Khi âm nhạc đỉnh cao Việt Nam vươn ra thế giới

Thứ Tư, 18/04/2018, 19:53
Vừa qua, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam - đơn vị được Trung ương Đoàn giao làm thường trực Ban Tổ chức giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, đã trao giải thưởng cho em Trần Minh Châu, 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017”.

Điều đặc biệt hơn, Châu chỉ là một trong số các gương mặt trẻ đạt được các giải thưởng danh giá về âm nhạc hiện đang là học sinh học sơ cấp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nôi âm nhạc này đã và đang đào tạo được rất nhiều tài năng âm nhạc bác học không chỉ cho quốc gia mà lớn hơn, các em đã vươn xa trên tầm quốc tế.

Từ khắt khe trong tuyển chọn...

Khi thực hiện phóng sự này, tôi có dịp nhiều lần đến Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Khung cảnh trong trường luôn là sự yên lặng đến độ chỉ nghe thấy tiếng vọng âm thanh từ các khung cửa lớp. Đi dọc các hành lang, các khuôn cửa khép kín, chỉ còn một ô cửa kính nhỏ trong lớp học.

Nhìn vào bên trong tôi cảm nhận được sự miệt mài đến cao độ của từng cháu nhỏ bên bàn phím. Các thầy cô ngồi bên cạnh uốn nắn, chỉ dạy cho các con những nốt nhạc đầu đời, để một ngày không xa các con vươn ra thế giới.

Ở một ô cửa khác, là cảnh một bé gái đang lăn dài những giọt nước mắt trên gương mặt non nớt, tay vẫn lướt trên phím đàn, cháu bị cô giáo mắng vì quên ôn bài... Xa xa, tôi lại gặp cảnh người ông đi xe máy đón cháu về nhà, dáng cô bé gầy gò nhưng cứng cáp đeo hộp đàn violon sau lưng.

Nghệ sĩ piano “nhí” Trần Minh Châu tự tin trên sân khấu.

Cô bé tên là Thanh Mai, học sinh lớp 5 trường Thịnh Hào, con vẫn mặc nguyên áo đồng phục của trường vì tan học lúc 4 giờ là ông đã đón về học nhạc tuần 2 buổi tại Học viện Âm nhạc, sau đó về nhà, 6 giờ lại học tiếng Anh. Theo lời của ông ngoại con thì “Học nhạc Tây phải biết tiếng Tây chứ!”.

Thanh Mai bảo, con học cũng vất vả lắm, tối về nhà con vẫn phải làm bài tập, vừa phải tập đàn, nhiều khi mệt lắm nhưng vì con thích nên vẫn nỗ lực hằng ngày.

Hẹn nhiều lần tôi mới được gặp GS.NGND Trần Thu Hà. Bà nguyên là Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, một giáo sư đầu ngành piano của Việt Nam, người đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ cho đất nước. Hiện nay, bà đã nghỉ quản lý song bà vẫn tiếp tục giảng dạy nhiều học sinh ở các trình độ

 Học sinh Trần Minh Châu nói trên, cũng chính là học sinh của lớp sơ cấp piano do NGND Trần Thu Hà giảng dạy. Nghệ sĩ Trần Thu Hà chia sẻ: Để có nguồn đạo tạo các tài năng, chúng tôi phải khắt khe ngay từ khâu tuyển sinh. Học sinh tuyển đầu vào từ năm 9 tuổi. Và không có nghĩa là 9 tuổi vào học từ đầu mà yêu cầu các con đã phải đảm bảo học trước đó vài ba năm để làm quen cũng như có kỹ năng nhất định về piano rồi.

Trong quá trình tuyển chọn, chúng tôi phải đảm bảo được các tiêu chí về năng khiếu âm nhạc, kiểm tra thẩm âm, tiết tấu, cảm nhận âm nhạc, kể cả vóc dáng cơ thể nữa. Khi được tuyển chọn vào trường thì mục tiêu của các cháu là học chuyên ngành và được trang bị theo hướng đào tạo chuyên nghiệp, chính vì thế nên các cháu phải phải đảm bảo một khối lượng bài vở nhất định hằng năm.

Trong kỹ năng đánh đàn thì phải khắt khe ngay từ lúc đặt tay lên bàn phím phải như thế nào, rồi dần dần các cháu phải đàn được nhiều tác phẩm khó ở trình độ cao, điều này đòi hỏi tương đối lâu dài.

9 tuổi vào thì các cháu sau 1 năm phải hoàn thành bài vở, các tác phẩm nằm trong giáo trình quy định. Chẳng hạn 1 năm các cháu phải hoàn thành 4 kỳ thi, 2 kỳ thi giữa kỳ và 2 kỳ thi cuối năm. Trong 2 kỳ thi này thì phải đảm bảo được kỹ thuật nhất định cũng như thuần thục các bài quy định trong giáo trình.

Riêng về giáo trình thì nằm trong khung chương trình của Khoa Piano được Ban Giám đốc Học viện thông qua. Giáo trình sẽ do những giáo viên, giáo sư có kinh nghiệm soạn thảo và vài ba năm sẽ có chỉnh sửa để hoàn thiện, nâng cấp cho phù hợp với xu thế của thế giới.

...đến công phu đào tạo

Đào tạo âm nhạc đỉnh cao nên học sinh thi đỗ vào trường luôn phải tự nỗ lực để học tập. Mỗi năm trung bình Khoa Piano tuyển chọn đầu vào khoảng 30-40 cháu (từ 9 tuổi), nhưng lên đến trung cấp thì đọng lại được còn một nửa thậm chí là ít hơn, vì trong quá trình học thì luôn có sự sàng lọc và đào thải.

Tại Học viện Âm nhạc, các cháu vẫn học song song năng khiếu và văn hóa vì thế, những cháu không tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì sẽ trở về với việc học văn hóa và sẽ đi theo một hướng khác phù hợp hơn với khả năng của các cháu. Nói thể để biết rằng con đường khổ luyện để thành tài thì ngoài sự yêu thich, niềm đam mê thì còn có sự quyết tâm, vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là rơi nước mắt, tê bàn tay để có thể theo đuổi được đến cùng với con đường âm nhạc chuyên nghiệp, xa hơn nữa là đạt được những giải thưởng danh giá của quốc tế, đi tu nghiệp tại nước ngoài, trở thành những tên tuổi lớn của thế giới...

Điều vui mừng nhất, theo giáo sư Trần Thu Hà là học sinh nhiều thế hệ của bà, lớp nào cũng có những tài năng để bà có dịp truyền hết “ngón nghề”, đi thi đấu để mang vinh quang về cho nhà trường, cho đất nước. Cách đây mấy năm, cháu Linh Chi đoạt các giải thưởng danh giá như: Giải nhất Tài năng âm nhạc quốc gia - Concours mùa thu 2007 (bảng 10-15 tuổi); Giải nhất Piano cuộc thi âm nhạc quốc tế Jakarta 2009 (bảng dưới 13 tuổi).

Năm 2010, Đỗ Hoàng Linh Chi trở thành thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đoạt giải tại cuộc thi piano quốc tế lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam (diễn ra từ ngày 5 đến 13-9-2010): giải nhì bảng A, lứa 10-13 tuổi. Năm 2014, Linh Chi đạt giải nhất quốc gia cuộc thi Steinway National Youth Piano Competition tổ chức tại TP HCM. Em còn trở thành đại diện của Việt Nam tham dự 2nd Steinway Asia Pacific Regional Finals diễn ra ở Singapore và xuất sắc giành giải nhì chung cuộc.

Và không chỉ có thành tích nổi bật về chơi piano, Linh Chi còn 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi tại trường, được xét đặc cách tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng vào đại học của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy (ảnh trái) và nghệ sĩ Thục Anh, trưởng khoa Piano.

Hay như học sinh Quách Hoàng Nhi, hiện đang theo học song song lớp 8 trường phổ thông liên cấp Olympia và hệ sơ cấp piano do giáo sư Trần Thu Hà giảng dạy từng đoạt giải Vàng cuộc thi Piano quốc tế châu Á tổ chức ngày 26-7-2012 tại Cheonan - Hàn Quốc. Giải Nhất bảng A cuộc thi Piano quốc tế Mozart lần thứ III tổ chức ngày 22 – 25-7-2013 tại Bangkok - Thái Lan. Giải nhất bảng B về piano cuộc thi âm nhạc quốc tế Valtidone 2014 lần thứ 17 tổ chức năm 2014 tại Piacenza-Italia...

Giải Nhất Bảng B tại cuộc thi Piano Quốc tế Flame năm 2017 tổ chức tháng 7/2017 tại Paris (Pháp). Giải Nhất tác phẩm của Kabalevsky hay nhất tại cuộc thi Piano Quốc tế trực tuyến năm 2017 tổ chức ngày 30-12-2017.

Khi được hỏi về việc theo đuổi con đường trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, Nhi chia sẻ: Đối với con, học nhạc là một niềm đam mê, khổ luyện và dù đến nay, đã đạt được khá nhiều thành tích nhưng thực sự để xác định được một con đường chuyên nghiệp còn là một câu chuyện dài, vì Hoàng Nhi vẫn biết rằng, trên con đường vinh quang có quá nhiều điều phải nỗ lực và chắc chắn thành công không đến với những người lười biếng.

Âm nhạc, ngoài tài năng còn là sự khổ luyện, mà chính Nhi đã từng nếm trải đủ ngọt bùi, cay đắng và nước mắt nhọc nhằn. Đối với Nhi, những giải thưởng rất quý và tạo động lực để phấn đấu hơn nữa vì âm nhạc và mục tiêu mà em sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành trong tương lai là được đi du học và được trở thành một nghệ sĩ piano biểu diễn trên sân khấu.

Điểm tựa vững chắc

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, một người đã nổi danh từ những năm 90 với các giải thưởng âm nhạc quốc tế danh giá, sau đó đi du học và ở lại nước ngoài làm việc, mới đây anh trở về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã chia sẻ: Thực ra, cái nôi đào tạo ban đầu bài bản và chuyên nghiệp tại Việt Nam đã cho anh điểm tựa vững chắc để tiếp tục hành trình đi ra thế giới. Hơn bao giờ hết, những người thầy, người cô tuyệt vời đã trang bị cho anh hành trang cuộc sống, kiến thức âm nhạc, cùng với sự khổ luyện trường kỳ giúp anh có thể đi xa hơn trên con đường âm nhạc.

Quyết định trở về Việt Nam đối với anh bây giờ là một sự đúng đắn vì anh đang được làm công việc yêu thích của mình, vừa biểu diễn, vừa truyền đạt kiến thức cho những thế hệ kế tiếp. Với anh, công việc của một người thầy cũng đầy sự cao quý và anh đã có thể yên tâm được rằng, những gì mình tiếp nhận, được cảm thụ, đều đang giúp ích cho một tài năng nào đó trong tương lai.

Có lẽ kỳ vọng của nghệ sĩ Bùi Công Duy cũng là ước mong của nhiều nghệ sĩ “nhí” tại Học viện Âm nhạc đang nuôi dưỡng ước mơ cho mình. Phụ huynh của cháu Trần Minh Châu, người đã được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2017 khi được hỏi về quá trình dìu dắt con gái mình từ số 0 đến bây giờ đã chia sẻ: Đây là cả một quá trình và nỗ lực của cả gia đình, từ ông bà, bố mẹ và những người thân thích. Bởi vì ban đầu, Minh Châu cũng như các chị em trong gia đình mình, học nhạc, học vẽ để biết thêm một môn năng khiếu.

Đến khi con thích, rồi đam mê là cả một quá trình nhọc nhằn, theo đuổi, đón đưa, rèn giũa thậm chí là thúc giục, quát mắng để có được một Minh Châu tự tin, linh hoạt và phiêu linh trên sân khấu, dành những giải thưởng cao tại đấu trường quốc tế, mang vinh quang về cho gia đình, nhà trường, thây cô...

Khi được hỏi về ước mơ của mình trong tương lai, Minh Châu cho biết: “Ước mơ lớn nhất của con là được trở thành một nghệ sĩ piano, được đi biểu diễn trên khắp thế giới, được mang piano và nhạc cổ điển đến với nhiều khán giả hơn. Có một bản nhạc mà con rất yêu thích đó là bản “Hungarian Rhapsody số 11” của nhà soạn nhạc Franz Liszt và con ước mơ sẽ được chơi bản nhạc này nhiều lần hơn nữa trên các sân khấu sau này”.

Theo lời cô giáo Thục Anh, Trưởng Khoa Piano, khi các con vào học tại Học viện Âm nhạc là xác định theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Điều khó khăn nhất là ở độ tuổi các con còn bé nên các thầy cô vừa dạy vừa dỗ, vừa uốn nắn. Người thầy đòi hỏi kỹ năng sư phạm và sự tận tâm thì các con ngoài năng khiếu âm nhạc trời cho còn phải sự đam mê, hăng say luyện tập, dùi mài mọi lúc, mọi nơi cùng sự quyết tâm đi đến cùng với nghệ thuật.

Điều này cần thêm sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình các con. Sự giám sát, tập luyện hằng ngày, hằng giờ, thậm chí, đã đi theo âm nhạc chuyên nghiệp có nghĩa là bàn tay gắn với cây đàn và “ăn ngủ” đôi khi cũng chỉ nằm mơ thấy nó...

Cánh cửa mở ra cho các tài năng âm nhạc đỉnh cao thật hẹp, song, nó đã và đang bắt đầu có lối đi đủ rộng cho một thế hệ các mầm non của đất nước đang vươn xa, khẳng định mình và tiếp nối các thế hệ cha anh. Hằng năm, các em đã đánh dấu tên tuổi Việt Nam qua những giải thưởng âm nhạc đỉnh cao, danh giá, chứng tỏ, những tài năng nhí đã và đang làm được một điều phi thường để khẳng định rằng, cái nôi âm nhạc Việt Nam, những ngươi thầy người cô yêu thương, dạy dỗ cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các em, đã đến ngày hái quả ngọt.

Thiên tài Edison đã từng nói, trong thành công có 99% là mồ hôi, chỉ có 1 phần trăm là do trời phú. Hy vọng rằng, với tất cả những điểm tựa vững chắc từ phía gia đình, nhà trường và cả xã hội đang mong chờ, chúng ta sẽ có một thế hệ những nghệ sĩ “nhí” làm nên được những kỳ tích để đánh dấu thêm tên tuổi Việt Nam trên bản đồ âm nhạc thế giới...

Phương Nhi
.
.