Hữu Ước - “Một mình” với thơ, nhạc, họa

Thứ Năm, 07/11/2019, 10:47
19h30 ngày 29 và 30-11, tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, diễn ra chương trình “Hữu Ước và Bài thơ Một mình” (kỷ niệm 50 năm quân ngũ trong cuộc đời binh nghiệp của ông). Ngay từ ngày đầu tháng 11, những khung tranh vuông thành sắc cạnh tấp nập được mang tới 100 Yết Kiêu, Hà Nội, trụ sở của báo An ninh thế giới để sắp tới đây, 50 bức tranh của ông sẽ được triển lãm.

Không chỉ là một kì tài làm báo, mà Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước còn thăng hoa trong nhiều lĩnh vực truyện ngắn, bút kí, tiểu thuyết, biên kịch điện ảnh, biên kịch sân khấu, sáng tác thơ. 

Ông là tác giả của nhiều bài hát và cũng là người viết nhạc phẩm cho nhiều ca khúc và hội họa. Kì lạ thay, ở bất kì địa hạt nghệ thuật nào, tác phẩm của vị tướng đa tài đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, mang nét riêng tư đầy khác biệt. Lịch sử tạo nên số phận. Số phận tạo nên con người, hay con người tạo nên số phận? Trong cuộc đời vinh quang va đập với không ít thăng trầm, nghịch cảnh của ông đã tạo nên một con người với bản lĩnh sống mạnh mẽ và cái nhìn thấm đẫm nhân ái, nhân văn, ấm áp tình người.

Nhà văn nổi tiếng người Nga, Macxim Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”, điều đó quả đúng với ông. Trong đứa con tinh thần trau chuốt của mình từ truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, sân khấu, thơ, nhạc ta thấy ở đó ấm áp tình người. 

Đó là sự lưu luyến chân thành về cuộc đời, về số phận của cả kiếp nhân sinh. Ông thương người, thương đời rồi thương chính thân phận bé nhỏ của mình, mơ hồ như một hạt cát trên sa mạc mênh mông.

Người ta có thể giấu mình để làm một việc gì đó nhưng người ta không thể giấu mình trong những tác phẩm nghệ thuật. Đó là khi còn lại chính mình, trong căn phòng yên tĩnh thì câu chữ tuôn chảy trong tiểu thuyết, thi ca và khi tâm hồn ấy dồn đẩy lên đến cao trào, đỉnh điểm, đã thôi thúc, “ép buộc” ông phải cầm cọ và vẽ. Ông tìm được niềm an ủi, ru dưỡng tâm hồn trong hội họa với mảng màu đối lập, hình khối, bố cục.  

Ý tưởng cứ tuôn trào như mưa nguồn suối lũ, âm thanh thét gào vang vọng để rồi “lũ lượt” ra đời những tác phẩm hội họa dữ dội, dông gió, như chính con người ông. Vì suy cho cùng, cuộc đời này, cái còn đọng lại là sự chân thật, chân thật đến tận cùng. Nghệ thuật là nơi phơi bày trần trụi nhất bản tính một con người. Sự đa cảm, yếu đuối, mơ mộng, hay sự mạnh mẽ, quyết liệt, đều được ông thể hiện ra cả trong tác phẩm của mình.

Cách đây 200 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm “Truyện Kiều” đã nói về người tài: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen...”. 

Ở đó, người ta thấy không chỉ là thân phận liễu yếu đào tơ và cũng không hẳn chỉ là “trăm năm” mà những nam tử đại trượng phu vẫn thường gặp trúc trắc, khúc gấp của số phận.

Tại sao, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước mê hoặc được nhiều người? Vì người ta thấy ở vị tướng có vô số sự thú vị. Thời gian làm dày lên những kỉ niệm. Từ hàng chục năm nay, địa chỉ tòa soạn Báo An ninh thế giới, 100 Yết Kiêu là nơi ông hằng ngày đến làm việc. Và cũng thật kì lạ, ngay bên trong cánh cửa sắt màu xanh này, ở khoảng sân vừa đủ rộng là một bụi tre to, um tùm xanh tốt.

7 nghệ sĩ nhân dân với ca khúc “Chúng tôi người nghệ sĩ” trong đêm nhạc “Ngẫu hứng Hữu Ước”, tháng 3-2008.

Cây tre tượng trưng cho bản tính cần cù vượt qua bao nắng mưa của một dân tộc anh hùng và kiên cường. Cây tre bình dị, gần gũi của miền đồng quê Bắc bộ Việt Nam có ở đó tự bao giờ? Đây là khóm tre duy nhất trên phố Yết Kiêu và là khóm tre hiếm hoi ở đô thị náo nức và sầm uất, tất bật này. Ở cạnh đó có quán trà đá vỉa hè, thi thoảng người ta bắt gặp vị tướng ra đấy “bia cỏ thuốc lào”.

Ông ngắm phố phường Hà Nội qua con mắt lãng tử, thi sĩ, để rồi ngay sau đó, năm  2008,  trong chương trình: “Ngẫu hứng Hữu Ước”, khán giả hào hứng với những lời thơ bình dị của bài hát “Vỉa hè Hà Nội” được nhóm  AC&M thể hiện ca khúc “Vỉa hè Hà Nội” với phong cách Acapella đầy mới mẻ. 

Chả hiểu sao, chỉ bằng những câu từ đơn giản nhưng đến khi kết hợp ghép nhạc và lời lại ra một bài hát thuyết phục đến vậy. Trẻ trung, sống động, âm nhạc cứ tự nhiên len lỏi và đời sống như chúng đang tồn tại, diễn ra. 

Vỉa hè, Vỉa hè Hà Nội... Vỉa hè, vỉa hè Hà Nội a a a a a a a a a... Nơi nào cũng có cà phê quán phở, hàng rong quán cóc, bia cỏ, thuốc lào, muối vừng cơm nắm, cắt tóc và đánh giày a a a a a a a...  Lại còn một lũ ngây thơ là anh họa sĩ, vài em bán báo, ông đạo diễn già và ba nàng thơ khờ dại a a a a a a... Họ ngồi, Họ ngồi túm bảy tụm ba, cân đong thời cuộc thử vận đỏ đen, vận nước vận nhà bàn kế sinh nhai...”.

Quả thật vỉa hè ấy đến bây giờ vẫn vậy, hằng sáng người ta bắt gặp lão đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang tuổi ngoài 80, đầu đội mũi lưỡi trai ngồi ở quán nước vỉa hè bên hàng phở ngay con phố Đỗ Hành.

Thời gian dần trôi, người đạo diễn từ hơn 10  năm trước đã già nay lại càng ở cuối con dốc của cuộc đời. Nửa tháng trôi đi mà không thấy ông đạo diễn già, người mỏng như lá lúa, người ta tự hỏi phải chăng sức khỏe của ông không được tốt, ông ốm chăng mà không ra quán cóc vỉa hè Hà Nội? Thơ, văn, nhạc của vị tướng rất đời, rất thực như vậy đấy!

Cây tre như nhân chứng sống của lịch sử, đã chứng kiến bao nhiêu những người bạn của ông, những người bạn hơn tuổi chí cốt chí tình xa lìa cõi tạm để đi vào giấc ngủ dài. 

Những người bạn văn, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Nguyễn Khải, nhà văn Nguyễn Khắc Phục và cả những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, nhà báo Vũ Hà... lần lượt đi xa và không bao giờ có ngày trở về.

“Đường Trường Sơn” - sơn dầu của Hữu Ước.

Trong căn phòng làm việc với bốn bề ăm ắp những bức tranh, bắt gặp một khung tranh, đó là bút tích của nhà thơ Phạm Tiến Duật đích thân làm thơ tặng nhà văn Hữu Ước được treo trang trọng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, tuổi Tân  Tị, còn Trung tướng, nhà văn Hữu Ước kém nhà thơ vừa đúng một con giáp - 12 năm, ông sinh năm 1953, tuổi Quý Tị. Cả hai đều cầm tinh con rắn.

Bài thơ “Họa sĩ” được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết cuối tháng 5 năm 2007, tức là sau mấy ngày kỉ niệm ngày sinh của nhà văn Hữu Ước 54 tuổi. “Tôi nhìn anh với cái tạp dề xanh/ Tay cầm bay miết trên tấm toan to rộng/ Tấm toan ấy hay là cuộc sống/ Ơi người họa sĩ của trần gian?...”.  Cái nhìn của một nhà thơ nổi tiếng nhìn người bạn, người em của mình bằng con mắt trìu mến. 

Lúc này, Hữu Ước trong mắt nhà thơ không còn là một vị tướng mà là một họa sĩ đích thực. Sau những câu thơ gan ruột chắt lọc từ đáy lòng tặng cho người bạn nhỏ của mình, 6 tháng sau vào một ngày mùa đông năm ấy, nhà thơ qua đời sau khi chống chọi với căn bệnh ung thư. 

Kể từ ngày đó đến nay đã vừa tròn 12 năm, đúng vòng quay của 12 con giáp trên bản đồ tử vi, bài thơ đó vẫn nằm yên trong căn phòng làm việc của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Nhưng, có những điều khó lí giải và cũng thật kì lạ, rất tình cờ ngẫu nhiên vào ngày 29, 30 tháng 11 năm nay, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước sẽ trưng bày 50 bức tranh tại chương trình đêm thơ, nhạc, họa của mình tại Nhà hát Âu Cơ, nhân kỉ niệm 50 năm quân ngũ của mình.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước là một người quảng giao và ông có tiếng là cư xử đẹp với văn nghệ sĩ nên bạn bè trong giới nghệ thuật thường xuyên lui tới luôn luôn. Họ trọng ông về tình, nể ông về nghĩa. “Văn sĩ là hàn sĩ” chả ai viết văn mà giàu, Hữu Ước vốn khí khái, rộng rãi, thường ông vẫn có quà cho cánh nhà văn mỗi lần họ đến chơi. Biết ai khó khăn, ông thường giúp đỡ, gọi là một chút cho nhau ấm lòng. 

Trong số bạn bè lớn tuổi ấy, có văn sĩ cốt cách là danh sĩ đích thực, đó là một nhà văn quân đội. Mỗi lần ra Hà Nội, ông đều ghé thăm người em tổng biên tập báo của mình, cuộc nói chuyện rất vui vẻ nhưng rồi bỗng nhiên bặt tăm chẳng thấy nhà văn đàn anh lớn tuổi ấy xuất hiện nữa. 

Một lần, vô tình hai người có dịp chạm mặt nhau, nhà văn Hữu Ước mừng rỡ thấy ông anh nhà văn thương mến, chạy ra vồ vập. Ông hỏi: “Sao lâu lắm không thấy anh tới chơi?”. Nhà văn già mới chậm rãi nói: “Mỗi lần anh đến, chú cứ cho tiền, anh ngại lắm nên không đến nữa...”. 

Nhớ về chuyện xưa, sau phút lặng lẽ, nhà văn Hữu Ước trầm ngâm bảo: “Có những con người nhân cách như thế thật đáng trọng...”. Nói thì nói vậy nhưng, dù khi đương chức hay về hưu, ông vẫn lặng lẽ và âm thầm tạo mọi điều kiện để giúp các văn nghệ sĩ lớn tuổi. Ông bảo bạn già văn nghệ sĩ của ông năm nào cũng có người ra đi, ông rất buồn nên ông phải tranh thủ giúp họ khi họ còn sống...

Trong căn phòng làm việc trên tầng 2 quen thuộc ấy còn có một tủ kính nhỏ, ông lưu giữ những tác phẩm âm nhạc, văn chương, thi ca, tiểu thuyết của ông như những kỷ niệm yêu dấu trong cuộc đời mình.  Lần giở trong một cuốn nhạc, bắt gặp hình ảnh của 7 nghệ sĩ nhân dân (NSND) với ca khúc “Chúng tôi người nghệ sĩ” trong đêm nhạc “Ngẫu hứng Hữu Ước” vào tháng 3 năm 2008. 

Thời gian, lại thời gian. Thời gian làm người trẻ trưởng thành và người già xa lìa cõi thế. Nhớ mùa xuân Mậu Tí năm đó, 7 NSND tưng bừng hát vang trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội, NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Quang Thọ, NSND Trần Hiếu, NSND Đoàn Dũng, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Châu. Có lẽ, chỉ có Hữu Ước mới quy tụ được trên sân khấu 7 NSND tài danh. Họ vui vẻ cùng nhau hát vang, rạng ngời hạnh phúc. 

Kể cả, một điều đặc biệt hiếm hoi, NSND Trần Tiến khốn đốn và khổ não sau cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống” được xuất bản vào tháng 10 năm 2006, sau bao tháng ngày, lần đầu người ta mới thấy ông lấy lại phong độ và vui vẻ đến vậy. 

Kể từ ngày đó cho đến nay, 3 người trong số họ đã đi về miền cực lạc. NSND Trọng Khôi mất 4 năm sau đó. Tháng 9 năm 2018, NSND Đoàn Dũng qua đời. Tháng 9 năm nay, NSND Thế Anh cũng vừa tạ thế.

Thời gian là một hành trình của chuyến tàu dài sẽ có ngày cặp bến. Trên hành trình đó sẽ có những sân ga để lại ấn tượng cho bao người.

Mỹ Trân
.
.