Khi di sản không còn cơ hội để bảo tồn

Chủ Nhật, 25/08/2019, 10:55
Ở Nam Bộ nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn đang có nghịch lý diễn ra, người có chút ít tiền bạc và hiểu biết về thẩm mỹ, khi làm nhà mới thì thích làm nhà giả cổ hoặc chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mua xác nhà cổ về phục chế, dựng lại. Trong khi chủ nhân thực sự của nhiều ngôi nhà cổ đó lại “ghẻ lạnh” với chính nơi cư trú của bao thế hệ gia đình.

Những ngôi nhà cổ trở thành phim trường

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển, thành phố còn không đến 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu của nó. Ở thị trấn Nhà Bè có nhà của bà Trần Thị Kim Hồng và nhà ông Nguyễn Kim Chung. Hai ngôi nhà cổ này được gia đình chăm sóc, giữ gìn, kể cả các đồ xưa trong nhà còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn.

Vì thế mà nhiều năm qua hai ngôi nhà này còn được biết đến như “phim trường” của giới làm phim lịch sử. Bộ phim “Con thú tật nguyền”, “Dòng sông không quên”, “Mùa nước nổi”, “Ngọn cỏ gió đùa” và “Người Bình Xuyên”... đều có những cảnh quay ở đây.

Ở huyện Bình Chánh còn căn nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú, được xây dựng từ năm 1885. Ngôi nhà này không chỉ có kiến trúc cổ xưa mà còn mang dấu ấn lịch sử trong những năm kháng chiến chống Pháp. Một số cán bộ trong Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ khi đó như GS. Trần Văn Giàu, GS. Nguyễn Văn Chì, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Văn Vàng... xem ngôi nhà này như là điểm dừng chân trong quá trình công tác.

Nội thất ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Giác.

Tại thị trấn Hóc Môn có ngôi nhà cổ của bà Ngô Thị Anh Đào. Ngôi nhà này được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 ở Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 1942, chủ nhân chuyển toàn bộ khung nhà về địa chỉ hiện nay và được con cháu thay nhau chăm chút, giữ gìn nên còn khá nguyên vẹn.

Ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có 2 ngôi nhà cổ nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao của thành phố là nhà ông Huỳnh Hữu Thời và ông Nguyễn Văn Giác. Trong đó ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Giác được xây dựng vào năm 1883, có kiến trúc rất đẹp. Kể từ khi chính thức nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao vào năm 2002, ngôi nhà bắt đầu thiếu đi bàn tay chăm sóc của chủ nhân nên nội thất dần bị hư hỏng, thất tán.

Đến nay, gần 20 năm sau song ngôi nhà trông bên ngoài vẫn còn khá nguyên vẹn. Toàn bộ nền nhà được lót bằng gạch lục giác màu đỏ, loại gạch này rất hiếm thấy trong những căn nhà cổ khác ở thành phố hiện nay. Cả hai ngôi nhà này có nhiều dấu hiệu cho thấy đang đứng trước nguy cơ biến mất trong nay mai nếu không được sự quan tâm kịp thời và đúng mức.

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử thành phố) cho rằng trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều di sản kiến trúc không còn cơ hội cất lên tiếng nói của lịch sử với thế hệ mai sau.

Sự biến mất của những ngôi biệt thự cổ ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua có điểm giống nhau, đó là sự biến dạng bởi tư duy sử dụng của những chủ nhân kế cận và sự buông lỏng quản lý, không hiểu hết giá trị thực sự của ngôi nhà cổ. Điều này đã tàn phá khủng khiếp kiến trúc cũng như giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Muốn bảo tồn, phát triển di sản thì việc đầu tiên phải thay đổi là từ nhận thức. Phải thấy di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch.

Tinh hoa người thợ

Trở lại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Giác (1875-1970) được tạo dựng từ năm 1883, tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 4.000 m2, đến thời điểm này đã ngoài trăm năm và được xem là ngôi nhà cổ còn sót lại đẹp nhất ở quận 9. Vào năm 2002, ngôi nhà này từng được Ban quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh TP Hồ Chí Minh cùng UBND quận 9 ra văn bản chỉ đạo phường Tăng Nhơn Phú A đưa vào danh sách di tích kiến trúc nghệ thuật cần bảo vệ và giữ gìn để chờ ý kiến Hội đồng Xét duyệt di tích cấp thành phố.

Hiện ngôi nhà được gia tộc họ Nguyễn ủy quyền cho ông Nguyễn Minh Luận là cháu nội của ông Giác trông coi. Ông Luận là một họa sĩ khá thành danh và có nhiều tác phẩm dự thi.

Theo ông Luận, cụ Giác ngày trước là bậc danh Nho, hiệu Tấn Minh, một gia tộc danh giá từ Thuận Hóa vào khai phá vùng đất Thủ Đức - Gia Định từ những năm 1820, đến năm 1883 thì tạo dựng ngôi nhà này. Ngôi nhà của cụ Giác được kể lại là cụ tự vẽ thiết kế rồi ra tận xứ Huế mời tốp thợ độ mươi người vào đây dựng. Sau mấy năm, dựng xong nhà, tốp thợ được ông Giác mời ở lại để cất tiếp ngôi đình làng Tăng Nhơn Phú (nay là Tăng Nhơn Phú A - NV), cách nhà ông Giác chừng 200 mét trên đất của quan phủ Khải.

Để xác thực điều này, chúng tôi được ông Ngô Minh Hùng, Trưởng Ban tổ chức đình Tăng Nhơn Phú A cho biết, ông Giác ngày trước còn được gọi là huyện Giác. Một hôm huyện Giác cùng quan phủ Khải (Đặng Trung Khải) thách đố nhau một người cho đất, một người cho tiền để xây cất đình làng cho lương dân.

Quan phủ Khải dẫn huyện Giác ra chỉ tay vào cuộc đất, nói: “Đất tao đó mày có giỏi thì bỏ tiền ra cất đình cho dân làng đi. Mày giàu có muốn xây dựng bao nhiêu thì xây...”. Thế là huyện Giác sẵn có tốp thợ từ Huế vào làm nhà cho ông cũng vừa xong liền xuất tiền cho xây dựng luôn đình Tăng Nhơn Phú A. Đình xây dựng khoảng 3 năm mới xong, không ai biết huyện Giác bỏ ra bao nhiêu tiền hay bao nhiêu giạ lúa nhưng nhiều người trong làng đồn đoán là ông bỏ ra một số tiền rất lớn.

Cũng theo ông Hùng, ngôi đình này nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao cùng ngôi nhà của cụ Giác. Lúc đầu dự kiến giải tỏa nhưng về sau công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố nên được giữ lại và sửa sang khang trang hơn trước nhiều.

Bà Nguyễn Minh Nhị, cháu nội ông Nguyễn Văn Giác.

Trở lại ngôi nhà cổ của ông Giác, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ ngôi nhà có diện tích xây cất gần 500m2 . Nhà có 3 gian 2 chái, tiêu biểu cho kiểu kiến trúc nhà rường Huế còn sót lại ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Anh Luận nói, ngày trước ngôi nhà như một bảo tàng đồ cổ thu nhỏ. Nhưng kể từ khi gia đình nhận được quyết định công bố quy hoạch khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh vào năm 2002, toàn bộ đồ vật như tủ thờ, bàn ghế, liễn đối, hoành phi... nhiều đời lưu giữ đã bắt đầu thất tán, lưu lạc, chỉ còn lại khung nhà không cửa nẻo, sớm chiều “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đúng như lời người xưa nói “nhà hoang chết chủ”.

Toàn bộ khu nhà chính, Đông lang, Tây lang, nhà sau được bài trí theo hình chữ “khẩu”. Phần chính giữa chữ “khẩu” là khoảng trống được nhân tạo non bộ, hồ cá, cây hoa kiểng. Khuôn viên phía sau khu nhà có mạch nước phun lên từ lòng đất, tạo thành dòng suối nhỏ đủ nước tưới cho thảo mộc, kể cả vào mùa khô nắng hạn, làm xanh mát ngôi nhà cổ uy nghi. Đó là vào thời điểm chưa quy hoạch, còn giờ đây tất cả đã hoang tàn, đổ nát.

Theo ông Luận, từ khi có quy hoạch khu công nghệ cao thì một phần trong khuôn viên ngôi nhà cổ cho một hộ thuê làm xưởng sửa chữa cano. Hằng ngày bụi bặm từ xưởng bay phủ một lớp dày lên những vật dụng còn sót lại và gần như duy nhất trong nhà đó là bàn thờ cụ Giác. Thêm nữa, toàn bộ ngói ở ngôi nhà sau mấy năm thiếu bàn tay chăm sóc nên dần hư hại và có thể sập bất cứ lúc nào, cho nên một phần lớn ngói đã bị dỡ bỏ chỉ còn lại những cây đòn tay nằm chỏng chơ ngang dọc trên khung nhà trông giống thời bom đạn.

Người trông coi ngôi nhà nói dù rất muốn gìn giữ những gì còn sót lại của tổ tiên nhưng, do ngôi nhà đã công bố nằm trong quy hoạch gần 20 năm nay và đã nhận đền bù nên không thể trùng tu. Có điều lạ là từ ngày nhận tiền đền bù đến giờ hơn chục năm mà chẳng thấy ai yêu cầu mang xác nhà ra khỏi khu quy hoạch, phải chăng họ đã quy hoạch nhầm, anh Luận thắc mắc. Anh nói tiếp: “Hơn chục năm nay cả gia tộc họ Nguyễn đành xuôi tay đứng nhìn ngôi nhà của tổ tiên tan hoang trước mắt.

Dẫu biết rằng gia tộc không được phép níu giữ nhưng trong lòng vẫn còn le lói chút hy vọng nhà nước cho giữ lại ngôi nhà cổ để cùng với đình Tăng Nhơn Phú A tạo ra không gian văn hóa làng quê ngày trước còn sót lại rất mong manh, hơn thế nữa nó còn là chứng tích cho thuở đầu lập nghiệp của tổ tiên ở vùng đất Gia Định năm xưa. Nếu nhà nước cho giữ lại ngôi nhà, gia đình sẵn sàng và bảo đảm có đủ điều kiện phục dựng, tu bổ nguyên trạng giống như ngày trước, anh Luận khẳng định.

Ước muốn và cam kết bảo tồn

Anh Luận chỉ cho chúng tôi xem những tấm Huân, Huy chương Kháng chiến hạng nhất còn treo trên vách phía Đông lang ngôi nhà cho người có công lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngoài ra, cụ Giác còn có một số người con và cháu nội khác đóng góp nhiều cho hai cuộc kháng chiến, đó là liệt sĩ Nguyễn Minh Khiêm (Cang); bà Nguyễn Thị Hiếu, Việt kiều Pháp về Hà Nội làm việc năm 1960, sau năm 1975 bà Hiếu là Viện trưởng Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh... Chưa kể, trong hai cuộc kháng chiến, ngôi nhà được ghi nhận là nơi nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng.

Trong quá trình tìm hiểu về ngôi nhà cổ của ông Giác, một cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích TP. Hồ Chí Minh, nói ngôi nhà của ông Giác là một trong hai ngôi nhà cổ ở quận 9 có đủ điều kiện xếp hạng di tích nhưng do nằm trong khu vực quy hoạch giải tỏa nên không thể xếp hạng (ngôi nhà cổ thứ hai là của ông Huỳnh Hữu Thời, nằm cách nhà ông Giác chừng 150 mét cũng đã được định đoạt số phận từ năm 2002 - NV).

Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Bình Thạnh, bị tháo dỡ năm 2018 khiến nhiều người nuối tiếc.

Cuối tháng 5 vừa qua, 4 người cháu nội của ông Giác là những người được thừa kế hợp pháp di sản của gia tộc họ Nguyễn đã gởi đơn xin cứu xét đến cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố, với ước muốn được giữ lại ngôi nhà cổ có trên 100 năm tuổi của gia tộc nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao của thành phố gần 20 năm qua.

Năm 2002, Ban quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh thành phố cùng UBND quận 9 đã có văn bản chỉ đạo phường Tăng Nhơn Phú A đưa ngôi nhà này và đình Tăng Nhơn Phú A vào diện xem xét bảo tồn. Vào thời điểm đó ngôi nhà và đình đều được công bố nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao. Tuy nhiên, đình Tăng Nhơn Phú A được công nhận di tích kiến trúc lịch sử cấp thành phố, còn ngôi nhà cổ của ông Giác thì vẫn... khổ.

Vì ngôi nhà được tạo dựng vào thời vua Tự Đức, những bức liễn, hoành phi... bằng chữ Nho đến giờ vẫn còn lưu lại. Một di sản kiến trúc hết sức độc đáo hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn thành phố. Ngôi nhà cùng với đình cổ Tăng Nhơn Phú A tạo nên không gian văn hóa truyền thống rất đặc trưng của làng quê Nam Bộ thanh bình. Bao nhiêu công sức của tổ tiên xây dựng, con cháu nhiều đời gìn giữ.

Tuy nhiên, kể từ khi nhận tiền đền bù vào năm 2002, đến nay đã gần 20 năm nhà nước cũng chưa yêu cầu giao đất, thế nên xác nhà vẫn tồn tại nhưng luôn trong tình trạng “chết lâm sàng”. Không riêng gì con cháu của chủ nhân ngôi nhà cổ, ngay cả những người ngoài gia tộc khi nhìn thấy và biết số phận ngôi nhà đều tỏ ra trăn trở, tiếc nuối. Bởi gia tộc họ từ nhiều đời trước đã định cư ở vùng đất này, sau khi ổn định cuộc sống, họ xuất tiền ra xây dựng đình Tăng Nhơn Phú A để tặng cho dân làng, một nghĩa cử đáng trân trọng. Đến thế hệ con cháu phát triển nối tiếp truyền thống cha ông, không tiếc công sức đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thực tế, theo người viết thì những ngôi nhà cổ ở quận 9 nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao, Sở Văn hóa và Thể thao từng tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh theo hướng giữ lại nếu các ngôi nhà đó có đầy đủ tiêu chí công nhận di tích, để từ đó Hội đồng Kiến trúc nghệ thuật đánh giá, kết luận. Tuy nhiên, đến nay thì số phận những ngôi nhà cổ nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao như nhà ông Nguyễn Văn Giác, Huỳnh Hữu Thời vẫn còn treo... lơ lửng.

Kỳ Phương
.
.