Indonesia tăng miễn dịch chống tin giả

Thứ Hai, 31/08/2020, 22:18
Đội chiếc mũ lông vũ và đeo mạng đính đá, Hoa hậu Lambe Hoaks là một nhân vật mạng xã hội khá nổi tiếng ở Indonesia với nhiều clip chia sẻ cách chống lại tin giả. Cái tên Lambe Hoaks còn có nghĩa là “Môi bịp” theo tiếng Java, cô là gương mặt đại diện cho cuộc chiến chống lại tin tức giả ở Indonesia. Nạn tin giả là thực trạng nổi cộm ở quốc đảo này trong thời gian gần đây.

Năm 2019, các tin giả liên quan đến chính trị đã tăng 61% trước kỳ tranh cử tổng thống ở Indonesia và chúng thường xoay quanh nút thắt về hòa hợp sắc tộc trên đất nước này. Tin giả dẫn đến bạo lực chính trị mà một chuỗi các vụ bạo lực diễn ra năm 2019 đã tái lặp lại một số thảm kịch đẫm máu nhất trong các tôn giáo ít người.

Liên quan đến cuộc chiến chống tin giả, ông Johnny Plate, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông Indonesia (KOMINFO) đã phát biểu rằng ông muốn đất nước mình phải trở thành một “xã hội kỹ thuật số có trách nhiệm, biết chữ, kết nối, hiệu quả” và ông chia sẽ trước báo giới về tầm nhìn của mình để đạt được thành tích đó.

Ông Johnny Plate, Bộ trưởng công nghệ thông tin và truyền thông Indonesia. Ảnh: Posko Malut.

Nhiệm vụ xử lý, phân loại thông tin

Xử lý thông tin gây nhầm lẫn trực tuyến và nâng cao hiểu biết kỹ thuật số là cực kỳ quan trọng khi một quốc gia được số hóa nhanh chóng. Ông Johnny Plate phát biểu: “Sự gia tăng người dùng ồ ạt đã mở ra không gian rộng lớn hơn cho việc tăng cường lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông trên mạng internet (ICT)”. Xuất phát từ thực tế này, Indonesia đã sáng tạo ra “phòng chiến tranh” nhằm giải quyết nạn tin giả. Suốt ngày đêm, hàng trăm nhân viên đã miệt mài tầm soát mạng internet để nhận diện và cấm các tin đồn, ngừng các trang web cờ bạc cũng như đánh sập các trang web khiêu dâm trực tuyến.

Những khách hàng dùng Telegram và LINE (2 nền tảng nhắn tin phổ biến của Indonesia) có thể gửi tin nhắn tới một hộp thoại chống chơi khăm để kiểm tra nếu nghi ngờ mẫu tin đó là giả. Cái hộp này sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các chữ được gửi đi có truy vấn của người sử dụng và tham chiếu nó với cơ sở dữ liệu tin giả của Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông.

Nếu xác định những tin tức đó là giả thì cái hộp sẽ phản hồi bằng những đường dẫn có kèm bài viết chính xác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thống kê lượng người dùng cho công cụ này. Bộ cũng làm việc với Cảnh sát quốc gia Indonesia nhằm xác định những người tạo và phát tán tin giả, chẳng hạn như hù dọa ngân hàng hay những lời nói bóng gió thiếu tế nhị về sắc tộc mà có thể gây nên cơn thịnh nộ.

Ông Johnny Plate trăn trở: “Người dân cần phải nâng cao cảnh giác về các nội dung tiêu cực trên mạng để đón luồng thông tin lành mạnh cho môi trường kỹ thuật số”.

Ngoài những sáng kiến này, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông cũng tiến hành chiến dịch xóa mù kỹ thuật số, cùng các chương trình đào tạo thông qua Siberkreasi (Phong trào xóa mù kỹ thuật số quốc gia, NMDL). Chương trình Siberkreasi bao gồm các chiến dịch và các hội thảo giáo dục trên nhiều chủ đề xóa mù kỹ thuật số khác nhau chẳng hạn như bảo vệ dữ liệu cá nhân căn bản, nuôi dạy con kỹ thuật số và một số chủ đề khác.

Bộ trưởng Johnny Plate cũng nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho sự quan trọng ngày càng tăng của kỹ thuật số cũng như dọn đường cho sự tăng tốc chuyển đổi số. 60% nền kinh tế Indonesia lệ thuộc vào các doanh nghiệp nhỏ và họ cần buôn bán trực tuyến để sống còn. Những doanh nghiệp nhỏ này hoạt động với đa dạng các sản phẩm gồm dệt, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm làm đẹp.

Doanh số đã giảm xuống một nửa kể từ sau khi đại dịch tấn công Indonesia, một dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp cần làm việc trực tuyến hơn. Là một phần của sáng kiến trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông) thì hiện đang có 1 triệu tên miền miễn phí dùng cho các doanh nghiệp và thiết kế trang web.

Bộ trưởng Johnny Plate nhấn mạnh: “Chúng tôi bắt đầu tạo ra các sáng kiến này vì rằng đã nhận thức được tầm quan trọng trong kỹ thuật số các MSMEs điền vào nền kinh tế”. Chính phủ Indonesia cũng đã hợp tác với 6 trang web thương mại điện tử lớn nhất đảo quốc bao gồm Lazada, Shopee và Tokopedia nhằm cho phép các doanh nghiệp nhỏ được cải thiện và bán sản phẩm của họ. Ông Johnny Plate khẳng định: “Bằng việc số hóa những doanh nghiệp này sẽ giúp họ nhanh thích ứng hơn với các thách thức toàn cầu, bằng cách phát triển các nguốn lực nhân sự, đổi mới, cũng như mở rộng mục tiêu thị trường”.

Đào tạo nhân lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số

Với sự chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số thường cũng đòi hỏi thêm nhân tài. Bộ trưởng Johnny Plate giải thích: “Khi người dân đã nhận thức về cách mạng trực tuyến có thể tăng giá trị cho các hoạt động và giải quyết khó khăn của họ thì họ cũng sẽ cần các kỹ năng kỹ thuật số lên một tầm cao mới”. Nhằm cải thiện kỹ năng và tính cạnh tranh của lĩnh vực ICT ở Indonesia, chương trình trao học bổng tài năng kỹ thuật số cho 5 vạn người đã được thành lập trong chính quyền của ông Plate trong suốt mùa đại dịch.

Nhìn chung, chương trình học bổng sẽ được chia thành 7 cấp học, gồm: Học viện tốt nghiệp mới, Học viện trường dạy nghề, học viện trực tuyến, học viện doanh nghiệp kỹ thuật số, học viện chuyên dề, học viện phát triển vùng và học viện giáo viên mã hóa.

Trong đó, học viện trực tuyến là một phần của gói học bổng, nơi chuyên tổ chức các chương trình đào tạo về AI, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây. Học viện này trang bị cho người Indonesia các kỹ năng tương ứng trong lĩnh vực IT. Hay học viện doanh nghiệp kỹ thuật số đã đào tạo cho 22.500 chủ doanh nghiệp nhỏ cách thức tiếp cận khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số. Những sáng kiến này sẽ khuyến khích người dân Indonesia dùng công nghệ kỹ thuật số trong các lĩnh vực chiến lược và giúp đất nước tiến tới mục tiêu nền kinh tế bao trùm.

Sinh ra ở thành phố nhỏ Ruteng trên đảo Flores, ông Johnny Plate được bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng KOMINFO từ năm 2019. Ông nhấn mạnh: “Một nền kinh tế kỹ thuật số sẽ không hoạt động trơn tru nếu như không có sự hỗ trợ của kết nối rộng rãi đặc biệt là các khu vực nông thôn”. Telkomsel (tập đoàn viễn thông lớn nhất Indonesia) gần đây đã loan báo về các kế hoạch mở rộng mạng 4G ở Đông Nusa Tenggara và cả nước đang chi một phần lớn ngân sách cho việc kết nối này. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã có 348.442 km trục cáp quang quốc gia trên khắp quần đảo, với 12.148 km trục cáp quang ở vành đai Palapa.

Dự án vành đai Palapa sẽ bao gồm các khu vực mà những nhà khai thác cho rằng không có tầm vóc thương mại bao gồm cả các vùng nông thôn. Bộ trưởng Johnny Plate hy vọng dự án vành đai Palapa sẽ giúp cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử. Nhưng 12.548 ngôi làng vẫn chưa tiếp cận với mạng 4G. KOMINFO đang có kế hoạch kết nối 100% cho các ngôi làng vào năm 2022 bằng cách hợp tác với nhà khai thác tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng 4G tại các khu vực nông thôn. Ông Plate cũng hé lộ khả năng trang bị mạng 5G vào thời điểm từ 2020 đến 2024.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.