K-Pop chơi lấn sân J-Pop như thế nào?

Thứ Hai, 03/10/2011, 15:40

Nhật Bản - quốc gia tự hào sản xuất và xuất khẩu nền văn hóa nhạc pop kỳ diệu đang bị nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc dần chiếm lĩnh. Không chỉ phim ảnh Hàn xuất hiện thường xuyên trên truyền hình, mà trong năm 2010 những nhóm nhạc pop Hàn (K-Pop) như Girl's Generation và KARA còn phá kỷ lục doanh thu đồng thời xuất hiện tràn ngập trong những giờ cao điểm của truyền hình Nhật Bản...

Công nghiệp giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là dòng ca nhạc pop, lan ra nhiều quốc gia châu Á song đặc biệt bùng nổ ở xứ sở Mặt trời mọc bởi vì người Hàn biết khai thác những gì mà công nghiệp ca nhạc Nhật Bản tránh xa trong nhiều năm qua. Các nhóm K-Pop trông sinh động và diễn xuất như người lớn thực thụ, trong khi J-Pop (nhạc pop Nhật Bản) thường chỉ nhấn mạnh vào tính cách nhí nhảnh của tuổi thiếu niên.

Năm 2003, mạng truyền hình Nhật Bản NHK phát sóng bộ phim Hàn Quốc "Winter Sonata" nói về một tài năng âm nhạc nổi lên sau một tai nạn ôtô và bị chứng mất trí nhớ. Bộ phim bất ngờ  lôi cuốn khán giả - nhất là lớp người già và trung niên - dán mắt theo dõi. Tiếp theo đó là một loạt những cuộc hòa nhạc theo chủ đề "Winter Sonata" trên đất Nhật. Cùng năm, K-Pop bắt đầu xâm nhập Nhật Bản và đẩy tên tuổi nữ ca sĩ BoA (được coi là Nữ hoàng nhạc pop của Hàn Quốc) lên cao ở nước Nhật. Tiếp bước BoA là hai nhóm nhạc nam TVXQ và Big Bang của Hàn Quốc cũng gặt hái thành công tương tự.

Kể từ đó, K-Pop ra mặt cạnh tranh giành khán giả với J-Pop ngay trên đất Nhật. Tháng 8/2010, KARA và Girl's Generation (cũng được gọi là SNSD, nhất là ở phương Tây) phá kỷ lục trên biểu đồ âm nhạc Nhật Bản với hai đĩa đơn theo thứ tự "Mister" và "Genie". Cả hai đĩa này đã gây sóng gió ở đất Hàn rồi sau đó tiếp tục nổi tiếng ở Nhật Bản sau khi được dịch lời ra tiếng Nhật.

Trong khi những nghệ sĩ phương Tây tiếng tăm như Lady Gaga và Beyoncé chỉ lưu diễn ở Nhật Bản vài lần rồi sau đó biến mất, thì ngược lại K-Pop ăn sâu vào đời sống âm nhạc của nước này. Có thể nói bây giờ KARA và Girl's Generation xuất hiện thường xuyên trên truyền hình Nhật Bản. Năm 2011, hai nhóm nhạc này còn cho ra đời những bài hát chỉ đặc biệt dành cho thị trường âm nhạc Nhật Bản, và họ rất tâm lý khi chỉ hát bằng tiếng Nhật nên có thể hiểu được tại sao họ lại quá nổi tiếng tại Nhật như thế. Trước những thành công liên tiếp của hai nhóm này, các nhóm nhạc Hàn Quốc khác - như 2NE1, Brown Eyed Girls và 2PM - cũng theo chân họ đổ bộ vào Nhật Bản. Sau đó nhóm nhạc nam 2PM được xếp hạng thứ 4 trên Oricon Charts - danh sách xếp hạng âm nhạc hay nhất của Nhật Bản.

Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc KARA.

Ngoại hình cũng đóng vai trò quan trọng, tạo sự khác biệt rõ nét trong nhạc pop của hai quốc gia. Thực tế là K-Pop gợi cảm hơn đối tác J-Pop. Một điều nữa là K-Pop biểu diễn như người lớn, như là Girl's Generation rất nữ tính, ăn mặc gợi cảm và phong cách biểu diễn quyến rũ. Trong khi ca sĩ Nhật Bản vẫn còn ăn mặc như nữ sinh và thiếu sự hấp dẫn giới tính trong biểu diễn.

Mặt khác, Internet cũng giúp K-Pop đánh tan tác J-Pop. Ví dụ, trước khi Girl's Generation và KARA chính thức đặt chân lên đất Nhật, những người hâm mộ tò mò muốn tìm hiểu văn hóa xuất khẩu của Hàn Quốc đã khám phá hai nhóm nhạc này ngay trên YouTube. Chính sự xuất hiện trên Internet như thế đã giúp cho hai nhóm nhạc Hàn Quốc tạo dựng được một lượng người hâm mộ đông đảo trước khi họ đưa âm nhạc của mình đến xứ Mặt trời mọc.

Với lợi thế cạnh tranh của mình, K-Pop đang lấn lướt mạnh J-Pop ngay trên sân nhà của nó. Các nhóm nhạc nữ K-Pop thể hiện hình ảnh phụ nữ hướng về tương lai, còn ở J-Pop là những người của thế hệ cũ không còn hợp thời nữa. Còn về mặt âm nhạc, người ta nhận định rằng các nhóm K-Pop được huấn luyện vũ đạo tốt hơn, trong khi đó J-Pop vẫn mang đậm sắc thái của thập niên 90, thế kỷ trước. Còn một sự khác biệt nữa được thể hiện qua tham vọng - K-Pop muốn chinh phục cả châu Á hay Mỹ, còn J-Pop chỉ muốn thỏa mãn những người hâm mộ trong nước mà thôi và họ cũng  sợ phải mạo hiểm.

Điều người dân Nhật quan tâm không phải là văn hóa Hàn Quốc sẽ làm mưa làm gió trên thị trường Nhật Bản bao lâu nữa, mà là liệu các nghệ sĩ Nhật Bản có sẵn sàng đổi mới hình ảnh của mình hay vẫn cứ giữ mãi phong cách “giả nai”

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.