Khẩu chiến xung quanh “Mộ Tào Tháo”?

Thứ Bảy, 09/01/2010, 16:20
Ngay sau tuyên bố của Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam (Sở Nghiên cứu văn vật khảo cổ tỉnh Hà Nam) về việc đã tìm thấy và khai quật thành công mộ Tào Tháo, nhiều cuộc tranh luận khá quyết liệt giữa các nhà sưu tầm, nghiên cứu, sử học, khảo cổ và người am hiểu lịch sử đã nổ ra cả trên mạng, blog lẫn các trang viết ở nhiều tờ báo trong và ngoài Trung Quốc.

Một số người cho rằng, với những gì được tìm thấy và công bố chưa đủ để chứng minh, đã tìm thấy mộ Tào Tháo. Nhiều người cho rằng, việc đưa ra quan điểm trái chiều, hay phản biện càng chứng tỏ mối quan tâm, cũng như thái độ cẩn trọng trước một vấn đề nhạy cảm, mang tính lịch sử. Điều này cũng chứng tỏ, vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi 6 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, không giống với sử sách và từng bị xâm phạm trước khi cơ quan chức năng chính thức khai quật. Đây là quan điểm của Giáo sư Viên Tế Hỉ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Trường đại học Nhân dân, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về đời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều. Giáo sư Viên Tế Hỉ cho rằng, những cổ vật được tìm thấy có thể là giả và không đủ sức thuyết phục để khẳng định đây là mộ của Tào Tháo.

Ông Viên Tế Hỉ còn nhấn mạnh, vị trí của ngôi mộ không giống với những gì đã ghi trong sử sách thời kỳ đó. Giáo sư Viên Tế Hỉ thậm chí còn khẳng định, những chứng cứ được công bố đều không thuộc cấp một nên không đủ sức thuyết phục. Hơn nữa, ngôi mộ này từng bị đào trộm nhiều lần, do đó những thứ được tìm thấy còn rất ít.

Nhà nghiên cứu Nghệ Phương Lục (bên phải) trả lời phỏng vấn trong một chương trình truyền hình và cuốn "Lịch sử những kẻ đào trộm mộ" của ông.

Ngoài ra, những di vật được coi là có sức thuyết phục như "Ngụy Vũ Vương thường dùng cách hổ đại kích" - binh khí của Ngụy vương sử dụng, rất khó giám định là thật hay giả. Giáo sư Viên Tế Hỉ cũng không loại trừ khả năng, những thứ được tìm thấy trong mộ hoàn toàn có khả năng do người ta cố ý đặt vào với mục đích gây sốc! Để minh chứng cho những luận điểm đưa ra, Giáo sư Viên Tế Hỉ chỉ rõ, phần ghi chép về Ngụy Vũ Đế trong phần Ngụy thư của Tam Quốc chí chỉ là tài liệu mang tính tham khảo, không phải là bằng chứng thực sự.

Giáo sư Viên Tế Hỉ còn nói, những chứng cứ thực sự chứng minh được ngôi mộ nào là thật, đang quàn thi hài Tào Tháo đều không còn. Ngoài ra, ngôi mộ mới được phát hiện tọa lạc ở một nơi không phải Nghiệp Thành, chẳng phải Lạc Dương, không có bằng chứng chứng minh có liên quan tới Tào Tháo.

Giáo sư Viên Tế Hỉ còn viện dẫn việc phát hiện mộ của Tào Thực, con trai Tào Tháo ở Ngư Sơn, Sơn Đông được toàn bộ giới học thuật công nhận bởi có rất nhiều chứng cứ cấp một chứng minh - những hiện vật khảo cổ và di vật được tìm thấy ở đây đều rất nguyên vẹn và đầy đủ.

Thứ hai, sự đồng tình của giới chuyên môn. Quan điểm của Giáo sư Viên Tế Hỉ được Giáo sư Cao Mông Hà, Phó chủ nhiệm Khoa Khảo cổ và Bảo tàng Trường đại học Phúc Đán ủng hộ. Giáo sư Cao Mông Hà đề nghị lấy mẫu ADN từ chiếc xương sọ Tào Tháo được tìm thấy trong mộ  so sánh với hậu duệ của ông.

Giáo sư Cao Mông Hà cho rằng, hiện tại chỉ nên coi đây là những nhận định sơ bộ, chứ chưa nên đưa ra khẳng định. Có một thực tế đáng quan tâm, đó là hiện người ta không rõ gia phả Tào Tháo do ai hoặc cơ quan nào quản lý, nên việc tìm người thực sự là hậu duệ của Ngụy Vũ Đế không phải dễ làm.

Bên trong mộ Tào Tháo.

Nhưng có người lại cho rằng, việc tìm kiếm hậu duệ của Tào Tháo không khó bởi ông có 6 vợ được ghi vào sử sách cùng 25 người con. Con cháu Tào Tháo là những người có tên tuổi, hơn nữa sống rải rác khắp nơi, do đó việc lấy mẫu ADN của họ khá thuận lợi.

Chuyên gia phân tích cổ vật Mã Vị cũng cho rằng, cần phải tìm hậu duệ của Tào Tháo để xét nghiệm ADN. Mã Vị cho biết, tấm bia đá và gối đá khắc tên Ngụy Vũ Vương được đưa ra làm bằng chứng không phải do các nhà khảo cổ trực tiếp lấy từ ngôi mộ, chúng được lấy từ tay những tên mộ tặc.

Nhà nghiên cứu Nghê Phương Lục, tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng "Các vụ đào trộm mộ" và "Lịch sử các vụ đào trộm mộ cổ Trung Quốc" cho biết, lăng mộ các đế vương Trung Quốc thường có tấm bia ghi rõ thân phận của chủ nhân.

Nhưng tấm bia này không có trong số hơn 200 di vật được tìm thấy bên trong ngôi mộ, rất có thể nó đã bị đánh cắp. Một số học giả khác cũng cho rằng, với những gì đã tìm thấy chỉ nên dừng lại ở giả thuyết, chưa đủ chứng cứ thuyết phục để khẳng định, đó là mộ của Tào Tháo.

Tấm bia đá với dòng chữ "Ngụy Vũ Vương "

Thứ ba, sự phản kích của "khổ chủ". Mặc dù cách lập luận của các giáo sư và giới chuyên môn kể trên khá thuyết phục, nhưng ông Phan Vệ Bân, người đứng đầu nhóm khai quật đã bác bỏ những nghi ngờ này chỉ đơn giản vì ông cho rằng họ không thuộc giới khảo cổ và là người am hiểu sâu vấn đề này.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam Tôn Anh Dân, người đưa ra tuyên bố ở buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm 27/12/2009 cho biết, sẽ tiếp tục công tác khai quật để chứng minh cho những điều đã nói.

Ngoài ra, sẽ nhanh chóng đưa ra đề án quy hoạch và chính quyền địa phương sẽ căn cứ trên tình hình khai quật để xây dựng bảo tàng lâu dài, cũng như phát triển những nghiên cứu đi kèm. Chính quyền tỉnh Hồ Nam và huyện An Dương dự định sẽ mở cửa khu mộ cho công chúng vào thưởng lãm.--PageBreak--

Nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ cũng cho rằng, vị trí của ngôi mộ chỉ cách Nghiệp Thành vài cây số hoàn toàn phù hợp với câu nói "đa nghi như Tào Tháo". Ông Lưu Khánh Trụ còn khẳng định, những di vật được tìm thấy trong ngôi mộ, lưu giữ thời đại Tào Tháo đã sống có ý nghĩa quan trọng để giới chuyên môn tham khảo. Quan điểm này được Giám đốc Viện Khảo cổ Hà Nam, ông Hách Bản Tính và 2 chuyên gia Chu Thiệu Hầu, Hàn Quốc Hà ủng hộ.

Ông Hách Bản Tính cho rằng, ngôi mộ được xây theo kiểu cách và quy mô dành cho Hoàng đế. Hơn nữa, thực tế cũng chứng minh điều Tào Tháo, vị Vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã đưa ra quan niệm "bạc táng" - chôn cất đơn giản - ngôi mộ được xây dựng trên một vùng đất khô cằn, không có gò đống, không thể trồng bất cứ cây gì trên đó và không có vàng bạc châu báu chôn cùng.

Chiếc xương sọ được các nhà khảo cổ cho là của Tào Tháo tìm thấy trong khu mộ.

Tuy qua đời với tước hiệu Ngụy Vũ Vương (15/3/220), nhưng mộ của Tào Tháo vẫn được coi là Hoàng lăng bởi sau khi con trai Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, lập nên nhà Ngụy, xưng là Ngụy Văn Đế đã truy phong ông là Thái tổ Vũ Hoàng Đế, tức Ngụy Vũ Đế.

Thứ tư, thông tin gây sốc về Tào Tháo. Dư luận rất quan tâm tới thông tin cùng những tư liệu của ông Nghê Phương Lục, nhà nghiên cứu về những vụ mộ tặc, nhất là thời cổ tại Trung Quốc  đối với Tào Tháo bởi dưới mắt ông Ngụy Vũ Đế là "ông tổ nghề mộ tặc".

Theo ông Nghê Phương Lục, Tào Tháo là thủ lĩnh trong nghề mộ tặc từ khi còn trẻ. Để đưa ra nhận định này, ông Nghê Phương Lục đã dẫn ra khá nhiều sách cổ (Tam Quốc chí, Tam Quốc diễn nghĩa...) cũng như các thư tịch (cả chính sử lẫn dã sử thời Tam Quốc).

"Ngụy thị xuân thu" của học giả Tôn Thịnh thời Đông Tấn được coi là cuốn sách đề cập khá đầy đủ về chuyện Tào Tháo hành nghề mộ tặc. Danh hiệu "Trộm mộ Trung lang tướng", "Vơ tiền Hiệu úy" được tác giả đặt cho Tào Tháo sau khi miêu tả chi tiết việc ông thống lĩnh thuộc hạ hành nghề mộ tặc, cũng như công nhiên đánh cướp lăng mộ của những người có tên tuổi trước đó.

Trong tác phẩm "Kiến An thất tử" - 7 "người hùng" của những năm Kiến An, văn nhân Trần Lâm đã miêu tả khá kỹ hoạt động mộ tặc của Tào Tháo và đàn em. Kể cả khi trở thành tướng cầm quân, Tào Tháo vẫn thành lập "đội chuyên đào trộm mộ cổ". Thi nhân Tô Đông Pha từng dùng điển cố kể trên để đưa vào tác phẩm "Du thánh nữ sơn thi".

Những câu chuyện về đề tài này càng trở nên phổ biến về sau và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người không coi trọng Tào Tháo. Đây là một cách nhìn khá đặc biệt về Tào Tháo, khác hẳn sự nhìn nhận ông với tư cách là thiên tài quân sự, nhà thơ lớn và chính trị gia nổi tiếng cuối đời Đông Hán.

Thứ năm, cơ sở khoa học. Trước khi tiến hành khai quật mộ Tào Tháo, người ta đã tính tới việc dùng kỹ thuật cao để phục dựng hình dáng trước đây của ông. Điều đáng nói là sử sách Trung Quốc tuy ghi chép khá nhiều về Tào Tháo, nhưng mỗi cuốn lại miêu tả một kiểu, mỗi thời kỳ lại vẽ một khác.

Đây là một khó khăn trong việc đưa ra khuôn mặt hoàn chỉnh của nhân vật được tất cả người dân Trung Quốc biết tới. Dư luận cũng như giới chuyên môn đang tranh luận về 2 người phụ nữ (ở độ tuổi hơn 20 và hơn 40) được an táng cùng Tào Tháo.

Người coi đó là vợ và người hầu, nhưng có người lại cho rằng, cả hai đều là vợ, song có người khẳng định, cả hai đều là người hầu. Cả ba nhận định này đều có lý và chưa có tài liệu hay chứng cứ nào khẳng định, tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, lúc sinh thời Tào Tháo có rất nhiều vợ, nhưng chỉ có 6 bà được ghi vào sử sách cùng 25 người con.

Trong khi nhiều người đang "phát sốt" trước sự nóng lên của chủ đề "mộ Tào Tháo", thì những người bình tĩnh đã đặt ra câu hỏi - nếu những phản biện của giới chuyên môn là đúng thì ai và mục đích của việc tạo ra sự kiện này là gì. Tạm gác lại những mục đích "có lý", chỉ đề cập tới việc đặt hơn 200 di vật vào trong mộ, xóa dấu vết tài tình tới mức giới khảo cổ, sử học, chuyên môn không thể phát hiện ra quả là một kỳ tích.

Nếu đúng như vậy thì số cổ vật kể trên được tìm thấy ở đâu bởi chúng có niên đại phù hợp với đời nhà Hán. Mục đích của chủ nhân số cổ vật này là gì... đều là câu hỏi chưa có lời đáp. Vì lăng mộ đã bị đột kích nhiều lần trước khi các nhà khảo cổ khai quật hồi tháng 12/2008 nên cơ quan chức năng đang cố gắng thu hồi những đồ vật đã bị đánh cắp.

Thứ sáu, thực tế hiện hữu. Mộ Tào Tháo được khai quật tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, nơi từng là cố đô của hơn 20 triều đại phong kiến Trung Quốc. Mộ Tào Tháo có hình chữ Giáp với tổng diện tích hơn 740m2, được xây bằng đá hình chữ Trung và chia làm tiền thất cùng hậu thất.

Giữa tiền thất và hậu thất có một lối đi. Mái tiền thất và hậu thất là mái tứ giác. Hai bên đông tây của tiền thất và hậu thất đều có một nhĩ thất. Đây là cách bài trí của một đế vương. Qua giám định, ngôi mộ này có niên đại khoảng 1.800 năm trước, phù hợp với thời gian Tào Tháo qua đời.

Hiện có thông tin nói rằng, ngôi mộ được phát hiện (tháng 12/2008) khi một số công nhân tại một lò nung gần đó đào đất để làm gạch. Và cơ quan chức năng chỉ biết việc này sau khi nhà chức trách phát hiện và tịch thu những tấm thẻ bài bằng đá có khắc chữ "Ngụy Vũ Vương", tên gọi Tào Tháo lúc qua đời.

Tuy đã họp báo, nhưng giới khảo cổ vẫn tiếp tục khai quật cho dù đã tiến hành khoảng một năm để tìm thêm những bằng chứng có sức thuyết phục hơn

Tuấn Cường - Quỳnh Trang (tổng hợp)
.
.