Iraq: Điện ảnh hồi sinh sau chiến tranh

Thứ Hai, 22/04/2013, 19:50

Âm thanh ầm ĩ của máy phát điện, những mớ dây điện giăng tứ tung và sự rối rắm của các chốt kiểm soát an ninh là bộ mặt của hoạt động điện ảnh ở Iraq hiện nay, đó là chưa nói đến tình trạng thiếu không gian cho studio và "khan hiếm" đội ngũ chuyên gia làm phim. Nhưng, những nghệ sĩ như là Sudiq Abbas vẫn cảm thấy hạnh phúc khi quay lại làm việc. Chiến tranh và những lệnh trừng phạt quốc tế đã làm cho phần lớn cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp Iraq - bao gồm ngành điện ảnh - rơi vào cảnh hoang tàn. Trong hoàn cảnh chiến tranh tàn phá, nền điện ảnh Iraq vẫn chưa được nhà nước ưu tiên tài trợ và bộ phim dài cuối cùng được hưởng đặc ân đó là vào năm 1990. Tuy nhiên, các nhà sản xuất phim độc lập vẫn cố gắng đấu tranh để tồn tại.

Sau khi quân đội Mỹ rời khỏi Iraq, ngành công nghiệp dầu mỏ nước này phát triển đến mức cao nhất trong nhiều thập niên qua nhờ vào các hợp đồng hàng tỉ USD với các công ty nước ngoài. Cuộc sống thường ngày ở Iraq đã có những dấu hiệu cho thấy đang dần đi vào ổn định, và nhà nước cho biết đã đến lúc có thể phục hồi tài trợ cho lĩnh vực nghệ thuật nước nhà.

Năm 2013, Bộ Văn hóa Iraq đã tranh thủ được khoản tiền 4,7 triệu USD đủ để tài trợ cho 21 bộ phim truyện dài và ngắn cũng như phim tài liệu đề cập đến các đề tài nhạy cảm như là sự đối đầu giữa hai phái Shiite và Sunni cũng như danh dự gia đình. Ismail al-Jubouri, một quan chức lãnh đạo của Bộ Văn hóa, lạc quan: "Hy vọng chúng tôi có thể phát triển được, bởi vì trong lịch sử điện ảnh Iraq chúng tôi chưa bao giờ sản xuất được 4 phim trong một năm".

Một câu chuyện dài

Vào thập niên 50 thế kỷ trước, điện ảnh Iraq chỉ sản xuất được 2 phim trong một năm với vài phim tài liệu lẻ tẻ. Trong 25 năm cầm quyền của Saddam Hussein, kể từ năm 1979, điện ảnh Iraq - cũng như nghệ thuật, sân khấu và âm nhạc - chủ yếu là công cụ tuyên truyền cho đảng Baath. Lúc đó, các bộ phim chủ yếu tập trung vào cuộc chiến tranh Iraq - Iran (1980 - 1988) mô tả Iraq là phe chiến thắng. Hay mô tả cuộc đời của Saddam Hussein như bộ phim "Những ngày dài".

Thập niên 70 được coi là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Iraq, khi chính quyền cho mở cửa rạp chiếu phim đầu tiên của nước này, tăng cường tài trợ cho các bộ phim dài và kêu gọi các nhà làm phim Arập giúp đỡ. "Cái đầu" là bộ phim màu đầu tiên của Iraq được sản xuất trong giai đoạn này. Faisal al-Yassiri, đạo diễn phim "Cái đầu", là một trong những đạo diễn được hưởng tài trợ từ nhà nước.

Sau khi Mỹ và quân đồng minh tấn công Iraq vào năm 2003, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, kho phim ảnh cùng với tất cả các trang thiết bị làm phim của đất nước bị cướp phá, tiếp sau đó là bạo lực sắc tộc khiến cho tài năng nghệ thuật bị cạn kiệt. Nhưng, với nỗ lực phục hưng nền điện ảnh nước nhà, các nhà làm phim độc lập cũng đạt được một số thành công đáng kể - ví dụ, bộ phim "Đứa con của Babylon" do tư nhân tài trợ nhận được nhiều giải thưởng quốc tế và được chọn là bộ phim chính thức của Iraq tham dự giải Oscar - giải thưởng hàng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ - năm 2011.

Hiện nay, các đạo diễn Iraq rất phấn khởi trước quyết định tài trợ làm phim trở lại cho dù số tiền cung cấp không là bao so với tiêu chuẩn quốc tế. Theo chương trình tài trợ điện ảnh của Chính phủ Iraq, bộ phim dài sẽ nhận được nhiều nhất là 1,25 tỉ dinar (khoảng 1,07 triệu USD). Trong khi bộ phim ngắn - như là "Giọt nước mắt của người đàn ông" - nhận được số tiền ít hơn rất nhiều.

Saad Abdullah, nhà sản xuất phim "Giọt nước mắt của người đàn ông", đánh giá cao quyết định tài trợ phim ảnh của nhà nước. Ông phát biểu: "Tôi cảm thấy họ muốn giúp đỡ chúng tôi. Họ tài trợ không nhiều song chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình".

Một cảnh phim thực hiện trên đường phố Baghdad, ngày 18/10/2012.

Bức tranh lớn

Tuy nhiên, không phải ai cũng phấn khích trước sự tài trợ điện ảnh của chính quyền Iraq. Kasim Abid, người trở về Iraq sau năm 2003 để đào tạo ngành sản xuất phim, cho biết sáng kiến tài trợ thể hiện quan điểm chính trị hơn là khích lệ các nhà làm phim trong nước. Abid nhận định: "Đó là sự tuyên truyền chính trị chứ không vì văn hóa".

Mufid al-Jazairi, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Văn hóa độc lập của Iraq, cho rằng các nỗ lực của chính quyền phải dành cho mọi ngành nghệ thuật. Jazairi nói: "Khi khu vực tư nhân yếu kém, chỉ có nhà nước mới có thể đóng vai trò tài trợ. Chúng tôi cần sự hỗ trợ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật".

Nhiều nhà làm phim, nghệ sĩ và nhạc sĩ cũng phát biểu họ luôn cảm thấy sự miễn cưỡng của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo trong một nhà nước Iraq mới - với các đảng phái Hồi giáo và lực lượng chiến binh luôn muốn áp đặt quan điểm cực đoan của Hồi giáo lên nghệ thuật. Và, cho dù điện ảnh Iraq có phát triển được thì việc chiếu phim cũng là vấn đề gay go. Bởi vì, bất chấp tình hình an ninh có cải thiện nhiều đi nữa thì người dân cũng rất dè dặt khi phải bước đến những nơi đông người.

Trong 90 rạp chiếu phim ở Iraq, 64 rạp tập trung ở thủ đô Baghdad, nay chỉ còn lại vài rạp. Chính quyền Baghdad có kế hoạch xây dựng 3 rạp chiếu phim bên trong khuôn viên Nhà hát Quốc gia, trong đó gồm một sảnh 40 chỗ ngồi dành cho trẻ em với máy chiếu 3D.

Fawzi al-Atroushi, Thứ trưởng Văn hóa Iraq, cho biế đang có kế hoạch sửa chữa 90 rạp chiếu phim và 20 nhà hát, trong đó phần lớn đã bị hủy hoại hay bỏ hoang trong nhiều năm qua do những cuộc tấn công khủng bố. Al-Astroushi cũng cho biết cùng với việc sửa chữa, các tụ điểm giải trí công cộng này cũng nhận được những trang thiết bị hiện đại

An An (tổng hợp)
.
.