Khách sạn vũ trụ giá thuê phòng… 792.000 USD/đêm!

Thứ Ba, 31/07/2018, 13:56
Ý tưởng này không phải là quá xa vời nhưng những người hoài nghi nói rằng kế hoạch khởi nghiệp của ai đó có thể là “quả bóng thử nghiệm” nhằm xem có bao nhiêu phi hành gia muốn đăng ký tham gia. Khách sạn vũ trụ trong tương lai sẽ là loại hình du lịch lý tưởng, thỏa ước vọng của bao người.

Quý vị có muốn được 1 lần thử cảm giác khác lạ ở đó không? Hãy tiết kiệm đủ 792.000 USD để được bay vào vũ trụ.

Phải có “thần kinh thép” và cực giàu

Trạm Aurora, “khách sạn hạng sang đầu tiên trong vũ trụ” đang chờ đợi quý vị thưởng ngoạn. Đặt trụ sở ở Houston (Texas, Mỹ), Công ty Orion Span Inc. hy vọng có thể phóng trạm mô-đun đầu tiên vào cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ chào đón những vị khách đầu tiên, 2 phi hành gia sẽ đồng hành trong mỗi chuyến du ngoạn này.

Cấu kiện này sẽ bay vào quỹ đạo phía trên trái đất khoảng 322km, mỗi chuyến bay sẽ chở theo 6 vị khách. Con tàu sẽ bay quanh trái đất trong 12 ngày với tốc độ cực cao, giúp khách thỏa thích chiêm ngưỡng 384 tuyệt cảnh bình minh và hoàng hôn.

Một chuyến bay như vậy nghe có vẻ như đọc một tiểu thuyết giả tưởng. Nhưng giờ đây, trong thời đại của SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic, ý tưởng về một công ty tư nhân sẽ khởi động một khách sạn trên quỹ đạo nghe cũng dễ như nhìn thấy ai đó đang đi bộ trên phố.

Cựu kỹ sư phần mềm Frank Bunger, là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Orion Span, phát biểu chắc nịch: “Chúng tôi muốn đưa con người vào vũ trụ vì đây là phòng tuyến cuối cùng cho nền văn minh của chúng ta”. Dĩ nhiên, các chuyến bay của Orion Span không dành cho mọi người: khởi động bay và quay trở lại địa cầu chắc chắn không dành cho những người yếu tim!

CEO Frank Bunger nhấn mạnh: “Chúng tôi không bán ồ ạt các chuyến bay vào không gian mà chỉ đơn giản là bán các trải nghiệm dành cho khách như một phi hành gia thực thụ. Có những người sẵn sàng trả tiền để được bay”. 

Tiêu chí đầu tiên của một du khách muốn bay vào vũ trụ, là phải trải qua những giới hạn thể lực tối thiểu. Chuyến bay kéo dài 12 ngày sẽ có mức giá là 9,5 triệu USD cho mỗi hành khách, trung bình 1 ngày đêm họ phải móc hầu bao 791.666 USD! Theo CEO Frank Bunger thì trạm Aurora là một mô-đun cao khoảng 4,3m.

Trạm sẽ chứa được 4 khách cộng thêm 2 thành viên phi hành đoàn. Công ty Orion Span Inc. yêu cầu khách đặt cọc 80.000 USD, số tiền này sẽ được hoàn trả đầy đủ sau khi khách kết thúc chuyến đi.

Khách sạn vũ trụ Aurora Station của NASA sẽ đi vào hoạt động năm 2021.

Orion Span đang đánh giá các nguồn tài trợ tiềm năng để đảm bảo các hoạt động trên mặt đất nhưng họ không tiết lộ cần bao nhiêu tiền để tài trợ cho dự án này, theo lời nữ phát ngôn viên của công ty. Sự hoạt động của Orion Span phản ánh một loại hình công ty mạo hiểm đã phát triển ổn định trong vòng một thập niên qua, nó có lợi thế bởi chi phí khởi động giảm và sự đa dạng của các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Kể từ năm 2015, các công ty vũ trụ khởi nghiệp đã thu hút số tiền đầu tư lên tới 7,9 triệu USD, theo công bố mới nhất của công ty tư vấn Bryce Space & Technology LLC.

Ông Phil Larson, nguyên cố vấn chính sách không gian dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông hiện đang làm việc cho Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk (Hợp tác xã công nghệ thám hiểm vũ trụ, SETC), phát biểu: “Việc thương mại hóa LEO (quỹ đạo trái đất tầm thấp) là một viễn cảnh kỳ thú nhưng nó cũng đòi hỏi phải xác định xem ý tưởng nào là quan trọng hơn”.

Công nghệ độc quyền và chính sách hạ giá thành

Ông Phil Larson giờ đây đang giữ chức Phó trưởng khoa và thành viên của Hội đồng tham mưu Cao đẳng kỹ thuật và khoa học ứng dụng Boulders (Đại học Colorado). Công ty Orion Span hiện vẫn chưa ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ khởi động tàu vũ trụ cũng như cho các chuyến bay đầu tiên nhằm xây dựng nhà ga cho các chuyến bay của khách hàng.

Ông Phil Larson cho rằng: “Khung thời gian 4 năm cho việc triển khai dự án của Orion Span có thể xem là một mưu đồ thương mại, thị trường nào đủ khả năng cho các dự án như thế này?”.

Ông Van Espahbodi, đối tác quản lý của Starburst Accelerator LLC (một công ty mạo hiểm và tư vấn), bật mí rằng mối quan hệ công chúng đứng đằng sau Orion Span có thể là một giải pháp hiệu quả nhằm giúp công ty thu hút thêm kinh phí. Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc công nghệ và Giám đốc điều hành của Orion Span đều là các cựu nhân viên của NASA. Orion Span khẳng định họ đã “phát triển công nghệ thích hợp độc quyền nhằm đẩy mạnh việc thu hút kinh phí dành cho thiết kế và chế tạo trạm vũ trụ”.

CEO Frank Bunger tiết lộ rằng các thiết kế của Orion Span dựa trên những cấu hình tên lửa hiện đang hoạt động chẳng hạn như Arianespace, SpaceX và United Launch Alliance. Công ty cũng có những mối quan hệ đối tác với cơ quan vũ trụ của Chính phủ Mỹ.

Công ty khởi nghiệp Bigelow Aerospace LLC được sáng lập bởi tỷ phú Robert Bigelow đã triển khai một mô-dun tàu vũ trụ cao 2,4 m, nặng 1.360kg đặt trên ISS vào tháng 5 năm 2016. Tháng 10 năm 2016, NASA đã mở rộng thời hạn hoạt động 2 năm cho mô-đun (dùng làm kho lưu trữ) và là một phần của ISS cho đến năm 2021. Hay Axiom Space LLC (công ty có trụ sở ở thành phố Houston cũng do các cựu nhân viên của NASA điều hành) hiện đang có kế hoạch phóng các mô-đun cư trú kết nối với ISS.

Công ty World View Enterprises Inc. (trụ sở ở Arizona) đang phát triển một hạm đội các “bệ tầm cao” gọi là “Stratollite”, chúng giống như những quả bóng lơ lửng ở rìa vũ trụ. Stratollite dùng cho các hoạt động truyền thông, giám sát, dự báo thời tiết, nghiên cứu khí quyển và các ứng dụng khác. Tuần qua, Công ty World View nói rằng họ đã quyên góp được số tiền 48,5 triệu USD.

Trước khi phóng vào vũ trụ, hành khách của trạm Aurora sẽ trải qua 3 tháng huấn luyện, bắt đầu bằng các khóa học trực tuyến nhằm tìm hiểu các thông tin về “chuyến bay vũ trụ căn bản, cơ học quỹ đạo và môi trường áp lực trong vũ trụ”. Các khách hàng cũng sẽ trải qua những bài tập thể lực trên hệ thống tàu vũ trụ và huấn luyện dự phòng tại cơ sở của Orion Span ở Houston.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.