC mà còn cả cho nền kinh tế toàn cầu.

Để tiến tới một khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương, việc mở rộng Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được coi là nhiệm vụ hàng đầu. TPP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, nhưng Việt Nam, Mỹ, Malaysia, Peru và Australia cũng đang tham gia đàm phán về thỏa thuận này.

Tuy nhiên, những lo ngại về tình trạng phục hồi còn non yếu của nền kinh tế thế giới có vẻ tạo thêm sự gấp rút cho nỗ lực thành lập khu vực tự do mậu dịch. Theo các chuyên gia, sáng kiến về một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất hành tinh vẫn chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và APEC còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được mục tiêu xóa bỏ các hàng rào thuế quan trong một khu vực rộng lớn như thế.

Theo nhận định của Giáo sư kinh tế thuộc Trường đại học quản lý Niigata (Nhật), Ivan Tselichtchev, các nước trong khu vực đã tạo nên một mạng lưới chằng chịt những thỏa thuận thương mại, tương lai sẽ vẫn rất phức tạp và họ sẽ không có một thỏa thuận chung cho tất cả mọi người. Tình hình sẽ lại càng rối rắm, bởi vì một số quốc gia muốn tiến nhanh hơn thông qua những khối tự do mậu dịch riêng lẻ. Chẳng hạn như Mỹ muốn gia nhập vào khối TPP. Cũng giống như Mỹ, Việt Nam, cùng với Australia, Malaysia, Peru cũng đang thương lượng để gia nhập TPP. Riêng Tổng thống Barack Obama thì dự định sẽ chính thức hóa việc mở rộng khối TPP ngay từ cuộc họp Thượng đỉnh APEC, mà ông sẽ chủ trì tại Hawai tháng 11/2011.

Về phần Nhật Bản cũng vừa loan báo tham gia vào giai đoạn sơ khởi của các cuộc thảo luận về việc gia nhập khối TPP, tuy gặp sự chống đối rất mạnh của nông dân ở nước này. Không muốn bị gạt ra bên lề, Trung Quốc cũng tỏ ý quan tâm đến khối TPP tuy rằng Bắc Kinh muốn ưu tiên thương lượng với các nước ASEAN (trong đó có 7 quốc gia là thành viên APEC), cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc, để tiếp tục ở trong khuôn khổ thuần túy châu Á.

Đại diện các nước APEC đồng tình trên nguyên tắc về việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương hôm 14/11.

Tiến trình tự do hóa mậu dịch châu Á- Thái Bình Dương càng gặp thêm trắc trở do nhiều căng thẳng song phương, mà trước hết là giữa Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt do vấn đề đồng nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ, trong bối cảnh mà Bắc Kinh và Washington tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Nhưng còn có những căng thẳng song phương khác đang bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh APEC, mà đầu tiên là giữa Nhật với Trung Quốc. Tuy Thủ tướng Naoto Kan và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp nhau bên lề Hội nghị Yokohama, nhưng cuộc gặp gỡ này sẽ không thể giải tỏa hết khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Tokyo và Bắc Kinh kéo dài từ 2 tháng qua.

Bên cạnh đó, tranh chấp chủ quyền giữa Nhật với Nga trên quần đảo Kuril cũng đã nổi lên trở lại do chuyến viếng thăm của Tổng thống Medvedev đến quần đảo này. Tuy vậy, hai nước cũng đã dịu giọng và Tổng thống Medvedev đã gặp Thủ tướng Naoto Kan bên lề Hội nghị APEC. Ấy là chưa kể quan hệ Mỹ - Nhật hiện nay cũng không lấy gì là suôn sẻ, do bất đồng trên vấn đề dời căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.