Khi cái chết là một “món hàng thông tin” được ưa chuộng

Thứ Sáu, 01/07/2016, 16:35
Thời gian trước đây, khán giả truyền hình trên khắp thế giới đã có dịp chứng kiến những cảnh đẫm máu trên một đường phố ở Pristina, thủ phủ tỉnh Kosovo thuộc Liên minh Nhà nước Serbia và Montenegro lúc ấy: 2 khẩu súng máy xối xả nhả đạn vào dòng người đang xếp hàng mua bánh mì.

Nhiều tuần sau là tới cảnh những con người gầy gò như những bộ xương sau các hàng rào lưới thép. Trẻ em cụt chân, các xác chết mất đầu, rồi đôi mắt trợn trừng của một bé gái 12 tuổi bị hãm hiếp đến gần chết đang run rẩy kể lại trước ống kính ghi hình… Chỉ thiếu nước là khán giả được tự dấn thân và “chõ mũi” xuống những căn hầm trú ẩn thiếu điện nước, mà những người dân vô tội xứ Nam Tư cũ đang trốn tránh cái chết mà thôi.

Sự chết chóc luôn là đề tài được săn lùng nhiều nhất trong giới truyền thông hiện đại ngày nay. Một trong những nguyên nhân cơ bản của công tác thông tin hiện đại là tính thời sự. Nếu bạn muốn “nhào nặn” cái gì đó thành một vấn đề hẳn hoi, thì ngoài những lời nói “diễn cảm” ra, nhất thiết phải có hình ảnh “sinh động” đi kèm - những tấm hình hoặc các thước phim càng tốt. Còn chiến tranh luôn là một đề tài nóng bỏng kia mà(!).

Hình ảnh những người Pristina mất tích trong cuộc xung đột Kosovo.

Vì vậy giới phóng viên chuyên đi tìm kiếm các tư liệu để tạo dựng nên các vấn đề, ưa thích mọi điều liên quan đến chiến tranh và cái chết của đồng loại. Trong một xã hội thời bình, sự chết chóc chỉ thấy trên các giường bệnh hay tại các nhà dưỡng lão… Ở những nơi quá bình thường, thật khó mà viết cho hấp dẫn cũng như có ảnh đi kèm để có thể gây ấn tượng mạnh về “kiểu chết bình dị” đó.

Cái chết tức thì dạng “bất đắc kỳ tử”, hoặc “tranh chấp sinh tồn” cuốn hút khán giả màn ảnh nhỏ hơn nhiều. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi một lượng phóng viên đông đảo khắp hành tinh được “vũ trang” bằng máy ảnh chuyên nghiệp, camera ghi hình và máy ghi âm kỹ thuật số, họ sẵn sàng vứt bỏ các đề tài dang dở để tranh nhau đổ tới Kosovo bi thương trước đây, hay nhiều điểm nóng khác trên địa cầu hiện nay như Iraq, Afghanistan, Libya, Syria, những chốn Diêm vương đang vung lưỡi hái tử thần lên.

Còn chính những bài phóng sự chiến trường mà giới ký giả viết, hoặc quay camera trực tiếp đó được người ta xếp vào mảng “hot”(!). Điều này có nghĩa là những dạng tin “quyến rũ - cuốn hút” đang được săn lùng và sẽ được bán với giá rất cao… Nhiều nạn nhân đẫm máu của các băng nhóm tội phạm tại các đô thị lớn và văn minh cũng nằm trong mảng đề tài “hot” này.

Nhưng các hãng thông tấn phương Tây ngày càng khó tính bởi những pha bạo lực đường phố là vô số kể trong mỗi ngày, do vậy sự kiện Libya “đột biến” đã chiếm được chỗ cố định trên các chương trình truyền hình, y như các bản tin dự báo thời tiết vậy. Mọi người trong các địa danh thuộc xứ Libya tang thương càng bắn nhau bao nhiêu, thì khán giả màn ảnh nhỏ càng bị “bom - thông tin” dội xuống đầu nhiều bấy nhiêu.

Một ký giả Canada đang gửi tin “sốt dẻo” từ doanh trại NATO tại mặt trận Afghanistan.

Phản ứng từ những người có lương tri là phẫn nộ với các dạng thông tin “tại trận” ngày càng dài này. Nhưng sự phản đối kịch liệt của họ đành phải “quy hàng” bởi đề tài Libya là một cái gì đó mặc nhiên được công nhận. Họ trở thành những kẻ bất lực và dần bị phụ thuộc vào chính những “thông tin sốt dẻo” đó. Những cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong Thế chiến II đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng những hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến Lybia vẫn thống trị mảng tin thời sự truyền thông đại chúng khắp thế giới mỗi ngày.

Phải chăng sự độc ác đã chiếm được đỉnh cao, còn bản thân chúng ta lại tự an ủi rằng không phải như vậy? Các câu hỏi hầu như không có câu trả lời, chỉ có điều duy nhất tồn tại là những mảng tin chết chóc mới được truyền đi không mệt mỏi - trong từng khoảnh khắc thảnh thơi của chúng ta.

Tại Libya hay Syria, hàng nghìn người đã thiệt mạng, còn số người bị tổn thương về thể chất cũng như tinh thần thì không thể liệt kê hết được. Những xác chết và những thành phố bị thiêu rụi là những đống tro vô tận phả vào niềm tin, hy vọng cũng như tính khách quan của tương lai. Đạo quân phóng viên hiện hữu thường trực ở Afghanistan, Iraq, Syria và Libya là một minh chứng: cuộc chiến càng kéo dài bao nhiêu, những người làm tin trực tiếp tại đây, với hệ lụy là sự thờ ơ lãnh đạm với những sinh mạng của đồng loại càng bao trùm lên các sự kiện.

Và điều đáng sợ nhất hiện nay ở xứ sa mạc Libya không phải là tấn bi kịch của vùng Bắc Phi, không phải là sự sợ hãi cùng nỗi đau ê chề của những khuôn mặt ở Tripoli, mà chính là sự chai sạn đến hóa đá với số phận đồng loại - từ những kẻ quanh quẩn bên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày.

Thu Hường (theo LUnità)
.
.