Nghệ sĩ nhạc rap/hiphop Lupe Fiasco's:

"Kẻ điên loạn" nghệ thuật hoá chính trị... bằng âm nhạc

Thứ Tư, 24/10/2012, 13:50

Đầu tháng 10 vừa qua, nghệ sĩ rap/hiphop Lupe Fiasco đã phát hành album mới "Food and Liquor II: The Great American Rap Album Pt.1" (tạm dịch: Đồ ăn và rượu II - Album nhạc rap hay nhất nước Mỹ, phần 1). Chàng ca sĩ da màu đã mượn âm nhạc để nói về những vấn đề nóng hổi nhất hiện nay.

Lupe gọi đương kim Tổng thống Barack Obama là "quý ông khủng bố", trong khi chia sẻ rất chân thật những suy nghĩ về Mitt Romney. Anh gắn lời ca với vụ ồn ào chiếm giữ phố Wall và những cuộc biểu tình phẫn nộ sau khi bộ phim hạ nhục nhà tiên tri Mohammad xuất hiện. Dù luôn trung lập trong mọi vấn đề vốn nhạy cảm, ca từ của album mới đã vẽ lên một bức tranh thật sự sống động về thế giới chỉ vài tháng qua, cùng lời kêu gọi của cá nhân Lupe về một thế giới tốt đẹp hơn.

Một nghệ sĩ tài năng và bộc trực

Wasalu Muhammad Jaco sinh ngày 16/2/1982 tại Chicago, thường được biết tới dưới nghệ danh Lupe Fiasco, là nghệ sĩ nhạc rap, sản xuất thu âm và doanh nhân người Mỹ. Anh lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em, nhưng thực chất đều là con riêng hoặc trẻ mồ côi được nhận nuôi.

Lupe thừa hưởng tính cách nổi loạn từ người cha, vốn là cựu thành viên của nhóm "Những con báo đen", liên minh Mỹ - Phi theo xu hướng cách tân, đòi quyền tự do cho người da đen giai đoạn 1966-1982. Tình yêu với âm nhạc đến với Lupe tự nhiên khi người cha luôn thể hiện những giai điệu du dương của Tchaikovsky hay những bản hiphop của nhóm NWA. Điều khiến Lupe ấn tượng nhất chính là giai điệu nhanh và "cuồng" của nhạc rap, pha lẫn chất bạo lực mạnh mẽ. Khi còn đi học, anh tự tin biến thơ trên tạp chí của trường thành những giai điệu "bất hủ đậm mùi bạo lực hảo hạng". Năm 19 tuổi, Lupe tham gia nhóm rap Da Pak, ký hợp đồng với hãng thu âm Epic và phát hành đĩa đơn đầu tiên.

Sự nghiệp ca hát bắt đầu bùng nổ khi Lupe gặp nghệ sĩ hiphop Jay-Z ở Chicago năm 2002. Chứng kiến màn rap tự do của Lupe, Jay-Z sững sờ và ngay lập tức mời anh tới New York hợp tác. Lupe từ chối ký hợp đồng với hãng đĩa Roc-A-Fella, giữ chữ tín và tình bạn với Jay-Z, coi nghệ sĩ này là người thân của gia đình. Anh đã mời Jay-Z tham gia buổi trình diễn tại Chicago năm 2003 và làm giám đốc sản xuất album đầu tay sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa Atlantic.

Lupe cũng lấn sân sang kinh doanh bằng cách thành lập Công ty giải trí 1st & 15th, hoạt động từ năm 2001 tới tháng 11/2009. Anh cũng điều hành hai công ty thời trang chuyên thiết kế trang phục biểu diễn, tự sản xuất trò chơi, truyện tranh và các ấn phẩm đồ họa cho bìa album ca nhạc hay dụng cụ thể thao.

Lupe Fiasco đánh dấu thay đổi trong sự nghiệp âm nhạc bằng album Kick-Push (năm 2006). Anh nhanh chóng lấy được niềm tin của các nhà phê bình âm nhạc và người nghe, tiếp tục cho ra mắt "The Cool" (tháng 12-2007). Những ca khúc là bản cáo trạng đầy cảm xúc về xã hội Mỹ cùng những biến chuyển tiêu cực trên toàn thế giới. Phải kể tới "American Terrorist", ca khúc truyền tải những sai lầm về nhận thức người Hồi giáo, thức tỉnh nạn phân biệt chủng tộc và lạm dụng vũ khí trong xã hội Mỹ. Anh nêu ra vấn đề chiến tranh Trung Đông, nạn nô lệ thời hiện đại cùng câu hỏi: "Ai mới thực sự là những tên khủng bố nguy hiểm?".

Chàng ca sĩ da màu Lupe Fiasco được coi là người tiên phong lồng ghép các vấn đề xã hội vào dòng nhạc rap/hiphop và album "Food and Liquor II" là một điểm nhấn thú vị cho ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại.

Cần phải nhắc tới album "Food and Liquor" (9/2006), bao gồm những ca khúc xé tan nhận thức sai lầm của dư luận bằng cái tôi cá nhân đầy phức tạp, mâu thuẫn và đa góc cạnh. Lupe chưa bao giờ e ngại khi luôn trung thực với người nghe bằng những câu hát kiểu như "Tôi chẳng bao giờ cố gắng để thành vĩ nhân. Tôi từng rất ghét hiphop. Đúng thế đấy…".

Chất chứa những suy tư đa chiều về nhiều vấn đề xã hội, Lupe Fiasco đã thành công khi đưa vào ngôn từ giá trị của nhận thức, thu hút một lượng lớn người nghe mọi trình độ. Có thể nói "Food & Liquor" đánh dấu bước ngoặt của chàng ca sĩ da màu, nhen nhóm lên ánh sáng văn minh của một nền văn hóa rap-hiphop đang dần xuống cấp và mở lối tư duy cho những ca sĩ trẻ của dòng nhạc này.

Tranh cãi gay gắt nhất phải kể tới album thứ ba "Lasers" (tháng 3/2011) khi Lupe bị hãng đĩa Atlantic chèn ép và không cho phát hành, khiến người hâm mộ bao vây biểu tình bên ngoài văn  phòng của hãng này tại New York. Để giải phóng Lasers, Lupe đã phải nỗ lực tới mức anh gọi đứa con tinh thần của mình là "quỷ quái ở thời bạo loạn". Anh từng nói không ưa nổi ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại như "vũng bùn lầy". Với Lupe, âm nhạc đã bị thương mại hóa, mất đi giá trị vốn có và không còn mang "chất chơi" của ngày trước khi hạn chế những sáng tạo nghệ thuật dưới sự chi phối của các hãng thu âm.

Nghệ thuật hóa chính trị… bằng âm nhạc

Sự ra đời của "Food and Liquor II" là một điểm nhấn thú vị. Chàng ca sĩ trẻ tuổi tự tin đọc "bản cáo trạng bằng rap" về mọi vấn đề, từ việc những tín đồ Công giáo bí mật xâm hại tình dục trẻ em tại các nhà thờ cho tới tình trạng vi phạm nhân quyền trong chiến tranh ở Afghanistan. Thậm chí, Lupe còn nhắc tới MK-Ultra, một dự án thử nghiệm hóa học phi pháp do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiến hành trên con người trong thập niên 50 và 60 thế kỷ XX.

Anh cho rằng CIA đang lạm quyền và sử dụng chính sách khủng bố để chống khủng bố. Chương trình hoạt động bí mật và không kích, dù tiêu diệt được các mục tiêu chính quyền đề ra, nhưng cũng lấy đi không ít sinh mạng vô tội. Anh lên án chính nước Mỹ, cái nôi của khủng hoảng, và mục tiêu tấn công khủng bố hàng đầu vì những toan tính khi "là quốc gia duy nhất thả bom nguyên tử để tiêu diệt kẻ thù".

Trước làn sóng phản đối bộ phim về nhà tiên tri Mohammad, Lupe cho biết cộng đồng Hồi giáo nên coi đây là cơ hội tốt để nói về những thành tựu lớn lao nhà tiên tri đã gây dựng bằng con đường hòa bình, thay vì tiếp tục biểu tình và lạm dụng vũ lực. "Đây đơn thuần chỉ là một cú chơi khăm của người thiếu hiểu biết, và có lẽ cộng đồng người Hồi giáo đã quá nhạy cảm trong trường hợp này".

Theo Lupe, những cuộc bạo loạn gần đây đa phần là do sự sai lầm trong nhận thức dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và đau đớn dai dẳng. Người Hồi giáo cực đoan đã làm thế giới khiếp sợ. Họ tự nhiên đốt cháy tượng ông Obama chẳng rõ lý do khi mà họ chưa hề gặp Obama, phớt lờ tuyên bố cải cách kinh tế và giữ khăng khăng niềm tin ở khu phố Hồi giáo nghèo đói dai dẳng. Mọi chuyện đều do nhận thức và hành động sai trái bột phát gây nên.

Nói về chính trị Mỹ hiện tại, Lupe sắm vai một chuyên gia phân tích và thẳng thắn phê bình về hai ứng viên tranh cử. "Tôi nghĩ Romney đang dần đánh mất lợi thế. Quyền lực đảng Cộng hòa đang bị đồng tiền chi phối. Truyền thông lại cho Romney quá nhiều cơ hội để trình bày những ý kiến vô nghĩa". Lupe cho rằng Romney đã phạm sai lầm lớn vì "sự cố 47%" sau khi lỡ tuyên bố 47% cử tri ủng hộ Barack Obama là "nạn nhân, bị phụ thuộc vào chính phủ và  chẳng bao giờ đóng thuế thu nhập".

Lupe từng nói Barack Obama là một diễn giả tuyệt vời nhưng các chính sách của ông vô tình đã giết hại nhiều trẻ em. Anh cũng gọi Obama là "quý ông khủng bố" vì những động thái mà anh cho rằng "hoàn toàn mang tham vọng bá chủ thế giới của Mỹ". Anh không muốn bỏ phiếu tại cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, nhưng vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ về hai ứng viên, Obama và Romney, đang chạy đua cho vòng nước rút.

Lupe chưa từng thấy một cá nhân nào "tấn công trực diện" những phát biểu của ông Obama. Anh cho biết từng phỏng vấn rất nhiều người, tuy nhiên họ chỉ bức thiết yêu cầu chính phủ khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế rất bi đát hiện nay. "Tôi lo lắng về chuyện bầu cử bởi lẽ người chiến thắng sẽ nắm quyền cải cách và rồi ông ta sẽ làm Quốc hội náo loạn. Nếu Romney trúng cử, có thể ông ta sẽ tạo ra một thảm họa không thể quên là ném bom Iran".

Người ta từng nghi ngờ liệu có phải vì chàng trai này là người Hồi giáo nên mang những suy nghĩ phiến diện về chính quyền hiện thời. Tuy nhiên, Lupe đã thẳng thắn chia sẻ hoàn toàn không phải vì lý do tôn giáo hay chủng tộc, và anh cũng tôn trọng chỗ đứng trung lập trong các diễn biến chính trị. Anh thường xuyên theo dõi đám người phẫn nộ và tiến trình của các cuộc biểu tình, đưa vào âm nhạc hiện thực xã hội để truyền thông điệp tới người nghe. Và một nghệ sĩ "phi chính trị" cũng không muốn bị lôi vào những khái niệm vô nghĩa như phe cực tả hay cực hữu.

CEO của dòng nhạc rap/hiphop

Lupe mang phẩm chất của "kẻ điên loạn", muốn lật đổ mọi rào cản đã cũ trong âm nhạc và đưa tính chất chính trị rất riêng vào ngôn từ các ca khúc. Nhưng bản chất nổi loạn trong âm nhạc của Lupe chưa bao giờ tách rời một phần tâm hồn yếu đuối và đồng cảm với thế giới. Vỏ bọc cứng rắn và phản đối chính quyền đương thời lại luôn muốn được giúp đỡ người nghèo đói, trao quyền tự quyết cho trẻ em khu ổ chuột và thực hiện chuyến đi lên đỉnh Kilimanjaro để kêu gọi chương trình nước sạch cho người dân châu Phi. Anh lớn lên ở khu phố của bạo lực và nghiệp ngập, bạn bè bị giết hại, phải lấy thú vui là môn trượt ván và nhạc rap để "giải tỏa nỗi đau thể xác và sự kìm kẹp về tinh thần".

Nhiều người cho rằng Lupe Fiasco là đại diện thế hệ kế tiếp, đảm nhiệm vai trò "CEO của nhạc rap". Quả thực, anh chàng đa tài này đã khẳng định vị trí trong ngành công nghiệp giải trí chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện và "gây bão" tại các bảng xếp hạng. Lupe được coi là người tiên phong lồng ghép các vấn đề xã hội vào dòng nhạc rap/hiphop như khủng bố, đạo Hồi, chiến tranh và vũ khí. Lupe chịu ảnh hưởng từ người mẹ trí thức và người cha mang tư tưởng phục hưng. Anh sử dụng hiphop để kể chuyện, vận dụng kỹ năng viết kịch từ lúc còn nhỏ để tạo nên hiệu ứng logic cho ca từ. Lupe tận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trong văn học để sáng tạo nên âm nhạc, đặc biệt là phép ẩn dụ.

Lupe Fiasco luôn quan tâm tới mọi vấn đề xã hội và truyền tải những suy nghĩ rất riêng vào từng câu chữ trong những bài rap tốc độ nhanh. Anh chàng này khiến ngành công nghiệp giải trí trở nên thực sự thú vị. Người ta nhìn thấy ở Lupe hình ảnh một rapper đa diện, hiểu biết về thế giới xung quanh nhưng đôi khi cũng rất mong manh với dáng vẻ của một ca sĩ hát nhạc pop trầm lắng.

Lupe đã gửi gắm toàn bộ quãng thời gian tranh cãi với hãng đĩa Atlantic và những nghệ sĩ khác vào mỗi câu chữ, khiến hình ảnh của anh trở nên nổi bật hơn bao giờ hết: bộc trực và luôn cháy bỏng đam mê. Quyết định chuyển sang ký hợp đồng dài hạn với hãng đĩa Rolling Stones, khẳng định rằng anh sẽ theo đuổi con đường của một nghệ sĩ chân chính. Lupe muốn tạo ra những sản phẩm âm nhạc theo sở thích, có ý nghĩa thay vì mù quáng tìm kiếm thành công bằng những thủ đoạn ngầm trong ngành công nghiệp tỉ đô này.

Với Lupe Fiaso, theo đuổi ca hát là một sự nghiệp "ích kỷ" nhưng cho anh cơ hội thưởng thức nghệ thuật và đam mê. Lupe không tìm thấy cá tính ở cách dư luận đánh giá con người anh; Lupe tự mình đem cá tính cùng khả năng sáng tạo nghệ thuật vào âm nhạc để người nghe thưởng thức và đánh giá. Lupe Fiasco gây dựng tên tuổi bằng những ca từ gây tranh cãi cùng phong cách rap rất tự nhiên.

Lupe dự định phát hành phần hai của album "Food & Liqour II" vào đầu năm 2013. Anh cho biết sẽ lấy ca khúc Atomicness Philosophy (Triết lý về thế giới phi hạt nhân) làm chủ đề với mong muốn mọi chương trình vũ khí hạt nhân sẽ được hủy bỏ vĩnh viễn. "Đây là ca khúc tôi thích nhất trong dự án. Các bạn nên nghe và tự tìm hiểu những cơn thịnh nộ về mọi mặt ở Mỹ, ở cộng đồng người Hồi giáo và ở mọi nơi trên thế giới. Có lẽ sự rối loạn này sẽ là rào cảo lớn nhất mà nhân loại đã, đang và sẽ phải tiếp tục chứng kiến…"

Lâm Anh - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.