Cuộc chiến giành thị phần khốc liệt giữa Grab và Go-Jek

Thứ Tư, 12/09/2018, 14:23
Nếu như dịch vụ gọi xe Grab đang làm mưa làm gió tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, thì tại Indonesia điều này lại hoàn toàn ngược lại khi Go-Jek - một ứng dụng địa phương lại chiếm thị phần lớn với ưu thế vượt trội. Cuộc chiến giành thị phần giữa Grab và Go-Jek tại Indonesia vẫn diễn ra khốc liệt và xem ra chưa có hồi kết.

Go-Jek được thành lập năm 2010, ban đầu là Trung tâm gọi xe ôm theo yêu cầu. Go- Jek chính thức ra mắt dịch vụ năm 2015 và mới chỉ tập trung vào thị trường nội địa với 50 thành phố tại Indonesia. Tính đến cuối năm 2017, Go-Jek đã có một triệu tài xế xe máy và ôtô tại Indonesia.

Go-Jek được xem là niềm tự hào của giới Startup ở Indonesia với việc phát triển nhanh như vũ bão, xây dựng hệ sinh thái từ Go-Ride (xe ôm), Go-Car (gọi xe hơi), Go-Food (giao đồ ăn), đến sửa xe, massage, vệ sinh. Từ một dịch vụ gọi xe thuần tuý, Go-Jek của Indonesia hiện đã phát triển thành ứng dụng một cửa cho phép khách hàng nước này thực hiện thanh toán trực tuyến và đặt nhiều mặt hàng như thực phẩm, hàng tạp hoá đến cả dịch vụ massage.

Trong khi đó, Grab được thành lập năm 2012 với tên gọi ban đầu là ứng dụng gọi taxi Myteski. Hiện Grab có mặt tại 195 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á với hơn 2,4 triệu tài xế. Hệ sinh thái của Grab có phần khiêm tốn hơn so với Go-Jek khi chỉ có Grab Bike (gọi xe ôm), Grab Car (gọi xe hơi), Grab Express (giao hàng)... Mặc dù được xem là kẻ đến sau, song hiện nay tại Indonesia, Grab vẫn nắm giữ thị phần tương đối lớn tại hơn 137 thành phố của quốc đảo này.

Grab và Go-Jek cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Indonesia.

Go-Jek là ứng dụng “nội” của Indonesia và là đơn vị tiên phong tiếp cận thị trường 250 triệu dân này, do đó Go-Jek có những lợi thế nhất định so với các dịch vụ gọi xe như Grab hay Uber. Theo Tech in Asia, điểm khác biệt tạo nên lợi thế của Go-Jek lại nằm ở việc Uber hoạt động trên phạm vi toàn cầu, Grab hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, trong khi Go-Jek chỉ hoạt động tại Indonesia. Đồng thời, Go-Jek đặc biệt nắm bắt được tính chất của giao thông ở Indonesia, nơi mà hành khách mắc kẹt trong các con phố đông nghẹt người và chỉ có các ojek - những tài xế xe ôm truyền thống mới là lựa chọn tối ưu.

Tờ Jakarta Post viện dẫn, nhờ am hiểu thị trường nội địa, Go-Jek chọn cho mình chiến thuật được xem là phù hợp hơn so với Uber hay Grab. Thay vì sao chép nguyên mô hình chia sẻ xe hơi như Uber, Grab đang làm tại các thị trường khác, Go-Jek lại chú trọng tập trung vào mở rộng mạng lưới các ojek.

Go-Jek ra đời để giải quyết những  vấn đề nhức nhối của giao thông Indonesia, trong khi Grab hay Uber đến thị trường này với tâm thế không để lọt một thị trường tiềm năng. Chính nhờ tầm nhìn rõ ràng hơn, am hiểu thị trường hơn và có nền tảng khách hàng từ sớm hơn nên Go-Jek vẫn giữ cho mình thị phần lớn nhất trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber.

Vào tháng 4-2018, Tập đoàn Allianz của Đức chi nhánh tại Indonesia đã thông qua khoản đầu tư 35 triệu USD cho Go-Jek nhằm hợp tác chiến lược trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tài xế và gia đình họ. Trước Allianz, hồi tháng 2-2018 Astra International – Tập đoàn hàng đầu Indonesia cũng đã rót 150 triệu USD vào Go-Jek. Đây được xem là một động thái tích cực cho hãng cung cấp dịch vụ đi chung xe Indonesia trong bối cảnh đang cạnh tranh quyết liệt trên sân nhà với Grab.

Không chịu thất thế, Grab dự kiến đầu tư khoản tiền 250 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Indonesia trong 03 năm tới nhằm củng cố vị thế ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Gần đây, Grab đã gọi vốn thành công hơn 2 tỷ USD và tung ra quỹ đầu tư Grab Ventures nhằm phát triển các Startup công nghệ trong các lĩnh vực bên ngoài mảng gọi xe. Theo kế hoạch, Grab quan tâm đến các Startup chăm sóc sức khoẻ và phân phối thực phẩm, hàng tạp hoá cũng như những công cụ hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số và các quy trình tự động.

Tham vọng của Go-Jek giờ đây không chỉ dừng ở thị trường Indonesia, co cụm phòng ngự đối đầu với Grab mà còn hướng đến vươn tầm khu vực. Go-Jek mới đây đã tuyên bố sẽ lần đầu tiên mở rộng dịch vụ ra các nước trong khu vực Đông Nam Á, đối đầu với Grab tại nhiều thị trường hơn. Điều này cho thấy hãng tự tin về vị thế tại thị trường Indonesia và tự tin vào kinh nghiệm đối đầu với Grab trên sân nhà sau nhiều năm.

Cạnh tranh thị phần giữa Go-Jek và Grab ở Indonesia còn thể hiện rõ trong các phát biểu của người đứng đầu của hai hãng gọi xe này. Theo Reuters, CEO Go-Jek ông Naiem Makarim cho biết ứng dụng gọi xe Go-Jek hiện dẫn đầu mảng gọi xe công nghệ tại Indonesia với hơn 100 giao dịch cho 20-25 triệu người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, giám đốc Grab tại Indonesia Ridzki Kramadibrata lại khẳng định, Grab mới là bên nắm giữ hoạt động gọi xe công nghệ tại nước này.

Sau khi Grab thâu tóm đối thủ Uber với việc mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3-2018, nhiều chuyên gia nhận định việc này sẽ giúp Go-Jek bớt một đối thủ nhưng thực chất đây là thông tin bất lợi đối với ông lớn gọi xe Indonesia. Liên doanh mới giữa Grab và Uber giờ chỉ còn một mục tiêu duy nhất là giành thị phần của Go-Jek. Thế nhưng, CEO của Go-Jek vẫn bày tỏ sự tự tin, cho rằng thương vụ giữa Uber và Grab là một cơ hội lớn vì ít đối thủ hơn đồng nghĩa con đường phía trước sẽ bằng phẳng hơn và là cơ hội để mở rộng thị phần.

Trên con đường thực hiện tham vọng mở rộng thị trường, Go-Jek đang tìm cách vươn ra các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore. Đầu tháng 8-2018, Go-Jek đánh dấu sự hiện diện tại thị trường Việt Nam khi chính thức triển khai dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP Hồ Chí Minh với thương hiệu Go-Viet, hãng này cũng đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi cho đối tác và khách hàng. 

Kông Anh
.
.