Huyền bí đêm cấp sắc người Dao

Chủ Nhật, 28/06/2020, 10:32
“Chưa được chứng kiến lễ cấp sắc của người Dao chúng tôi thì coi như chưa hiểu gì về đồng bào dân tộc chúng tôi”, anh Bàn Văn Minh, khi còn là Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử), đã nói với tôi như vậy trong một lần đến mảnh đất vùng cao với phong cảnh đầy quyến rũ này.

Đó không chỉ như một lời mời mà còn là sự thúc giục chúng tôi đến dự lễ cấp sắc đầy huyền bí, linh thiêng của đồng bào Dao Thanh Phán.

Nghi lễ huyền bí 

Sau nhiều lần lỗi hẹn với vùng cao, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu Bàn Văn Minh điện thoại thông báo và có ý mời tôi tham gia một lễ cấp sắc của chính em trai mình. Thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh bằng dãy núi Yên Tử cao sừng sững với ngút ngàn mây khói bao phủ.

Mới ngày nào du lịch Tây Yên Tử vẫn đang ở vạch xuất phát, vậy mà nay thị trấn vùng cao đã khoác lên mình một “tấm áo” mới - một sự khởi sắc toàn diện từ hạ tầng, đời sống nhân dân và dĩ nhiên có cả “ngành công nghiệp không khói”.

Lễ cấp sắc diễn ra trong 3 ngày 2 đêm.

Cán bộ ở địa phương bảo, vào mùa xuân Tây Yên Tử náo nhiệt lắm, du khách các nơi đổ về đây hành hương qua các điểm chùa. Những bản làng vùng cao luôn phơi phới, tràn đầy sức sống. Sự thay đổi mạnh mẽ là vậy, thế mà cái quý ở chỗ bản sắc văn hóa của người Dao thì vẫn chẳng thể “hòa tan”. Có lẽ những gì đã là truyền thống, là tinh hoa thì mãi mãi trường tồn và được đồng bào nâng niu, trân trọng. Lễ cấp sắc đầy huyền bí và sự thành kính của đồng bào Thanh Y ở đây là minh chứng rõ nhất cho sự vĩnh cửu, sâu gốc bền rễ ở rẻo cao này.  

Nếu chỉ thoạt nhìn những nghi lễ, phong tục và tranh thờ trong lễ cấp sắc, ai đó sẽ cho rằng ở đó toàn là sự ma mị, liêu trai nhưng khi đã hiểu kỹ về ý nghĩa nghi lễ này mới thấy đó là một nét văn hóa tốt đẹp và cấp sắc như một ngày hội của dòng họ người Dao.

Tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi nghi lễ độc đáo ấy nên đã có một đêm không ngủ để chăm chú quan sát và ghi lại chi tiết những gì mình thấy. Giữa đêm khuya, miền núi rừng thanh vắng lắm, mọi thứ đều tĩnh mịch và lắng đọng, duy chỉ có tiếng chuông, tiếng kèn, thanh la và chũm chọe vang lên lảnh lót cùng những điệu múa huyền bí rung lên cùng bà con bên núi rừng Tây Yên Tử.

Một nghi lễ đầy linh thiêng và mang đậm bản sắc độc đáo của cộng đồng người Dao Thanh Y nơi rừng xanh núi thẳm thuộc huyện vùng cao huyện Sơn Động vẫn được đồng bào duy trì bao đời nay như một minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc.

Anh Bàn Trường Sinh (bên trái) được thầy cúng làm lễ cấp sắc.

Đã đến mảnh đất phía Tây của dãy Yên Tử đại ngàn nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp chứng kiến trọn vẹn nghi lễ cấp sắc và cảm nhận đầu tiên đó sự cầu kỳ, trọng đại và thành tâm của cả cộng đồng người Dao nhằm tri ân công đức của cội nguồn tổ tiên, thần linh.

Ông Minh giải thích, người Dao bản địa thường tổ chức cấp sắc vào cuối năm và dịp mùa xuân. Tuy nhiên, do vừa qua dịch tả lợn châu Phi đã khiến hầu hết các đàn lợn tại địa phương bị chết, nhiều gia đình không chuẩn bị được lợn cho lễ cấp sắc nên phải hoãn lại đến giờ.

Bởi theo ông Bàn Văn Minh, một nghi lễ cấp sắc thông thường phải chuẩn bị 3 con lợn (1 con cúng Bàn Vương - vị tổ của người Dao, 1 con cúng gia tiên và 1 con làm lễ chung). Ngoài ra, còn phải chuẩn bị khoảng 20 con gà và một số thực phẩm khác. Do đó các gia đình phải chuẩn bị trước cả năm trời mới đủ.

Chủ nhân của lễ cấp sắc lần này là anh Bàn Trường Sinh (em ruột ông Minh, SN 1978, ở thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử). Anh Sinh là bộ đội đang đóng quân tại Lạng Sơn, vợ anh là giáo viên và họ đã có con với nếp tẻ đầy đủ. Tranh thủ những ngày nghỉ phép, anh Sinh được gia đình tổ chức lễ cấp sắc với nghi thức 7 đèn.

Theo phong tục, quy mô tổ chức cấp sắc có sự khác nhau, có thể là cấp sắc 12 đèn, 7 đèn hoặc 3 đèn. Tuy nhiên, lễ cấp sắc 12 đèn hiếm khi được tổ chức, thường nó chỉ diễn ra ở quy mô lớn (3 dòng họ trở lên). Thời gian cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1-3 ngày và có 3 thầy cúng, cấp sắc 7 đèn kéo dài 3-5 ngày và có 7 thầy cúng.

Nhà anh Sinh có 5 anh em trai và 4 người đã được cấp sắc, còn người em út chưa thực hiện được. Hôm cấp sắc người thân, họ hàng, bạn bè anh Trường đến rất đông để chia vui, chúc mừng cho vợ chồng anh.

Theo quan niệm của người Dao, việc cấp sắc được thực hiện lần lượt anh trước em sau. Anh em trong cùng dòng họ cũng vậy phải chờ cấp sắc xong cho người anh ở các chi, cành trên rồi mới đến lượt chi, cành dưới. Nếu người ở vai trên chưa đủ tuổi cấp sắc thì người vai dưới dù lớn tuổi hơn vẫn phải chờ. Do đó mới có chuyện một số người dù tuổi cao mà chưa được làm cấp sắc. Cũng cá biệt có người do hoàn cảnh khó khăn lúc trẻ chưa được cấp sắc thì khi về già vẫn phải thực hiện để được thỏa nguyện với tổ tiên.

Mãi mãi lưu truyền

Thôn Thanh Chung có 110 hộ chủ yếu là dân tộc Dao. Quan niệm về thế giới thần linh, người Dao nơi đây cho rằng luôn tồn tại 3 tầng (tam giới). Tầng trên là nơi sống của các vị thần linh, tầng giữa là con người, cây cỏ, muông thú... (thế giới thực), tầng dưới là tổ tiên, ma quỷ. Đứng đầu 3 tầng này là Ngọc Hoàng, bên dưới là các thần như Tam Thanh, Diêm Vương, thấp hơn là tổ tiên, thần linh, thổ công... Ngoài ra họ còn cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn cũng giống như thế giới người vậy.

Chữ Hán - Nôm được dùng trong cấp sắc.

Theo già làng dân tộc Dao Bàn Văn Cường (tuổi 77 tuổi), đảng viên, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Sơn (nay là thị trấn Tây Yên Tử), cũng là bố đẻ của anh Minh và anh Sinh cho biết: Cấp sắc được thực hiện duy nhất một lần trong đời người đối với nam giới dân tộc Dao từ đủ 13 tuổi trở lên.

Theo quan niệm của người Dao, đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc thì mới được công nhận là trưởng thành, đủ khả năng tham gia các công việc quan trọng của cộng đồng, dân tộc, dòng họ và khi mất đi thì linh hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên (tức là Bàn Vương - thủy tổ của người Dao). Thậm chí nếu chưa được cấp sắc thì dù già hay trẻ, con trưởng hay con thứ đều không được thờ cúng tổ tiên, chưa được cộng đồng thừa nhận.

Có 7 thầy cúng tham gia lễ cấp sắc của anh Sinh và những người được cấp sắc sẽ gọi thầy cúng là sư phụ - họ đều là những người dân tộc Dao trong vùng được gia đình mời đến. Các bước đường của học trò sẽ do các sư phụ chỉ dẫn để được lên gặp Ngọc Hoàng và các thần linh. Thầy cúng sẽ làm lễ truyền dạy đạo làm thầy và dặn dò các trò sau lễ cấp sắc này, khi đã trưởng thành và ra làm thầy thì phải có tâm, có đức.

Thầy cúng sử dụng tiếng Nôm Dao thực hành các nghi lễ, trong đó có nhiều nội dung giảng dạy về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác...

Trải qua 3 ngày 2 đêm với nhiều bước như: Chuẩn bị, khai đàn, đội đèn, đặt tên âm, trình Ngọc Hoàng, cấp sắc, khao quân, tạ ơn tổ tiên và thần linh... Các nghi lễ đều sử dụng chuông, tù và, trống và những điệu nhảy truyền thống của dân tộc... Như vậy, kể từ lễ cấp sắc này, anh Bàn Trường Sinh đã không còn phải mặc cảm vì mình là trẻ con trước mặt mọi người vì anh đã có tên âm (tên cúng cơm do các thầy đặt cho).

Người Dao quan niệm ngày lễ cấp sắc là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người đàn ông và là ngày vui của cả cộng đồng. Do đó, trước ngày làm lễ hàng tháng trời, gia đình có người được cấp sắc đã điện thoại, viết thư tay hoặc phải lặn lội vượt suối băng rừng đi mời người thân, họ hàng nội ngoại về dự.

Đến dự buổi lễ này người thân thường mang đến gà, gạo, rượu và một số thực phẩm khác để cùng đóng góp với gia chủ. Một trong những vật không thể thiếu trong lễ cấp sắc đó là bộ tranh thờ Tam Đa, dựng một bàn thờ, tù và, chuông, kiếm, kèn, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến, trống, bó lúa nếp cái, bánh dày, bánh tày... Sau lễ cấp sắc, tất cả thành viên dự buổi lễ sẽ được thụ lộc và thưởng thức các mâm cỗ đầy ấm cúng và tinh thần đoàn kết.

Một điệu nhảy trong lễ cấp sắc.

Đáng chú ý nhất đó là bộ tranh thờ Tam Thanh được các bậc tiền nhân lưu truyền lại với 12 tờ tranh mang nhiều màu sắc huyền bí. Tranh được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều có nét oai nghiêm, quyền lực. Theo đó, Tam Thanh tượng trưng cho 3 vị thần có quyền lực tối thượng cai quản ở 3 nơi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian); Thái Thanh (thần cai quản âm phủ).

Lễ cấp sắc thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc, mang tính hướng thiện và có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tình đoàn kết. Nghi lễ ấy có giá trị nhân văn lớn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.

Tuy nhiên, theo già làng Bàn Văn Cường, các nghi lễ truyền thống của lễ cấp sắc trải qua rất nhiều bước cầu kỳ, các bài cúng phải sử dụng tiếng Hán - Nôm Dao, trong khi đó lớp trẻ hiện ít người biết tiếng dân tộc này nên sẽ là nguy cơ dẫn đến sự mai một trong tương lai. 

Để bảo tồn bản sắc văn hóa này, ông Cường đã nhiều năm kỳ công sưu tầm tài liệu, sách vở, chữ viết Nôm Dao và mở các lớp truyền dạy miễn phí cho thế hệ trẻ trong vùng. Song, vị già làng ấy cũng luôn đau đáu và lo sợ một ngày nào đó văn hóa người Dao, tiếng nói, chữ viết của người Dao sẽ có thể bị mất ở một số gia đình, khu vực, thậm chí dòng họ. 

Đúng là cái lo của già làng Cường không phải là không có lý nhưng dẫu sao những việc làm đầy tâm của ông sẽ phần nào khỏa lấp những khoảng trống đó và mong sao bản sắc của người Dao ở dưới chân dãy Tây Yên Tử sẽ không dễ gì phai nhạt.

Đông Khánh
.
.