Kenya: Liệu pháp ấu trùng ruồi chữa thương

Thứ Sáu, 26/09/2014, 21:15

Không bao lâu nữa, các bệnh nhân ở Kenya sẽ được chữa trị vết thương bằng những ấu trùng ruồi sau kết quả đạt được từ một cuộc thí nghiệm. Tại một quốc gia mà ở đó người dân phải trả tiền khá cao cho dịch vụ y tế, liệu pháp ấu trùng ruồi hứa hẹn giảm bớt gánh nặng viện phí cho họ.

Bác sĩ Christopher Kibiwot, người tham gia cuộc thí nghiệm tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta, hào hứng kể: "Kết quả rất tốt. Những bệnh nhân phải nằm viện lâu ngày sau phẫu thuật và sử dụng thuốc kháng sinh đắt tiền thì giờ đây có thể xuất viện chỉ sau 2 đến 3 tuần".

Thật ra, phương thức chữa thương bằng giòi đã tồn tại từ thời xa xưa nhưng về sau bị quên lãng khi khoa học khám phá penicillin và thuốc kháng sinh bắt đầu phát triển mạnh vào thế kỷ XX. Trước nguy cơ kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, các bác sĩ buộc phải tìm kiếm những loại thuốc đặc trị khác.

Bác sĩ Kibiwot giải thích: "Về cơ bản, giòi ăn mô chết mà chúng ta gọi là mô hoại tử. Vi khuẩn sẽ không phát triển do sự cạnh tranh nguồn thức ăn của giòi. Đó là một cách để chữa lành vết thương mà không cần dùng đến kháng sinh". Để thu thập được giòi, các bầy ruồi được sử dụng tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Kenya (KARI).

Phoebe Mukiria - nhà côn trùng học ở KARI, phụ trách giám sát sự sinh sản của giòi - cho biết khi ăn mô hoại tử, những con giòi đã "rửa sạch vết thương và chúng không ăn mô sống cho nên bệnh nhân không có cảm giác đau đớn". Về thực chất, theo chuyên gia côn trùng học Mukiria, giòi biến mô hoại tử thành dịch lỏng để chúng hút như là món ăn. Để làm được điều đó, giòi tiết ra nước bọt chứa các hóa chất đặc biệt vào vết thương của bệnh nhân.

Ruồi được nuôi ăn và đẻ trứng trong lồng ở Kari.

Bà Murikia nói rằng: "Giòi được gọi là các nhà vi phẫu thuật đại tài bởi vì chúng có thể xâm nhập đến những vùng mà nhà phẫu thuật bình thường không thể chạm đến được". Những con ruồi ở KARI được giữ trong chiếc lồng hình vuông bọc lưới và được nuôi bằng cám và đường. Những miếng xốp thấm nước cũng được đặt vào trong lồng. Bầy ruồi được ăn uống chán chê sau đó sẽ đẻ trứng, khoảng 3 lần trong tuần, trên miếng thịt thối rữa. Trứng ruồi sau khi thu thập được khử trùng trong muối kết tinh màu xanh sodium hypochlorite và được ấp trong 24 giờ.

Trong khoảng thời gian này, những con giòi nhỏ dài chừng 1mm bắt đầu xuất hiện. Sau đó, giòi được "tắm rửa" sạch sẽ để cho vào những túi nhỏ tương tự như túi trà. Cuối cùng, những "túi giòi" này được cho vào hộp lạnh để chuyển đến bệnh viện. Mukiria cho biết giòi được giữ lạnh có thể sống 24 giờ, và sẵn sàng cho chuyến đi xa.

Ấu trùng ruồi được thu thập và cho vào túi gói.

Tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi, bác sĩ Kibiwot chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân nữ tên Hannah Wagio với liệu pháp giòi do bà không thể dùng thuốc kháng sinh. Theo bác sĩ Kibiwot, ban đầu một số bệnh nhân tỏ vẻ hoài nghi phép điều trị này và thậm chí còn sợ hãi. Nhưng, sau khi được giải thích cặn kẽ về kết quả cũng như thời gian nằm viện được rút ngắn rất nhiều, họ sẵn sàng chấp nhận điều trị.

Bà Wagio bị vết thương hở lớn nơi gót chân gây nhức nhối đến mức không thể bước đi được. Bác sĩ Kibiwot đặt những túi giòi nhỏ vào vết thương thật cẩn thận bởi vì giòi có thể bị chết ngạt và sau đó băng lại. Hai ngày sau, những túi giòi được lấy ra khỏi vết thương của bà Wagio. Bệnh nhân cho biết không còn cảm thấy đau nhức nữa.

Lúc này, những con giòi đã trở nên mập ú do được ăn thỏa thuê mô hoại tử của bệnh nhân! Kibiwot yêu cầu những túi giòi sau điều trị phải được tiêu hủy. Đối với các bệnh nhân nghèo như Hannah Wagio, liệu pháp giòi giúp giảm chi phí điều trị rất nhiều, thời gian nằm viện ngắn hơn và mối lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh không còn là vấn đề nữa. Bà Wagio rất hài lòng với liệu pháp giòi đồng thời mong muốn những bệnh nhân khác cũng được hưởng thành quả y khoa như bà.

Ở Kenya, một giường bệnh viện có giá khoảng 10 USD/ngày và bệnh nhân đều phải tự chi trả viện phí. Trong khi đó, 46% trong số 42,7 triệu dân Kenya sống với chưa đến 1,25 USD/ngày! Tuyệt đại đa số bệnh nhân đến Bệnh viện Quốc gia Kenyatta đều trong hoàn cảnh thất nghiệp. Trong khi bảo hiểm y tế tư nhân chỉ thích hợp cho những người có tiền.

Ấu trùng ruồi sau khi được lấy ra khỏi vết thương của bà Hannah.

Kết quả thí nghiệm liệu pháp giòi ở Kenya - được tài trợ bởi tổ chức hỗ trợ phát triển SlovakAid - đang trong quá trình đánh giá. Hiện nay, gần 20 quốc gia trên thế giới đang sử dụng liệu pháp giòi, trong đó có Anh và Mỹ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FA) công nhận liệu pháp giòi là phương pháp điều trị y khoa hiệu quả trong 10 năm trở lại đây.

Bà Phoebe Mukiria cho biết phòng thí nghiệm của bà ở KIRI có đủ lượng giòi để cung cấp cho các bệnh viện ở Kenya. Cách chữa thương bằng giòi được sử dụng từ nền văn minh cổ Maya và sau đó là các cộng đồng người bản xứ ở Australia. Trong suốt cuộc nội chiến Mỹ, các bác sĩ cũng chú ý đến tính hiệu quả của giòi trong điều trị vết thương cho binh sĩ

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.