Iran: Hải cảng Chabahar và nước cờ chiến lược

Thứ Năm, 31/01/2019, 13:14
Thời gian gần đây, hải cảng Chabahar nằm ở phía đông nam Iran đang trở thành tâm điểm chú ý. Các khoản đầu tư mạnh tay của New Delhi cho việc phát triển Chabahar mở ra triển vọng thúc đẩy kết nối giao thương giữa Iran, Ấn Độ, các nước Trung Á và châu Âu, qua đó cạnh tranh với hải cảng Gwadar của Pakistan trên bàn cờ chiến lược Ấn Độ Dương.

Động thái này buộc nước láng giềng Pakistan chú ý theo dõi, còn Trung Quốc - quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào Gwadar - đứng trước nguy cơ bị kéo vào một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở tầm khu vực.

Cạnh tranh khu vực

Năm 2003, Iran và Ấn Độ đã nhất trí cùng phát triển hải cảng Chabahar nằm ở Vịnh Oman. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã phải tạm dừng do các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Phải đến năm 2016, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới ký kết một thỏa thuận “bước ngoặt” về cảng Chabahar.

Cuối năm 2017, Iran đã khánh thành cảng Chabahar ở Ấn Độ Dương, mở ra tuyến đường cung cấp chính cho Afghanistan và cho phép Ấn Độ vượt qua đối thủ lịch sử Pakistan. Mới đây, Ấn Độ và Iran cũng ký thỏa thuận ba bên với Afghanistan phát triển hệ thống vận tải và quá cảnh tại cảng Chabahar.

Chabahar cách Ấn Độ 900km và là cảng duy nhất của Iran nối liền với Ấn Độ Dương. Đây được coi là bước đi quan trọng để vận hành tuyến đường vận chuyển chiến lược mới giữa ba nước Ấn Độ - Iran - Afghanistan. Trước đây, mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường Iran, Afghanistan, khu vực Trung Á và vùng Vịnh. Pakistan không cho phép hàng hóa của Ấn Độ vận chuyển qua lãnh thổ của họ.

Bằng cách đầu tư mở rộng cảng Chabahar, Ấn Độ đã giải được bài toán khó nói trên bằng một tuyến đường vận tải an toàn hơn, chưa kể tới cơ hội tiệm cận các thị trường ở châu Âu, cũng như tiết kiệm được thời gian và chi phí kinh doanh.

Việc Ấn Độ liên tục có những động thái đầu tư vào cảng Chabahar được giới quan sát đánh giá mang ý nghĩa chiến lược trước hai đối thủ Pakistan và Trung Quốc, khiến Pakistan tỏ ra lo lắng về sự cạnh tranh từ dòng hàng hóa Ấn Độ chảy vào Trung Á và Afghanistan làm hạ giá thành sản phẩm của Pakistan và đẩy họ ra khỏi các thị trường này.

Trong khi đó, Ấn Độ không hề muốn viễn cảnh Trung Quốc bành trướng tại Ấn Độ Dương bởi trên thực tế yếu tố Bắc Kinh đã hiện hữu tại một số cảng biển từ Myanmar tới Bangladesh và Sri Lanka. Việc “thâu tóm” cảng Chabahar trước giúp New Delhi tạo ra một đối trọng lớn trong khu vực, thay vì để Bắc Kinh biến Chabahar thành “bình phong” giám sát mọi động thái của New Delhi qua Ấn Độ Dương.

Theo dự đoán, Chabahar nhiều khả năng sẽ trở thành “ngòi nổ” cho căng thẳng địa chính trị tiếp theo giữa hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ. Hải cảng Chabahar là đối thủ của cảng Gwadar ở Pakistan, nằm ở cuối Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, trở thành một phần quan trọng của “con đường tơ lụa” cổ xưa kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi.

Việc Ấn Độ đầu tư vào cảng Chabahar đang tạo ra một sự ganh đua thương mại mới trong khu vực Ấn Độ Dương, khi mà cảng Gwadar đang được Trung Quốc tài trợ mở rộng trong dự án “Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan” theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, và trong tương lai có thể được phát triển thành căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Với Iran, hải cảng Chabahar là cửa ngõ quốc tế giữ vai trò hết sức quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Toan tính của Mỹ

Trở thành trung tâm của những cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại khu vực, hải cảng Chabahar hiển nhiên không thể thoát khỏi “tầm ngắm” của Mỹ. Cường quốc này đang từng ngày gia tăng trừng phạt Iran và thậm chí cả những quốc gia có mối quan hệ làm ăn mật thiết với nước này trên nhiều lĩnh vực.

Bất chấp việc giới quan sát gọi cảng Chabahar là “điểm yếu chết người” của Washington và những mâu thuẫn song phương dai dẳng giữa Mỹ - Iran, Washington cho biết sẽ “miễn trừ” cảng Chabahar của Iran, vốn do Ấn Độ hậu thuẫn, khỏi các biện pháp trừng phạt mới, để không cản trở sự phát triển hải cảng này.

Đây thực tế là một động thái vô cùng bất ngờ. Một số chuyên gia tin rằng việc Mỹ đưa cảng Chabahar ra ngoài danh sách trừng phạt có thể biến nó trở thành một trung tâm giao thông lớn, đồng thời sẽ nâng cao vai trò của Iran trong khu vực. Với Iran, hải cảng Chabahar là cửa ngõ quốc tế giữ vai trò hết sức quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị, có ý nghĩa kết nối các hành lang thương mại đi từ Iran ra Ấn Độ Dương rộng lớn. Bên cạnh đó, Iran tin rằng việc phát triển cảng Chabahar với sự hỗ trợ từ nước ngoài là minh chứng cho Mỹ thấy Tehran không còn bị cô lập.

Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ cũng đang toan tính nhiều mưu đồ, trong đó việc làm ngơ trước tầm quan trọng của cảng Chabahar được cho là giúp Ấn Độ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Trung Đông. Hiện tại, sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng Gwadar ngày càng lớn mạnh, trong khi quan hệ giữa Mỹ với Iran vẫn trong trạng thái thù địch. Thế nên, Mỹ buộc phải chọn cách để cho Ấn Độ tiếp tục gia tăng hoạt động tại Chabahar, và sẽ có những động thái tương tự để thúc đẩy điều này với hi vọng hải cảng Chabahar nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc hoặc các nước châu Âu.

Theo giới quan sát, New Delhi đã được Washington “bật đèn xanh” để đầu tư vào Chabahar. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho Ấn Độ biến cảng Chabahar thành “sân sau” để thực hiện tham vọng gia tăng ảnh hưởng khu vực, cũng như là một công cụ chiến lược để Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc.

Việt Dũng (tổng hợp)
.
.