Italia: Tỉ lệ tự sát ngày càng cao do suy thoái kinh tế

Thứ Tư, 28/08/2013, 21:30

Giuseppe Sopranzi đã gieo mình xuống lòng biển ngoài khơi miền Trung Italia vào tháng 4 vừa qua. Sau khi thi thể người đàn ông 73 tuổi được phát hiện, em gái và em rể ông đã thắt cổ tự vẫn tại nhà riêng ngay vào buổi sáng hôm đó. Cặp vợ chồng, Annamaria Sopranzi, 68 tuổi và Reomeo Dionisi, 62 tuổi từ lâu đã phải khó nhọc sinh sống nhờ đồng lương eo hẹp vẻn vẹn chỉ vài trăm euro một tháng. Ba vụ tự tử ở Civitanova Marche thuộc miền Đông Italia được cho là các nạn nhân đã không thể vượt qua gánh nặng tài chính gia đình.

Chứng kiến những vụ việc đau lòng như thế, người dân Italia rất bàng hoàng. Sự thật là, những khó khăn trong kinh tế ở Italia đang làm hiện tượng tự tử ngày càng tăng.

Báo cáo mới nhất về nhân quyền toàn cầu năm 2013 cho biết, các vụ tự sát có liên quan đến tài chính đã tăng 40% trong 3 tháng đầu năm nay, so với thời điểm tương tự năm 2012. Một nửa các vụ tự kết liễu cuộc đời là do tình hình kinh tế trong nước bấp bênh và 28% người dân thất nghiệp. Những con số này phản ánh tình hình kinh tế đang ngày càng ảm đạm khắp Italia.

Theo bác sĩ Maurizio Pompili, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa tự sát Bệnh viện Sant Andrea, Đại học Rome, khó khăn tài chính có ảnh hưởng thật sự đến trạng thái sức khỏe tâm thần của người dân: "Chúng tôi nhận thấy rằng có một số người tự sát do khó khăn kinh tế, mất việc làm của mình, thất nghiệp hoặc nợ nần chồng chất".

Nợ quốc gia của Italia khoảng 40 tỉ euro, nguyên nhân được cho là các công ty tư nhân làm ăn thua lỗ, chính phủ Italia đã yêu cầu họ phải trả nợ vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, ông Carlos Dell'Aringa, Thứ trưởng Bộ Lao động Italia cho rằng, tỉ lệ tự tử có thể bị phóng đại: "Người ta nói có sự gia tăng nhưng nó không tồi tệ như người ta có thể tưởng tượng. Khi có khủng hoảng kinh tế, tin tức về một vụ tự sát là điều gì đó tác động đến suy nghĩ của công chúng, tin tức dạng này ngày càng phổ biến trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hơn bao giờ hết".

Công đoàn Italia thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân và biểu tình phản đối Chính phủ.

Pompili thừa nhận ông không thể biết chắc khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chính của sự gia tăng các vụ tự tử, mặc dù ông tin rằng, một doanh nhân buộc phải sa thải nhân viên do khó khăn tài chính sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. "Đặc biệt ở miền Bắc Italia, nơi có thiểu số người dân làm việc cho một doanh nghiệp, có thể là bạn bè, người thân và quan hệ quen biết. Khi doanh nghiệp buộc lòng phải sa thải họ, họ cảm thấy đau nhói tận xương tủy, bởi vì các gia đình khác nhau đang lâm vào khó khăn kinh tế".

Mặc dù suy thoái kinh tế ở miền Nam rõ hơn miền Bắc Italia, do sự "thiếu thốn nghiêm trọng" ảnh hưởng đến 1/4 người dân miền Nam trong năm 2012, nên các tự vẫn cao hơn so với miền Bắc kể từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Alessandro Solipaca, một nhà nghiên cứu kinh tế kiêm thư ký khoa học trung tâm Osservasalute cho biết, tỉ lệ người dân Italia tự sát do khó khăn kinh tế không cao. "Chúng tôi có thể đoán rằng cuộc khủng hoảng này có thể tác động đến tỉ lệ tự tử, nhưng chúng tôi không dám chắc. Người dân Hy Lạp tự sát ít hơn so với Italia, nhưng tình hình kinh tế bi đát hơn Italia".

Hiện tại, Bộ Lao động Italia chưa có chiến lược gì để đối phó với các vụ tự vẫn vì  khó khăn hay bế tắc trong cuộc mưu sinh. Những người dân đang phải đối mặt với khó khăn tài chính nhận được sự ủng hộ của các chính quyền thành phố và hiệp hội thiện nguyện có sự hậu thuẫn của chính phủ,  tuy nhiên "tại thời điểm hiện tại, chính quyền nhiều đô thị than vãn họ không có đủ tiền để hỗ trợ người nghèo. Trong khi đó vai trò của Bộ Y tế đối với vấn đề này vẫn đang ở đâu đó…rất xa.

 "Chúng ta cần phải có chiến lược quốc gia để ngăn chặn tự tử, mỗi một địa phương cần phải có một trung tâm phòng ngừa tự sát” - ông Pompili đề nghị. Pompili cho biết, đường dây hỗ trợ ở Bệnh viện Sant Andrea không thể đáp ứng đủ khối lượng các cuộc gọi, điều đó cho thấy phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân đã được Chính phủ Italia đưa ra để giúp người dân nhận thấy sự tự sát bắt nguồn từ nỗi đau tinh thần không thể chịu đựng nổi" có thể do mất việc làm hoặc doanh nhân làm ăn thua lỗ.  "Tôi tin nỗi đau tinh thần không thể chịu đựng nỗi là nguyên do chính dẫn đến sự tự kết thúc cuộc đời. Khi bạn tuyệt vọng và bạn chẳng còn hy vọng về những gì tốt đẹp có thể đến trong tương lai", ông Pompili xót xa phân tích

Anh Phạm (tổng hợp)
.
.