Kém định hướng thì lệch chuẩn?

Thứ Bảy, 19/12/2020, 13:04
Lệch chuẩn, loạn chuẩn trong văn học nghệ thuật - vấn đề được nhắc đến nhiều năm trở lại đây tiếp tục được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, văn nghệ sĩ chỉ ra tại hội thảo khoa học toàn quốc “Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại”. Có rất nhiều nguyên nhân và giải pháp đã được chỉ ra nhằm khắc phục tình trạng này.

Loạn sách, loạn thông tin

“Tôi có thể nói rằng đời sống và thị trường văn học nghệ thuật ở nước ta từ đầu thế kỷ XXI đến nay đang có sự lệch lạc. Ai khôn ngoan, tinh nhạy thì gắp được miếng ngon mà mình ưa thích. Ai khù khờ, chậm chạp thì chỉ còn lại ít xương xẩu và nước dùng. Phải nói rằng tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn diễn ra khá phổ biến hiện nay, mà người hứng chịu hậu quả này trước hết là công chúng văn học nghệ thuật, một lực lượng đông đảo vừa là chủ thể tiếp nhận, vừa là trọng tài trung thực nhất và có đủ thẩm quyền phán xét về hệ giá trị văn học nghệ thuật nước nhà trong mọi thời đại”.

Đó là sự ví von có phần chua chát nhưng cũng là nhận định thẳng thắn của nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên khi bàn về thực trạng hệ giá trị văn học nghệ thuật hiện nay.

Cũng theo nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, mặc dù những hạn chế ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong văn học nghệ thuật, trong đó có tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn đã được chỉ ra từ hơn một thập niên qua nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Sự loạn chuẩn và lệch chuẩn ấy trước hết thể hiện ở khía cạnh tư tưởng chính trị trong những sáng tác của nhóm “Mở miệng”, “Ngựa trời”...

Nhiều tác giả trẻ đã lao mình như những con thiêu thân trước ánh đèn, khởi dựng những truyện ngôn tình đầy ủy mị, khổ đau trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi khiến cho nhiều bạn trẻ nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ toàn một màu xám xịt, mất phương hướng và lối thoát trong cuộc sống.

Một số người nhân danh “văn học đại chúng”, “văn chương thị trường” để vừa hạ thấp giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học nghệ thuật, vừa khoét sâu vào mặt trái của xã hội một cách thô thiển, vồ vập cứ như là cuộc sống hôm nay toàn những người xấu, việc xấu, làm xói mòn lòng tin của công chúng. Trong khi đó, biết bao tấm gương xả thân hy sinh vì cộng đồng không chỉ vắng bóng trong tác phẩm văn học nghệ thuật mà đâu đấy còn có kẻ chê bôi, dè bỉu, đánh đồng, cào bằng lẫn lộn giữa lòng tốt và sự vô cảm, giữa cái thiện và cái ác, giữa nhân tính và vô nhân tính.

“Tiệc trăng máu” - một trong số phim Việt ăn khách nhận được nhiều phản hồi tích cực hiện nay.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Vũ cho rằng, hiện nay, tiếp nhận văn học nghệ thuật Việt Nam không đồng nhất và sự đa dạng về thị hiếu thẩm mĩ rất lớn. Nhu cầu giải trí phát triển rất mạnh. Trong khi đó, nhu cầu đến với tác phẩm để tự nâng cao tri thức, nhận thức, tự trau dồi, giáo dục... như trước đây, đang có xu hướng giảm. Không chỉ biến đổi theo hướng đa dạng hóa, sự hình thành các nhu cầu và thị hiếu mới mà còn bộc lộ ngày càng rõ sự khác nhau, sự đối chọi, ngược nhau trong giao tiếp, đánh giá, cảm thụ tác phẩm văn học nghệ thuật, điều mà trong giai đoạn thời chiến ít xảy ra, khi sự thống nhất, đồng nhất chiếm vị trí bao trùm.

Trong giai đoạn hiện nay, khi vai trò của các phương tiện truyền thông ngày càng lớn, kéo theo nó là sự “lên ngôi” của công chúng phổ thông. Thời đại phát triển của truyền thông đã mang đến công chúng nhiều cơ hội, sự lựa chọn. Từ một đời sống văn học nghệ thuật thuần nhất và phần nào nghèo nàn trong khâu in ấn, phát hành, công diễn tác phẩm thì hiện nay chúng ta phải đối mặt với tình trạng “loạn sách”, “loạn tác phẩm”, “loạn thông tin” do có quá nhiều thứ để đọc, để nghe, để xem và chất lượng thì không kiểm soát được kĩ. Có những người trẻ đọc sách theo trào lưu, đọc sách không phải để bổ trợ kiến thức mà chỉ đơn giản là đọc theo phong trào, không cần biết nội dung cuốn sách có phù hợp với mình hay không, hay hay dở, chỉ cần đó là quyển sách “bán chạy nhất”...

“Thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật cho thấy có lúc chúng ta xem nhẹ, có lúc lại đề cao quá vai trò của công chúng, coi những thẩm định, đánh giá của công chúng như một giá trị mà không tính đến những giá trị khác. Trong hoạt động nghệ thuật có thể thấy rất rõ xu hướng coi công chúng là thước đo giá trị nghệ thuật. Quan niệm coi mục đích sáng tạo nghệ thuật để “phục vụ đại chúng” đã ít nhiều hạn chế việc tìm tòi cái mới của nghệ sĩ, đồng thời cũng là sức ì trong tiến trình vận động, phát triển của nghệ thuật. Hiện nay có sự lẫn lộn giữa chân giá trị và ngụy giá trị do đề cao “công chúng phổ thông” - công chúng tiếp nhận tác phẩm một cách cảm tính, theo nhu cầu giải trí mà chưa thật sự chú ý đến quan niệm, ý kiến đánh giá, thẩm bình của “công chúng lý tưởng”, tầng lớp công chúng có trình độ văn hóa cao, am hiểu về văn học nghệ thuật.

Sản phẩm của FAPTV bị chê hài nhảm dù lượng người xem cao.

Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo dục, định hướng, đánh giá thẩm mĩ đúng đắn, kịp thời đã khiến cho thực trạng thưởng thức văn học nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại. Công chúng yêu văn học nghệ thuật, đặc biệt là giới trẻ thường thích đọc truyện tranh, mê xem hình hơn đọc chữ. Trong lĩnh vực âm nhạc, ca khúc đại chúng tung hoành ngang dọc, còn mảng lớn khác như nhạc không lời, hợp xướng... bị bỏ quên. Tấu hài, hài kịch chiếm lĩnh lãnh địa sân khấu. Hiện tượng chạy đua theo trào lưu thế giới được coi là “mốt” của số đông công chúng trẻ...” - ông Nguyễn Vũ khẳng định.

“Lực bất tòng tâm”

Theo TS Đỗ Thanh Nga, sự mai một, hỗn loạn các giá trị truyền thống khiến chúng ta hoang mang, sự khủng hoảng hệ giá trị thẩm mĩ hiện nay có nguyên nhân từ những tác động tiêu cực của truyền thông đa phương tiện. Trước đây, truyền thông giới hạn ở các kênh chính là báo chí, truyền hình, phát thanh mang tính chính thống, tức là qua sự giám sát, kiểm duyệt cả chất lượng nội dung và nghệ thuật. Vì thế, những hiện tượng, sự kiện, nhân vật, sáng tác văn học nghệ thuật qua nhịp cầu truyền thông để đến với công chúng đều theo những chuẩn mực về chân, thiện, mĩ.

Công chúng đón nhận và tiếp nhận những giá trị đó theo những hệ giá trị truyền thống. Mỗi tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa khi được truyền thông quảng bá đều phải mang trong mình những giá trị tư tưởng, giúp định hướng nhận thức, bồi dưỡng tư duy mĩ cảm cho công chúng tiếp nhận. Nhưng khi mạng internet trở thành phương tiện hữu hiệu của truyền thông, các phương tiện truyền thông là sản phẩm của thời đại 4.0 đã mang những sắc màu quyền lực mới.

Chức năng làm truyền thông không còn giới hạn ở những nhà báo, biên tập viên chuyên nghiệp. Sự lan tỏa thông tin từ mạng xã hội. đã khiến công chúng dễ dàng trở thành các nhân vật truyền thông chỉ nhờ một cú click. Rất nhiều hiện tượng văn hóa tự nổi lên trong cộng đồng mạng rồi tự lụi tắt nhưng cũng đã tác động sâu sắc đến nhận thức, hệ tư tưởng đạo đức thẩm mĩ của thế hệ trẻ.

Cũng theo TS Đỗ Thị Thanh Nga, nếu như trong giá trị truyền thống, danh tiếng của các nhân vật làm văn hóa được khẳng định bằng tài năng, những đóng góp tích cực của họ với xã hội thì hiện nay, trong không gian số, thế giới ảo, các giá trị ấy lại được định giá một cách rất ảo. Truyền thông tung hô, đề cao khiến chính nhân vật trong cuộc cũng ảo tưởng về bản thân. Những câu chuyện hài hước nhưng chua chat về các nhân vật như Lệ Rơi, Bà Tưng, Bà Tân Vlog... là những điển hình.

Chỉ cần một đoạn clip tự quay với những chiêu trò lố lăng, tự đăng, tự chia sẻ trên mạng xã hội, họ bỗng chốc trở thành người nổi tiếng nhờ một lượng người theo dõi đông đảo, một lượng tương tác khổng lồ mà phía sau đó có khi có cả sự gian dối, bỏ tiền mua lượt tương tác. Truyền thông chính thống có khi cũng hùa theo cộng đồng ảo. Chưa kể, trong nền kinh tế thị trường, khi trị giá được coi là giá trị, nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao chưa hẳn có sức cạnh tranh với những tác phẩm được chăm sóc về mặt truyền thông kỹ lưỡng.

“Ca sĩ” Lệ Rơi - hiện tượng mạng đình đám một thời.

Trong khi đó, nhiều người làm công tác lý luận, phê bình lại cho rằng, nguyên nhân của tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn hiện nay là do “mảnh đất” dành cho lý luận, phê bình quá hẹp. Viết một bài phê bình một tác phẩm văn học nghệ thuật mất nhiều tâm sức nhưng nhuận bút quá thấp, thậm chí, viết xong không có nơi nào đăng? Nghệ sĩ kiêm cây bút phê bình Trần Lệ Chiến còn chia sẻ rất thật rằng, muốn viết về một chương trình, một bộ phim một cách nghiêm túc thì người viết phải được xem nhưng không phải chương trình nào cũng được mời. Giá vé lại cao. Vì vậy, ít người đầu tư cho lĩnh vực này.

Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn cũng chỉ ra rằng, khi điện ảnh Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường thì nhà sản xuất là bộ não của phim, là nhân vật chính trong các hoạt động điện ảnh. Phần lớn nhà sản xuất chọn làm phim hài với nội dung dễ dãi, lợi dụng sự dễ dãi của khán giả để tạo thành những bộ phim có sức sống trong một thời gian ngắn, đủ để nắm phần thắng về doanh thu. Khi phim làm xong, chuẩn bị ra rạp, họ thuê một đội ngũ đông đảo các cây viết tuyên truyền quảng cáo trên mạng xã hội, kênh truyền thông giải trí, đánh vào thị hiếu tò mò của người xem...

Thực tế, cách làm truyền thông của nhà sản xuất phim cũng là lựa chọn chung của nhiều nhà sản xuất chương trình khác. Vì bỏ ra tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng để làm phim, tổ chức chương trình, phần lớn nhà sản xuất chọn cách chủ động truyền thông theo hướng họ muốn, kể cả book thẳng quảng cáo với các kênh truyền thông chính thống, thay vì mời nhà lý luận, phê bình xem, viết bài.

Chưa kể, như chia sẻ của nhà báo, nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương là nhiều bài viết lý luận phê bình thường nặng tính học thuật. Có những bài viết dài 4.000 từ, báo chí muốn dùng cũng khó...

Minh Hải
.
.