Khi đối mặt với bế tắc trong cuộc sống

Thứ Năm, 20/06/2013, 16:35

Trước những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống có những người tự biết xả stress, tìm cho mình những lối thoát. Tuy nhiên vẫn có không ít người không tìm được lối thoát và có những cách xử trí tiêu cực, gây cho bản thân và gia đình những đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý để tìm hiểu…

I. Cách đây ít hôm, người dân ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) xôn xao về vụ tự tử của một cô gái trẻ, mà nguyên nhân được cho là bế tắc trong tình cảm.

Khoảng 18h ngày 28/5 vừa qua, một số người dân tại nhà C19 khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, HN) phát hiện ra một cô gái đang ngồi "vắt vẻo" trên tầng thượng của khu nhà 5 tầng. Hai chân cô buông thõng xuống dưới đất, ý chừng chuẩn bị nhảy xuống. Nhiều thanh niên đã định xông vào giải cứu nhưng… bất thành, do cô gái dọa nếu ai đến gần là sẽ nhảy xuống đất (với khoảng cách gần 20 mét thì không biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô gái nhảy thật).

Khi mọi người đang rất hoang mang thì xuất hiện bác Đặng Đăng Vân (một cựu quân nhân, hiện trú tại phòng 504, C19). Bằng lời lẽ thông minh, bác Vân đã đánh lạc hướng cô gái, rồi áp sát kéo cô gái từ lan can vào được sân thượng. Tuy nhiên, cô gái vẫn vùng vẫy, giãy giụa, định đập đầu xuống đất như muốn quyết tâm phải quyên sinh bằng được.

Cơ quan chức năng đã có mặt và phải viện đến bác sĩ tiêm thuốc an thần cho cô gái, rồi cử một chiến sĩ công an cõng cô ta xuống đất. Tuy nhiên, cô gái vẫn tiếp tục vùng vẫy, khiến cho lực lượng cứu hộ phải buộc cô ta vào một chiếc thang rồi đưa dần xuống từng tầng. Cho đến khoảng 19h cùng ngày thì cô gái được đưa xuống an toàn, và sau đó được chuyển thẳng tới bệnh viện.

Bác Vân đang thuyết phục cô gái có ý định tự tử trên mái nhà.

Được biết, cô gái khoảng 20 tuổi, trú quán tại một tỉnh phía Nam. Cô gái này đã ra Hà Nội tìm việc được một thời gian. Hiện tại cô không ở nhà C19 mà ở một khu trọ khác gần đó. Do đã có lần đến khu tập thể C19 chơi với bạn bè nên cô biết được lối lên sân thượng. Thời gian gần đây, cô có chuyện buồn về tình cảm nên đã nảy ra ý định quyên sinh.

Cô gái đã được lực lượng cứu hộ đưa xuống an toàn.

Còn nhớ hồi tháng 3 vừa qua, người dân xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội) bàng hoàng khi phát hiện thi thể chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1982, trú tại xã Quảng Bị) trên khúc sông gần địa bàn xã. Điều đau đớn hơn là khi nhảy xuống sông quyên sinh, chị Thắm đã dùng vải buộc đứa con trai 5 tuổi vào bụng, trong khi chị đang mang thai một bé khác. Vậy là chỉ vì một phút quẫn bách mà 3 mạng người đã phải lìa trần.

Theo người thân của chị Thắm, chị vốn là một người ngoan hiền, tốt nết. Khi chị được anh Vũ Viết Quang (32 tuổi, người cùng thôn) hỏi về làm vợ, bà con làng xóm ai cũng mừng vì chồng chị là con một, lại mới đi xuất khẩu lao động về, vốn liếng rủng rỉnh. Nhà anh Quang ở ngay mặt đường lớn, rất thuận tiện cho việc kinh doanh. Chị Thắm trước đây làm công nhân, nhưng sau khi sinh con thì ở nhà trông hàng.

Mẹ đẻ của chị Thắm tâm sự cũng bắt đầu từ khi nghỉ làm, chị Thắm nhiều lần về nhà ngoại khóc vì nghĩ rằng mình bị coi thường. Ở nhà nuôi con, trông hàng nhưng chị Thắm hay bị nói bóng gió là "chỉ biết ăn sẵn". Bên cạnh đó, chị còn bị chồng đối xử vũ phu. Bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, chị Thắm vô cùng đau đớn, mệt mỏi. Bên cạnh đó, những lần về nhà ngoại giãi bày tâm sự thì lại bị bố đẻ "đuổi khéo". Vì "mày lấy chồng là con người ta rồi, không có kiểu cứ bám nhà ngoại mãi"…

Cô đơn, tủi phận nghĩ chẳng còn ai để dựa dẫm, che chở ý định quyên sinh đã nảy ra trong đầu người đàn bà bất hạnh này. Ngày 10/3/2013, chị Thắm lại bị chồng đánh mắng vì một chuyện chẳng đâu vào đâu. Nghĩ quẩn, chị đã buộc đứa con trai mới 5 tuổi vào bụng, rồi trẫm mình xuống sông. Mấy hôm sau thì xác mẹ con chị nổi lên…

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng đang thăm khám một trường hợp bệnh nhân nhập viện vì có ý định tự sát (ảnh trái) và khúc sông nơi mẹ con chị Thắm tự vẫn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia kể cho chúng tôi về nhiều ca tự tử mà Viện tiếp nhận trong thời gian gần đây. Bệnh nhân M. (22 tuổi) được đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia trong tình trạng rất nguy kịch. M. đã uống hàng trăm viên thuốc ngủ để tự tử vì cảm giác bị gia đình bỏ rơi.

Hồ sơ bệnh án của M. ghi: "Bệnh nhân luôn sống trong tâm trạng cô đơn cực độ với cảm giác lạc lõng, mình là người không ra gì, vô dụng và muốn chết đi cho đỡ khổ. Do không được đến với bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn và chẩn đoán, bệnh nhân ngày càng có những rối loạn sâu hơn về cảm xúc. Bệnh nhân tiếp tục cắt cổ tay để tự sát. Sau lần tự sát thứ hai bằng thuốc ngủ, bệnh nhân mới được đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia để điều trị…".

Một trường hợp khác bệnh nhân tên L. (21 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng 1/3 cánh tay trái bị đứt lìa và dùng chất gây nghiện quá liều.

L. đẹp trai, có năng khiếu ca hát. Trong mắt bạn bè, L. là thần tượng với nhiều tài năng nổi trội. Tuy nhiên, mối tình đầu tan vỡ khiến L. mất phương hướng. Sau một bữa tiệc sinh nhật của bạn, L. trở về nhà trong tâm trạng buồn chán, mệt mỏi. Và L. đã "cắn" nhiều thuốc lắc, sau đó dùng dao tự chặt vào cánh tay của mình để kết liễu cuộc đời.

Hiện tại, L. đang vừa phải kết hợp trị liệu vết thương vừa phải trị liệu tâm thần.

II. Khi chúng tôi gặp Tiến sĩ tâm lý học Trịnh Trung Hòa để trao đổi về những hậu quả tiêu cực có thể xảy đến khi người ta gặp chuyện quẫn bách, bế tắc trong cuộc sống - chẳng ngờ đây cũng là vấn đề ông trăn trở bấy lâu.

Ông cho biết mỗi năm ông phải tư vấn cho hàng trăm trường hợp tự tử (và chuẩn bị tự tử) có chung một nguyên nhân là do cá nhân không biết xử trí những "khủng hoảng" trong đời sống. Có ca do bố mẹ đặt quá nặng áp lực học hành vào đứa con, khiến các cháu khi không đáp ứng được thì nảy sinh ý định tiêu cực. Lại có ca bệnh nhân bị lệch lạc về giới tính, tuy nhiên bố mẹ không hiểu mà lại quay ra chửi mắng, bảo con là bệnh hoạn…

Mới đây thôi, một thanh niên ngoài 20 tuổi đến nhờ ông tư vấn cho trường hợp người chị gái của mình. Chị này tên là Tâm, hiện đang công tác tại một công ty liên doanh lớn ở Hà Nội. Khác với nhiều trường hợp, chị Tâm là cô gái khá xinh, năng động, làm ra tiền. Và cũng vì như thế mà chị rất tự tin, có phần "cành cao" trong chuyện tình cảm. Ngoài 30 tuổi rồi mà chị chưa yêu ai (và cũng chẳng ai yêu chị).

Bà mẹ thì sốt ruột, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Cô chị nhìn bạn bè mình người đang yêu thì chia tay cũng nhiều, mà người đã lập gia đình thì lục đục cũng lắm nên lại càng "sợ yêu". Từ một "hot girl" dần dà chẳng còn ai thèm đoái hoài đến chị nữa. Sợ con gái thành "bà cô" nên bà mẹ ra sức mai mối, thúc giục, thậm chí đe dọa.

Một bữa, cậu em trai đã phải tá hỏa đến nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn, vì cậu tình cờ phát hiện cả chục vỉ thuốc ngủ trong ngăn tủ đầu giường của cô chị. Vậy là chỉ vì không thấu hiểu nhau trong cách sống, cách suy nghĩ mà bà mẹ suýt đẩy cô con gái mình đến bước đường cùng.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích, "bế tắc" là một trạng thái tâm lý của con người trong cuộc sống khi người ta không tìm ra được giải pháp giúp bản thân thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại; hoặc họ buộc phải làm điều mà họ không hề mong muốn mà chưa có cách để thoái thác". Cuộc sống hiện đại đã và đang gây nhiều áp lực với mọi giới, mọi lứa tuổi. Nếu không kịp thời giải tỏa, "xả stress" thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Có thể tạm chia ra những người có ý định quyên sinh ra làm hai loại. Một là đầu óc không bình thường và loại thứ hai là hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng chỉ một giây phút vì quá quẫn bách mà "nghĩ quẩn". Đối tượng thứ hai này hiện khá nhiều và rất đáng lưu tâm.

Đa số những người bế tắc là những người không hay thay đổi tư duy, cách nhìn, không sẵn sàng thay đổi chính mình. Là những người mất đi niềm tin trong cuộc sống vì nghĩ bản thân không như mọi người hay vì địa vị xã hội. Họ thấy mình quá nhỏ bé, thấy mình cô đơn, vô vọng, không dám đối diện với xã hội hiện thực. Họ thấy mình không may mắn hoặc cũng có thể "cái tôi" trong họ quá lớn, họ cố gắng bưng bít sự thật mà nói ra sợ mọi người chê bai, khinh bỉ...

Bởi thế, nếu như trong gia đình có người lâm vào tình cảnh như vậy thì những người còn lại phải có cách đối xử rất khéo léo, tinh tế. Cần phải tìm ra nguyên nhân, rồi trên cơ sở đó bàn bạc cùng tìm cách giải quyết. Thậm chí còn có thể nhờ đến pháp luật can thiệp.

Bên cạnh đó người thân, bạn bè còn có thể định hướng cho họ một tâm lý lạc quan về tương lai, về tình yêu và cuộc sống, hãy giúp họ hòa nhập với cộng đồng xã hội. Với cá nhân mỗi người, cách tốt nhất để thoát khỏi sự bế tắc của bản thân là mỗi khi gặp vấn đề gì khó giải quyết, hãy cố giải phóng tư duy của mình ra khỏi những rắc rối, những vấn đề hiện tại để hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Hãy tạm gạt bỏ những mớ bòng bong mệt mỏi để tham gia các trò chơi hay đi đến những địa điểm mình thích. Điều quan trọng hơn là tìm cách chia sẻ với người thân, bạn bè, nhờ tư vấn hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, mỗi người cần có trách nhiệm mở lòng,  quan tâm đến những người xung quanh; khi thấy ai đó có biểu hiện bất thường về tâm lý, tư tưởng, nên hỏi thăm chia sẻ để giúp họ vượt qua bế tắc, hướng tới những điều tốt đẹp phía trước.

Ngoài ra, cũng cần phân tích rằng cá nhân mỗi người từ khi sinh ra không chỉ sống cho bản thân mình mà còn vì những người thân yêu xung quanh như bố mẹ, anh chị em, con cái… Phải làm cho họ hiểu rằng, nếu như đặt trường hợp người thân của họ mà tự vẫn thì người còn sống sẽ khổ tâm biết dường nào. Nỗi đau đó sẽ ám ảnh suốt cả cuộc đời về sau. Nếu như nghĩ được như thế thì chắc sẽ không có hậu quả xảy ra.

Chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa cũng nhấn mạnh, để tránh những trường hợp đáng tiếc, các bậc phụ huynh phải giáo dục con em mình ngay từ nhỏ biết trân trọng cuộc sống, tránh lối sống ích kỷ, chỉ sống vì bản thân mình. Đồng thời nhận thức được thể xác này là do bố mẹ sinh ra, không được vô cớ mà hủy hoại; phải sống làm sao để cho bố mẹ vui, để đền ơn bậc sinh thành. Làm cho con cái hiểu rằng được sinh ra trong cuộc đời này là một may mắn lớn, và phải cảm ơn bố mẹ họ, noi gương bố mẹ làm tròn trách nhiệm với con cái mình. Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì vẫn phải vượt lên để nuôi nấng, làm tròn trách nhiệm với con cái

Hoa Sơn (minhtiendoan@gmail.com)
.
.