Khai thác kim loại quý từ rác thải

Thứ Hai, 11/07/2011, 08:40

Nhu cầu về kim loại quý được sử dụng trong chế tạo linh kiện điện tử đang bùng nổ, song chỉ có vài quốc gia kiểm soát nguồn cung cho thế giới. Nước Đức đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu bằng cách khai thác kim loại ngay từ rác thải hàng ngày.

Nếu như rác thải điện tử được tái chế có hệ thống, các công ty chế tạo thiết bị điện tử có thể bù đắp được phần nào nhu cầu kim loại quan trọng để phục vụ cho sản xuất trong tương lai của họ. Ngoài ra, họ sẽ không còn phụ thuộc vào số quốc gia cung ứng như là Australia, Brazil hay Trung Quốc. Máy cạo râu, máy sấy tóc và lò nướng bị bỏ xó không dùng đến hay thường bị ném ra bãi rác, cuối cùng đi đến lò đốt rác và cả một kho tàng kim loại quý thật sự nhanh chóng tan thành khói! Ví dụ, mỗi tấn điện thoại di động - khoảng 10.000 chiếc - bị xúc vào lò đốt rác chứa 150kg đồng, 5 kg bạc và độ chừng 100gr palladium.

Thế hệ mới của điện thoại thông minh và laptop liên tục được tung ra thị trường, do đó vòng đời của các model cũ ngày càng ngắn hơn. Đồng thời nhu cầu đối với những kim loại có giá trị cao càng tăng nhanh theo.

Theo Armin Reller, Giáo sư hóa học và chuyên gia về tài nguyên của Đức: "Những gì chúng ta đang cần hiện nay là một chiến lược thu gom phế liệu". Do đó hệ thống hiện tại (vốn đã tồn tại ở Đức trong 6 năm qua) rõ ràng cần có sự cải thiện. Như trường hợp tại nước Đức hiện nay, người tiêu dùng có thể vứt bỏ mọi thiết bị điện tử đã qua sử dụng của mình tại 1.500 địa điểm thu gom công cộng. Sau đó, công nhân nhà máy có nhiệm vụ phân loại rác thải điện tử ra thành 5 nhóm riêng biệt. Khi đầy một container, thông báo sẽ được gửi đến EAR, nơi tổ chức thu gom mọi thiết bị đã qua sử dụng và tiến trình xử lý tiếp theo. Mọi nhà sản xuất bán thiết bị điện và điện tử ở Đức được yêu cầu đăng ký với EAR - có khoảng 8.000 doanh nghiệp hiện đã đăng ký.

Trong tương lai, khoảng năm 2015, chính quyền Đức sẽ cho triển khai sử dụng loại thùng rác gia đình  có mã màu dùng để chứa nhiều loại rác khác nhau như là giấy, kính và chất dẻo. Stefan Gath, chuyên gia về rác thải và tài nguyên thiên nhiên Đại học Giessen miền Tây nước Đức và đội của ông sử dụng máy khoan lớn khoan thủng một lỗ sâu chừng 20 mét tại hố rác bỏ phế (hoạt động từ năm 1982 đến 2004) ở thành phố Hechingen miền Tây Nam nước Đức. Ngoài giấy, chất dẻo và kính, họ còn tìm thấy số lớn kim loại: từ muỗng súp cho đến cả những chiếc máy khoan điện. Giáo sư cho rằng những hố rác bỏ phế như thế này chứa khoảng 30 đến 50 triệu euro kim loại phế thải

An Di (tổng hợp)
.
.