Khi bảo tàng… thành nơi dịch vụ

Thứ Hai, 12/11/2012, 21:00

Với trọng trách lưu giữ những cổ vật, hiện vật… mang những giá trị tinh thần vô giá trường tồn cùng cả chiều dài lịch sử dân tộc nên cơ ngơi của những nhà bảo tàng luôn được ưu ái bố trí tại những vị trí đẹp trong thành phố. Thế nhưng, từ bao lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý là cơ ngơi bề thế, vị trí đắc địa ấy của những nhà bảo tàng gần như chỉ để phục vụ cho các loại hình dịch vụ, kinh doanh không hề liên quan gì đến vai trò truyền bá những giá trị lịch sử. Dạo một vòng quanh nhiều bảo tàng lớn ở TP HCM mà ngậm ngùi thay cho sự “mặn mà” của hậu thế…

Vào bảo tàng, đụng... cô dâu chú rể

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh "nằm im lìm" theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trên con đường Lê Duẩn tuyệt đẹp với điểm đầu là Dinh Thống nhất, chứng tích lịch sử của đất Sài Gòn với tên gọi dưới chế độ cũ là "Dinh Độc lập" hay "Phủ đầu rồng" và điểm kết là Thảo Cầm Viên đã trên trăm năm tuổi. Bảo tàng này còn nằm giáp lưng với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, nhưng chẳng mấy sinh viên quan tâm trong bảo tàng này trưng bày những gì. Không thể trách nhiều sinh viên hồn nhiên gọi đây là "bảo tàng tiệc cưới" vì ngay trong sân bảo tàng, một nhà hàng tiệc cưới treo biển "Hoàng Long" to tướng, với chiếc xe tăng hiện vật đặt ngoài trời vô tình được biến thành vật… trang trí "khó đụng hàng".

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nằm trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, cũng chỉ tưng bừng cảnh "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" vào những ngày diễn ra tiệc cưới. Gần trọn dãy tầng trệt của bảo tàng đã khoác lên mình bộ dạng của những sảnh cưới tươi vui cùng hàng ghế phủ vải trắng đính nơ sau lưng, sân khấu lập lòe ánh đèn màu cùng bong bóng đỏ xanh giăng khắp lối. Nhìn các cặp cô dâu chú rể xúng xính trong bộ cánh của "ngày đẹp nhất trong đời người" cùng khách mời rạng rỡ tạo dáng dưới chân bức tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bỗng thấy bà như lạc lõng, đau đáu như muốn gửi lời tự sự: hãy hiểu nỗi lòng của mẹ cùng những liệt nữ anh hùng khác đang bùi ngùi trong hiu quạnh.

Không ồn ã với tiệc chiêu đãi, tiệc cưới cuối tuần, nhưng "tao nhân mặc khách" thích lui tới Bảo tàng Mỹ thuật không phải vì các họa phẩm trưng bày trong các gallery thuê mặt bằng của bảo tàng mà vì sức hút của dãy quán cà phê sang trọng, dù che giăng kín một góc sân và logo choáng lộn. Sinh hoạt nghệ thuật duy nhất của bảo tàng này trong những ngày chúng tôi đến là... chuẩn bị làm lồng đèn trung thu cho các em nhỏ. Không cần tổ chức tiệc cưới xập xình nhã nhạc nhưng bóng dáng cô dâu chú rể hầu như ngày nào cũng dập dìu ở Bảo tàng TP HCM (65, Lý Tự Trọng, quận 1).

Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh cùng hoạt động với... nhà hàng tiệc cưới Hoàng Long.

Tòa nhà Dinh Thống đốc Nam Kỳ có từ năm 1890, sau đó là Dinh Gia Long này rõ ràng là một công trình kiến trúc đầy sức hút cho các… tay máy tạo phông nền. Tòa nhà theo kiến trúc tân cổ điển màu trắng xám trang nhã, các tượng điêu khắc, họa tiết trau chuốt, hành lang rộng mênh mông ngập tràn ánh sáng. Chiếc cầu thang rộng lớn giữa sảnh chính tỏa lối đi về hai hướng của bảo tàng thật phù hợp để làm... phông nền cho những bức ảnh lãng mạn. Chỉ với giá vé 400.000đ/đôi, vậy là cô dâu chú rể tha hồ tung tăng tạo dáng trong khuôn viên tòa nhà tuyệt đẹp này.

Lúc tôi đến chỉ mới 9 giờ sáng mà cả sảnh tầng trệt của bảo tàng đã rộn ràng vì... 3 cặp đến chụp ảnh đám cưới. Không kể đến những nhân vật chính, thợ ảnh, người phụ máy, người lo ánh sáng… "dàn quân" chiếm hết khu vực gần đó. Những du khách tham quan bảo tàng ngại ngần đi rón rén phía trong các gian trưng bày, thậm chí không dám thò chân ra khỏi cửa vì sợ... vô duyên chường mặt trong những bức ảnh kỷ niệm của các cô dâu chú rể.

Ngoài tiền sảnh, thợ trang điểm, nhân viên áo cưới, thợ làm hoa, phụ tá... đứng ngồi la liệt. Hoa cô dâu, đèn chụp ảnh, váy áo, vali được họ bày đầy ra giữa tòa nhà. Một bà mẹ dắt con đi bảo tàng đang chỉ trỏ giải thích cho con lập tức được nhiếp ảnh gia lịch sự yêu cầu: "Né giùm em, chị ơi! Nhìn qua phải, qua phải một chút… đúng rồi, chú rể cười lên!". Trên tầng 1, nhiều du khách cứ quẩn quanh ngoài hành lang không dám đi xuống dưới, chỉ vì... cô dâu chú rể đang tạo dáng, chọn kiểu chiếm hết cả cầu thang.

Không chỉ làm kinh tế ở phần ruột tòa nhà, Bảo tàng TP HCM còn tận dụng luôn cả hiện vật trưng bày ngoài sân. Ngay sân sau của bảo tàng, có  4 chiếc xe hơi hiện vật được gắn biển chú thích rõ ràng. Như trên một chiếc có dòng chữ: "Xe Lambro 550, Ban quân sự Thành Đoàn dùng vận chuyển chất nổ TNT, súng AK 47, dây cháy chậm, kíp nổ từ những cơ sở ngoại thành vào nội thành sử dụng trong Tết Mậu Thân 1968". Tuy nhiên, điều lạ lùng là cả 4 chiếc xe này lại nằm trong "quy hoạch" của một quán cà phê sang trọng ở mặt đường Lê Thánh Tôn của bảo tàng. Khách ngồi bàn chuyện làm ăn rôm rả trong tiếng nhạc du dương. 4 chiếc xe được xếp vào một góc của quán như thể đây là món đồ chơi xa xỉ mà chủ quán bỏ tiền ra mua về để làm vật trang trí.

Có lẽ trong số những bảo tàng ở TP HCM, Bảo tàng TP HCM là biết "làm ăn" hơn cả. Ngoài dịch vụ cho thuê chụp ảnh, bán cà phê, sân của bảo tàng cũng trở thành bãi giữ xe hơi, nơi cho thuê quay phim, chụp ảnh, quay clip. Ngoài mặt đường Lê Thánh Tôn của bảo tàng là 6 cửa hàng buôn bán đủ các loại hình, từ chụp ảnh đến làm tóc. Một kiốt nhỏ trên cùng mặt đường này có giá đến hàng ngàn "đô" một tháng...

Cả khu nhà tầng trệt Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ đã trở thành trung tâm tiệc cưới.

Tại sao khách tham quan thờ ơ?

Bạn Nguyễn Kiều Linh, sinh viên Đại học Văn hóa, cho biết: "Công bằng mà nói là mình không thích đi bảo tàng vì cảm thấy nó chán và khô khan. Mình cảm thấy bảo tàng chưa có sức thu hút  bởi hiện vật trưng bày đều có hình ảnh trong sách vở hết, nên mình thấy chưa đủ để gây hứng thú cho mình khi nghe tiếng: đi bảo tàng!".

Kiều Linh chỉ là một trong rất nhiều sinh viên đến bảo tàng hiện nay theo yêu cầu của nhà trường hoặc môn học, hoặc chuyến đi tham quan truyền thống. Họ đi vội vàng qua từng phòng, vội vàng kết thúc buổi tham quan rồi rời khỏi bảo tàng ngay khi xong phận sự. Tiếng loa giới thiệu ồn ào của hướng dẫn viên chen với tiếng nói chuyện rôm rả vô tư của các bạn học sinh - sinh viên có thể thấy ở bất kỳ bảo tàng nào.

Thông thường, ở nhiều bảo tàng, chỉ khi có các đoàn khách du lịch hoặc khách nước ngoài vào tham quan theo lịch trình mới có hướng dẫn viên trực tận tình làm nhiệm vụ thuyết minh. Nhiều khách vãng lai khi bước chân vào bảo tàng còn không biết có hướng dẫn viên để cho mình hỏi han, nghe giới thiệu, phải tự mày mò, tìm hiểu. Có thể nói, thái độ thiếu quan tâm này của những hướng dẫn viên "chủ nhân" của bảo tàng đã truyền cho du khách sự lạnh lùng, hờ hững đối với nơi họ đặt chân vào.

Một buổi sáng chụp ảnh cưới lộn xộn ngay giữa sảnh lớn của bảo tàng TP HCM. Các cặp đôi, ê kíp chụp ảnh đã choán hết các cửa ra vào, khu hành lang và cầu thang chính.

Bạn Vũ Thị Thanh Tuyền, sinh viên ngành Quản lý văn hóa nghệ thuật thẳng thắn cho biết: "Đi bảo tàng chỉ cần 1 lần là đủ để biết, chứ lần thứ hai thì chắc không! Bảo tàng phải có các đợt triển lãm theo chuyên đề thì mới làm người ta quay lại lần nữa hoặc giới thiệu cho bạn bè đến tham quan chứ!".

Sự lạnh nhạt cộng với sự thiếu chăm sóc nhiệt tình của các bảo tàng đã làm những công dân trẻ ít quan tâm hơn đến những hiện vật và câu chuyện của lịch sử. Khi chúng tôi trao đổi thực trạng này với Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, bà chia sẻ: "Do nhiều yếu tố xã hội nên chúng ta chưa có thói quen xem bảo tàng như là một sinh hoạt văn hóa, đa số chỉ nghĩ bảo tàng là cổ vật, mà cổ vật thì chẳng liên quan gì đến đời sống hàng ngày của mình, thế là không có hứng thú lắm. Hơn thế nữa, phần lớn các nhà bảo tàng hiện nay không có gốc là công trình được xây để làm bảo tàng. Điều đó dẫn đến nội thất bảo tàng chưa phù hợp với công năng, chức năng trưng bày bị hạn chế, làm giảm đi rất nhiều sự hấp dẫn của hình thức và nội dung hiện vật. Ngành du lịch đã thiết kế nhiều tour "phải" coi các bảo tàng là điểm đến bắt buộc khi đến thăm thành phố. Nhưng liệu các hướng dẫn viên có coi trọng việc đưa khách tham quan bảo tàng hay không? Nhiều đoàn khách cứ vừa xem vừa ồn ào, hướng dẫn viên cũng dùng loa nói ào ào thật nhanh, xong hết rồi đi tham quan chỗ khác, ăn uống chỗ khác. Các bảo tàng ở TP HCM hầu hết phải làm dịch vụ thêm để có thể trang trải đời sống cho nhân viên. Nhưng vấn đề là mình tổ chức dịch vụ thế nào, phục vụ công chúng đến xem như thế nào. Người dân cần được nâng tầm ý thức bảo tàng là một địa chỉ văn hóa, khách sử dụng dịch vụ này không thể tùy tiện sử dụng bảo tàng như... nhà mình. Vì vậy cả bảo tàng và khách đến bảo tàng vì mục đích khác cũng cần có những ứng xử thể hiện sự tôn trọng những người khách có nhu cầu tham quan, nghiên cứu thật sự".

Để thực trạng đáng buồn này tồn tại từ bao lâu nay và phát triển đến mức... biến hình bộ mặt của bảo tàng, không thể quy hết trách nhiệm cho ban lãnh đạo của các bảo tàng, vì với ưu thế về cơ ngơi, mặt bằng thoáng rộng, vị trí đắc địa... tại sao lại không biết “tận dụng” để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên bảo tàng vốn vô cùng eo hẹp? Nhưng nếu cứ “hăm hở” làm kinh tế như vậy với đủ kiểu kinh doanh, đủ loại dịch vụ thì hình ảnh bảo tàng sẽ ngày càng méo mó, thế hệ trẻ thờ ơ quay lưng.

Chúng tôi thiết nghĩ, mỗi nhà bảo tàng cần quy hoạch rõ rệt khu vực làm dịch vụ và có thời gian biểu rõ ràng cho các nhóm quay phim, chụp ảnh. Mặt khác, các nhà bảo tàng cần nghiên cứu tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề, góp mặt vào đó không chỉ là các hiện vật mà còn kêu gọi sự tham gia của những “nhân chứng sống” để nâng tầm giá trị hiện vật, truyền tải trực tiếp những câu chuyện, hồi ức về các sự kiện mang tầm lịch sử nhằm thu hút du khách khi đến với bảo tàng.

Trang web bảo tàng sống èo uột

Ngay như trên trang web của các bảo tàng, nơi có thể dễ dàng đưa thông tin đến khách tham quan nhất, các bảo tàng cũng bỏ như “những ngôi nhà hoang phế”.

Ở địa chỉ http://www.hcmc-museum.edu.vn/tintuc/ default.aspx; Bảo tàng TP HCM không có bất cứ cập nhật, tin tức, giới thiệu trưng bày nào để mời người xem đến với mình. Ngay cả phần giới thiệu các cuộc triển lãm chuyên đề cũng chỉ được trình bày sơ sài vài dòng ngắn ngủi, không có cả hình ảnh hay tư liệu gì. Bảo tàng Mỹ thuật thậm chí không có bất cứ thông tin gì về tin tức, hiện vật trên trang web.

Bản tin “mới nhất” của bảo tàng này là một triển lãm tại Đại học dân lập Văn Lang cách đây... 7 tháng. Khá hơn một chút, http://baotangphunu.com/ của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có liệt kê các bộ sưu tập của bảo tàng ở một cột. Tuy nhiên, lời giới thiệu rất chung chung, sơ sài với hai tấm ảnh minh họa rất nhỏ.

Nếu thông tin ở các trang web này được cập nhật đầy đủ, hình ảnh tốt hơn và có cả những bài giới thiệu của chuyên gia, người bình luận, khách tham quan sẽ chú ý nhiều hơn đến các nội dung mà bảo tàng đang xây dựng cho người xem.

Khải Đơn - Lê Trần
.
.