Khắc phục hậu quả bão số 9: Tình người nơi tâm bão

Thứ Hai, 12/10/2009, 14:40
Sau khi bão số 9 đi qua, về lại xã Bình Minh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) bây giờ, chúng tôi chỉ có thể dùng được 2 từ để mô tả: tan hoang. Nếu đi từ xã kế cận là Bình Trung qua thì giữa hai địa phương như hai thái cực. Khắp nơi trên địa bàn xã chỉ duy nhất có một màu xám đỏ của bùn đất, bụi, những căn nhà sập đổ và những khuôn mặt chưa hết bàng hoàng của người dân nơi đây.

Tan hoang sau bão lũ

Những ngày bão Ketsana quần thảo, chúng tôi cũng đã có mặt ở Bình Minh, nhưng khi bão qua, nước rút thì sự xác xơ ở vùng quê nghèo mới lộ rõ. Đường về Bình Minh giờ đã bị ngập ngụa bởi bùn đất. Người mới đến Bình Minh sau bão chỉ cần nhìn chớn nước còn hằn lên vách nhà đủ biết trận bão lũ đã nhấn chìm toàn bộ 2.500 ngôi nhà của Bình Minh trong biển nước như thế nào.

Nước rút, những đọt chuối non cao 2-3 mét mà bùn vẫn hằn trên đó. Và cả những cây cột điện nữa, đa phần là ngả nghiêng, gãy gục. Cây nào còn đứng vững thì chằng chịt những rơm và bùn đất...

Vừa cùng chúng tôi chuyển những thùng hàng cứu trợ vào Trụ sở Ủy ban, ông Lê Công Cuộc, Phó chủ tịch xã Bình Minh - buồn rầu: "Xã tui bây giờ gọi là xã bùn chứ Bình Minh hoàng hôn chi anh".

Bùn đã biến mỗi sân nhà của người dân nơi đây thành ruộng sạ lúa; bùn đã nhuộm vàng, nhuộm đỏ tất cả bàn ghế của học sinh hai trường trung học cơ sở và tiểu học Bình Minh; bùn đã biến Ủy ban nhân xã thành ngôi nhà nham nhở, nhếch nhác; bùn đã len lỏi lên tận những chiếc ghế thờ chạm trổ cầu kỳ của người dân.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) giúp dân dựng lại nhà sau bão.

Ông Cuộc nói mà như khóc. Mà không khóc sao được, khi chỉ trong chưa đến 2 ngày, đời sống kinh tế - xã hội của Bình Minh đã lùi về hơn 10 năm trước. Theo địa lý, Bình Minh vốn là rốn lũ ven sông Trà Bồng. Suốt chiều dài 13 km của xã đều chạy dọc sông, lại trũng thấp hơn các địa phương lân cận nên mỗi mùa mưa lũ, xã Bình Minh luôn nằm trong tâm lũ.

Và sự thật, bão số 9 và đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã vượt quá sức tưởng tượng của người dân nơi đây. Trên cây cột báo lũ ở xã ghi khá rõ mức đỉnh lũ của những năm được xem là lớn nhất đối với Bình Minh. Đỉnh lũ cứ tăng dần qua những cái mốc như năm 1995, rồi năm 1998. Đến năm 1999, lũ về xã Bình Minh ghi mức kỷ lục mới đã gây thiệt hại không ít cho nhân dân.

Thế nhưng lần này, đỉnh lũ lại cao thêm 1,8 mét so với đỉnh lũ năm 1999, và còn cao hơn cả đỉnh lũ năm Thìn lịch sử - 1952. Hậu quả của đợt thiên tai "hai trong một" này đối với Bình Minh không thể khắc phục một sớm một chiều.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Bình Minh, ngoài 5 người chết, xã còn có 16 người bị thương, 150 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. 90% trong số 2.500 ngôi nhà của người dân toàn xã bị tốc mái, hư hại. Ngoài ra, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã cũng bị gió bão làm tốc mái, cuốn trôi bàn ghế, tài liệu... Bão lũ đã nhấn chìm tất cả...

Chúng tôi vào Trường tiểu học Số 2 Bình Minh để trao quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Ngãi và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cho các em học sinh mà bước chân như không nhấc nổi. Ngôi trường như một bãi hoang. Cây cối đổ ngả nghiêng. Bùn đất tứ bề. 5 phòng học trống hoác. 327 học sinh lố nhố đứng ngồi bởi mỗi phòng học may ra chỉ còn 2 - 3 bộ bàn ghế.

Nhận gói quà từ tay Đại úy Lê Hải Anh mà mắt cô bé Phạm Thị Nguyên, học sinh lớp 4A chỉ chực khóc. Trên ngực em là phù tang của mẹ - chị Lê Thị Bé vừa mất trong bão số 9. Có  lẽ suốt đời tôi chẳng thể quên hình ảnh về cái chết của người đàn bà 39 tuổi ấy. Chị là mẹ của 4 đứa trẻ đang côi cút trong giá lạnh nơi ven sông Trà Bồng.

Sáng 29/9, bão ập vào Bình Minh, chị Bé vác con sang nhà nội cho an toàn. Chợt nhớ trong nhà còn phi lúa - “chiếc phao cứu sinh” của 5 mẹ con, chị quày quả trở về và xúc ra bao để mang lên chỗ cao hơn. Bất ngờ cả căn nhà đổ ập, vùi luôn người đàn bà xấu số.

Mãi đến chiều hôm sau, khi nước lũ đã rút, dân làng mới moi trong đống đổ nát ấy để tìm xác chị. Chị vẫn nguyên trong tư thế cắm mặt vào phi lúa, tay cầm chiếc mủng. Để duy trì miếng cơm cho con, người mẹ ấy đã phải vĩnh viễn ra đi. Ngày đưa tang chị, thấy đàn con lít nhít đau đớn bên quan tài mẹ, chẳng ai cầm được lòng mình.

Cũng trong những ngày tang thương ấy, tôi đã phải điếng người khi "chạm mặt" một cỗ quan tài khi vừa bước ra cổng trụ sở Ủy ban xã. Nó vừa được nhấc từ bùn đất lên chiếc xe máy để gia đình đưa xác nạn nhân về quê. Chiếc xe máy vẫn nổ, 4 thanh niên đẩy phía sau, hai người kéo đằng trước mà chiếc xe chẳng muốn đi.

Bùn chỉ cách áo quan chừng 20cm! Nạn nhân xấu số ấy là anh Nguyễn Giáp Thành, 21 tuổi, quê tận huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thành là công nhân Khu kinh tế Dung Quất, tranh thủ ngày nghỉ lên Bình Minh thăm bạn và bị lũ cuốn trôi, mãi đến hôm sau mới vớt được xác.

Nhận hung tin từ Quảng Ngãi, chú ruột Thành, ông Nguyễn Giáp Thư tức tốc từ Bình Thuận xuyên mưa bão ra tìm cháu. Chú ngồi bên xác cháu suốt đêm và cả ngày hôm sau những mong nước rút. Xe thì đã thuê nhưng còn ở bên kia sông Trà Bồng, còn hòm thì chưa mua được, phải về tận Châu Ổ mới có, vì tất cả các cơ sở bán áo quan tại Bình Minh này bị bão dìm trong bùn nước cả rồi.

Nhà nghèo nên con mới đi làm ăn xa, cha không thể đi nổi khi nhận tin dữ, người chú thay mặt cha ra mang xác cháu về nhưng tiền thì có 7 triệu đồng mà nhà xe đòi những 10 triệu, suốt đêm ông Thư giải bài toán "thiếu 3 triệu" đến bạc tóc mà vẫn không ra! UBND xã Bình Minh và các nhà báo có mặt hôm đó đã “giải bài toán” khó ấy cho ông. Ông Thư đã nghẹn ngào khi nhận những đồng tiền hỗ trợ từ những tấm lòng nơi đất Bình Minh. Ông bước chậm rãi bên quan tài cháu, nước mắt rơi lã chã, lẫn với bùn lầy!--PageBreak--

Những tấm lòng nhân ái

Dù đã rất nhiều đoàn cứu trợ về, nhưng Bình Minh vẫn đã và đang đối mặt với khó khăn cùng cực. Song, trong sự cùng cực đó cũng đã xuất hiện những tấm lòng nhân ái, những vòng tay vì cộng đồng chìa ra để chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ.

Ngày 3/10, tôi đến nhà anh Võ Đức Mẫn, ở thôn Tân Phước và vô tình biết được gia đình anh đang ăn bữa cơm cuối cùng. Vì sau bữa cơm này, cả nhà anh phải ăn mỳ gói thay cơm. Ăn mỳ gói là chuyện thường tình của gần 10 nghìn người dân xã Bình Minh trong thời điểm này. Nhưng chuyện gia đình anh sẽ ăn mỳ gói gắn với một câu chuyện cảm động của tình làng nghĩa xóm.

Ngay trong những ngày bị bão lũ uy hiếp, đe dọa, vợ chồng, con cái anh thay phiên nhau nấu cơm để tiếp tế cho bà con phía bên dưới đang đói lả vì không còn lương thực thực phẩm. Lũ rút, hơn 1 tạ gạo dự trữ để thợ ăn làm nhà của gia đình anh cũng hết sạch.

Hết gạo cũng là lúc cái khó khăn nhất của bà con vùng lũ cũng đã qua nên nghĩa cử đầy tình người của gia đình anh Mẫn thật ý  nghĩa. Bữa cơm hôm ấy chỉ có chén mắm và đĩa mít non luộc, anh Mẫn san sẻ cho các con và tâm sự: mình khổ 1, người khác khổ 10. Những lúc khốn khó họ mới cần mình giúp, chứ bình thường ai lại ăn cơm nhờ người khác.

Về vùng lũ, người viết bài này còn biết được nhiều câu chuyện cảm động khác được bà con tự hào kể lại, giúp họ có thêm sức mạnh và niềm tin để vững vàng vượt qua khó khăn hoạn nạn. Dù phải đối mặt với khó khăn trăm bề nhưng người dân Bình Minh cũng đã và đang tập trung mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả.

Ngoài việc thiếu ăn, thiếu mặc, xã Bình Minh còn đối mặt với khó khăn lớn nhất là lượng bùn đất phủ kín khắp mọi nơi. Do đó việc dọn bùn, sắp xếp lại nhà cửa đang là ưu tiên hàng đầu sau chuyện ăn, chuyện mặc. Do cúp điện, thiếu nước nên những chiếc máy chạy xăng này trở thành cứu cánh của bà con vùng lũ.

Các Y - Bác sĩ Bệnh viện 19/9 tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân xã Bình Minh.

Những ngày qua, nó được người dân đưa đi hết nhà này đến nhà khác để làm nhiệm vụ lau rửa nhà cửa khỏi tình trạng bùn đất chen kín mà chủ nhân của nó không nhận đồng thù lao nào.

Bên cạnh tình thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau của bà con vùng lũ thì ở Bình Minh bây giờ đi đâu cũng thấy sự có mặt của 100 chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi và 100 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) - những người đầu tiên có mặt tại xã Bình Minh ngay sau khi lũ vừa rút.

Tại đây, sau khi dọn rửa các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, họ tỏa đi các ngã đường, đến các thôn xóm để giúp bà con khắc phục hậu quả. Họ bắt đầu giúp từ những gia đình bị thiệt hại nặng, các hộ gia đình chính sách, người già neo đơn đến các gia đình khác thu dọn đồ đạc, dọn rửa nhà cửa, đẩy bùn đất ra bên ngoài.

Sự có mặt kịp thời của những người lính đã góp phần đắc lực vào việc giúp bà con vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Chưa bao giờ sức mạnh của tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tình hàng xóm láng giềng được phát huy một cách mạnh mẽ như hiện nay ở vùng tâm bão này.

Bé Phạm Thị Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng sau cú sốc do bão số 9 gây ra với gia đình em.

Chị Nguyễn Thị Mai, ở xóm Nhì Tây, thôn Tân Phước nói: Công an với Bộ đội là tuyệt vời. Không có các chú ấy, dân Bình Minh không biết làm sao. Thật tội, quần quật giúp dân cả ngày, từ nhà này sang nhà khác mà tịnh không nhận bất cứ quà cáp gì từ nhân dân, dù chỉ là phong kẹo. Các anh là cứu cánh thật sự của chúng tôi...

Những ngày sau bão, Công an huyện Bình Sơn cũng đã phối hợp với Bệnh viện 19/9 - Bộ Công an tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hướng dẫn tiêu độc khử trùng, giữ gìn vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh cho hơn 300 hộ dân nơi đây. Đó là việc làm cần thiết, bởi lẽ, nhiều người dân Bình Minh đã kiệt sức sau nhiều ngày chống chọi với thiên tai. Họ đang cần lắm sự sẻ chia từ mọi miền Tổ quốc...

Võ Thanh Việt
.
.